Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Putin trắng tay ở Ukraine trong "Ngày chiến thắng"

Hôm 9 tháng Năm, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ngày lễ mừng chiến thắng ở Moskva, trong bối cảnh cuộc chiến tranh do ông Vladimir Putin khởi động tại Ukraine. Le Figaro chạy tựa "Putin phô trương sức mạnh và muốn lợi dụng lịch sử", La Croix dùng màu nền đỏ và dòng tít nhấn mạnh "Tại Nga, lịch sử đóng vai trò xương sống của chiến tranh". Libération nhận thấy "Dậm chân tại chỗ ở Ukraine, Putin diễu hành ở Nga".

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin cầm chân dung người cha là cựu chiến binh Vladimir Spiridonovich Putin trong cuộc diễu hành "Đoàn quân Bất tử" nhân Ngày chiến thắng 09/05/2022 tại Moskva. Reuters – Maxim Shemetov

Bức màn sắt mới ở nước Nga

Tờ báo công giáo La Croix nhận định ngay cả trước khi gây chiến, từ hôm 21/02, một bức màn sắt vô hình nhưng nặng nề đã buông xuống nước Nga. Sáng sớm hôm đó Putin đã nói chuyện gay gắt với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden và buổi tối ông đọc một bài diễn văn dài trên truyền hình đầy những thù hận. Chối bỏ một Ukraine hiện đại đồng thời muốn tặng một cái tát cho phương Tây, sau đó Putin tung ra "chiến dịch đặc biệt" ngay giữa lòng Châu Âu.

Bắt đầu ngay sau Ngày của những người bảo vệ tổ quốc ở Nga (23/02), cuộc chiến tranh được khoác lên màu sắc ái quốc và ngày 09/05 này, Ngày chiến thắng phát-xít, Kremlin muốn dàn dựng một nước Nga nạn nhân của phương Tây bài Nga. Theo đó, trừng phạt của phương Tây không phải là hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraine, mà nhằm tấn công Nga một lần nữa. Bộ máy tuyên truyền dùng đủ mọi dạng thức để làm cho người dân tin rằng cần "giải phóng" người anh em Ukraine khỏi "phát-xít".

Trong một bài diễn văn khác ngày 16/03 với chữ phương Tây được nhắc đến 26 lần trong vòng nửa tiếng đồng hồ, ông chủ điện Kremlin đả kích "đội quân thứ năm", những "kẻ phản bội" muốn giúp phương Tây chia cắt nước Nga và "chế độ quốc xã Kiev" muốn dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Moskva. Với đạo luật mới đe dọa 15 năm tù nếu "bóp méo" thông tin về quân đội - có nghĩa là không theo luận điệu chính thức - một bức màn sắt của quá khứ lại trùm xuống đất nước.

Đã đến lúc ngửa bài trước Putin : Đừng đùa với NATO !

"Putin vừa nhìn vào cuộc duyệt binh, vừa để mắt đến Ukraine", theo Le Figaro, với những chiếc MiG-29 SMT tạo hình chữ Z trên bầu trời Moskva, nhằm ủng hộ "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine. Trước đó trong bài phát biểu hôm Chủ nhật 08/05, tổng thống Putin nhấn mạnh "Ngày nay các quân nhân, cũng như cha ông, sát cánh chiến đấu để giải phóng đất mẹ khỏi phát-xít bẩn thỉu, với lòng tin là cũng như năm 1945, chiến thắng sẽ đứng về phía chúng ta".

Xã luận của Le Figaro nhận định, tự đứng vào hàng ngũ của những kẻ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ, Vladimir Putin trông giống như Kim Jong-un khi chủ trì cuộc duyệt binh với sự tham gia của lực lượng nguyên tử trên quảng trường Đỏ. Nguy hiểm và khó đoán định, ông ta đã tàn phá Ukraine và đe dọa hòa bình thế giới. Ông chủ điện Kremlin có thể chuyển sang giải pháp ngoại giao, nhưng cũng có thể quyết định đưa nước ông vào một cuộc chiến lâu dài với những ván bài tẩy. Liệu phương Tây có sẵn sàng cho những kịch bản này, chống lại Putin đến người Ukraine cuối cùng ?

Do thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ và NATO chỉ thụ động chờ đợi Putin trưng ra lá bài. Các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ làm gì nếu Nga oanh kích các chuyến hàng đưa vũ khí đến Ukraine, có thể lấn vào biên giới Ba Lan ? Hay khi Nga bắn hỏa tiễn vào các vệ tinh, tấn công tin học vào cơ sở hạ tầng ? Kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật dù chỉ bắn cảnh cáo vào một vùng thưa dân ? Những giả thiết trên đây thường xuyên được Moskva nêu ra, cứ như là muốn nghe câu trả lời. Theo tờ báo, sự im lặng của Mỹ và Châu Âu là đáng lo. Các đồng minh cần cứng rắn cho Moskva biết về lằn ranh đỏ và cái giá phải trả. Đã đến lúc ngửa những lá bài lên bàn với Sa hoàng Nga : ông ta chẳng là gì so với 30 quân đội của NATO, và thậm chí không nên đùa với ý tưởng này.

Ngày kỷ niệm bị "Putin hóa"

Libération nhìn lại những năm tháng cũ, cho rằng 9 tháng Năm 1945 là "một lễ kỷ niệm bị Putin hóa". Stalin từ 1945 đã chọn ngày này đề chứng tỏ chỉ một mình Liên Xô đã làm nên chiến thắng trước Đức quốc xã, không muốn nhắc đến sự hỗ trợ to lớn của Mỹ. Sau khi Stalin chết năm 1953, Đảng cộng sản đặt vấn đề về cái giá nhân mạng quá lớn và những sai lầm của nhà độc tài trong tư cách tổng tư lệnh, nên chỉ nhấn mạnh đến Cách mạng tháng Mười và lễ lao động 01/05.

Đến thời kỳ đổi mới của Gorbachev, mặt trái của "Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" được công khai trên sách báo và những bài diễn văn : cuộc chiến này không chỉ là nhằm tự vệ từ ngày 22/06/1941 mà bắt đầu từ trước đó với một loạt tấn công vào Ba Lan, các nước Baltic và Phần Lan, gần như liên minh với Đức quốc xã.

Từ năm 2000, Vladimir Putin đặt lại dịp kỷ niệm 9 tháng Năm vào trung tâm, gắn với câu chuyện cá nhân là bà mẹ sống sót sau cuộc vây hãm Leningrad còn người cha bị thương trong chiến đấu. Ông thổi phồng vai trò của Liên Xô, tố cáo những ai nói ngược lại là bài Nga, đả kích các nhà sử học và chính khách gắn liền Stalin với Hitler và cho rằng thỏa hiệp Liên Xô-Đức đã dẫn đến Đệ nhị Thế chiến. Cuộc xâm lược Ukraine của Putin được mô tả như sự nối dài của cuộc chiến chống phát-xít, được Kremlin dùng để huy động nhân dân và tranh thủ cảm tình của các nước - như một dân tộc anh hùng đã một mình đánh bại Hitler, giải phóng Châu Âu và nay lại đơn độc đối phó với phương Tây.

Putin trắng tay ở Ukraine trong "Ngày chiến thắng" 

Les Echos đặt câu hỏi "9 tháng Năm, Putin mừng điều gì ?". Làm thế nào có thể ăn mừng một chiến thắng trong quá khứ, khi hiện tại đáng lo âu đến thế ?

Ngày 9 tháng Năm cũng là ngày lễ của Châu Âu, kỷ niệm tuyên bố Schumann năm 1950. Một bên là thổi phồng sức mạnh chiến tranh, bên kia mừng hòa bình tìm lại : Vladimir Putin trên quảng trường Đỏ, còn Emmanuel Macron ở Strasbourg và Berlin. Tuy trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, thế giới chỉ chú ý đến cuộc diễn binh tại Moskva nhưng trên thực tế cả hai buổi lễ 9 tháng Năm lần này chưa bao giờ lại liên quan với nhau như thế. Ngày lễ ở Nga là một sự xét lại lịch sử theo kiểu Putin, một cách nào đó đã mang lại sức sống mới cho ngày 9 tháng Năm Châu Âu.

Mariupol đã thất thủ hay Ukraine bị chia cắt như bán đảo Triều Tiên chăng ? Không, chẳng có gì để vui mừng trên quảng trường Đỏ năm nay. Sau khi đưa quân sang xâm lăng Ukraine, lễ kỷ niệm ngày 9 tháng Năm năm nay cho thấy nước Nga của Putin bị cô lập như thế nào. Trong cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc hồi tháng Ba, chỉ có bốn nước ủng hộ Moskva, khoảng 40 nước khác vắng mặt. Nguyên thủ nào sẽ hiện diện trên lễ đài ? Thông điệp nào được đưa ra ? Cuộc biểu dương sức mạnh quân đội là lời cảnh báo tối hậu với thế giới ? Nhiều nhà quan sát nhấn mạnh đến sự tương phản giữa vẻ ngoài những toán quân diễu hành một cách tuyệt hảo với những khó khăn của quân đội Nga trên chiến địa Ukraine.

Bên cạnh đó, là việc lợi dụng lịch sử một cách nguy hiểm và "tởm lợm", theo tác giả. Đối với Putin và những người thân tín, "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine là sự nối dài Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Phát-xít hôm qua là Đức, và hôm nay đơn giản là Ukraine ! Thật là quái đản, khi Ukraine được lãnh đạo bởi một tổng thống gốc Do Thái và có ông bà là nạn nhân diệt chủng. Việc ngoại trưởng Sergey Lavrov, một nhân vật được cho là khôn khéo lại nói rằng Hitler có gốc Do Thái thật là đáng ngại, dù Putin đã xin lỗi. Liệu phong trào bài Do Thái sẽ lại nổi lên ở Nga ? Một con dê tế thần cần đến khi phải đổ thừa thất bại cho kẻ thù bên trong hoặc bên ngoài.

Một ngày 9 tháng Năm đáng buồn ở Moskva. Lịch sử, như một dĩa hát bị trầy, lặp đi lặp lại đến vô nghĩa. Còn tại Bruxelles, ngày 9 tháng Năm lại mang ý nghĩa khác, một Châu Âu an ninh quốc phòng, và có thể cả năng lượng, đang hình thành trong hai tháng gần đây nhanh hơn cả hai thập niên qua, và điều này thì phải cám ơn ông Putin.

Bắt tay với Hitler, nướng quân… Những khía cạnh bị khỏa lấp của "Cuộc chiến Vệ quốc"

Trong bài "Những khía cạnh bị che giấu trong "Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" của Hồng quân", nhà sử học Jean-Louis Panné nhận định sự chiến đấu anh dũng của những người lính xô-viết từ 1941 đến 1945 đã giúp làm quên đi việc Stalin bắt tay với Đức quốc xã trước đó, sự vô cảm của bộ tham mưu Hồng quân về thiệt hại nhân mạng khủng khiếp từ sự bất tài của họ. Và nhất là vai trò quan trọng của viện trợ quân sự Mỹ.

Trên Le Figaro, tác giả cho rằng cần đặt lại vấn đề về chiến thắng của Hồng quân, vì Nga tự cho là kế thừa đã tuyên truyền quá đáng, và có những nhập nhằng với cuộc chiến xâm lược Ukraine. Trước hết, hai năm hợp tác với Hitler đã bị xóa sạch, và phương pháp chiến đấu thì bị lờ đi. Vì sao Hồng quân bị thiệt mất nhiều quân đến thế (từ 8 đến 14 triệu quân) ? Chiến lược biển người khiến việc tiến lên 100 đến 200 mét được trả giá bằng cả một sư đoàn bị xóa sổ, khoảng 100 xe tăng bị phá hủy - theo "Sổ tay chiến trường" của cựu chiến binh Nikolai Nikulin, sau này thành nhà sử học.

"Hồng quân quang vinh" cũng không tránh được nạn đào ngũ : trong trận Stalingrad, chỉ bốn tháng đã có trên 13.000 người lính bị xử tử theo chỉ thị 227 của Stalin. Nã pháo dồn dập cũng là phương cách ưa thích của quân đội này, mà hiện nay đang được sử dụng ở Ukraine, cũng như sát hại bừa bãi thường dân, cho đến nỗi Nam Tư cộng sản phải phản đối. Tuy nhiên, Putin còn lợi dụng sự thiệt lại lớn lao của Hồng quân để khiến phương Tây có cảm giác "nợ nần".

Trợ giúp quân sự lớn lao của Mỹ cho Hồng quân

Nhà sử học Panné nhắc nhở, từ năm 1941, tổng thống Mỹ Roosevelt đã giúp cho Liên Xô được cho vay không lãi nhiều trang thiết bị quân đội, năm năm sau chiến tranh mới phải hoàn trả, theo đạo luật ban đầu nhằm hỗ trợ Anh. Trong khi đó quân Mỹ phải đối đầu với Nhật trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương - mà Stalin không muốn tham gia cho đến khi Nhật bại trận. Quân Anh-Mỹ đã giúp quân đội Liên Xô sống sót : nhờ cuộc chiến Đại Tây Dương mà Liên Xô được cung cấp đủ thứ trang bị quân sự.

Theo tướng John Deane, trưởng phái đoàn quân sự Mỹ ở Moskva từ tháng 10/1943, từ tháng 10/1941 đến tháng 5/1945, 2.660 chuyến tàu đã chở đến cho Liên Xô trên 16 triệu tấn hàng gồm : 427.000 xe tải, 13.000 chiến xa, 2.300 xe chở pháo, 4,5 triệu tấn lương thực, máy móc công cụ, 1.900 đầu máy xe lửa, xăng dầu... kể cả 15 triệu đôi giày bốt. Tổng cộng 11 tỉ đô la đã được trao cho Liên Xô.

Vị tướng giải thích, Hồng quân có nhiều hơn 60 sư đoàn so với Đức, nhưng làm thế nào quân Liên Xô có thể di chuyển nếu không có xe tải Mỹ để chuyên chở họ, giày bốt Mỹ để mang và cả thực phẩm của Mỹ để sống. Khi đi thăm tiền tuyến ông thấy những xe Studebaker của Mỹ khắp nơi, nhưng Liên Xô không hề nói đến viện trợ nhận được - hơn nữa, nhiều xe được dùng để đưa người Tatar ở Crimea đi đày. Nhiều lính Nga vẫn tin rằng những chiếc xe Jeep này là do Liên Xô sản xuất.

Vì sao không có phiên tòa Nuremberg cho cộng sản Liên Xô ?

Cũng về chế độ xô-viết, nhà sử học Thierry Wolton giải thích "Vì sao không có phiên tòa Nuremberg cho chủ nghĩa cộng sản Liên Xô", như một số nhà ly khai Nga đã đòi hỏi trong thập niên 90. Ngược với quốc xã, chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô không bị hạ bệ bằng vũ khí, mà tự sụp đổ vì những nghịch lý của chính mình, do những khác biệt một trời một vực giữa những hứa hẹn và thực tế. Nhưng có thể xét xử ai, khi những thủ phạm chính theo Lênin từ thời kỳ đầu, và phe Stalin thời chiến tranh lạnh không còn nữa ? Tính thực tiễn đòi hỏi những nước được giải phóng khỏi chủ nghĩa cộng sản không tiến hành nội chiến, sự ổn định được chú trọng hơn công lý.

Một yếu tố khác khiến lịch sử cần phải bị lãng quên, là cộng sản đã quyến rũ được nhiều người trên thế giới, sự mù quáng hết sức to lớn. Tổ chức một phiên tòa chẳng khác nào xét xử thái độ ủng hộ này. Trong những năm 90, khi một số quốc gia cộng sản cũ như Ba Lan, Romania muốn thanh lọc bộ máy Nhà nước, bị kêu gào là "săn phù thủy", đã bỏ rơi ý định. Thế nên những cán bộ cộng sản cũ có thể nghiễm nhiên chuyển sang xu hướng dân chủ xã hội, nhiều cựu nhân viên an ninh bắt đầu một cuộc đời mới ; trong khi những lề thói của xã hội độc tài, tham nhũng cũ vẫn còn đó.

Ukraine là cuộc chiến tranh thứ tư mà Putin tiến hành trong 20 năm qua, và tất cả những phương pháp bạo lực của Hồng quân cũ đều được sử dụng. Chủ nghĩa cộng sản đã ghi dấu ấn trong thế kỷ 20, vẫn còn được lý tưởng hóa. Theo nhà sử học Wolton, việc nhất trí kết án chủ nghĩa phát xít trong phiên tòa Nuremberg đã loại bỏ vĩnh viễn mọi ý đồ đi theo hướng này. Không một quốc gia hay một nhà lãnh đạo nào muốn gợi lại quá khứ bị nguyền rủa. Nhưng sự thiếu vắng về lịch sử tội ác cộng sản đã giúp một số vẫn tiếp tục ca ngợi như Tập Cận Bình. Putin sẽ không có được nhiều sự ủng hộ trên thế giới nếu như quá khứ cộng sản bị tố cáo. Nếu không rút được những bài học từ lịch sử, sẽ có nguy cơ những cơn ác mộng cũ triền miên quay lại.

Thụy My

Published in Quốc tế