Tại Israel, một luật sư nhân quyền tố cáo hãng Cellebrite bán công nghệ xâm nhập điện thoại cho công an Việt Nam, có thể được dùng để nhắm mục tiêu vào các nhà báo hoặc các nhà hoạt động, theo một phóng sự của báo Haaretz.
Trang web của HTI ở Việt Nam giới thiệu về phần mềm UFED của hãng Cellebrite, Israel.
Từ Việt Nam, một cựu đại tá công an nói với VOA rằng việc Bộ Công an mua thiết bị của Israel là điều cần thiết, nhưng từ vị trí là công dân, ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm quyền của công an. Một cựu tù nhân lương tâm có đồng quan điểm về mối lo này.
Bài báo được Haaretz đăng hôm 15/7 cho biết luật sư Eitay Mack mới tiến hành điều tra và thấy rằng Bộ Công an Việt Nam là một trong những khách hàng mua Phần mềm Trích xuất và Phân tích Dữ liệu Điện thoại (UFED) của hãng công nghệ Cellebrite.
Hãng này hoạt động với sự hậu thuẫn tích cực của chính phủ Israel, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Haaretz viết.
Theo thông tin của Cellebrite, UFED - ở Việt Nam thường gọi là phần mềm phá khóa điện thoại - giúp nhà chức trách lấy ra dữ liệu từ máy điện thoại đã bị khóa.
Cellebrite vẫn thường tuyên bố rằng phần mềm nêu trên, sản phẩm chủ lực của hãng, chỉ được bán cho các cơ quan thực thi luật pháp hoặc quốc phòng chính danh để chống tội phạm, chẳng hạn như bọn ấu dâm hoặc khủng bố.
Cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, người cũng là một nhà văn-nhà báo được biết tiếng rộng rãi ở Việt Nam, đưa ra nhận xét với VOA về việc công an Việt Nam mua công nghệ của Israel :
"Một trong những biện pháp quan trọng của lực lượng công an là giám sát, theo dõi để phát hiện các đối tượng chống đối nhân dân, đảng, chính phủ. Bộ Công an đã hợp tác với Israel để mua phần mềm này thì tôi cho đó là việc hợp lý, cần thiết bởi vì công nghệ càng ngày càng hiện đại, phương tiện thông tin quá dễ dàng, thế mà không ít kẻ lợi dụng để làm những việc không tốt".
Tuy nhiên, các cuộc điều tra của luật sư Mack và một số người khác cho thấy nhiều khách hàng của Cellebrite, trong đó có công an Việt Nam, sử dụng UFED cho cả các mục đích khác, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào các nhà báo hay các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền.
Cuộc điều tra của ông Mack về việc Cellebrite bán hàng cho Việt Nam là phần mới nhất trong một chuỗi các cuộc điều tra về việc hãng này đường đường chính chính bán các công cụ, thiết bị cho nhiều nước có chế độ áp bức và các tổ chức đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Đó là các ban điều tra hoặc các đơn vị cảnh sát ở Nga, Hong Kong, Bangladesh, Indonesia và các nước khác. Khi kết quả các cuộc điều tra được công bố, Cellebrite đã dừng bán cho Trung Quốc, Hong Kong, Nga và Belarus.
Về thương vụ giữa Cellebrite và Bộ Công an Việt Nam, luật sư Mack và hàng chục nhà hoạt động nhân quyền đã gửi các bức thư phản đối đến một tổng cục trưởng thuộc Bộ Quốc phòng Israel chuyên giám sát việc xuất khẩu các công nghệ trích xuất dữ liệu tương tự như UFED.
Trong thư của mình, ông Mack cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy một số sản phẩm UFED đã được bán cho Bộ Công an và các đơn vị cấp dưới từ năm 2014. Ông cũng cho biết đại diện cho Cellebrite ở Việt Nam là Tập đoàn HTI.
Hiện HTI chào bán sản phẩm tiên tiến nhất của Cellebrite là UFED Premium, theo bài báo của Haaretz, dẫn lại cuộc điều tra của ông Mack.
UFED Premium là dịch vụ phầm mềm cho phép người sử dụng xâm nhập vào các loại máy mới nhất, lợi dụng những lỗ hổng an ninh mà các nhà nghiên cứu và các nhà chế tạo điện thoại còn chưa phát hiện ra, nên không có cách nào phòng vệ lại khả năng hack của phần mềm này.
Ông Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng mọi người dân không vi phạm luật pháp đều không có gì phải sợ các biện pháp nghiệp vụ của công an :
"Nếu như mình chẳng làm gì xâm hại quyền lợi, an ninh quốc gia, đến lợi ích chung, thì mình chả sợ gì cả, chả ngại gì cả. Thế nhưng tất nhiên người dân chả ai thích gì điện thoại của mình, máy tính của mình lại bị một lực lượng ở đâu đó giám sát. Không ai thích cái chuyện này".
Bài báo của Haaretz điểm lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây, bị quốc tế lên án, và trích dẫn thư của luật sư nhân quyền Eitay Mack nói rằng nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù vì chỉ trích chính quyền và chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bài báo của Haaretz cho biết "Không như Nga hay Indonesia, trong trường hợp Việt Nam, không có bằng chứng trực tiếp về việc các thiết bị của Cellebrite được sử dụng chống lại các nhà hoạt động nhân quyền … Mặc dù vậy, điều này không làm thay đổi thực tế là các tổ chức mua công nghệ này đều có chức năng là cánh tay của chế độ".
Báo Haaretz lưu ý rằng một trong những lý do không thể biết liệu thiết bị của Cellebrite có được sử dụng trong hoạt động của công an Việt Nam hay không là vì chính công an không tuân theo luật trong nước, theo đó, khi tiến hành xâm nhập máy điện thoại, phải có mặt người bị thẩm vấn và một nhân chứng, hoặc ít ra là có hai nhân chứng trong trường hợp chủ sở hữu máy không có mặt.
Nhưng điều đó đã không diễn ra và tất cả những nhà hoạt động được Haaretz phỏng vấn đều kể rằng công an Việt Nam chỉ áp dụng một biện pháp nghiệp vụ.
Đó là khi người bị thẩm vấn không chịu mở khóa điện thoại hay máy tính của họ, các thiết bị đó bị thu giữ. Trong một số trường hợp, nhân viên công an đưa máy sang một phòng khác, ở đó, máy bị hack. Sau đó, có lúc công an trả lại máy cho chủ nhân, có lúc công an không trả lại, Haaretz tường thuật.
Điện thoại, máy tính của nhà tranh đấu Trần Đức Thạch bị tịch thu khi ông bị công an bắt, 23/04/2020. Photo Công an Nghệ An.
Là cán bộ kỳ cựu trong ngành công an, cựu đại tá Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng ngành này phải tuân theo các quy định pháp luật chặt chẽ khi họ hoạt động nghiệp vụ, song ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ công an lạm quyền :
"Có một điều cần phải cảnh báo, đó là sự lạm dụng, lạm quyền của các cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát điện thoại của các đối tượng hoặc dùng các phần mềm để theo dõi. Nếu như quản lý không chặt, các cán bộ công an tạm gọi là loại biến chất thì chúng dùng cái này để phục vụ các mục đích không trong sáng của chúng".
Chia sẻ về mối lo này, luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm, nói :
"Nếu người ta có quyền xâm nhập vào máy tính hoặc điện thoại mà không được phép của tôi, mà tôi lại không phải nằm trong số các đội tượng bị điều chỉnh theo pháp luật, thì rõ ràng như thế là vi phạm pháp luật, rất đáng lo ngại".
Ông Quân cho rằng khó có thể ngăn chặn một cách cơ bản sự lạm quyền của công an ở một nhà nước mà chỉ có duy nhất đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền lực, với công an, quân đội là hai lực lượng được trao nhiều ưu tiên vì họ là trụ cột bảo vệ đảng.
Ở Việt Nam, nhiều hoạt động của công an, quân đội được xếp vào diện tuyệt mật mà ngay cả quốc hội cũng không thể tiếp cận, chất vấn.
Cựu đại tá Nguyễn Như Phong cũng đồng ý rằng đây là vấn đề khó giải quyết :
"Chúng ta chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an. Không biết tới đây chính phủ, các bộ ngành có đặt ra vấn đề này không. Nếu mà cứ tin 100% vào lực lượng công an, 100% vào lực lượng quân đội thì tôi cho là cũng chưa chắc đã là hay. Tin nhưng phải có giám sát".
VOA cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Công an Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không kết nối được.
Báo Haaretz cho hay hãng Cellebrite từ chối đưa ra ý kiến khi báo thực hiện bài phóng sự. Về phần Bộ Quốc phòng Israel, trong một tuyên bố trả lời luật sư Mack, bộ nói họ "không cung cấp chi tiết về các giấy phép [bán hàng] cụ thể vì lý do an ninh, chính trị và chiến lược".
Bộ nói thêm rằng họ "xem xét lại chính sách theo định kỳ hoặc tùy theo diễn biến, và áp dụng thẩm quyền của mình tùy theo nhu cầu".
Nguồn : VOA, 20/07/2021
Ủy ban Tình báo Thượng viện bác bỏ việc Trump bị nghe lén (BBC, 17/03/2017)
"Không có dấu hiệu" chứng tỏ tòa nhà Tháp Trump (Trump Tower) bị chính phủ Hoa Kỳ theo dõi, kể cả trước lẫn sau khi bầu cử, một ủy ban Thượng viện nói.
Trump cáo buộc người tiền nhiệm Obama đã nghe lén điện thoại nhưng không đưa ra bằng chứng
Tuyên bố của Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện, bác bỏ tố cáo của ông Trump theo đó nói điện thoại của ông đã bị nghe lén.
Ông Trump trước đó nói rằng người tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama, đã nghe lén Tháp Trump trong quá trình tranh cử.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói ông Trump vẫn không thay đổi quan điểm.
"Ông ấy vẫn giữ nguyên quan điểm", ông Spicer nói trong buổi họp báo hôm thứ Năm 16/3.
Vị thư kí báo chí không chấp nhận báo cáo của Ủy ban Tình báo, nói "đó không phải kết quả thu được".
Ông Spicer trích dẫn một tường thuật vô căn cứ của Fox News theo đó nói ông Obama đã tránh né luật Mỹ bằng cách yêu cầu GCHQ của Anh, cơ quan chuyên thu thập tin tức tình báo từ các hoạt động thông tin liên lạc trên toàn cầu, theo dõi ông Trump, một cáo buộc mà GCHQ nói là "hoàn toàn nực cười".
Nhiều quan chức Quốc Hội cũng bác tố cáo nghe lén
Ông Burr là một trong số các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa bác bỏ tố cáo nghe lén.
"Dựa trên những thông tin đã có, chúng tôi không thấy dấu hiệu chứng tỏ Tháp Trump bị bất cứ đơn vị nào thuộc chính phủ Mỹ theo dõi kể cả trước và sau Ngày Bầu cử 2016", ông Burr nói trong một tuyên bố chung với phó chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner.
Trước đó cũng cùng ngày 16/3, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan cũng nói "không hề có vụ nghe lén nào".
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện Devin Nunes, thành viên Cộng hòa, cũng nói hôm thứ Tư rằng ông không tin là "có chuyện nghe lén ở Tháp Trump".
Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ông Trump đổi ý ; ông nói với Fox News hôm thứ Tư rằng "vụ nghe lén đã lấy được rất nhiều thứ".
Ông cũng tỏ ý rằng các tin tức chi tiết về cáo buộc nghe lén sẽ được tiết lộ trong vài tuần tới.
"Việc nghe lén được thực hiện đối với rất nhiều thứ khác nhau. Tôi tin là quý vị sẽ thấy một số điều thú vị trên tin tức trong hai tuần tới", ông Trump nói trong một buổi phỏng vấn tối thứ Tư.
Ông Trump đồng tình với những bình luận của thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, người nói rằng khi tổng thống nói "nghe lén" là muốn nói tới việc "giám sát và những hành vi theo dõi khác".
Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra những bằng chứng nào cho lời cáo buộc của tổng thống, và thay vào đó yêu cầu Quốc hội hãy kiểm chứng lại cáo buộc như một phần điều tra về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm ngoái.
Các giới chức sau đây tuyên bố không hề có bằng chứng nghe lén :
***********************
Tổng thống Trump nói sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Obama nghe lén điện thoại (VOA, 17/03/2017)
Tổng thống Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng ông sẽ đưa ra các bằng chứng cho cáo buộc nghe lén điện thoại của cựu Tổng thống Obama vào tuần tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ sớm đưa ra bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại trong Tòa tháp Trump tại New York vào những tuần trước cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện nói rằng cáo buộc của ông Trump là không có căn cứ, nhưng vào cuối ngày thứ 4, ông Trump nói với kênh truyền hình Fox rằng chính quyền của ông sẽ "đưa ra những tài liệu" lên ban hội thẩm và có lẽ ông sẽ nói về những cáo buộc của ông vào tuần tới.
Ông Trump nói : "Bạn sẽ thấy một số điều đáng chú ý nổi lên trong hai tuần tới".
Nhiều nhà lãnh đạo quốc hội, cả các thành viên của đảng Dân chủ đối lập và thành viên của đảng Cộng hòa của Tổng thống, nói họ không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông Obama đã nghe lén điện thoại trong tòa Tháp Trump, tòa nhà chọc trời nơi tỷ phú bất động sản Trump điều hành chiến dịch tranh cử và cũng là nhà của ông trước khi giành được thắng lợi trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump hôm 4/3 tung ra những cáo buộc về nghe lén điện thoại chống vị Tổng thống tiền nhiệm bằng một loạt tin nhắn trên Twitter. Một trong số tin nhắn này viết : "Khủng khiếp ! Vừa phát hiện ra Obama nghe lén điện thoại tòa Tháp Trump ngay trước khi tôi thắng cử".
Nhưng ông Obama đã bác bỏ tố cáo đó, nói rằng đó là điều "hoàn toàn sai sự thật", ông Trump từ đó vẫn không chưng ra bất kỳ bằng chứng nào để hậu thuẫn lời cáo buộc của ông. Trước cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox, ông Trump tránh né các câu hỏi của phóng viên về lời cáo buộc của ông.
Hôm thứ 4, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes của đảng Cộng hòa, người ủng hộ ông Trump, tổ chức một cuộc họp báo về cáo buộc nghe trộm của tổng thống Trump. "Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều này đã diễn ra", ông nói. "Tôi không nghĩ là có nghe lén trong tòa Tháp Trump".
Tổng thống Trump cáo buộc ông Obama đặt máy nghe lén trong tòa Tháp Trump ở New York.
Thành viên cao cấp nhất của đảng Dân chủ trong ủy ban, là dân biểu Adam Schiff, cũng đồng ý với ông Nunes. "Cho tới nay, tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông Obama ra lệnh nghe lén, không có cơ sở cho bất cứ điều gì như vậy".
Hai dân biểu Nunes và Schiff cho biết họ đang chờ thông tin của Bộ Tư pháp vào ngày thứ 2 sắp tới để biết liệu cơ quan này có biết về bất kỳ lệnh nghe trộm nào tòa Tháp Trump không, nhưng họ cho biết họ không tìm thấy bất cứ thiết bị nghe lén nào trong khi điều tra. Tòa Bạch Ốc yêu cầu tiến hành cuộc điều tra của Quốc hội sau khi ông Trump đưa ra cáo buộc về vụ nghe lén này.
Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đang xem xét mối quan hệ giữa các phụ tá của ông Trump trong chiến dịch tranh cử với các quan chức Nga trong thời gian chạy đua vào Nhà Trắng của tỷ phú bất động sản và trong vài tuần sau khi ông thắng cử và trước khi nhậm chức vào ngày 20/1.
Dân biểu Nunes cho biết giám đốc James Comey của Cục điều tra Liên bang, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Mỹ, sẽ làm chứng vào ngày thứ 2 trước Ủy ban Tình báo về cáo buộc nghe lén và cuộc điều tra của cơ quan này liên quan tới hành động của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ nhằm giúp ông Trump thắng cử.
Dân biểu của đảng Cộng hòa cho biết ban hội thẩm vào thứ 6 sẽ được các nhà điều tra Mỹ cho biết tên của những người phụ tá của ông Trump, những người đã nói chuyện với các quan chức Nga ngoài những cuộc tiếp xúc chính thức, những cuộc đối thoại giữa cố vấn an ninh quốc gia bị bãi nhiệm của ông Trump, tướng hồi hưu Michael Flynn và đại sứ Nga tại Washington.
Ông Trump đã loại bỏ ông Flynn sau khi ông này nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các mối liên hệ của ông với đại sứ Sergey Kislyak.
Một dân biểu hàng đầu của Hoa Kỳ, Lindsey Graham đại diện cho bang South Carolina, tuyên bố : "Tôi sẽ theo vụ này tới cùng. Quốc hội sẽ cho thấy sức mạnh của mình".
Dân biểu Graham thề rằng nếu cần sẽ triệu FBI ra tòa để xác định liệu có thẩm phán Mỹ nào ra lệnh bí mật nghe lén và giao cho FBI thực hiện lệnh hay không.