Trung tuần tháng 8, nước Pháp và Châu Âu đang trong một mùa hè nắng nóng và khô hạn lịch sử. Tuần san Courrier International dành hồ sơ trang bìa cho chủ đề "Một mùa hè cháy bỏng, và tiếp theo sẽ là một mùa đông thiếu khí đốt ?". Tuy nhiên, "cháy bỏng" không chỉ là câu chuyện thời tiết, mà cũng là để nói về hàng loạt khủng hoảng. Đặc biệt cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine, và nguy cơ chiến tranh Trung Quốc – Đài Loan bùng phát, với hệ quả là một xung đột toàn cầu.
Dù sao, mùa hè "cháy bỏng" vẫn là mùa của những kỳ nghỉ. Tuần báo L’Obs dành chủ đề chính trang bìa cho "Nghệ thuật nghỉ ngơi". "Nghệ thuật nghỉ ngơi" là điều đang bị mai một trong xã hội đương đại là thông điệp chính của tuần báo. Xã luận của L’Obs với tựa đề "Le repos, quel boulot !" (tạm dịch là : Nghỉ ngơi, chuyện sao mà vất vả !").
Dẫn chứng tiêu biểu mà L’Obs nêu ra liên quan đến tổng thống Pháp. Để nói về ba tuần lễ nghỉ hè của nguyên thủ Emmanuel Macron tại pháo đài Brégançon, các chuyên gia quan hệ công chúng của điện Elysée dùng cụm từ "la pause studieuse" (kỳ nghỉ dành cho nghiên cứu). Theo giới thân cận, tổng thống Macron sẽ "tiếp tục theo dõi các hồ sơ quan trọng và chuẩn bị cho giai đoạn ra hè". "Tiết kiệm năng lượng, kế hoạch hoá việc chuyển đổi sang xã hội sinh thái, đưa Hội đồng Quốc gia Tái thiết vào hoạt động, hay các biện pháp thúc đẩy một xã hội có đủ việc làm cho tất cả"… "Hoàn toàn không có chỗ cho sự lơi lỏng, cho việc tách rời khỏi những kết nối công việc".
Không chỉ có tổng thống Pháp. L’Obs nhấn mạnh đến hiện tượng "ranh giới bị xoá nhoà giữa hoạt động (nghề nghiệp) và tình trạng nghỉ ngơi", vốn từng là một truyền thống lâu đời trong các xã hội công nghiệp. Theo nhiều thăm dò dư luận mới đây, 70% người Pháp trả lời qua email hay các cuộc gọi liên quan đến công việc "từ nơi nghỉ". Tình hình cũng tương tự với nhiều doanh nghiệp Canada, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha.
"Nền văn minh giải trí" phát triển từ những năm 1960 đi kèm với xu thế thời gian lao động giảm bớt, giờ đây bị thách thức bởi "làm việc từ xa", một tập quán mới. Cái riêng tư hoà trộn với công việc. Do đó mà xuất hiện cụm từ mới "tra-cances" (từ ghép travail với vacances, để chỉ những người làm việc tại nơi nghỉ hè). Hiện tượng này, lẽ dĩ nhiên, liên quan trước hết đến những công việc không đòi hỏi phải có mặt tại chỗ.
Điều hoà công việc với nghệ thuật nghỉ ngơi thực sự là vấn đề đã được quan tâm từ thời cổ đại. L’Obs nhắc lại với độc giả thông điệp của một số nhà hiền triết Hy Lạp, La Mã, như triết gia Seneca hay nhà hùng biện Ciceron. Ciceron – giàu có và nổi tiếng như cồn trong xã hội đương thời - chỉ mong được "nghỉ ngơi một cách xứng đáng" để dành thời gian cho "việc truy tầm về ý nghĩa cuộc sống, cái đẹp, những giá trị và sự thật".
Cũng trong số báo này, L’Obs dẫn lại số liệu điều tra : khoảng 60% người Pháp có điều kiện được nghỉ hè, và hy vọng có thể nghỉ ngơi thực sự. Nhưng với nhiều người trong số họ, kỳ nghỉ không giúp họ thư giãn, lấy lại sức lực, cảm hứng. Theo một điều tra của OpinionWay năm 2018, 68% người được hỏi "cảm thấy có lỗi" vì đã không giữ liên lạc liên quan đến công việc trong thời gian nghỉ.
Cũng L’Obs có cuộc phỏng vấn sử gia Alain Corbin, tác giả cuốn sách "Histoire du repos" (Lịch sử của nghỉ ngơi), vừa ra mắt. Cùng với L’Obs, sử gia Corbin điểm lại quan điểm về sự nghỉ ngơi qua các thời kỳ lịch sử. Nghỉ ngơi luân phiên với công việc là điều vốn gắn liền với cuộc sống của người lao động trong nhiều xã hội tiền công nghiệp, nhưng một thời gian "nghỉ ngơi" hoàn toàn, triệt để "trước hết được coi là đồng nghĩa với sự giải thoát tôn giáo".
Ngày Chủ nhật trong tuần trước khi là ngày nghỉ lấy lại sức, ngày giải trí, trước hết là "ngày dành cho Chúa" (Chúa nhật). Nhà sử học tâm đắc với điều mà triết gia Rousseau mô tả về sự nghỉ ngơi. Đó là "một trạng thái tự do bên trong tại một địa điểm cách biệt, với thiên nhiên như là nơi ẩn dật". Với xã hội công nghiệp, những kỳ nghỉ được trả lương trở nên phổ biến rộng rãi, đi kèm với sự phát triển của đủ loại giải trí. "Thời gian nghỉ" thường được sử dụng cho "các hoạt động giải trí"…
L’Obs dường như muốn cùng độc giả đi đến cùng trong việc truy tìm trở lại nghệ thuật nghỉ ngơi đích thực, qua đúc kết của nhiều nhà hiền triết các thời. Mở đầu với thông điệp của Phật Thích Ca, với hành trình hướng về sự tĩnh lặng của tâm hồn. Mục tiêu cuối cùng là đạt được sự "giác ngộ". Thông qua các hành động công đức. Nhưng biện pháp không thể thiếu là sự lắng tâm, thiền định. Như một câu ngạn ngữ Tây Tạng : "Nước vốn đã trong, nếu không bị khuấy động. Tinh thần vốn đã hạnh phúc, nếu không bị can thiệp".
"Ngừng mọi thứ, để quay trở lại với trạng thái tốt hơn" là thông điệp của các triết gia trường phái khắc kỷ (thời cổ đại Hy Lạp). Đối với triết gia Pháp Blaise Pascal, nghỉ ngơi trong cô đơn, đối diện với chính mình là "điều vô cùng khó khăn". Chính vì vậy, con người tạo ra bao nhiêu thứ "giải trí" (một cách "bản năng") để tự đánh lạc hướng mình. Tuy nhiên, "mọi bất hạnh của con người đến từ một thứ duy nhất, đó là không biết nghỉ ngơi trong cô đơn". Pascal ghi nhận một "bản năng bí mật" khác của con người, cho phép hiểu được rằng "hạnh phúc là trong sự nghỉ ngơi".
Emmanuel Kant - triết gia Đức, nhà tư tưởng trụ cột của kỷ nguyên Khai sáng - có nhận định khá giống với các triết gia khắc kỷ Hy Lạp. Với triết gia thành Konigsberg, "nghỉ ngơi hoàn toàn khác với trạng thái lười biếng", "nghỉ ngơi chính là thời điểm chuyển tiếp quý giá", trước khi bước vào một giai đoạn làm việc mới.
Nữ văn sĩ Simone de Beauvoir không coi quyền nghỉ hè là điều mà người phụ nữ có thể an nhiên thụ hưởng, mà vấn đề quan trọng là phụ nữ phải nỗ lực xây dựng và khẳng định bản sắc của mình. Bà Simone de Beauvoir là tác giả cuốn "Giới tính thứ Hai" ra mắt năm 1949, ít năm sau khi phụ nữ có quyền bầu cử tại Pháp. Giới tính thứ Hai được coi là một "viên đá tảng của triết học nữ quyền".
Mùa nghỉ hè nhưng tình hình thế giới nóng bỏng. Các tuần báo Pháp đều không trong tâm thế nghỉ hè. Hai bài xã luận đầu tiên của Le Point dành cho chủ đề nguy cơ chiến tranh Trung Quốc – Đài Loan. Bài "Những hiểm họa của việc Trung - Mỹ tách rời" nhấn mạnh đến không khí sặc mùi thuốc súng tại eo biển Đài Loan với việc Trung Quốc bắn tên lửa vọt qua đảo Đài Loan, cắt đứt hầu hết các hợp tác với Hoa Kỳ, sau chuyến công du của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Chỉ cần một tính toán sai nhỏ nhất của một trong các bên là thảm họa có thể bùng lên. Theo Le Point, căng thẳng Washington - Bắc Kinh là một điều không tốt lành với Châu Âu, vốn "cần đến Mỹ để bảo đảm về an ninh, nhưng lại phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế". Le Point nhấn mạnh là Châu Âu cần chủ động "đóng vai trò nhiều hơn để hướng đến việc góp phần vào giảm căng thẳng, trước khi quá trễ".
Thúc đẩy thương mại với Trung Quốc có thể giúp giảm nguy cơ chiến tranh Đài Loan là một nhận định khác của Le Point. Bài xã luận thứ hai "Nếu Montesquieu thấy thế giới chúng ta…" chỉ ra rằng quan điểm của triết gia Pháp thế kỷ 18 về việc thúc đẩy ngoại thương có thể giúp giảm nguy cơ chiến tranh phần nào vẫn còn giá trị. Nhận định được rút ra từ cuốn "Toàn cầu hoá phải chăng vẫn là một nhân tố hoà bình ?". Trường hợp Ukraine và Nga thì không hẳn đúng, nhưng lý do cụ thể làm gia tăng xác suất chiến tranh là quan hệ kinh tế song phương Nga – Ukraine suy giảm mạnh (trước chiến tranh, hàng xuất khẩu Nga sang Ukraine chỉ chiếm 1,4% tổng xuất khẩu Nga). Quan hệ thương mại Trung Quốc với phương Tây rất khác.
L’Obs dành bài thời luận của tuần này cho chủ đề các tập đoàn hàng đầu của nước Pháp CAC40 đang có xu hướng giữ khoảng cách với thị trường Trung Quốc. Bài viết mang tựa đề "Oublier Pékin" (tạm dịch là thoát Trung). Theo L’Obs, một xu thế âm thầm đang diễn ra ("désinisation" – thoát Trung). Đa số các tập đoàn CAC40 của Pháp đang chủ trương giảm đầu tư vào Trung Quốc với chiến lược "Trung Quốc+1" có nghĩa là luôn luôn có sẵn phương án thay thế về nguồn cung ứng hay khách hàng. Nếu không phải là Trung Quốc, thì sẽ là một nước khác, như Malaysia, Indonesia hay Việt Nam.
Về chính trị quốc tế, L’Obs tuần này có hai hồ sơ đáng chú ý : "Sự phục thù của CIA" và tình trạng hơn 100.000 chuyên gia công nghệ cao rời bỏ nước Nga Putin. Cơ quan tình báo nổi danh của Mỹ mất nhiều uy tín sau vụ khủng bố 11/09. Thất bại trong dự báo Kabul thất thủ là một đòn đau khác. Gần đây, CIA thu hoạch được nhiều thành công ấn tượng, đặc biệt với các dự báo về cuộc xâm lăng của Nga. CIA được coi là đã biết trước ý đồ tấn công Ukraine của Putin, hơn cả tình báo Nga (!). Thời điểm chính xác Nga khởi sự tấn công cũng đã được tình báo Mỹ nắm bắt.
Hiện tại, giám đốc CIA là nhà cựu ngoại giao William Burns, cựu đại sứ tại Nga. Hoạt động tình báo càng có ý nghĩa quan trọng với nước Mỹ, khi Hoa Kỳ đang "trong giai đoạn chuyển đổi chiến lược, điều chỉ xảy ra hai hoặc ba lần mỗi thế kỷ", theo nhận định của giám đốc CIA.
Cuộc xâm lăng Ukraine khiến Nga bị chảy máu chất xám nặng nề. Ít nhất hơn 100.000 chuyên gia công nghệ cao, theo một số nguồn tin. Phản ứng mới nhất của Moskva là một mặt đưa ra một loạt các ưu đãi để khuyến dụ chuyên gia không rời nước, mặt khác đe dọa trừng phạt thân nhân những người bỏ đi.
Cũng về quan hệ Trung – Đài nhưng trong lịch sử, Le Point có bài thuật lại việc Bắc Kinh đã tranh thủ được công nghệ hạt nhân quân sự của Liên Xô trong những năm 1950, nhờ giương cao mối đe dọa Đài Loan. Sự việc dường như không còn mấy người biết đến.
Để thúc đẩy Liên Xô trao công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân, chính quyền Mao khẳng định nước Trung Hoa cộng sản sẵn sàng gánh thay Liên Xô hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vào thời điểm đó (năm 1955), tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower đe dọa có thể trả đũa bằng hạt nhân, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Vũ khí Liên Xô là nguồn vũ khí chủ yếu của Trung Quốc. Năm 1958, Mao Trạch Đông tái khẳng định : "Để loại bỏ hoàn toàn các thế lực đế quốc, nhân dân Trung Quốc chúng tôi sẵn sàng hứng chịu đòn tấn công (hạt nhân) đầu tiên của Mỹ". Trung Quốc đã chế tạo thành công bom hạt nhân năm 1964, hai năm sau khi quan hệ với Liên Xô tan vỡ.
Thời gian nghỉ ngơi mùa hè có thể là lúc dành để nghĩ về tuổi thơ là thông điệp của Le Point. Những phát hiện của các khoa học về thần kinh cho thấy những năm tháng đầu tiên của cuộc đời là khi con người có thể học được nhiều điều nhất.
Theo Yehezkel Ben-Ari, tác giả cuốn 1000 ngày đầu đời (2019), não đã bắt đầu trưởng thành ngay trong giai đoạn còn trong bào thai, và đến 2 tuổi, một em nhỏ đã có gần đủ tế bào thần kinh như người trưởng thành. Quan trọng nhất không phải là số lượng tế bào, mà là khả năng kết nối (với các điểm tiếp hợp thần kinh - synapse).
Với hơn 2,5 tỉ tế bào thần kinh, khả năng tiếp hợp thần kinh được coi như là "vô hạn". Tuy nhiên, cần chú ý là sự nở rộ của những kết nối diễn ra chủ yếu trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Thời gian này trôi qua, nhiều kết nối không được sử dụng sẽ biến mất. Tuy nhiên, khả năng học tập không dừng lại với tuổi tác. L’Obs nhấn mạnh, thách thức đối với mọi lứa tuổi là động cơ học tập. Tình cảm cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc thâu nhận cái mới, bởi con người không phải là cỗ máy nhập dữ liệu. Những đứa trẻ mồ côi, thiếu tình yêu, không được quan tâm, thường có trí thông minh kém phát triển, và nhiều vấn đề tâm lý. Ví dụ như điều tra về các trại mồ côi thời nhà độc tài Romania Ceaucescu, cho thấy. Tuy nhiên, nếu can thiệp sớm và phù hợp, các em có thể trở lại phát triển gần như bình thường, nhất là trước 20 tháng tuổi.
Cũng Le Point có một loạt bài viết khác chỉ ra giai đoạn tốt nhất để phát triển việc đọc, học toán, học ngoại ngữ thứ nhất, sử dụng máy tính, làm việc chân tay, học chơi đàn, phát triển gu ẩm thực, đối xử tốt với người khác….
Về khả năng hình thành "tinh thần phê phán", theo Le Point, từ 5 tuổi trở đi, trẻ em đã bắt đầu có khả năng phân biệt được "niềm tin" với "tri thức". Từ 3 đến 5 tuổi, trẻ coi trọng lời nói của người thân, tin tưởng vào người lớn trong gia đình hơn là người bên ngoài.
Từ 5 tuổi trở đi, trẻ có khả năng biết được người lớn trong gia đình có thể nói sai, người ngoài có thể nói đúng. Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực phê phán, phân biệt phải đòi hỏi nhiều năm. Kỹ năng chủ yếu là hình thành được ngôn ngữ lập luận, hiểu được các mệnh đề phức tạp, phát hiện được lập luận sai. Những kỹ năng này phát triển mạnh nhất trong giai đoạn thiếu niên. Năng lực phê phán được xây dựng trong học tập ở trường học, nhưng cũng ở trong gia đình. Nếu trong gia đình, chỉ người lớn truyền dạy "chân lý", đối thoại là không thể, thì trẻ rất khó hình thành được tinh thần phê phán.
Mùa hè là mùa du lịch. L’Obs đưa độc giả đến với quê hương của món pizza. Với L’Obs, đặc sản nổi tiếng thế giới này, trên thực tế, xuất phát từ một món ăn giản dị của dân nghèo. Theo nhà báo Matilde Serao, trong cuốn "Bụng của người Napoli", cuối thế kỷ 19, món pizza là món ăn rẻ tiền dùng cho bữa sáng hoặc bữa trưa đối với đông đảo dân cư thành phố. Món pizza thực sự đầu tiên chỉ gồm bột mỳ, mỡ lợn cùng hạt tiêu và húng quế tây. Cà chua chỉ được thêm vào cuối thế kỷ 18, khi loại trái cây này được du nhập từ Nam Mỹ. Món pizza với pho-mát mozzarella gắn liền với tên tuổi của hoàng hậu đầu tiên của nước Ý, Marguerite xứ Savoie (thuộc lãnh thổ Pháp hiện nay). Năm 1889, khi ghé Napoli, hoàng hậu Ý đã đặc biệt thích thú với món ăn địa phương bình dân này.
Mục "360 độ" của Courrier International đưa độc giả đến với một cộng đồng ngư dân Madagascar, được coi là "một trong những cộng đồng có mối liên hệ sâu sắc nhất với đại dương". Bài "Người Vezo, một cộng đồng và vùng biển của họ" cho biết, để chống lại nạn đánh bắt hải sản lậu, cư dân của 32 làng ven biển tây nam Madagascar hợp sức tuần tra. Khu vực "xa xôi" này chính quyền không có khả năng can thiệp. Không gian bảo tồn biển địa phương do dân du mục Vezo bảo vệ có tên gọi Velondriake (có nghĩa là "sống với biển", theo tiếng Vezo), bề ngang từ 20 đến 25 km, bề dài ước tính 60 km. Bảo vệ vùng biển của mình, và tổ chức khai thác bền vững là mục tiêu. Các ngư dân Vezo được sự hậu thuẫn của tổ chức phi chính phủ Anh Blue Ventures, và đại học Toliara, Madagascar.
Trọng Thành