Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngoại giao Mỹ "đang chết dần"

"Ngoại giao Mỹ đang chết dần" là nhận định của ông Jeffrey Hawkins - cựu đại sứ Mỹ tại Trung Phi - trong bài viết trên chuyên mục "Tranh luận và phân tích" của báo Le Monde. Ông Jeffrey Hawkins từ chức hồi tháng 09/2017 : Ông không muốn tiếp tục đại diện cho tổng thống vì ông có lý tưởng chính trị khác xa ông Trump.

ngoaigiao1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại New York, ngày 02/12/2017. Reuters/Yuri Gripas

Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jeffrey Hawkins, Washington đang mất đi các nhà ngoại giao cao cấp nhất, kỳ cựu nhất, dày dặn kinh nghiệm nhất, các chuyên gia về nhân quyền, khủng bố, Trung Quốc, cũng như các chuyên gia về nhiều lĩnh vực quan trọng mà một cường quốc như nước Mỹ phải đương đầu.

Mới đây, bà Barbara Stephenson, lãnh đạo American-Foreign Service Association, một nghiệp đoàn ngoại giao, đã cảnh báo "Đội ngũ lãnh đạo (trong Bộ ngoại giao Hoa Kỳ) đã biến mất với tốc độ nhanh chóng mặt". 33 quan chức với cấp bậc tương đương tướng ba sao đã giảm xuống còn 19 người. 431 quan chức tương đương cấp bậc tướng hai sao nay chỉ còn có 369 người. Tuần nào cũng có những người ra đi. Lý do thì rất nhiều. Còn bản thân nhà ngoại giao Jeffrey Hawkins rời Bộ ngoại giao Mỹ vì ba lý do chính.

Chính sách ngoại giao mới của tổng thống Donald Trump mang tính biệt lập, bảo hộ và dựa vào "sự ban phát" hơn là vào "lòng tin lẫn nhau". Với chính sách đó, Washington dè chừng hơn với các đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng lại thoải mái hơn với các chế độ độc tài ; tập trung hơn vào các "chiến thắng" trước mắt hơn là các giá trị cơ bản, chú ý tới sức mạnh nhiều hơn là đối thoại.

Không chỉ vậy, từ khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ngành ngoại giao Mỹ mất dần uy tín. Tổng thống Donald Trump giao các nhiệm vụ ngoại giao quan trọng cho các vị tướng, là không đoái hoài gì đến ý kiến các nhà ngoại giao. Bộ ngoại giao dường như bị nhắm đến trực tiếp sau đó. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã đề nghị cắt giảm 30% ngân sách cho Bộ ngoại giao. Đề xuất của ngoại trưởng sau đó đã bị Quốc Hội bác bỏ. Bản thân Rex Tillerson, người dường như ít có ảnh hưởng tới tổng thống, cũng ít lắng nghe các nhà ngoại giao kỳ cựu dưới quyền. Và ngày càng có nhiều lời đồn đại về việc ông Rex Tillerson phải ra đi.

Và cuối cùng, vấn đề nằm ở tổng thống. Những người ủng hộ Donald Trump cho rằng tổng thống không tránh né tranh luận, thích "chiến đấu" và sẵn sàng đề cập tới các "đề tài cấm kỵ". Nhưng theo nhà ngoại giao Jeffrey Hawkins, chửi rủa kẻ thù, thậm chí cả đồng minh ; can thiệp vào các mâu thuẫn phức tạp, chẳng hạn xung đột giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, mà không suy nghĩ kỹ hay có sự chuẩn bị trước, đột ngột rút lui khỏi các thỏa thuận mà nước Mỹ đã mất nhiều năm mới đạt được hay đe dọa làm như vậy, và thường là chỉ bằng một tin nhắn trên mạng Twitter…, tất cả đều không phù hợp với ngoại giao.

Ông Jeffrey Hawkins nói với báo Le Monde rằng ông từng là đại diện cho tổng thống Mỹ tại Trung Phi, nhưng ông thấy khó theo được ông Donald Trump và giải thích với các nhà lãnh đạo Trung Phi về chính sách của tổng thống Donald Trump còn phức tạp hơn nhiều.

Trong bối cảnh như vây, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu đã ra đi "tìm chân trời mới". Điều đó có nghĩa là Wasington mất đi nhiều chuyên gia về các khu vực, mất đi các nhà tư vấn khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm về chiến lược ngoại giao cho các vấn đề phức tạp, các vấn đề mà rất hiếm khi chỉ cần giải pháp quân sự đơn thuần. Và quan trọng hơn, theo ông Jeffrey Hawkins, điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, nước Mỹ sẽ không còn chính sách ngoại giao. Tổng thống Donald Trump đã từng nói, người giữ vai trò quan trọng trong ngoại giao của Mỹ không phải là tổng thống, không phải là ngoại trưởng mà là các trợ lý, đại sứ, chuyên gia… Nhưng đáng tiếc là không còn nhiều người như vậy ở lại Bộ ngoại giao Mỹ. Và nếu không có người thay thế đủ khả năng, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ rất khó được duy trì.

Jerusalem : Israel hài lòng, nhưng lo sợ bạo lực từ Palestine

Một chủ đề nóng bỏng trong các báo Pháp hôm nay liên quan tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 06/12/2017 chính thức công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố kế hoạch dời sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem.

Báo công giáo La Croix gọi thông báo của Donald Trump là "quyết định gây bùng nổ". Les Echos dẫn nhận định của bà Leslie Vinjamuri, chuyên gia về Hoa Kỳ thuộc cơ quan tư vấn Chatham House của Anh Quốc : "Hoa Kỳ có thể làm suy yếu vai trò hòa giải ở Trung Đông". Báo Le Figaro cho biết : "Từ Teheran tới Ryad, Moskva và cả Liên Hiệp Châu Âu, cả thế giới phản đối quyết định của nước Mỹ". Trong khi đó, báo Libération coi hành động "thổi bùng ngọn lửa" của Donald Trump chẳng qua chỉ là để đánh lạc hướng dư luận về vụ cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông nói dối FBI.

Còn thông tín viên Piotr Smolar củabáo Le Monde tại Jerusalem cho biết "Israel hài lòng (về quyết định của tổng thống Mỹ), nhưng lo sợ về bạo lực từ phía người Palestine". Thị trưởng thành phố Jerusalem, ông Nir Barkat, đã cảm ơn chính quyền Donald Trump về quyết định mà ông coi là "một bước đi lịch sử". Ông Ron Dermer, đại sứ Israel tại Mỹ, đánh giá quyết định của ông Donald Trump là để sửa chữa "một sai lầm kinh khủng" tồn tại trong suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, thủ tướng Israel Netanyahou hiện đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn : đảm bảo an ninh trước nguy cơ bạo lực từ người Palestine và đáp ứng các đề xuất trong tương lai của Hoa Kỳ nhằm phục hồi một tiến trình hòa bình mà thực ra không hề tồn tại.

Mỹ : Số vụ bắt giữ di dân sống bất hợp pháp tăng, số vụ nhập cảnh trái phép giảm.

Liên quan tới thời sự nước Mỹ, báo công giáo La Croix cho biết : "Tại Mỹ, các vụ bắt giữ di dân sống bất hợp pháp tăng, còn số vụ nhập cảnh trái phép lại thấp kỷ lục".

Theo báo cáo thường niên cho năm tài khóa 2017 (từ tháng 10/2016 đến tháng 09/2017) của ICE, cơ quan phụ trách đấu tranh chống di dân và nhập cư trái phép bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ, số các vụ bắt giữ trên lãnh thổ Mỹ tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016, và tăng 42% so với ngày 20/01/2017, ngày ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống. Trong khi đó, tại cửa khẩu Mỹ, số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép thấp kỷ lục : giảm 25% so với năm 2016.

Theo Nhà Trắng, xu hướng giảm nói trên có được là nhờ thông điệp cứng rắn của tổng thống Donald Trump nhắm vào người Châu Mỹ và những người nước ngoài có ý đồ vượt biên giới Mỹ trái phép hoặc sống bất hợp pháp tại Mỹ. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, xu hướng giảm đã bắt đầu từ cách nay 15 năm, chủ yếu nhờ kinh tế Châu Mỹ phát triển hơn và tỉ lệ thanh niên ở Châu lục này giảm, đặc biệt là ở Mexico.

Bất chấp khủng hoảng, các ngân hàng lớn nhất hành tinh vẫn phát triển

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos có bài "10 năm sau khủng hoảng, các ngân hàng lớn nhất hành tinh vẫn tiếp tục lớn mạnh". Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức S&P Global Market Intelligence, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số ngân hàng vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2006-2017, từ Mỹ tới Châu Âu và đặc biệt là tại Trung Quốc, sau khi quốc gia này gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới, thậm chí một số ngân hàng mở rộng quy mô gấp 4 lần trong 11 năm qua. Les Echos gọi đó là "những người thắng cuộc trong cuộc khủng hoảng".

Pháp : Hơn 10 triệu người sống trong cảm giác bất an

Chuyển sang lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro cho biết "Hơn 10 triệu người Pháp sống với tâm lý bất an". Theo kết quả điều tra thường niên của Đài quan sát tội phạm, 21% số người Pháp, nhất là phụ nữ và những người sống tại các thành phố lớn cảm thấy lo ngại, bất an, thậm chí là sợ hãi về tình hình an ninh trong khu phố mình sống. 32% số người được hỏi cho biết trong vòng 12 tháng qua đã từng chứng kiến một hành vi phạm tội : sử dụng và buôn bán ma túy, mại dâm, buôn lậu, thanh toán băng đảng… Con số này đặc biệt cao ở Paris và vùng phụ cận (48%), 17% tại các ngôi lành xa xôi, hẻo lánh.

16% số người được hỏi cảm thấy bất an ngay chính trong nhà, do lo sợ trộm đột nhập. Các gia đình ở thành phố có nguy cơ bị trộm đột nhập nhiều hơn so với nông thôn, nhất là vào ba tháng hè. Tuy nhiên, tỉ lệ trộm đột nhập vào tư gia đang có xu hướng giảm. Ngược lại, tỉ lệ ăn cắp nhắm vào tài khoản ngân hàng lại có xu hướng bùng nổ, tăng 142% so với năm 2010.

Nhưng mối lo ngại lớn nhất của người Pháp hiện là khủng bố, vốn không hề hiện diện trước trước vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 01/2015 và vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan hồi tháng 11/2015. 32% số người được hỏi lo sợ Hồi giáo cực đoan. Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với số người bận tâm về nạn thất nghiệp, công việc bấp bênh, sức khỏe, môi trường, an toàn giao thông, kỳ thị và phân biệt đối xử…

Trang nhất các báo Pháp

Huyền thoại nhạc Pháp Johnny Hallyday qua đời ngày 06/12/2017. Báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều hôm qua chạy tít "Johnny Hallyday, một thần tượng Pháp". Cũng giống như Le Monde, báo Libération dành trọn trang nhất cho hình ảnh ca sĩ Johnny Hallyday với hàng tít ngắn "Chào các bạn" và dành bài xã luận cũng như gần 20 trang bài bên trong cho "ngọn lửa Johnny". Le Figaro chào "Vĩnh biệt Johnny" và dành bài xã luận cho "kho báu quốc gia"mang tên Hallyday. Các báo đều dành nhiều trang bài bên trong cho cuộc đời, sự nghiệp, những người phụ nữ, những kỷ lục, những khúc quanh trong cuộc đời Johnny Hallyday.

Báo La Croix chú ý đến việc tổng thống Mỹ thừa nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô Israel và chơi chữ coi đó là hành động "thổi bùng ngọn lửa đang âm ỉ cháy". Còn Les Echos dành sự quan tâm cho ngành đường sắt Pháp qua hàng tựa "Tàu cao tốc TGV giành lại được cảm tình của người Pháp". Từ đầu năm tới nay, tàu TGV đã phục vụ 8 triệu lượt khách. Và chỉ trong vòng 1 năm, tỉ lệ các chuyến tàu kín chỗ đã tăng từ 10% lên thành 20%.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hôm 27/02 dự định tăng ngân sách quốc phòng ngay trong năm tới lên gần 10% sau nhiều năm bị cắt giảm dưới chính quyền Obama đã thu hút nhiều sự quan tâm của báo Pháp.

my1

Tân tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay tổng tham mưu trưởng lục quân Mark Milley, duyệt binh ngày đăng quang, Washington, 20/01/2017. Wikipedia

Vẫn mới chỉ là ở trong dự kiến, nhưng ý định "làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại" của ông D. Trump bằng việc tăng cường tiềm lực quân sự có thể gây hệ lụy tới hoạt động đối ngoại của Hoa Kỳ. Nhật báo Libération có bài : "Ngoại giao của Trump, sự lựa chọn vũ khí".

Mục tiêu của việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng là gửi một thông điệp về sức mạnh và quyết tâm của nước Mỹ đến thế giới, mà theo tân tổng thống Hoa Kỳ là "đang trong thời điểm nguy hiểm".

Theo Libération, đúng là ngân sách quân sự của của Mỹ đã giảm dưới chính quyền Obama. Nhưng việc cắt giảm đó là hoàn toàn có logic, theo các chuyên gia, trong bối cảnh Mỹ quyết định rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Chính hai cuộc chiến đó đã khiến ngân sách quốc phòng dưới thời G.W. Bush bùng nổ.

Libération lưu ý : Cho dù ở thời kỳ cắt giảm thì chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ vẫn là một con số khổng lồ. Chiếm 3,3% GDP tức là gần 600 tỷ đô la, vẫn dẫn đầu thế giới. Theo số liệu của Viện Sipri của Thụy Điển, ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn lớn gấp ba lần Trung Quốc và gấp 9 lần so với Nga. Chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn bằng của 7 nước đứng sau gộp lại.

Với ông Trump thì quân đội Mỹ ngày nay đang suy yếu, vì thế mà "nước Mỹ giờ đây không bao giờ thắng được trong các cuộc chiến". Và để nước Mỹ tìm được hương vị chiến thắng trở lại thì chỉ có cách là tăng chi tiêu quân sự.

Một chỉ dấu khác cho thấy Donald Trump chú trọng giới quân sự nhiều hơn dân sự đó là việc bổ nhiệm 3 vị tướng vào các chức vụ chủ chốt nhất của chính quyền : James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, McMaster, cố vấn An Ninh Quốc Gia và John Kelly, bộ trưởng An Ninh Nội Địa.

Theo Libération, bộ Ngoại Giao là cơ quan đầu tiên phải trả giá cho việc nâng cao sức mạnh quân đối với mức cắt giảm ngân sách có thể lên tới 30%. Đồng thời các đóng góp tài chính cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc, viện trợ phát triển vẫn do bên ngoại giao quản lý cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Lo ngại khả năng lĩnh vực ngoại giao bị bỏ rơi, hơn 12 tướng và đô đốc về hưu đầu tuần này đã ký một bức thư kêu gọi chính quyền Trump không cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao. Trong thư, các tướng lĩnh Mỹ nhấn mạnh là các cơ quan phát triển của Hoa Kỳ là tối quan trọng để "ngăn ngừa các xung đột và làm giảm thiểu các nguy hiểm cho những người mặc sắc phục lính" của nước Mỹ.

Đài Loan tính sổ với quá khứ

Nhật báo Le Monde chú ý đến Đài Loan với bài phóng sự dài mang tiêu đề : "Tại Đài Loan, thời điểm của các cuộc thanh toán".

Ngày 28/02 năm nay, đảo Đài Loan kỷ niệm 70 năm cuộc thảm sát 1947, sự kiện đánh dấu việc mở ra một giai đoạn được gọi là "Khủng bố trắng" . Đây là dịp để chính quyền Đài Bắc hiện nay tính sổ với thời độc tài của Tưởng Giới Thạch.

Le Monde ngược lại lịch sử. Năm 1945, sau 50 năm nằm dưới ách thực dân Nhật, Đài Loan là hòn đảo của nước Cộng Hòa Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch. Khi đó chính quyền Quốc Dân Đảng cùng lúc phải lo đối phó với cuộc nổi dậy của Cộng sản ở đại lục, thì tại Đài Loan đã dấy nên một phong trào nổi dậy chống chính phủ, sau khi cảnh sát bắn chết một người qua đường và bắt một người bán thuốc lá dạo.

Ngày 28/2/1947, chính quyền ra lệnh đưa quân đội từ Hoa Lục về đàn áp người biểu tình làm hàng nghìn người chết. Chưa hết, sau khi để mất chính quyền vào tay cộng sản của Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch phải rút về Đài Loan năm 1949. Đó cũng là thời điểm bắt đầu một thời kỳ 38 năm (1949-1987) người dân hòn đảo sống dưới sự kìm kẹp của thiết quân luật triền miên dưới chính quyền Quốc Dân Đảng và những nạn nhân mới của các cuộc đàn áp dưới chế độ độc tài Tưởng Giới Thạch lại dài thêm.

Giờ đây, nhân dịp kỷ niệm sự kiện này, chính quyền Đài Bắc muốn tính sổ với quá khứ, với Quốc Dân Đảng, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng, chính Tưởng Giới Thạch là người có công đã ngăn chặn được làn sóng đỏ của Mao Trạch Đông để hòn đảo có được chế độ dân chủ như ngày nay.

Le Monde cho biết, giữa năm ngoái, chính phủ Đài Loan của bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến đã thành lập hẳn một ủy ban lo việc xác định và quốc hữu hóa các tài sản bất minh của Quốc Dân Đảng từ thời Tưởng Giới Thạch. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nhằm lật lại quá khứ độc tài cũng nở rộ.

"Thách thức với Đài Loan không phải chỉ có tấn công vào quá khứ độc tài mà là làm sao để phân biệt rõ hơn với Hoa Lục hiện nay", tác giả bài phóng sự kết luận.

Bắc Kinh – Bình Nhưỡng khẩu chiến

Tiếp tục với nhật báo Le Monde, vẫn là chủ đề Châu Á, tờ báo quan tâm đến quan hệ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vốn là đồng minh truyền thống của nhau, qua bài viết "Trung Quốc rắn giọng đối với bắc Triều Tiên".

Những sự kiện gần đây liên quan đến chế độ Bình Nhưỡng như bắn tên lửa thách thức cộng đồng quốc tế, vụ ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, đã khiến Bắc Kinh phải thay đổi thái độ với Bình Nhưỡng. Hành động cụ thể đầu tiên là ngưng nhập than đá từ Bắc Triều Tiên, một nguồn thu đáng kể cho Bình Nhưỡng trong hoàn cảnh bị cô lập triền miên bởi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Theo Le Monde, động thái của Bắc Kinh khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ. Qua bản tin của hãng thông tấn chính thức KCNA ngày 23/02, Bắc Triều Tiên gần xa chỉ trích Trung Quốc là "một cường quốc, nhưng lại đi nhảy múa theo chân Hoa Kỳ". Cũng qua báo chí, Bắc Kinh tuyên bố lập trường của họ "không lay chuyển trước các chỉ trích của Bắc Triều Tiên", đồng thời nhắc lại là họ sẽ kiên quyết áp dụng chặt chẽ các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Le Monde cho biết thêm, không chỉ rắn giọng với Bình Nhưỡng, quan hệ Bắc Kinh-Seoul cũng không kém căng thẳng vì hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ đang được triển khai trên đất Hàn Quốc. Trung Quốc đã có những động thái tẩy chay, nhập khẩu sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc, đe dọa đuổi ra khỏi thị trường Trung Quốc tập đoàn khổng lồ Hàn Quốc trong lĩnh vực bán lẻ Lotte, vì tập đoàn này nhượng đất cho quân đội để làm cơ sở lắp đặt hệ thống THAAD.

Pháp ngày càng bị Trung Quốc lấn sân ở Châu Phi

Liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Les Echos có bài phóng sự điều tra về sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Phi có tựa đề "Tương lai của Djibouti đang được viết cùng Trung Quốc".

Điều được nhật báo kinh tế quan tâm đó là Trung Quốc đang lấn át dần ảnh hưởng của Pháp ở lục địa đen. Theo tờ báo, "từng hiện diện từ năm 1862 ở Djibouti, nước Pháp vẫn tiếp tục coi mẩu đất trên lục địa Phi này như là một trại lính đồn trú lớn của mình. Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào vùng đất ở cửa ngõ Đông Phi này". Tờ báo nhận xét , "với 14 tỷ đô la, Trung Quốc đang xây dựng một đế chế mới ở vùng Sừng Châu Phi".

Tuy nhiên, theo Les Echos, Pháp đang cố gắng giữ lại ảnh hưởng của mình ở vùng đất này trước sức xâm lấn của người Trung Quốc. "Văn hóa, đào tạo, tính chuyên nghiệp của quân đội, Pháp vẫn còn một vài thế mạnh để cứu vớt chút ảnh hưởng còn lại ở đất nước trong cộng đồng Pháp ngữ này". Cuối cùng tờ báo đặt câu hỏi : Liệu có quá muộn chăng ? Chắc chắn là sẽ muộn nếu nước Pháp không thay đổi cái nhìn xa hơn cái thành phố đồn trú, đó là toàn vùng Đông Phi.

Bầu cử tổng thống Pháp : Sự đổi ngôi ngoạn mục trong đảng Xã Hội

Trở lại với thời sự của nước Pháp. Chủ đề nổi bật vẫn là chiến dịch vận động tranh cử tổng thống 2017 vẫn tiếp tục với nhiều diễn biến hỗn loạn.

Tâm điểm lúc này là sự rã đám trong đảng Xã Hội ( PS) và có sự đảo ngược hoàn cảnh. Benoit Hamon, cách đây vài tháng từng là một nhân vật thuộc phe phản kháng chính phủ, giờ đây ông lên ngôi ứng viên tổng thống của PS, trong khi đó cánh của cựu thủ tướng Valls gồm nhiều bộ trưởng tại chức, giờ đang tỏ rõ thái độ không ủng hộ ứng viên của đảng và họ có thể ngả theo ứng viên tự do Macron.

Nhật báo Les Echos viết : "chỉ còn hơn năm chục ngày nữa đến vòng 1 cuộc bầu cử, căng thẳng trong đa số cầm quyền lên thêm một mức. Các nghị sĩ thuộc phái hữu trong đảng PS bắt đầu tỏ thái độ khó chịu với chương trình quá tả của ông Benoit Hamon". Nhũng người từng bị chống đối giờ đang tập hợp lại phản pháo phe trước đây từng chống họ. Quả thực là một sự hoán vị kỳ quặc trong một kỳ bầu cử chưa từng có ở Pháp.

Pháp với nạn trẻ vị thành niên khủng bố

Một vấn đề khác đang khiến chính quyền Pháp đau đầu được Libération đưa lên trang nhất đó là "khủng bố và trẻ vị thành niên".

Đây là hồ sơ lớn của Libération hôm nay. Theo tờ báo, có 53 thanh niên dưới 18 tuổi bị truy tố tại Pháp vì những hành vi liên quan đến khủng bố, đó là hình ảnh của một trong số phiên tòa mở ra hôm nay tại Paris.

Libération đặt một loạt câu hỏi : Những đứa trẻ đó đã làm gì ? Xét xử chúng như thế nào ? Làm sao tái lập lại cho chúng tương lai ? Đó là những vấn đề nhức nhối của xã hội Pháp hiện nay.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump bị khoảng một ngàn nhân viên trong bộ ngoại giao ký kiến nghị phản đối. Sự kiện hi hữu này là một trong những thách thức lớn của Rex Tillerson, vừa được Thượng viện chấp thuận vào chức vụ ngoại trưởng Mỹ ngày 01/02/2017.

tillerson1

Ông Rex Tillerson trong phiên thẩm định của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

Năm nay 64 tuổi, dân Texas, với kinh nghiệm 41 năm trong ngành dầu khí và một cuốn sổ địa chỉ dầy cộm, trong đó có "người bạn thân" Vladimir Putin, Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil, trở thành gương mặt và tiếng nói của siêu cường với thế giới.

Tuần trước, trong lễ tuyên thệ nhậm chức, tân tổng thống Donald Trump trân trọng giới thiệu người ông tin cậy bổ nhiệm làm ngoại trưởng như sau : "Ông ấy đã bỏ một việc làm rất tốt ( để gia nhập nội các). Với nhân vật được kính trọng trên thế giới làm ngoại trưởng, Hoa Kỳ có thể mang lại hòa bình, ổn định trong giai đoạn nhiều rối loạn như hiện nay".

Thế nhưng, theo AFP, rối loạn đầu tiên mà vị ngoại trưởng thứ 69 của Mỹ kể từ thời lập quốc phải đối phó xuất phát ngay từ bên trong nước Mỹ, mà chính xác hơn nữa là từ bên trong bộ ngoại giao.

Hôm thứ năm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson cam kết với các quan chức nồng cốt của bộ rằng ông "luôn luôn là người đại diện quyền lợi của toàn thể nhân dân Mỹ".

Là chủ gia đình một vợ bốn con, thời còn trẻ từng làm chủ tịch hội Hướng đạo Hoa Kỳ, ông Tillerson gia nhập ExxonMobil lúc mới ra trường và lần lượt leo hết các nấc thang trách nhiệm để trở thành tổng giám đốc từ năm 2006 đến tháng 12/2016.

Từ nay, Rex Tillerson đứng đầu bộ ngoại giao Mỹ. Nhưng mạng lưới nhân sự hùng hậu nhất thế giới với 70.000 người đang bên bờ nổi loạn, theo một viên chức cao cấp tiết lộ với AFP. Một "nhóm ly khai" đang kiểm soát bộ ngoại giao qua một "kênh liên lạc nội bộ". Một bản kiến nghị, qui tụ được 1000 chữ ký của các nhà ngoại giao và công chức phản đối chính sách của Nhà Trắng, mà cụ thể là sắc lệnh "bảo vệ quốc gia chống khủng bố quốc tế xâm nhập". Sắc lệnh này cấm công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi cũng như người tị nạn nhập cảnh.

Sự bất bình này được tiếp nối qua một kháng thư của hàng trăm cựu quan chức cao cấp của hai bộ quốc phòng và ngoại giao. Một trong số những nhân vật này, Thomas Countryman, vừa rời ghế Trợ lý ngoại trưởng, cảnh giác Donald Trump : Nếu ông không tin cậy các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thì cuối cùng ông sẽ làm ngoại giao theo kiểu nghiệp dư.

Thật ra thì tổng thống mới, làm ăn trong ngành địa ốc, hoàn toàn không biết tổng giám đốc ExxonMobil, Rex Tillerson, và cũng không biết ai là người có đủ khả năng làm ngoại trưởng. Mãi cho đến cho đến tháng 12/2016, gần ngày nhậm chức, ông mới được hai cựu bộ trưởng Cộng hòa là Robert Gates (quốc phòng) và bà Condoleeza Rice (ngoại giao) giới thiệu cho.

Thông minh, cao lớn, giọng trầm, nghiêm nghị, "lính mới" chưa có kinh nghiệm ngoại giao đã trình bày trong suốt 9 giờ đồng hồ với Thượng viện nhãn quan và chính sách ngoại giao của nước Mỹ, trong cuộc điều trần hồi giữa tháng giêng. Ông đã gây bất ngờ khi chứng tỏ không có cùng đường lối với tổng thống, từ quan hệ với Nga, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, cho đến khí hậu.

Tuy thân cận với tổng thống Nga và được gắn nhãn "thân hữu", nhưng trong cuộc điều trần tại Thượng viện, Rex Tillerson tố cáo Moskva là "mối nguy" của Châu Âu và NATO. Ông cũng làm cho Bắc Kinh nổi giận khi lên án Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và tuyên bố không để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân đạo xây dựng "trái phép".

Tú Anh

Published in Quốc tế