Hậu-thượng đỉnh Nga-Mỹ cùng những phát ngôn tiền hậu bất nhất của tổng thống Trump ; Nicaragua sôi sục với cuộc biểu tình của dân chúng đòi lật đổ chế độ độc tài nhà vợ chồng tổng thống Ortega ; nhà mạng khổng lồ Google bị Châu Âu phạt hàng tỷ euro vì làm an không minh bạch… Đó là những chủ đề chính được các tờ báo lớn của Pháp đưa lên trang nhất.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO họp tại Bruxelles - Ảnh chụp ngày 11/07/2018. Ludovic Marin/Pool via Reuters
Thêm một lần nữa, tổng thống Mỹ Donald Trump lại làm cả thế giới phải chú ý vì lập trường và phát biểu tiền hậu bất nhất về những chuyện đại sự. Báo Le Figaro chạy tựa trang nhất "Những zích zắc ngoại giao của Trump gieo rắc rối loạn".
Cuộc gặp của ông Donald Trump với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã khiến báo chí quốc tế và dư luận Mỹ phải sửng sốt vì những phát ngôn tại Helsinki phản ánh lập trường được đánh giá là quá yếu đuối, nếu không muốn nói là chạy theo ông chủ điện Kremlin. Bất ngờ nữa là ngay sau khi về đến Washington, ông Trump lại cố dập bão dư luận, phủ nhận những lời của mình bằng giải thích là "nhầm lẫn" câu chữ.
Le Figaro nhận xét lập trường "quay ngoắt" của tổng thống Mỹ về nước Nga cũng như về những hồ sơ quốc tế khác đang khiến dư luận Mỹ cũng như Châu Âu và trên khắp thế giới không sững sờ khi ông đánh lộn đối thủ với đồng minh.
Trong bài xã luận ngắn lấy tiêu đề "Ngây ngô quốc tế" Le Figaro bình luận : "Những zích zắc vừa rồi của Donald Trump, sau cuộc gặp thượng đỉnh với Vladimir Putin khiến người ta phải kinh ngạc". Vụ việc vừa qua đã làm cả thế giới, những người chống lại ông và cả những người cùng phe ông phải sững sờ, ngay cả báo chí Nga cũng không khỏi như vậy. Những gì mà người ta chứng kiến có thể nói ông Trump đang thực thi một chính sách ngoại giao "siêu thực", "ngây ngô".
Le Figaro nhấn mạnh : "Ông Trump không nên quên rằng chỉ vì ông có trong tay 12 chiếc tàu sân bay và CIA đứng sau ông thì những người đối thoại nước ngoài mới nghe ông. Và rằng sức mạnh cường quốc cũng dựa trên sự tôn trọng mà người ta cảm nhận ở cường quốc đó. Nhất là khi các đối tác và đối thủ - là Nga hay Trung Quốc - thì họ lại tỏ ra điềm tĩnh, chặt chẽ và đĩnh đạc".
Đồng minh Châu Âu chết đứng
Trong khi đó với đồng minh, ông Donald Trump đã xử sự ra sao ? Vẫn nhật báo Le Figaro có bài viết “ Châu Âu chết đứng bởi người bạn hư hư thực thực”. Bài báo nhắc lại : "Trong vòng vài tháng, đối tác trở thành đối thủ và Châu Âu vẫn chưa thôi lĩnh đòn của người đồng minh chủ chốt từ Đệ Nhị Thế Chiến" là nước Mỹ.
Nhưng đó là nước Mỹ của tổng thống Donald Trump. Từ khi lên làm tổng thống, ông Trump đã có một loạt các quyết định cùng nhiều phát ngôn làm đảo lộn cả thế giới mà trong đó các đồng minh Châu Âu đang phải chịu trận. Tờ báo nhấn mạnh : "Trong vài tuần, Donald Trump đã đảo lộn cái thế giới mà trong đó Châu Âu đang sống từ 1945. Ông Trump hoán vị các bạn bè với kẻ thù của Hoa Kỳ, đi ngược lại với lập trường truyền thống của nước mình và đặt lại vấn đề về quan hệ đồng minh…"
Sau sự kiện thượng đỉnh Trump-Putin ở Helsinki vừa qua thì Liên Hiệp Châu Âu, theo Le Figaro, vốn dĩ đã không có thống nhất trong quyết định chiến lược, nay đang bị đe dọa vỡ tung và rã đám.
Nicaragua lại sôi sục cách mạng
Chuyển qua nhật báo Libération với thời sự nóng đang diễn ra ở đất nước Trung Mỹ Nicaragua. Daniel Ortega, cựu lãnh đạo cách mạng Nicaragua với ý tưởng nhân bản, nay đã trở thành một vị tổng thống đầy quyền lực, thẳng tay dùng vũ lực trấn áp phong trào phản kháng chế độ trong dân chúng, làm ít nhất 300 người thiệt mạng từ ba tháng qua.
Daniel Ortega, từ một nhà cách mạng với ý tưởng cao đẹp lên cầm quyền hàng thập kỷ qua ở Nicaragua, trở thành một kẻ chuyên quyền của một chế độ gia đình trị bị tố cáo tham nhũng và trị vì đất nước bằng bàn tay sắt.
Libération gọi đó là "Căn bệnh quyền lực". Xã luận của tờ báo nhắc lại : "Đầu thập niên 1980, những nhà cách mạng của Mặt Trận Sandino đã lật đổ chế độ độc tài Somoza. Daniel Ortega, từng bị cầm tù suốt 7 năm dưới chế độ thối nát đó, đã trở thành lãnh đạo của chính quyền mới". Theo Libération, xu hướng chuyên quyền đã nhanh chóng xuất hiện ở chế độ Ortega.
Tuy vậy, Mặt Trận Sandino đã tiến hành thành công nhiều cải cách xã hội tốt. Ban đầu Ortega cũng chấp nhận tiến trình dân chủ, cũng đã rời khỏi quyền lực sau khi thất cử. Rồi sau đó ông trở lại dường như với quyết tâm thực hiện chính sách hòa giải. "Thế nhưng căn bệnh quyền lực đã lấn át để giờ đây các ý tưởng Sandino bị giẫm dưới chân". Vị tổng thống già nua cùng bà vợ thi sĩ, làm phó tổng thống, tạo thành một cặp vợ chồng tham quyền cố vị, bằng mọi giá giữ vị trí đầy bổng lộc.
Xã luận tờ báo kết luận : "Cũng giống như chế độ xã hội Venezuela, hay ở nhiều nước dưới sự lãnh đạo của những nhân vật đi lên từ cách mạng, việc hủy bỏ các quyền tự do của người dân và những nguyên tắc nhân quyền, cho dù lấy cớ là khó khăn kinh tế, sự thù nghịch từ bên ngoài hay đe dọa từ bên trong, đều luôn dẫn tới bất hạnh cho nhân dân… Tự do phải là điều đặt lên trên hết, xóa bỏ nó sẽ dẫn đến chuyên quyền và nhất là kèm theo đó là bất công và tham nhũng. Một lần nữa Nicaragua lại là một bằng chứng".
Phạt sốc của EU đối với Google
Trở lại Châu Âu, thời sự gây nhiều sự chú ý là hôm qua Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định phạt Google 4,3 tỷ euro. Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : "Vì sao Châu Âu phạt sốc Google ?"
Lý do của quyết định này là tập đoàn Mỹ đã lạm dụng vị thế nổi trội của hệ điều hành Android dùng cho điện thoại thông minh để thâu tóm độc quyền dịch vụ tìm kiếm trên mạng. Với Bruxelles, cách làm ăn của nhà khổng lồ tin học Mỹ là cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm luật pháp của Châu Âu. Tất nhiên Google đã kháng cáo quyết định của Bruxelles.
Đây không phải lần đầu tiên Google bị Châu Âu phạt nặng. Ngày 27/06/2017, nhà mạng của Mỹ cũng đã bị phạt 2,42 tỷ euro cũng vì lạm dụng ưu thế trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng gây thiệt hại đến các dịch vụ quảng cáo, hoạt động cạnh tranh làm ăn.
Lần này, Bruxelles còn đánh giá Google đã cản trở các nhà sản xuất bán điện thoại thông minh hoạt động với hệ điều hành khác, bằng cách gây sức ép để cài đặt sẵn trong sản phẩm của họ phần mềm ứng dụng tìm kiếm trên internet "Google Search".
Đây là một vụ việc rất phức tạp. Sẽ còn phải chờ ít nhất 2 năm nữa Tòa Tư Pháp Châu Âu mới ra phán quyết về hồ sơ này.
Pháp : Nhà vô địch bóng đá thế giới bị rêu rao vì màu da
Đội tuyển bóng đá Pháp đăng quang ngôi vô địch thế giới là một sự thật hiển nhiên. Tuy vậy vài ngày qua, một số bài báo ở Đông Âu hay thậm chí cả ở nước Ý, cũng như một vài chương trình tấu hài trên truyền hình Mỹ và những bình luận trên mạng xã hội, lại khoét sâu vào khía cạnh thành phần cầu thủ gốc Châu Phi của đội tuyển Pháp.
Bởi vậy mà báo chí Pháp đã phải lên tiếng. Tiêu biểu là L’Equipe, tờ nhật báo thể thao lớn nhất của Pháp ra sáng nay đã nêu ra nhiều thí dụ về những lời đàm tiếu thiếu thiện chí có phần ganh tị. Trong đó, đặc biệt có một twitter đăng ảnh gắn cho mỗi cầu thủ tuyển Pháp một lá cờ của quê gốc của họ.
Ngay lập tức đã có nhiều phản ứng phẫn nộ nhất là từ giới thể thao Pháp. Nhiều cầu thủ bóng rổ Pháp đang sống ở Mỹ trong đó có Nicolas Batum, một trong số các sao của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA đã đăng trên trang cá nhân của anh một bình luận, được báo L’Equipe trích dẫn : "Đúng tôi có cha và họ Cameroun. Nhưng tất cả chúng tôi cùng chơi và chiến đấu cho nước Pháp vì chúng tôi sinh ra ở đó, chúng tôi đã lớn lên ở đó, đã học thể thao ở Pháp, đã tự hào vì quốc tịch Pháp". Cầu thủ bóng rổ này kết luận : "Những người nói hoan hô Châu Phi cho chiến thắng của đội tuyển Pháp, hãy biến đi !".
Rất nhiều tờ báo địa phương của Pháp đã lên tiếng đáp trả gay gắt luồng dư luận đầy hiềm tị như ở trên và khẳng định tinh thần yêu nước của người Pháp không có màu sắc nào hết, và rằng đội tuyển bóng đá Pháp, vừa có chiến thắng vinh quang vì những thành viên trong đội đã biết đoàn kết làm nên sức mạnh của tập thể.
Nhân chuyện này, cũng nên nhắc lại một phát biểu xác đáng và thâm thúy của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đang tham gia sự kiện kỷ niệm Nelson Mandela, tại Nam Phi hồi đầu tuần. Ông Obama nói : "Một xã hội được xây dựng trên mọi tài năng và năng lực. Quý vị nghi ngờ chăng ? Hãy hỏi đội tuyển Pháp. Những chàng trai đó không giống những người Gaulois, vậy nhưng họ là người Pháp".
Anh Vũ
Tối 6/4/2017, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang dự dạ tiệc Tổng thống Thống Donald Trump đã ra lệnh cho hai khu trục hạm của Mỹ là USS Ross và USS Porter đang hoạt động trên vùng biển phía tây của Địa Trung Hải bắn 49 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat thuộc thành phố Homs ở miền trung Syria, viện lý do Syria đã sử dụng vũ khí hóa học oanh kích vào thị trấn Khan Shaykhun của tỉnh Idlib ở phía bắc Syria vào ngày 4/4, khiến 80 người tử nạn và khoảng 200 người bị thương.
Tổng thống Thống Donald Trump tiếp đãi Chủ tịch Tập Cận Bình tại tư dinh Mar-a-Largo ở Florida, Hoa Kỳ
Cùng lúc đó, một hoạt cảnh trại ngược lại đã xuất hiện : Trong khi người Việt đấu tranh đang tổ chức biểu tình ngoài đường phố West Palm Beach, Florida, hô to khẩu hiệu "Red China out of VietNam ! Out ! Out ! Out !", thì tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Donald Trump đưa cháu gái của mình là Arabella Kushner mới 5 tuổi, ra hát dân ca và đọc thơ Trung quốc bằng tiếng Hoa cho Tập Cận Bình và vợ ông ta là bà Bành Lệ Viên nghe. Mẹ của cháu là Ivanka Trump nói : "Chúng tôi muốn ông cảm thấy như đang ở nhà". Những người biết tiếng Hoa nói con bé hát bài "Hoa nhài"... Tờ South China Morning Post đặt câu hỏi : Liệu đây có phải là "ngoại giao cháu gái" của Tổng thống Mỹ không ? Dưới bản tin của VOA, một người có tên là Quoc Quang Truong đã phê vắn tắt : "Nỗi nhục" !
Arabella Kushner hát dân ca và đọc thơ Trung quốc bằng tiếng Hoa
Những phản ứng sơ khởi
Một số nhà phân tích cho rằng màn "biểu dương khí thế" này của Donald Trump có ba mục tiêu chính :
(1) Nói với Tập Cận Bình rằng anh phải bảo thằng nhóc con Bắc Hàn của anh đừng có lộn xộn, nếu không tôi cũng sẽ "xử lý" nó như ở Syria.
(2) Nói với Quốc hội và các cơ quan truyền thông rằng tôi không phải là người thân Nga hay là công cụ của Putin.
(3) Làm quên đi những thất bại thê thảm của Trump sau hai tháng cầm quyền.
Một số người cho rằng đây chỉ là một nỗ lực thay đổi cuộc chơi để tránh bị luận tội. Theo họ, Trump và nhóm tham mưu của ông không biết gì về chiến lược, chỉ biết về chiến thuật và không cần biết hậu quả về lâu về dài của hành động của họ sẽ như thế nào.
Các nước Tây phương xem ra phấn khởi vì tin rằng biến cố này có thể tách Trump ra khỏi Putin trong âm mưu phá sập Liên Hiệp Âu Châu và NATO.
Một số lãnh tụ Đảng Cộng Hòa, các nhà lãnh đạo Tây phương và một số nhà lãnh đạo khối Hồi giáo Sunni ở Trung Đông ủng hộ hành động của Tổng thống Trump, trong khi Thượng nghị sĩ Rand Paul thuộc đảng Cộng Hòa cho rằng vụ tấn công này về mặt pháp lý không thể biện minh được và chẳng giúp ích gì ; Thượng nghị sĩ Tim Kaine, thuộc đảng Dân Chủ, khẳng định quyết định của Donald Trump là vi hiến.
Trong khi Quốc hội Mỹ sắp tạm nghỉ, bà Nancy Pelosi, lãnh tụ thiểu số Dân chủ ở Hạ Viện, đã viết thư cho Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan yêu cầu ông triệu tập ngay một phiên tranh luận. Bà nói : "Quốc hội phải thực hiện nghĩa vụ mà Hiến pháp trao cho, để tổ chức phiên tranh luận về Quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự chống lại một quốc gia có chủ quyền".
Kịch bản đã được soạn khá kỹ
Điều trước tiên phải công nhận là kịch bản "biểu dương khí thế" đã được Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Mỹ soạn khá kỹ.
1. Kế đánh lạc hướng dư luận
Hôm 31/3/2017, Đại sứ thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố với hãng thông tấn Reuters rằng việc phế quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ đối với tình hình Syria. Bà nói : "Ưu tiên của chính trị chúng tôi không còn là phế quyền Bashar al-Assad. Ưu tiên của chúng tôi là thật sự hiểu làm gì để thay đổi cuộc sống của người dân Syria". Bà lưu ý rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ không tập trung vào các nhân vật của al-Assad.
Nhiều người tưởng rằng lời tuyên bố này là để xác định sự hợp tác của Trump với Nga. Nhưng đó là một sự ngộ nhận. Lời tuyên bố này chỉ là một kế đánh lạc hướng đối phương khi chuẩn bị dùng "lá bài vũ khí hóa học" để thay đổi cuộc chơi.
2. Vụ khí hóa học : "lá bài" của cuộc chơi
Khoảng 6 giờ 30 sáng 4/4/2017 (theo giờ địa phương), các máy bay chiến đấu Syria đã không kích vào thị trấn Khan Sheikhoun ở ngoại ô thành phố Idlib ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh Quốc gia các Lực lượng Đối lập và Cách mạng Syria thông báo có khoảng 80 người bị thiệt mạng và 200 người bị thương.
Sau khi báo cáo về vụ tấn công nói trên được đưa ra, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp hôm 5/4/2017 để nghe thông báo. Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Hiệp Âu Châu cho rằng các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Nga của ông ta đã gây ra biến cố đó mặc dầu chưa có bằng chứng.
Syria cho rằng sau khi tham gia Công ước Cấm vũ khí hóa học, tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) và ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã đến nước này kiểm soát và vào tháng 1 năm 2016, OPCW tuyên bố đã hoàn tất việc loại bỏ các kho vũ khí hóa học ở Syria nên Syria không còn võ khí hóa học nữa. Trong khi đó, cơ chế điều tra phối hợp giữa Liên Hiệp Quốc và OPCW khẳng định rằng tổ chức khủng bố IS cũng đã sử dụng khí lưu huỳnh gây ngạt ở Syria.
Syria biện luận rằng Syria đang đánh bại phiếm quân trên khắp các mặt trận ở trong nước, họ có thể tiêu diệt nhóm phiếm quân còn lại ở Khan Sheikhoun một cách dễ dàng, tại sao lại phải sử dụng vũ khí hóa học ?
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konoshenkov cho biết máy bay Nga không tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Khan Sheikhoun trong ngày 4/4. Hôm đó, từ 11g30 đến 12g30 (giờ địa phương), máy bay của Syria tấn công kho chứa đạn dược lớn của quân khủng bố ở ngoại ô Khan Sheikhoun. Có thể trong khu đó có một kho chứa vũ khí hóa học.
Hoa Kỳ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận về vụ này, nhưng Hội Đồng cho rằng khi chưa thể xác minh được vụ tấn công có diễn ra hay không và ai phải chịu trách nhiệm thì chưa thể thảo luận được. Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) đã được giao nhiệm vụ tìm kiếm sự thật (FFM) để thu thập các thông tin về vụ tấn công nói trên.
Mặc dầu chưa có phán quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bộ tham mưu của Trump vẫn đưa ra bản án và tự ý thi hành đúng vào lúc Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ, bất chấp luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế. Rõ ràng đây là một hành động vi phạm pháp luật có tính toán.
Vi phạm luật pháp Mỹ và quốc tế
Năm 2003, khi mở cuộc tấn công Iraq, Tổng thống Bush chỉ vi phạm luật quốc tế khi hành động không có sự cho phép của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng ông không vi phạm luật Mỹ vì việc làm của ông đã được Quốc hội chấp thuận rồi. Nay tấn công Syria, Donald Trump vừa vi phạm luật Mỹ vừa vi phạm luật quốc tế.
Đạo luật Quyền Chiến Tranh năm 1973 (War Powers Act of 1973) quy định rằng Tổng thống có thể đưa các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đi hoạt động ở ngoại quốc do sự cho phép của Quốc hội, hoặc trong trường hợp "khẩn cấp quốc gia xảy ra do sự tấn công vào Hoa Kỳ, vào vùng lãnh thổ hay tài sản của Hoa Kỳ, hay vào các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ" (a national emergency created by attack upon the United States, its territories or possessions, or its armed forces).
Syria không hề tấn công vào nước Mỹ, tấn công vào vùng lãnh thổ hay tài sản của Mỹ, hay tấn công vào các lực lượng vũ trang Mỹ nên Tổng thống Trump không thể tự ý đem chiếm hạm tới bắn hỏa tiễn vào Syria được.
Điều 2 (4) và điều 39 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc dành cho Hội Đồng Bảo An quyền "thẩm định về sự hiện hữu của bất cứ sự đe dọa hòa bình nào, sự phá vở hòa bình, hay hành động xâm lược" và "quyết định những biện pháp nào có thể được sử dụng... để duy trì hòa bình và an ninh thế giới".
Hành động của Donald Trump không được sự cho phép của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nên có thể coi như là một tội phạm chiến tranh giống Tổng thống Bush năm 2003.
Donald Trump cãi chày cãi cối rằng tại sao trước đây Obama sử dụng quân sự ở Syria được mà nay ông lại không được làm. Donald Trump không biết ngày 1/3/2016, với sự đồng ý của Tổng thống Assad, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và hai bên đi đến thỏa thuận hai bên được quyền tấn công các mục tiêu là nhóm IS, hoặc các tổ chức liên quan đến al-Qaeda như mặt trận al-Nusra tại Syria. Vì thế các máy bay Mỹ thường dò thám hay oanh tạc các hoạt động của tổ chức IS ngay cả trên đất Syria. Tuy nhiên, Mỹ không được tấn công vào quân của Assad.
Phản ứng gay gắt của Nga
Hôm 7/4/2017, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga nói : "Tổng thống Putin coi những cuộc tấn công của quân đội Mỹ nhằm vào Syria là một sự xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các quy phạm của luật pháp quốc tế". Theo ông Putin, hoạt động quân sự của Hoa Kỳ nhằm vào Syria hôm 6/4 không hề góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố, mà sẽ làm suy yếu mối quan hệ Nga-Mỹ.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga, cho biết : "Nga sẽ đề nghị một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau khi Mỹ tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Syria. Đây là một hành động khiêu khích nhằm vào một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Quan hệ hợp tác giữa quân đội Nga và Mỹ có thể chấm dứt sau vụ tấn công này".
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã ra thông báo nói rằng Moskva tạm ngưng hiệu lực của thỏa thuận đã ký với Washington về phòng chống các sự cố và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trong quá trình chiến dịch ở Syria. Như vậy từ nay các phi cơ Mỹ không thể bay vào Syria để lèo lái IS nữa. Pháo phòng không Syria đã khai hỏa bắn vào một máy bay do thám không người lái của Mỹ xuất hiện trên căn cứ của lực lượng đặc nhiệm nước này.
Chiến hạm Đô đốc Grigorovich của Hạm đội Biển Đen dưới sự chỉ huy của Hạm trưởng Anatoly Velichko đã được điều động trở lại Địa Trung Hải để hỗ trợ cho Tổng thống Assad. Chiến hạm này từng phóng tên lửa Kalibr đánh các mục tiêu khủng bố tại Syria trong năm 2016. Nga và Iran đã bắt đầu phối hợp để tiêu diệt các phiếm quân, kể cả các nhóm phiếm quân được Mỹ xây dựng và nuôi dưỡng.
Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc phát biểu với CNN hôm Chủ nhật : "Với việc ông Assad đứng đầu chế độ, không có bất kỳ sự lựa chọn nào để dẫn đến một giải pháp chính trị".
Ngoại trưởng Rex Tillerson đã được phái đi Nga, nhưng Tổng thông Putin tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp Rex Tillerson. Theo bản tin của hãng Reuters, hôm 11/4 Tổng thống Putin nói rằng theo các nguồn tin ông biết, Hoa Kỳ sẽ còn tạo ra những vụ sử dụng võ khí hóa học giả ở khu phía Nam Damascus để hạ uy tín của Tổng thống Assad.
Đến đây chúng ta có thể thấy kế hoạch của Putin dùng Donald Trump để phá vỡ chủ trương "tái lập chiến tranh lạnh mới" của Mỹ và Tây phương đang thất bại.
Trump đồng ý với Tập 100% !
Hôm 7/4, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói : "Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Tổng thống Syria được bầu bởi người dân Syria và chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của họ. Chúng tôi luôn luôn phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Tập Cận Bình không nói gì.
Nhưng rồi cuộc họp tại Mar-a-Lago vẫn đi đến một kết quả khiến nhiều người ngạc nhiên. Không ai dám ký thông cáo hay tuyên ngôn gì chung với Trump vì sáng hôm sau ông ta có thể lên Twitter nói ngược lại. Nhưng hôm 8/4/2017 Văn phòng báo chí của Tòa Bạch Ốc đã phổ biến tại Mar-a-Lago một bản tin về những lời chào từ biệt Tập Cận Bình của Donald Trump như sau :
"Tổng thống Trump : Tôi chỉ muốn nói rằng Chủ tịch Tập và tất cả các đại diện của ông đã thực sự thú vị khi ở đây. Tôi nghĩ đã có những tiến bộ to lớn trong mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc. Các đại diện của tôi đã gặp mặt từng người một với các đối tác từ Trung Quốc. Và tôi nghĩ, thực sự, tiến bộ đã được thực hiện. Chúng ta sẽ có nhiều tiến bộ hơn nữa.
"Mối quan hệ được phát triển bởi Chủ tịch Tập và cá nhân tôi, tôi nghĩ là xuất sắc. Chúng tôi mong muốn được gặp nhau nhiều lần trong tương lai. Và tôi tin rằng rất nhiều vấn đề tồi tệ tiềm ẩn sẽ biến mất.
"Vì vậy, tôi chỉ muốn cảm ơn Chủ tịch Tập đã ở với chúng tôi tại Hoa Kỳ. Đó là một vinh dự to lớn đối với tôi và tất cả các đại diện của tôi để tiếp đón Chủ tịch và các đại diện của ông. Và một lần nữa, tiến bộ đã được thực hiện.
"Cảm ơn quý vi rất nhiều. Cảm ơn quý vi.
(Tổng thống Tập nói bằng tiếng Trung)
" Tổng thống Trump : Vâng, tôi đồng ý 100 % thưa ông Chủ tịch. Và cảm ơn ông rất nhiều. Và một lần nữa, một vinh dự to lớn khi quý vị ở Hoa Kỳ và Mar-a-Lago. Cảm ơn ông rất nhiều".
Nhiều người cho rằng Donald Trump không dám làm khó Tập Cận Bình vì Trung Quốc đang giữ rất nhiều "đồ thế chấp" hay "vật bảo chứng" của gia đình Trump ở Trung Quốc. Việc chuyển từ Putin qua Tập Cận Bình hy vọng có thể giúp Trump thoát khỏi bị luận tội vì quan hệ ngoài vòng pháp luật với Nga khi tranh cử, nhưng "tránh vỏ dưa lại đạp vỏ dừa" vì Tập Cận Bình cũng như Putin đều là Cáo già, còn Trump chỉ là Cừu non. Với trò chơi bạt mạng này, liệu rồi số phận Biển Đông và các nước nhỏ ở Đông Nam Á sẽ đi về đâu ?
Chủ trương của các quốc gia Tây phương hiện nay là tách tên khùng điên Donald Trump ra khỏi Putin, dùng Assad làm con bài thí. Mọi chuyện khác sẽ tính sau.
Ngày 13/4/2017
Lữ Giang