Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngoại giao khó đoán của Donald Trump

Theo Le Monde, nếu cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thể thay đổi hẳn so với chủ trương hướng ra thế giới lâu nay của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa. Tuy nhiên không ai đoán được Trump sẽ đối phó ra sao với mối đe dọa từ Iran, Nga hay Trung Quốc.

trump1

Ứng cử viên Cộng hòa, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump dự một sự kiện tại Mar-a-Lago (Florida) nhân Super Tuesday, ngày 05/03/2024. Reuters - Marco Bello

Lễ Phục Sinh : Thêm 12.000 người Pháp theo đạo

Hôm nay 01/04/2024 là ngày nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ có Le Figaro xuất bản, các nhật báo khác đã ra số đúp từ cuối tuần. Các báo chú ý đến sự kiện đáng kinh ngạc là có đến 12.000 tân tòng theo đạo Công giáo trong dịp lễ Phục Sinh năm nay tại Pháp, trong đó có 7.000 người trưởng thành, khiến giáo hội cũng phải ngạc nhiên. Nếu tính từ mười năm qua, số người lớn xin làm lễ rửa tội để theo đạo đã tăng 57%. Trả lời nhật báo công giáo La Croix, nhà xã hội học Philippe Portier cho rằng mặc dù gần đây bị một số tai tiếng lạm dụng tình dục, giáo hội vẫn là điểm mốc của lòng tin trong một thế giới đầy bất trắc.

Hoa Kỳ : Can thiệp hay không can thiệp ?

Trên lãnh vực địa chính trị, Le Monde phân tích về sự bất định về ngoại giao nếu ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Hồi năm 2015, đã có một loạt thay đổi so với sự đồng thuận lâu nay giữa hai đảng về vị trí của một "quốc gia cần thiết", theo ngoại trưởng Madeleine Albright năm 1998. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump tỏ ra hoài nghi với các đồng minh của Hoa Kỳ nhưng lại ưa thích các nhà độc tài.

Hồi tháng 2, Donald Trump tuyên bố "khuyến khích" Nga tấn công các thành viên NATO không làm nghĩa vụ tài chánh với Liên minh. Từ năm 1987, Trump đã tố cáo các nước mà theo ông là vô ơn vì đã giao phó cho Hoa Kỳ gánh nặng bảo vệ. Nhưng lần này, sự im lặng của phe Cộng hòa cho thấy ảnh hưởng của ông đè nặng lên chiến lược ngoại giao của đảng. Trump đã gây sức ép để nhiều tỉ đô la quân viện cho Ukraine được Thượng Viện thông qua bị chặn lại ở Hạ Viện.

Nhưng Donald Trump, người chủ trương "Nước Mỹ trước hết" ("America first"), cũng đã từng ra lệnh tấn công vào Syria, ba tháng sau khi nhậm chức, di chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv sang Jerusalem năm 2018. Một năm sau, theo lời khuyên của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ông ủng hộ việc đảo chánh ở Venezuela. Tuy từ chối làm "hiến binh quốc tế", Trump chịu trách nhiệm về hai vụ ám sát tầm cỡ : tiêu diệt thủ lãnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr Al-Baghdadi năm 2019 và chỉ huy lực lượng Al-Qods của Vệ binh Cách mạng Iran, Ghassem Soleimani năm 2020. Jeffrey Goldberg, tổng biên tập tạp chí cánh tả The Atlantic đưa ra định nghĩa "chủ nghĩa can thiệp cô lập".

Chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer cho rằng "America first" còn có thể được hiểu là hàng đầu thế giới về quân sự, mà Donald Trump không sẵn sàng từ bỏ ưu thế này. Nhìn lại lịch sử, Le Monde nhận thấy Hoa Kỳ không ngừng thay đổi chủ trương. Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington năm 1796 không coi trọng quan hệ với Châu Âu. Tổng thống Dân chủ Woodrow Wilson (1913-1921) gởi quân sang Châu Âu trong Đệ nhất Thế chiến, nhưng đảng Cộng hòa sau đó quay lưng lại với ông. Mãi đến sau Đệ nhị Thế chiến và đối mặt với Liên Xô, Cộng hòa mới chấp nhận ý tưởng lợi ích Mỹ gắn liền với cơ chế bảo đảm trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Chu kỳ này khép lại với phe tân bảo thủ.

Chính sách của Trump tiếp tục là dấu hỏi lớn

Nhiệm kỳ ông Trump tạo cảm giác một chính sách đối ngoại hỗn loạn. Do không chuẩn bị đầy đủ cho chiến thắng năm 2016, ông phải chung sống với những cố vấn vẫn tin tưởng vào chủ nghĩa can thiệp. Những đối trọng này dần dần ra đi. Thủ lãnh phe thiểu số Cộng hòa ở Thượng Viện là Mitch McConnell, 82 tuổi loan báo sẽ rời chức vụ năm 2025 tuy nhiệm kỳ của ông đến 2026 mới chấm dứt. Giữa tháng Hai, tại hội nghị an ninh Munich, thượng nghị sĩ J. D. Vance thuộc phe ông Trump đã thế vào chỗ của thượng nghị sĩ John McCain quá cố trong phái đoàn lưỡng đảng Mỹ.

Chuyên gia Maya Kandel cho rằng Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách bất định, điều hành bằng những thông điệp trên mạng xã hội và "Mad Man Theory" (lý thuyết người điên) được cho là của Richard Nixon. Cơ quan tư vấn Heritage Foundation trước đây ủng hộ Ronald Reagan nay cũng chuyển sang quỹ đạo Trump, phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, chủ trương dành những vị trí quan trọng trong chính quyền liên bang cho phe Trump. Về đối ngoại, rút khỏi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, với NATO chỉ giới hạn vai trò của Mỹ ở răn đe nguyên tử.

Đối với chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, mối lo Hoa Kỳ rút khỏi NATO đã bị phóng đại. "Tại sao từ bỏ công cụ quan trọng này, khi các nước Châu Âu có thể gia tăng mua vũ khí Mỹ ? Ngược lại, khái niệm "chia sẻ gánh nặng" bảo vệ Châu Âu có thể biến thành "chuyển giao gánh nặng". Cộng hòa có thể tiếp tục chia rẽ về khả năng can thiệp trên toàn cầu, hay đặt ra các ưu tiên - ít tập trung vào Châu Âu và Trung Đông mà hướng về Châu Á. Việc bảo vệ Đài Loan bằng mọi giá cũng không được đồng thuận. Dù gì đi nữa, cũng sẽ khá lộn xộn khi có sự "thanh trừng" hàng loạt ở bộ ngoại giao, quốc phòng và cơ quan tình báo. Còn các mối đe dọa từ Iran, Nga, Trung Quốc ? Không ai dự báo được Donald Trump sẽ đối phó như thế nào.

Israel dùng chiến tranh điện tử gây nhiễu vũ khí địch

Về tình hình Trung Đông, Le Figaro chạy tựa trang nhất "Người Israel vô cùng lo lắng trước Hezbollah", cho biết ở miền bắc Israel, căng thẳng với phe Hezbollah dọc theo biên giới Liban khiến người ta lo sợ một "vụ khủng bố ngày 7 tháng 10 mới". Khoảng 60.000 người dân sống dọc theo dải đất 5 kilomet gần biên giới đã phải di tản mà không biết đến khi nào mới được trở về. Phe Hezbollah mạnh gấp 10 đến 20 lần so với Hamas, với sức mạnh quân sự có thể thách thức Israel. Lực lượng phiến quân này sở hữu đến 130.000 hỏa tiễn đủ loại tầm thấp, trung và tầm xa, đủ sức làm bão hòa hệ thống "Vòm Sắt" ; và có khoảng 100.000 quân trong đó có những đơn vị tinh nhuệ như Radwan.

Trong bối cảnh đó, chiến tranh điện tử đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Từ vài tuần qua, người ta toàn nói về sự nhiễu loạn của hệ thống định vị GPS ở Lebanon. Có những người leo núi được GPS báo vị trí ở cách đó 60 kilomet, nhiệt độ 18°C trong khi tuyết đang rơi. Nhiều người trông thấy các drone xoay tròn như con quay rồi rơi xuống đất, báo chí nêu ra việc ứng dụng hẹn hò Tinder định vị người sử dụng Liban tại Israel và ngược lại.

Tình trạng này gây nguy hiểm cho hàng không và hàng hải. Theo Ops Group, một nền tảng tập hợp các lời chứng của những người trong ngành hàng không, nhiều chuyến bay đến Tel-Aviv đã bị chuyển hướng về Liban mà phi công không nhận ra. Các đây vài ngày, một phi cơ từ Istanbul sau khi bay vòng vòng 40 phút đã phải quay về nơi xuất phát. Quân đội Israel hồi giữa tháng 10 đã nhìn nhận việc gây nhiễu cho hệ thống định vị vệ tinh để các drone của Houthi và hỏa tiễn của Hezbollah, Iran không hoạt động được. Ngoại trừ tàu Rubymar bị đánh đắm vào tháng Hai, không hỏa tiễn đạn đạo nào của Houthi tiêu diệt được hoàn toàn mục tiêu, hoặc bị bắn chặn, hoặc rơi xuống biển vì bị gây nhiễu.

Tin tặc Trung Quốc đánh phá phương Tây

Liên quan đến Châu Á, Libération trong bài "Các nước phương Tây trong tầm ngắm của tin tặc Trung Quốc" cho biết những tố cáo của Hoa Kỳ, Anh quốc và New Zealand cho thấy tầm cỡ, sự tinh tế và có hệ thống về sự can thiệp của chế độ Bắc Kinh.Chẳng hạn trường hợp dân biểu Bỉ Samuel Cogolati, thông qua tư pháp Mỹ và báo chí mới biết mình cũng là nạn nhân của tin tặc Trung Quốc từ nhiều năm qua. Ông cho rằng sự thụ động của Liên hiệp Châu Âu quá tương phản với các hành động dứt khoát của Mỹ và Anh.

Ngày 06/01/2021, dân biểu Cogolati vốn là thành viên tích cực của IPAC - nhóm dân biểu quốc tế đa đảng nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc - mở một email với file đính kèm mà lẽ ra không nên mở. Hai năm sau, Trung tâm an ninh mạng Bỉ thông báo ông là mục tiêu của nhóm tin tặc Trung Quốc APT31 do Bộ Công an quản lý, đặt tại Vũ Hán. Do không có thông tin gì thêm, ông không nộp đơn kiện. Nhưng nay trước tiết lộ của báo chí Mỹ, Cogolati đòi hỏi Bộ Tư pháp mở điều tra. Thành lập tháng 6/2020, IPAC chiếm một chỗ quan trọng trong báo cáo của tư pháp Mỹ. Các điều tra viên nhận diện được một hệ thống gởi trên 1.000 email cho hơn 400 danh khoản liên quan đến IPAC, để thu thập dữ liệu.

Tại Pháp, thượng nghị sĩ André Gattolin cũng bị xâm nhập cùng ngày với Samuel Cogolati, khi nhận một email về việc bênh vực quyền của một người ở Trung Quốc, với năm tấm ảnh trong đó có một là con ngựa thành Troie. Vào lúc đó ông đang hoàn tất một báo cáo của Thượng Viện về các hoạt động gây ảnh hưởng của các nước ngoài Châu Âu trong giới đại học Pháp. Mùa hè vừa qua, Gattolin lại bị Storm 0558, một nhóm tin tặc Trung Quốc xâm nhập. Khoảng mấy chục ngàn thông tin trao đổi từ hai chục năm qua đã bị sao chép.

Bắc Kinh có thể nguy hiểm hơn Nga trong chiến tranh mạng

Trong báo cáo thường niên ngày 02/11/2023, phái đoàn lưỡng viện về tình báo (DPR) của Pháp nhấn mạnh, Nga hiện là mối đe dọa lớn nhất, nhưng trong khoảng 10 năm tới Trung Quốc sẽ còn nguy hiểm hơn. Bắc Kinh dường như muốn phá hoại liên hệ giữa các nước Châu Âu với Hoa Kỳ. Theo hai tác giả Paul Charon và Jean-Baptiste Jeangène Vilmer, hàng loạt vụ tấn công vào các dân biểu, thượng nghị sĩ và giới đại học chỉ là một phần nhỏ trong chiến dịch can thiệp, lũng đoạn của Trung Quốc.

Nhóm tin tặc APT31, còn có tên là Zirconium, hành động thông qua một công ty bình phong là Wuhan Xiaoruizhi Science and Technology Company (Wuhan XRZ). Ngày 25/03, Bộ Tài chánh Mỹ đã trừng phạt công ty này và 7 nghi can, chính phủ Anh cũng vậy. Mỹ đã khởi tố 7 người Trung Quốc từ 31 đến 38 tuổi. Vụ rò rỉ hàng loạt dữ liệu của I-Soon, một công ty có hợp đồng với Nhà nước Trung Quốc, cho thấy tổ chức này xâm nhập được vào hệ thống của chính phủ các nước, các danh khoản mạng xã hội và máy tính cá nhân. Hoạt động phi pháp của Trung Quốc nhắm vào các dữ liệu nhạy cảm của các dân biểu, viên chức Mỹ, nhà báo, giảng viên, doanh nghiệp, nhà ly khai tại Hoa Kỳ và các nước. Hàng ngàn cá nhân và định chế trên thế giới đã là nạn nhân trong hơn một thập niên.

New Zealand nhận diện được một nhóm khác là APT40. Cường quốc bậc trung này có ảnh hưởng tại Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự và đóng vai trò hàng đầu ở Nam Cực, mà Bắc Kinh vừa đặt căn cứ thứ năm. Đặc biệt New Zealand còn là thành viên nhóm Five Eyes. Đối với Anh quốc, tin tặc đã đánh cắp được danh sách 40 triệu cử tri Anh, nhưng phó thủ tướng Oliver Dowden nói rằng không ảnh hưởng đến bầu cử. APT31 đồng thời nhắm vào Canada, Anh và Mỹ.

Ưu tiên chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc là bầu cử tổng thống Mỹ, như Nga đã hành động năm 2016 : lập những hệ thống phổ biến thông tin, tổ chức biểu tình, thao túng tâm lý... có thể với TikTok. Libération ghi nhận hoạt động tin tặc thường gắn với các sự kiện địa chính trị liên quan tới Trung Quốc : xung đột kinh tế với Hoa Kỳ, yêu sách Biển Đông, biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông năm 2019, người Duy Ngô Nhĩ.

Thụy My

Published in Quốc tế