Mỹ truy tố 7 người âm mưu đánh cắp bí mật thương mại (VOA, 26/05/2017)
Bảy người bị truy tố về âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của một doanh nghiệp Mỹ để trao cho một công ty tại Trung Quốc chuyên sản xuất sản phẩm cho hải quân dùng trong quân sự và dân sự.
Tòa án Liên bang Washington D.C
Hai bị cáo bị bắt ngày 23/5 tại Washington D.C, ba người bị bắt tại Southern District bang Texas, và một người bị bắt tại tại Quận Massachusetts. Tất cả đều bị truy tố trước Tòa án Liên bang Washington D.C về tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại. Chính phủ cũng kiện tại Washington xin tước quyền dân sự hai bất động sản có liên hệ và có dính líu đến những hành vi bất hợp pháp.
Những người bị bắt và truy tố gồm 4 công dân Mỹ : Shan Shi, 52 tuổi, ở Houston, Texas ; Uka Kalu Uche, 35 tuổi, ở Spring, Texas ; Samuel Abotar Ogoe, 74 tuổi, ở Missouri City, Texas ; và Johnny Wade Randall, 48 tuổi, ở Conroe, Texas.
Cùng bị truy tố là Kui Bo, 40 tuổi, công dân Canada cư ngụ tại Houston, và Gang Liu, 31 tuổi, có quốc tịch Trung Quốc nhưng ngụ tại Houston với tư cách thường trú nhân.
Ngoài ra, còn có một công dân Trung Quốc sống tại Trung Quốc tên là Hui Huang, 32 tuổi, cũng bị truy tố. Ông Hui Huang là công nhân của một công ty sản xuất Trung Quốc bị cáo buộc dính líu đến việc thuê mướn công nhân cho công ty Houston.
Theo cáo trạng, bí mật thương mại được đánh cắp để làm lợi cho một nhà sản xuất tại Trung Quốc. Nhà sản xuất là người có cổ phần duy nhất trong một công ty đăng ký tại Houston. Giữa khoảng năm 2012 cho đến nay, nhà sản xuất Trung Quốc và các nhân viên tại công ty có trụ sở ở Houston đã đánh cắp những bí mật thương mại của một công ty kỹ thuật toàn cầu, đứng đầu trong công nghệ biển.
Vụ này liên hệ đến việc chế tạo một sản phẩm kỹ thuật có tên là chất xốp tổng hợp, một chất liệu nhẹ có thể dùng trong thương mại và quân sự, như là thăm dò dầu khí, hàng không không gian, những loại khí tài vận hành dưới nước như tàu ngầm, và công nghệ tàng hình.
Theo cáo trạng, nhà sản xuất Trung Quốc có ý định bán chất xốp tổng hợp cho những công ty quốc doanh quân sự và dân sự tại Trung Quốc- trong khuôn khổ kế hoạch tiến tới những mục tiêu của Trung Quốc phát triển ngành hàng hải.
(Nguồn USDO DC)
**********************
Lệnh cấm di trú của Trump tiếp tục "mắc cạn" (VOA, 26/05/2017)
Một tòa phúc thẩm ở Mỹ ngày 25/5 từ chối không cho phục hồi lệnh cấm di trú tạm thời của Tổng thống Donald Trump nhắm vào 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, mở màn cho một cuộc chiến pháp lý tại Tòa Tối cao để phân định thắng-bại.
Người dân phản đối lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump bên ngoài toà phúc thẩm ở Seattle, Washington, 15/5/2017.
Thẩm phán Roger Gregory nói sắc lệnh của ông Trump dùng những lời lẽ mơ hồ về an ninh quốc gia và bộc lộ sự kỳ thị, thù nghịch, và bất dung tôn giáo.
Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp chưa bình luận về diễn tiến này.
Tổng thống Trump nói lệnh cấm tạm thời của ông nhằm ngăn chặn các cuộc khủng bố tấn công nước Mỹ.
Vụ án này có thể sẽ đưa lên tới Tòa Thượng thẩm, nơi có phán quyết chung cuộc. Trong tiến trình này, chính phủ của ông Trump có thể đệ đơn khẩn cấp tìm cách hiệu lực hóa lệnh cấm của Tổng thống.
Thẩm phán Gregory dẫn phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử 2016 gọi đây là "lệnh cấm Hồi giáo". Thẩm phán nói một người quan sát trung lập có thể kết luận rằng mục đích chủ yếu của lệnh cấm này nhằm cấm cửa người khác căn cứ vào niềm tin tôn giáo của họ.
Chính phủ lập luận rằng tòa không nên xét tới những bình luận của ông Trump hồi tranh cử vì những phát ngôn đó được đưa ra trước khi ông trở thành Tổng thống.
Tòa phúc thẩm bác quan điểm này, nói rằng những lời lẽ đó có thể là tiền đề động cơ hành động của ông Trump.
Chính phủ nói Tổng thống có thẩm quyền rộng ngăn cấm nhập cảnh Mỹ. Tòa phúc thẩm khẳng định Quốc hội cho Tổng thống quyền hạn rộng tay từ chối cho người nước ngoài vào Mỹ, nhưng thẩm quyền đó không phải là tuyệt đối.