Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vladimir Putin đơn độc trong lễ mừng chiến thắng phát xít

Sự kiện được các báo Pháp ngày hôm nay chú ý nhiều là lễ mừng chiến thắng chủ nghĩa phát xít được tổ chức rầm rộ tại Moskva ngày hôm qua 09/05 và bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong Hội nghị về Tương lai Châu Âu, trước Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin trên khán đài tại Quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 09/05/2022. AFP – Mikhail Metzel

Lễ mừng chiến thắng tại Moskva hôm qua, được dư luận ở phương Tây chờ đợi từ nhiều ngày qua, cuối cùng đã diễn ra không hoàn toàn giống như dự đoán, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tránh lên gân đe dọa Ukraine hay phương Tây, cũng không có tuyên bố chiến tranh. Ông Putin chỉ nhân buổi lễ thể hiện sức mạnh quân sự của Nga và quyết tâm giành chiến thắng ở Ukraine. Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Putin, thủ lĩnh chiến tranh ngày càng đơn độc". Tờ báo ghi nhận, trong lễ mừng chiến thắng 09/05 hôm qua, "lần đầu tiên trong thời gian dài trị vì nước Nga, Vladimir đơn độc trên lễ đài tổng thống ở quảng trường Đỏ, xung quanh ông chỉ có vài tướng lĩnh và cựu chiến binh". Kremlin cho biết đã không mời một quan khách nước ngoài nào đến dự lễ kỷ niệm. 

Theo Le Monde, nước Nga đơn độc nhưng quyết chiến. Đó là thông điệp mà Vladimir Putin muốn gửi đi trong diễn văn tại buổi lễ. Tổng thống Nga đã liên hệ rất nhiều giữa chiến công của những người lính Xô Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 với cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine. Với các binh sĩ Nga đang tham chiến tại Ukraine, ông Putin tuyên bố : "Ngày nay cũng như hôm qua, các bạn đang chiến đấu vì nhân dân của chúng ta trong vùng Donbass, cho an ninh của tổ quốc chúng ta, nước Nga, để trên thế giới này không có chỗ cho những tên đao phủ và phát xít…".

Một lần nữa, tổng thống Nga biện minh cho quyết định phát động cuộc tấn công Ukraine và tố cáo phương Tây đã muốn "xóa đi những giá trị ngàn đời của nước Nga". Trong diễn văn, ông Putin khẳng định NATO đã có kế hoạch xâm lược Nga, trong đó có Crimea, đồng thời khẳng định cuộc chiến chống những thành phần "phát xít" ở Ukraine là "không thể tránh khỏi" và nước Nga đã đẩy lùi cuộc xâm lược đó bằng các tấn công phòng vệ. Ông khẳng định : "Đó là quyết định cần thiết, đúng lúc, một quyết định duy nhất có thể của một đất nước có chủ quyền, mạnh mẽ và độc lập. Vì nước Nga đã đối mặt với đe dọa không thể chấp nhận được". 

Một chi tiết được chú ý là chiếc máy bay IL-80 được dùng để chở tổng thống và bộ chỉ huy trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân đã không xuất hiện trong lễ diễu binh. Tổng thống Putin tuyên bố "làm tất cả để nỗi kinh hoàng của chiến tranh thế giới sẽ không xảy ra". 

Le Monde nhận định : Ngày 09/05 này, Kremlin kỷ niệm sự vĩ đại và sức mạnh của mình mà không có được chiến thắng thực sự nào tại Ukraine để phô trương. Ông Putin đành hài lòng với tuyên bố "chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta". 

Cũng nhân sự kiện kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, trong một bài phóng sự "Tại Latvia, cuộc xung đột làm dấy lên cuộc chiến về ký ức", Le Monde cho biết để tránh gây căng thẳng, Nghị viện nước này đã cấm các cuộc tập hợp kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô. Quyết định này đã gây những phản đối gay gắt của nhiều đảng phái chính trị và tổ chức xã hội ở Latva. 

Trong khi đó từ Kiev, thông tín viên của Le Monde ghi nhận "Ukraine, một ngày 08/05 đầy bạo lực và nước mắt". Trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga trên mọi mặt trận, tổng thống Volodymyr Zelensky cũng hứa hẹn quyết tâm giành chiến thắng cho dân tộc Ukraine.

Nước Đức đã thoát khỏi một dạng thức ảo tưởng

Vẫn liên quan đến nước Nga và trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Nhật báo công giáo La Croix dành sự chú ý tới nước Đức.

Tờ báo cho thấy từ khi Nga xâm lược Ukraine, nước Đức đã thoát khỏi một dạng thức ảo tưởng, giờ đây ra sức rũ bỏ các mối liên hệ với đối tác cũ là nước Nga. 

Theo tờ báo, từ hai thập kỷ nay, các đảng chính trị Đức vẫn khăng khăng nhất định muốn nước Nga là một đối tác tin cậy. Tất cả đều không coi việc lệ thuộc năng lượng vào Moskva là một vấn đề lớn. Nhưng rồi cuộc chiến tranh Ukraine đã phá vỡ hoàn toàn những tư duy như vậy. Từ đó đến giờ, hầu như tất cả các tầng lớp chính trị ở Đức quay ngoắt 180°. Trước hết là thủ tướng Olaf Scholz, trước đây là bộ trưởng Tài chính ; Frank-Walter Steinmeier, tổng thống, cựu ngoại trưởng Đức, cuối cùng là các lãnh đạo đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU. Duy chỉ có cựu thủ tướng Angela Merkel vẫn giữ im lặng.

Vẫn theo La Croix, trước khi có cuộc xâm lăng Ukraine, nước Đức nhập từ Nga 55% nhu cầu khí đốt, than đá 50% và dầu lửa 35%. Nước Đức đang cố gắng dứt ra khỏi sự lệ thuộc này. Trên phương diện quốc phòng, Đức đã thay đổi, tăng đột ngột chi tiêu lên đến 100 tỷ euro, tức là bằng ngân sách quân sự hàng năm của cả Nga và Pháp gộp lại. Đặc biệt, Berlin đã thay đổi lập trường trong việc giao vũ khí cho Ukraine. Đầu cuộc chiến tranh Ukraine lấy lý do vì vấn đề lịch sử, Đức từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev. Dần dần Berlin chấp nhận cung cấp vũ khí phòng thủ và đến cuối tháng Tư thì quyết định chuyển cho Ukraine cả chiến xa hiện đại Guepard. Nói tóm lại, cuộc chiến tranh ở Ukraine đang làm chính giới Đức sáng mắt ra về những ảo tưởng quan hệ với Nga mà giờ đây Berlin đang cố gắng sửa chữa lại những sai lầm, theo nhận định của bài báo.

Hội nghị về Tương lai Châu Âu ở Strasbourg

Về thời sự Châu Âu, các báo chú ý nhiều đến sự kiện tổng thống Pháp Emmanel Macron có bài phát biểu nhân kết thúc Hội nghị về Tương lai Châu Âu ở Strasbourg.

Nhật báo Libération có bài "Macron đi tìm một Châu Âu khác cho Ukraine". Tờ báo cho biết tại Strasbourg, tổng thống Pháp đã trình bày về những quan điểm về xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu đổi mới về chính trị cũng như cơ cấu lãnh đạo. Ông bảo vệ quan điểm sẽ phải "xem xét lại Hiệp ước Châu Âu" để có một Liên Âu mạnh mẽ, hiệu quả hơn và để có một "cộng đồng Châu Âu" cởi mở hơn với các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong tương lai xa có thể đón nhận Ukraine. 

Vẫn trong khuôn khổ sự kiện này, nhật báo Le Figaro có bài "Những thách thức của tổng thống (Pháp) trước một Châu Âu bị chia rẽ". Theo Le Figaro, từ khi lên nhậm chức tổng thống Pháp năm 2017, Châu Âu là cột sống của chính sách đối ngoại của ông Emmanuel Macron. Nhiệm kỳ vừa qua ông Macron đã có được những thành công nhất định trong lĩnh vực trên, đã được quốc tế thừa nhận. Ông Macron đã tận dụng tốt những biến động ở Châu Âu, như chính quyền Mỹ của Donald Trump bỏ mặc những cam kết với Châu Âu, Brexit, khủng hoảng đại dịch Covid-19 lộ ra những yếu kém của Châu Âu và nhất là cuộc chiến tranh Ukraine.

Nhờ có những khủng hoảng như vậy mà tổng thống Pháp đã thể hiện được những tham vọng vì một Châu Âu tự chủ về chiến lược. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố đó cũng đang đặt nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Macron trước nhữg thách thức, đó là : Bảo vệ mô hình Châu Âu trước nguy cơ thế giới bị xô đẩy bởi những mô hình độc tài và quân sự như Nga và Trung Quốc. Nhưng thách thức khó khăn nhất, theo Le Figaro là tạo lại sự đoàn kết của Châu Âu về vấn đề Nga. Sau những ngày đầu chiến tranh, các nước Châu Âu gắn kết với nhau, nhưng giờ đây lại bắt đầu lộ ra nhưng vết rạn nứt trong vấn đề đối phó với một nước Nga hiếu chiến, hung hăng nhưng vẫn còn trong tay lá bài năng lượng mà Châu Âu đang loay hoay tìm cách thoát ra.

Châu Âu vất vả tổ chức việc cai dầu lửa Nga

Liên quan đến những bất đồng trong Liên Âu xung quanh chuyện dứt bỏ lệ thuộc vào năng lượng Nga. Nhật báo Les Echos có bài : "Châu Âu vất vả tổ chức việc cai dầu lửa Nga"

Tờ báo cho biết 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đang cố đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc từ nay đến cuối năm thực hiện cấm vận sản phẩm dầu lửa Nga, nhưng lại vấp phải sự phủ quyết của Hungary, mặc dù Bruxelles đã tính đến trường hợp Hungary và Cộng hòa Slovakia có khó khăn, cho phép 2 nước được đặc cách gia hạn thêm một đến 2 năm để rũ bỏ hẳn với dầu Nga. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, trưa hôm qua đã phải vội vàng đến Budapest để thuyết phục thủ tướng Viktor Orban.

Các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục từ hôm qua, nhưng theo Les Echos, Liên Âu như vậy đã bỏ lỡ thời điểm tượng trưng 09/05, "không thể thống nhất thông báo các biện pháp đáp trả Nga vào lúc trên quảng trường Đỏ, Vladimir Putin đang hân hoan với sức mạnh và chiến thắng".

Vẫn liên quan đến chủ đề chiến tranh Ukraine, nhật báo Les Echos có bài phỏng vấn ông Aaron David Miller, nhà nghiên cứu của viện Carnegie Endowment for International Peace (CEIP) tại Washington. CEIP cho thấy chính quyền Biden trong những tuần qua tạo cảm giác họ có những mục tiêu tham vọng hơn ban đầu của cuộc chiến tranh Ukraine. Chuyên gia Miller cảnh báo đây là điều gây lo ngại khả năng leo thang xung đột với Moskva. Theo chuyên gia Miller, dù tránh không nói đến, nhưng đúng là Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga qua Ukraine và cuộc chiến tranh này có nguy cơ kéo dài.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế