Trong một hành động hiếm hoi chống lại một phán quyết, 50 nhà ngoại giao của 25 nước đã sát cánh với nhau tại đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh, chụp tấm ảnh chung bày tỏ tình liên đới với Ottawa. Vụ Michael Spavor bị tuyên 11 năm tù vì cáo buộc "gián điệp" đã mang tầm vóc địa chính trị.
Phó đại sứ Canada Jim Nickel (hàng đầu, ở giữa) và đại diện ngoại giao của 25 nước chụp ảnh chung tại đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh để tỏ tình liên đới với Ottawa trong vụ công dân Michael Spavor bị Trung Quốc kết án 11 năm tù, ngày 11/08/2021. AP - Mark Schiefelbein
Le Figaronhận định Trung Quốc dùng "vũ khí tư pháp để tấn công Canada". Đối vớiLibération "Trước Canada, Trung Quốc coi thường công lý".
Mọi việc bắt đầu từ ngày 01/12/2018, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei) bị cảnh sát Canada bắt giữ tại phi trường Vancouver theo yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khuôn khổ hiệp định dẫn độ giữa hai nước. Bà Mạnh bị cáo buộc lừa đảo ngân hàng HSBC khi dối trá về việc làm ăn với Iran khiến ngân hàng này có nguy cơ bị trừng phạt vì vi phạm lệnh cấm vận. Thay vì đối đầu trực diện với Mỹ, Bắc Kinh tố cáo "thủ đoạn chính trị" của Ottawa, Global Times đe dọa trả đũa Canada nếu không thả Mạnh Vãn Châu.
Ngày 10/12/2018, chỉ ba ngày sau khi Canada chấp nhận tiến hành thủ tục dẫn độ bà Mạnh, công an Trung Quốc bắt ngay hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig, với cáo buộc "gián điệp". Một công dân Canada thứ ba là Robert Schellenberg cũng bị rơi vào vòng xoáy.
Người đàn ông 38 tuổi bị bắt vì giúp hai kẻ buôn ma túy Trung Quốc đưa méthamphétamine sang Úc trong một container chứa vỏ xe. Schellenberg vừa bị kết án 15 năm tù và 20.000 euro tiền phạt thì nổ ra vụ Mạnh Vãn Châu, vài tuần sau ông bị xử lại với cáo buộc nặng nề hơn, dù luật sư người Trung Quốc của Schellenberg khẳng định hồ sơ vẫn như cũ. Công dân Canada này đã bị xử y án tử hình hôm thứ Ba 10/08.
Từ 2019, Trung Quốc và Canada dấn sâu vào khủng hoảng ngoại giao. Ottawa biết rằng công dân mình sẽ bị dùng làm công cụ để gây áp lực lên tư pháp Canada, nên khuyến cáo tránh đến Trung Quốc "vì nguy cơ bị áp dụng luật pháp địa phương một cách tùy tiện".
Trong khi tư pháp Canada xem xét đơn kháng cáo của các luật sư, Mạnh Vãn Châu vẫn sống an nhàn trong tòa biệt thự sang trọng ở Vancouver, được di chuyển trong bán kính nhiều cây số. Còn "hai Michael" bị biệt giam trong phòng chiếu sáng 24/24, bị từ chối cho lãnh sự thăm viếng.
Chuyên gia Marie Lamensch của Viện nghiên cứu về diệt chủng và nhân quyền thuộc đại học Concordia ở Montréal nhận xét, việc dẫn độ Mạnh Vãn Châu, sẽ được quyết định vào khoảng 20/08, sẽ là một cú đòn mới nặng nề cho Hoa Vi.
Từng đứng nhì thế giới về số lượng smartphone bán ra, Hoa Vi nay chao đảo với vì bị trừng phạt, tẩy chay, không được sử dụng hệ điều hành Android. Nhiều nước phương Tây do căng thẳng với Trung Quốc, không dùng thiết bị Hoa Vi nữa. Dư luận Trung Quốc cũng không ưa cách điều hành của Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), cha bà Mạnh và thái độ của "công chúa" Mạnh Vãn Châu. Cuối tháng Bảy, thương hiệu Hoa Vi đã biến mất trong danh sách 5 smartphone bán chạy nhất Hoa lục.
Cũng theo nhà nghiên cứu Lamensch, "Canada bị kẹt giữa hai bên trong một vụ không liên quan đến mình, không muốn làm mất lòng Hoa Kỳ. Ban đầu dư luận Canada cho rằng đơn giản nhất là nhượng bộ dưới áp lực Trung Quốc. Nhưng đại dịch Covid, số phận người Duy Ngô Nhĩ, rồi đến việc đối xử tệ hại, tước đi các quyền căn bản của "hai Michael" đã làm thay đổi cách nhìn. Giờ đây thực sự cần đến công lý trước một quốc gia đang mưu toan định lại các tiêu chuẩn quốc tế khi dùng công dân các nước khác là con tin".
Libération ghi nhận trong lúc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" cho Michael Spavor, số phận của ba người Canada hơn bao giờ hết đang treo lơ lửng với vụ Hoa Vi.
Còn Le Figaro nói thêm, đại sứ Trung Quốc tại Ottawa Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) hồi tháng 10/2020 đã từng đòi hỏi Canada không cấp quy chế tị nạn chính trị cho các "tội phạm" Hồng Kông, tức các nhà đấu tranh dân chủ, nếu "thực sự quan tâm đến sức khỏe và an ninh của 300.000 người mang hộ chiếu Canada ở Hồng Kông".
Cũng liên quan đến Hoa Vi, không chỉ với Canada, Trung Quốc còn gây áp lực lên Úc. Trong bài "Giữa Bắc Kinh và Canberra là một sự lệ thuộc căng thẳng", Libération nhận xét kể từ 2018, quan hệ giữa hai đối tác kinh tế này không ngừng xấu đi.
Úc và Trung Quốc ký hiệp định tự do mậu dịch từ năm 2015. Nhưng đến 2018, khi Canberra loại Hoa Vi khỏi mạng 5G, Bắc Kinh đã tức giận cho rằng có bàn tay của Mỹ phía sau. Ngoài tư cách thành viên của Five Eyes (gồm Anh, Mỹ, New Zealand, Úc, Canada), Canberra còn tham gia Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) với mục tiêu chống lại ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Đến cuối 2019, khi thủ tướng Úc Scott Morrison đòi mở điều tra quốc tế về xuất xứ của virus gây ra đại dịch Covid ở Vũ Hán, chủ đề cực kỳ nhạy cảm đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh liền nổi trận lôi đình.
Lúa mạch của Úc bị áp thuế hải quan nặng nề, thịt bò xuất qua Hoa lục bị giảm số lượng, rượu vang bị điều tra chống phá giá. Chỉ có khoáng sản là tránh được việc trừng phạt, vì Bắc Kinh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, 60% quặng sắt được nhập từ Úc. Bên cạnh thương mại là số phận các công dân Úc.
Tháng Giêng 2019, Dương Quân (Yang Jun), nhà cựu ngoại giao Trung Quốc từ 2002 trở thành công dân Úc và sống với gia đình tại, bị bắt tại sân bay khi từ New York đến Quảng Châu. Được biết với bút hiệu Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), ông di cư sang Úc từ cuối thập niên 90, trở thành tiểu thuyết gia và blogger đấu tranh cho dân chủ hóa Trung Quốc. Sau hai năm giam cầm, ông bị kết tội "gián điệp" hồi tháng Năm, tòa xử kín và không công bố bản án.
Mùa hè 2020, Bắc Kinh bắt thêm một công dân Úc khác là Thành Lôi (Cheng Lei), người dẫn chương trình bằng tiếng Anh của kênh truyền hình nhà nước CGTN, đã nhập tịch Úc. Bà bị giam giữ ở một địa điểm bí mật trong sáu tháng, không được gặp luật sư. Đến tháng Hai Trung Quốc loan báo Thành Lôi bị bắt vì làm "gián điệp". Vụ này đã khiến hai thông tín viên của truyền thông Úc, bị công an nửa đêm vào nhà ra lệnh cấm xuất cảnh, phải vội vã về nước nhờ sự can thiệp của đại sứ quán.
Tại một nước cộng sản khác là Cuba, nhà nghiên cứu Vincent Bloch khi trả lời Libération nhận định, mặc cho các cuộc biểu tình quy mô, các nhà lãnh đạo nước này vẫn không muốn hòa giải với dân chúng.
Theo ông Bloch, tình trạng hàng hóa khan hiếm, nạn quan liêu… đã tồn tại từ lâu. Nhưng từ vài tháng qua, những hành động phản kháng liên tục nổ ra và được phổ biến trên mạng xã hội, trong lúc túi tiền eo hẹp của các gia đình bị siết chặt thêm bởi các cải cách tiền tệ của chính quyền vào đầu năm, lạm phát tăng vọt. Đại dịch Covid càng làm tồi tệ thêm, khi du lịch không còn, nguồn hàng tiêu dùng từ Florida, Panama, Guyana cũng bị ngưng lại. Vào đầu hè, chính quyền còn thi hành biện pháp cúp điện - một giọt nước tràn ly.
Bất ngờ trước các cuộc biểu tình khổng lồ hôm 11/07, hai giờ sau đó chính quyền bèn cắt Internet và chưa đầy 24 giờ sau tung lực lượng đặc nhiệm và dân quân đàn áp, nắm lại quyền kiểm soát đường phố. Việc đàn áp này đã làm mất đi tính chính danh của các nhà lãnh đạo Cuba mặc cho chính quyền tuyên truyền ầm ĩ, quy cho người biểu tình là tội phạm, hay lính đánh thuê của Mỹ.
Trong suốt 10 năm từ khi Fidel Castro rút lui đến khi qua đời năm 2016, Raul Castro đã tăng cường quyền lực của quân đội và an ninh. Con trai ông, Alejadro Castro Espin điều phối hai bộ máy này, còn con rể cũ Luis Alberto Rodriguez Lopez-Callejas lãnh đạo Gaesa, tập đoàn của quân đội kiểm soát các lãnh vực béo bở tại Cuba. Các nhóm lợi ích tiếp tục thủ lợi xung quanh phe Castro, dù Fidel và Raul không còn nữa. Theo Vincent Bloch, rất có thể các nhà tranh đấu trẻ tuổi những năm gần đây sẽ nản chí và đi theo vết chân của lớp trước : lưu vong.
Bên cạnh "ngoại giao con tin" của Trung Quốc và đại dịch Covid gia tăng tại lãnh thổ hải ngoại Pháp, tình hình Afghanistan cũng là một trong những chủ đề chính của các báo Paris hôm nay 12/08/2021. La Croix nói về "Afghanistan, cuộc chiến bất tận". Bị Mỹ truy đuổi năm 2001 sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, phong trào Hồi giáo cực đoan này vừa chiếm được nhiều thành phố miền bắc Afghanistan.
Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài trên 40 năm qua và chừng như không dễ dàng chấm dứt. Đó là do sự phức tạp về sắc tộc của đất nước đầy núi non hiểm trở, và vị trí địa lý nằm giữa nhiều thế lực. Taliban được Pakistan chống lưng và được các giáo chủ bán đảo Ả Rập ủng hộ, nhưng bị sự hiện diện quân sự của phương Tây dưới danh nghĩa NATO chận lại. Việc Mỹ rút quân mở ra khoảng trống cho nhiều cường quốc khu vực : Iran, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Sự cạnh tranh lẫn nhau sẽ gây ra những căng thẳng mới.
Theo Le Monde, phía sau đà tiến của Taliban là cái bóng của Pakistan. Từ 15 năm qua các tướng lãnh Mỹ và chính quyền Afghanistan công khai tố cáo Taliban không thể hồi sinh nếu không có sự hỗ trợ của tình báo Pakistan (ISI). Chính trên lãnh thổ Pakistan mà các thủ lãnh Taliban đặt bộ chỉ huy, sinh sống với gia đình, dùng các trại tị nạn làm nơi nghỉ ngơi, chăm sóc các chiến binh. Trong 20 năm qua, Taliban thiết lập được các căn cứ quan trọng ở các thành phố Pakistan như Karachi, Quetta.
Les Echosdẫn lời nhà nghiên cứu George Lefeuvre của IRIS cho biết quân chính phủ Afghanistan phải chiến đấu trong hoàn cảnh có những binh sĩ chưa được lãnh lương từ nhiều tháng qua, trong khi quân Taliban túi tiền rủng rỉnh. Vũ khí của quân chính phủ cũng không sánh nổi với các loại vũ khí tiên tiến của quân Hồi giáo. Các báo Pháp đều cay đắng nhắc lại câu nói của Nhà Trắng, rằng người Afghanistan "phải có quyết tâm chiến đấu cho đất nước họ". Còn về đàm phán ? Taliban muốn thiết lập một vương quốc Hồi giáo với luật charia đứng trên Hiến Pháp, còn đoàn đại biểu của Kaboul bảo vệ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan. Hai quan niệm này không thể tồn tại song song.
Sau nhiều tháng chối cãi, rốt cuộc Andrew Cuomo phải chịu thua trước áp lực từ nhiều phía : báo chí, những người thân cận, đảng Dân Chủ và cả tổng thống Joe Biden. "Cá mập" - biệt danh của thống đốc 63 tuổi – mới cách đây một năm còn là ngôi sao của đảng Dân Chủ. Các cuộc phỏng vấn do em trai ông là Chris Cuomo thực hiện trên CNN được hàng triệu người theo dõi. Andrew Cuomo được tặng giải Emmy, cuốn sách của ông thu về 5 triệu đô la.
Nhưng rồi chiếc mặt nạ dần dần rơi xuống, bắt đầu từ khi công chúng phát hiện ông thống đốc cố tình gian dối về số người chết vì Covid tại các viện dưỡng lão. Đến tháng Hai, cô Lindsey Boylan công bố chi tiết những lần cô bị quấy nhiễu. Thái độ trơ tráo, ngạo nghễ của ông khiến các phụ nữ nạn nhân còn lại, đa số là các trợ lý trẻ, không còn có thể im lặng. Phải từ chức, đòn quá nặng cho thống đốc đầy tham vọng đang muốn tại vị thêm nhiệm kỳ thứ tư.
Thụy My
Le Mondesố đề ngày hôm nay 29/08/2019 ghi nhận "Việc Trung Quốc bắt giữ một nhà văn Úc gây căng thẳng với Canberra". Nhà trí thức đấu tranh cho dân chủ Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) bị bắt hồi đầu năm khi đến Quảng Châu, và đến bây giờ thì mới bị cáo buộc tội "làm gián điệp".
Nhà văn Úc gốc Hoa Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) chúc mừng năm mới trên Twitter của ông. Ảnh chụp lại từ một video trên mạng xã hội. Twitter @YANGHENGJUN via Reuters
Có nghĩa là đến bảy tháng sau, lý do bắt nhà văn Úc gốc Hoa mới được đưa ra. Ngoại trưởng Úc Marise Payne lớn tiếng phản đối : "Nếu Dương Hằng Quân bị bắt vì lý do chính trị, thì phải trả tự do cho ông ấy. Tôi sẽ tiếp tục biện hộ cho ông Dương cho đến khi có được lời giải thích thỏa đáng về việc bắt giữ, ông phải được đối xử nhân đạo và được cho về nhà". Bà Payne đã chất vấn chính quyền Trung Quốc năm lần, khẳng định cáo buộc gián điệp là "vô căn cứ", trong khi tội danh này có khung hình phạt từ ba năm tù cho đến tử hình.
Càng bất đồng với phương Tây, càng dễ bắt người
Có bằng tiến sĩ của một trường đại học công nghệ ở Sydney, nhập tịch Úc năm 2002, Dương Hằng Quân là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó các một số tiểu thuyết tình báo. Ông đã nhiều lần chỉ trích chế độ cộng sản Bắc Kinh, nhất là trên mạng xã hội. Sống tại New York với tư cách nhà nghiên cứu của trường đại học Columbia, ông bị bắt khi sang Trung Quốc, bị giam ở một nơi bí mật, gia đình và luật sư không được thăm viếng.
Giáo sư Rory Madcalf, trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc ở Canberra nhận xét giọng điệu của ngoại trưởng Payne là "đặc biệt cứng rắn về ngoại giao". Ông cảnh báo trong những năm tới, nhiều chính phủ Châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự, khi các vấn đề bất đồng giữa Trung Quốc với phương Tây ngày càng nhiều.
Cũng như Úc, Canada có hai công dân – một nhà cựu ngoại giao chuyển sang nghiên cứu và một nhà tư vấn – đã bị bắt giữ tùy tiện từ tháng 12/2018, rõ ràng để trả đũa vụ giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt ở Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Một trường hợp khác là Quế Dân Hải (Gui Minhai), chuyên xuất bản những cuốn sách phê phán đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Hồng Kông, bị bắt cóc và sau đó xuất hiện "tự thú" trên truyền hình nhà nước. Ông Quế mang quốc tịch Thụy Điển, nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn làm ngơ trước các vận động của Stockholm.
Người gốc Hoa trên toàn thế giới bị coi là thần dân Bắc Kinh
Giáo sư Medcalf gọi đây là một "nền ngoại giao con tin". Ông cho rằng Trung Quốc không đơn thuần tấn công Úc trong trường hợp nhà văn Dương Hằng Quân, mà vụ này "phản ánh một xu hướng rất tiêu cực trong quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước". Bắc Kinh gởi đi thông điệp rằng họ "coi tất cả những người gốc Hoa trên khắp thế giới là những cá nhân phải tuân lệnh Trung Quốc, và dùng cái cớ an ninh quốc gia để răn đe những người chỉ trích".
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, mua quặng sắt và than đá Úc. Nhưng Canberra ngày càng khó chấp nhận cánh tay nối dài của Bắc Kinh khuấy đảo chính trường Úc, vươn ra tận các đảo Thái Bình Dương.
Năm 2018 Úc thông qua một loạt các luật nhằm chống lại sự lũng đoạn chính trị của nước ngoài, và tuần này đã mở điều tra về món tiền của một đại gia Trung Quốc là Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) tặng cho một thành viên của đảng Lao Động Úc trước cuộc bầu cử năm 2015.
Hôm 28/8, một nhóm đặc nhiệm đã được thành lập với nhiệm vụ nhận dạng ảnh hưởng nước ngoài tại các trường đại học Úc, sau khi xảy ra các vụ sinh viên Hoa lục tấn công sinh viên Hồng Kông.
Đến lượt doanh nghiệp bị đánh giá bằng "điểm tín nhiệm"
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echosđề cập đến tình trạng các công ty ngoại quốc bị "Big Brother" dò xét. Bắc Kinh lập ra một hệ thống tín nhiệm xã hội để đánh giá theo các tiêu chí của Trung Quốc, và các doanh nghiệp Châu Âu tại đây lo ngại đây là một thứ "quyền sinh quyền sát".
Sau hệ thống Skynet chuyên giám sát người dân bằng các camera nhận diện, nay đến lượt "corporate social credit system" đang được thử nghiệm ở một số thành phố Trung Quốc và có thể được phổ biến toàn quốc từ năm tới. Trí tuệ nhân tạo và Big Data, vốn nằm trong số những ưu tiên đầu tư hàng đầu của Bắc Kinh, sẽ đánh giá các công ty ngoại quốc theo 300 tiêu chí và cập nhật thường xuyên để tưởng thưởng hay trừng phạt.
Phòng thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh hôm qua báo động, những doanh nghiệp nào bị cho vào danh sách đen không chỉ bị phạt, mà còn bị thanh tra thường xuyên, bị chậm trễ ở hải quan, thậm chí có thể là mục tiêu của một chiến dịch tố cáo… Tuy nhiên giới doanh nhân Châu Âu lại chưa chuẩn bị để đối phó.
Vụ Magnitski : Nga bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu kết án
Trên lãnh vực nhân quyền,Le Monde chú ý đến việc Nga bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu (CEDH) kết án trong vụ Magnitski : Moskva phải chịu trách nhiệm về cái chết trong tù của vị luật sư chống tham nhũng hồi năm 2009.
Gần 10 năm sau khi qua đời trong một trại giam Moskva, hôm 27/8 ông Serguei Magnitski đã giành được thắng lợi. Thường xuyên bị đánh đập trong 11 tháng tạm giam, ông bị bỏ mặc trong xà lim và cuối cùng bị đánh chết.
Vị luật sư 36 tuổi này bị bắt năm 2008 với cáo buộc gian lận thuế, sau khi tố cáo một hệ thống trốn thuế lên đến 130 triệu euro do cảnh sát và quan chức thuế vụ cầm đầu. Ông bị buộc tội bởi chính những người mà mình tố cáo. Trong nhật ký, Serguei Magnitski kể lại những lần bị hành hạ, nhưng càng khiếu nại thì điều kiện giam giữ lại càng tệ hại hơn. Trước khi chết, chính ông đã kiện lên CEDH, một quá trình dài hơi được mẹ và vợ ông theo đuổi sau đó.
Đảo lộn liên minh trên chính trường Ý
Thời sự Châu Âu chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay với việc thủ tướng Anh Boris Johnson đình chỉ hoạt động của Quốc hội năm tuần, còn tại Ý, hai đảng có quan điểm rất khác nhau bắt tay lập chính phủ. Tít trang nhất của Les Echosnói về "Coup de Trafalgar" (sự kiện gây hậu quả nghiêm trọng) của Boris Johnson,Libérationchạy tựa "Brexit : Ngày càng cứng rắn hơn". Le Figaro nhấn mạnh việc "Đảo ngược liên minh ở Ý để chặn Salvini". Về nội tình nước Pháp, Le Monde giải thích "Vì sao tổng thống Macron tỏ ra linh hoạt hơn về chính sách hưu bổng", còn La Croixquan tâm đến việc "Cảnh sát và công dân tái lập đối thoại".
Trong bài "Cánh tả Ý quay lại nắm quyền với một liên minh chưa từng thấy", Le Figaro dẫn nhận định của tờ báo Ý Corriere della Sera, cho rằng đây là "một chính phủ theo nhu cầu", mà nhiệm vụ trước hết là ngăn chặn phó thủ tướng cực hữu Matteo Salvini, và tránh một cuộc bầu cử trước thời hạn.
Ông Lorenzo De Sio, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử (CISE) nhận xét : "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Ý mà chính phủ từ cực hữu bỗng chuyển sang cánh tả với cùng một thủ tướng, mà không thông qua lá phiếu". Và chỉ 20 ngày sau khi ông Salvini khởi đầu khủng hoảng hôm 8/8 – cuộc khủng hoảng đã khiến cho hai đảng dù rất ghét nhau phải xích lại gần nhau, vì cả hai đều có nguy cơ thua cuộc nếu tổ chức bầu trước hạn.
Loan báo về liên minh giữa đảng Dân Chủ (cánh tả) và Phong trào 5 Sao tức M5S (chống hệ thống) khiến Bruxelles thở phào nhẹ nhõm, thoát khỏi bóng ma một chính phủ cực hữu Ý vẫn ám ảnh từ đầu tháng Tám. Kết thúc một cuộc "chiến tranh du kích" do Matteo Salvini áp đặt, "làm đầu độc bầu không khí chính trị Châu Âu" - theo Eric Maurice thuộc Fondation Schuman.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Lễ tân hôn kiểu Ý", Le Figaro ví von, chính trường nước Ý cứ như một sân khấu liên tục đổi vở, và thường là hài kịch. Sau khi lãnh đạo một chính phủ phản tự nhiên giữa Liên Đoàn và M5S, có thể so sánh giữa cực hữu và cực tả, ông Giuseppe Conte lại tiếp tục làm thủ tướng với một nội các cánh tả liên minh với cực tả.
Tuy nhiên liệu đây có thể là một chính phủ bền vững, khi được lập ra trong thời gian rất ngắn, dựa trên những căn bản bất định với một chiến lược phòng thủ là chính ? Một nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu chính phủ này thất bại, thì ông Salvini sẽ độc quyền đối lập, có thể thắng cử trong lần tới.
Cú sốc Nghị viện tại Anh
Còn tại nước Anh, Libération khi đề cập đến cú sốc do thủ tướng Boris Johnson gây ra qua việc cho Nghị viện tạm ngưng hoạt động, cho rằng thật ra thủ tục này là hợp pháp. Mục đích rất rõ ràng : hạn chế tối đa thời gian của các nghị sĩ để có thể phản đối lại một "Brexit cứng" mà ông Johnson mong muốn.
Có thể biện minh rằng Boris Johnson chỉ áp dụng một cách thô bạo quyết định của người dân lúc trưng cầu dân ý. Nhưng đó là quyết định nào ? Nhân dân Anh chọn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, điều này không bàn cãi, nhưng có phải họ chọn một "Brexit cứng" hay không ? Dư luận, cũng như Nghị viện, được chia không phải thành hai mà thành ba luống khác nhau.
Những người muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu chiếm 40% số người bỏ phiếu, số còn lại chia làm hai phe Brexit "hard" và "soft". Nói cách khác, số "Brexit hard" như ông Johnson chỉ là thiểu số. Ông không cần biết, mà cố làm lấy được. Libération gọi đây là một sự "lừa đảo" : gọi tên nhân dân khi nghĩ giống mình và mặc kệ họ nếu có suy nghĩ khác. Theo logic dân chủ, lẽ ra phải tổ chức bỏ phiếu rộng rãi, và chỉ khi nào chiến thắng, ông Boris Johnson mới có thể nhân danh ý nguyện người dân. Trong khi chờ đợi, theo tờ báo, chỉ có một nhóm "phiến loạn" đang núp sau luật pháp.
Chuyên gia về Brexit Aurélien Antoine cho rằng ông Boris Johnson đã tính toán kỹ lưỡng, qua động thái này ông muốn đến Bruxelles với thế mạnh, không bị Nghị viện ngáng chân như đã ba lần bác bỏ thỏa thuận do bà Theresa May thương lượng. Theo nhà phân tích này, đây là hành động hết sức khôn ngoan của ông Johnson.
Donald Trump, một người chiến thắng khác ở G7
Nhìn sang nước Mỹ, Libérationnói về "Donald Trump, một người chiến thắng khác ở Biarritz", theo tác giả Laurent Joffrin.
Đa số các nhà phê bình đều hoan nghênh thành công của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và họ có lý. Nhưng không chỉ có Macron, mà còn có một người chiến thắng khác ở G7 đã trở thành G2 : Donald Trump. Ngọt ngào, hòa nhã, nhiệt tình, hay ca ngợi… con cọp sang cả ở Nhà Trắng đã trở thành một chú mèo hiền lành. Thời khắc này đã giúp ông Trump trở thành một nguyên thủ đầy trách nhiệm, và giống như tổng thống Theodore Roosevelt đã nói, có thể "nói năng dịu dàng với một cây gậy to".
Không chỉ được lên điểm trong thời kỳ vận động tranh cử, ông còn ra về với vài món quà trong túi. Trước hết là hồ sơ Iran, giờ đây theo tổng thống Pháp, có thể thương lượng một hiệp ước mới rộng hơn, gạt bỏ nguy cơ phát triển vũ khí nguyên tử, bảo đảm ổn định khu vực. Đây cũng chính là mục tiêu mà Donald Trump đề ra khi hủy ngang thỏa thuận mà Obama đã ký với Tehran. Ông cũng đồng ý với số tiền 20 triệu đô la giúp Brazil chống cháy rừng. Trump chấp nhận hành động "xanh" mang tính biểu tượng này, vừa được tiếng thơm vừa khiến chủ nhà vui lòng, nhưng hai ngày sau lại lên tiếng ủng hộ "người phóng hỏa" Bolsonaro.
Thụy My