Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Dự thảo ngân sách gây chia rẽ, tổng thống và thủ tướng có nguy cơ phải từ chức ?

Nhiều tờ báo số ra hôm nay, 29/11/2024, đồng loạt chạy tựa trang nhất về dự thảo ngân sách "thắt lưng buộc bụng" đang được thảo luận ở Quốc hội Pháp. "Liệu chính phủ của thủ tướng Michel Barnier có bị đổ hay không", "Liệu Pháp có rơi vào tình trạng "shutdown" giống như Mỹ trước đó hay không?", "Liệu Pháp có khả năng chi trả được nợ hay không?". Đó là những câu hỏi mà các nhật báo Pháp đặt ra.

ngansach1

Thủ tướng Pháp Michel Barnier trả lời chất vấn trước Quốc hội, Paris, Pháp, ngày 26/11/2024. Reuters - Stephanie Lecocq

Đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, thủ tướng Pháp đã lên kế hoạch tiết kiệm 60 tỷ euro cho tài khoá 2025 bằng việc tăng thuế trong một số lĩnh vực, giảm trợ cấp chăm sóc y tế cho người không giấy tờ, v.v. Tuy nhiên, theo Le Monde, kế hoạch này đã gây ra nhiều tranh cãi tại Quốc hội Pháp và khiến ông Barnier phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đảng khác, nhất là sau khi thủ tướng cảnh báo ông sẽ áp dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua ngân sách mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều này đã khiến các thành viên trong đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) đe doạ sẽ cùng với liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Barnier. Liệu thủ tướng Pháp có sẽ mất chức chỉ sau 3 tháng nắm quyền ?
Trong khi đó, báo thiên hữu Le Figaro nhận định Michel Barnier không phải là người duy nhất đang lo lắng. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang phải chịu áp lực ngày càng tăng, do ông bị nhiều người trong chính trường Pháp coi là kẻ đã gây ra tình hình bế tắc hiện nay. Nếu trước đây chỉ có những đảng đối lập kêu gọi ông Macron từ chức, thì giờ đây nhiều nhân vật ôn hòa hơn cũng đã đi theo lập trường này. Ông Jean-François Copé, cựu lãnh đạo đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, phát biểu tối thứ Tư trên kênh BFMTV : "Chỉ còn một giải pháp, đó là bầu cử tổng thống mới. Cần phải tổ chức bầu cử sớm".
Trước đây ông Copé đã tỏ ra khá thân thiện với ông Macron, nhưng giờ ông cho rằng tổng thống Pháp sẽ không thể "trụ được đến năm 2027" (tức là đến hết nhiệm kỳ) trong bối cảnh chính trị như hiện nay. Theo ông, "mớ hỗn độn" trong chính trường Pháp đều là do tổng thống Macron đã quyết định giải tán Quốc hội hồi tháng 6 "mà chẳng có lý do cụ thể nào". Chính điều này đã khiến không đảng nào ở Pháp có đa số tuyệt đối tại Hạ Viện, do vậy các quyết định đều khó có thể được thông qua.
Nhật báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi : Liệu nước Pháp có sẽ rơi vào tình trạng "shutdown" như đã từng xảy ra ở Hoa Kỳ, tức là các cơ quan chính phủ ngừng hoạt động vào ngày 01/01 vì Quốc hội không đạt được đồng thuận về ngân sách ? Mặc dù Hiến pháp của nước Pháp quy định, nếu không đủ thời gian để ban hành luật ngân sách, Nhà nước có thể thông qua một luật khẩn cấp cho phép thu thuế, trong khi các chi tiêu sẽ được quy định bằng sắc lệnh dựa trên ngân sách của năm trước. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, Pháp sẽ phải làm việc với một ngân sách tạm thời, và điều này có thể dẫn đến những hậu quả tài chính nghiêm trọng.
Theo Les Echos, nếu Pháp vẫn không có được ngân sách chính thức cho năm 2025, mà tiếp tục sử dụng lại các mức ngân sách của năm 2024, tình trạng thâm hụt có thể lên tới 6%, nợ công sẽ tiếp tục tăng, tình hình thị trường ảm đạm và các nhà đầu tư sẽ chẳng còn tiền để đầu tư.
Tận dụng lệnh ngừng bắn ở Lebanon, Israel tập trung vào các mặt trận khác
Về tình hình Trung Cận Đông, nhật báo Le Monde có bài phân tích về thỏa thuận hưu chiến ở Lebanon. Trong bài viết "Netanyahu muốn tận dụng lệnh ngừng bắn ở Lebanon để tập trung vào các mặt trận khác", tờ báo nhận định dù xung đột tại Lebanon có thể sẽ tạm lắng xuống sau thoả thuận hưu chiến hôm 27/11, đây không phải là một triển vọng về hòa bình mà là một sự tiếp diễn, thậm chí là leo thang chiến tranh ở quy mô khu vực. Việc rút quân, chấm dứt không kích giúp quân đội Israel tiết kiệm vũ khí và lực lượng, để họ có thể tập trung vào các mặt trận khác. Điều này đã được các tướng lĩnh Israel tính toán dựa trên việc so sánh những tổn thất của chính họ và những lợi ích chiến thuật "không đáng kể" mà họ nhận được từ cuộc chiến.
Khi thông báo thỏa thuận ngừng bắn vào tối thứ Ba, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahulại đã một lần nữa cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu mạnh mẽ tại các "mặt trận", trải dài từ Yemen tới Syria, từ Gaza đến Iran, qua Cijordanie, Lebanon và Iraq. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng mặt trận quan trọng nhất trong số đó là cuộc đối đầu với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Thủ tướng Israel tuyên bố : "Mối đe dọa này luôn là ưu tiên tuyệt đối của tôi (…) và điều này càng đúng hơn khi giờ đây chúng ta thấy các nhà lãnh đạo Iran liên tục nhắc đến ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Loại bỏ mối đe dọa này là nhiệm vụ quan trọng nhất để bảo vệ sự tồn tại và tương lai của Nhà nước Israel".
Bà Mairav Zonszein, chuyên gia về Israel thuộc nhóm nghiên cứu International Crisis Group, nhận định, qua tuyên bố trên, ông Netanyahu muốn gửi thông điệp tới tân chính phủ Hoa Kỳ rằng Tel-Aviv sẵn sàng gây áp lực tối đa lên Teheran và đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, nhưng không muốn bị coi là kẻ gây chiến. Đội ngũ của tổng thống đắc cử Donald Trump dường như cũng đã nắm bắt được thông điệp đó. Ông Mike Waltz, người được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, đã tuyên bố trên mạng X : "Tôi vui mừng khi thấy các biện pháp cụ thể được thực hiện để giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Nhưng hãy nhớ rõ rằng chế độ Iran chính là nguồn gốc của sự hỗn loạn và khủng bố được gieo rắc trên khắp khu vực. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với các hành động hỗ trợ khủng bố của họ".
Còn tại mặt trận Gaza, lực lượng Israel vẫn đang hoạt động tích cực. Le Figaro trích dẫn các nguồn tin Palestine cho biết vào thứ Năm, quân đội nhà nước Do Thái đã tấn công miền nam dải Gaza, tuy nhiên thông tin này chưa được quân đội xác nhận. Trong khi đó, tại khu vực bắc Gaza, mục tiêu chính là thành phố Jabaliya, một căn cứ của Hamas, nơi mà các chiến binh cuối cùng của tổ chức khủng bố này đang bị tiêu diệt một cách có hệ thống. Có vẻ như Hamas đã mất quyền kiểm soát dải Gaza. Điều này được thể hiện qua việc các băng nhóm vũ trang lợi dụng sự hỗn loạn tại những nơi mà Hamas không còn khả năng duy trì trật tự công cộng, làm gia tăng khó khăn cho các tổ chức quốc tế trong việc giúp đỡ người dân.
Phong trào Hồi giáo này, mặc dù vẫn có thể chiêu mộ chiến binh, đang gặp khó khăn trong việc thay thế lãnh đạo chính trị của họ. Cái chết của Yahya Sinwar hôm 16/10 là một đòn giáng mạnh vào Hamas. Là lãnh đạo chính trị và quân sự của phong trào, người khởi xướng cuộc tấn công vào ngày 07/10/2023, Sinwar là người ủng hộ chính sách đối đầu đến cùng với Israel, dù cho cuộc chiến đó đã khiến 44.000 người Palestine thiệt mạng kể từ đầu cuộc xung đột (theo số liệu từ bộ Y tế Hamas).
Nghệ thuật thương lượng của Trump có giúp Ukraine đạt được hòa bình ?
Bàn cờ địa chính trị Mỹ-Ukraine, Trung Quốc-Đài Loan là chủ đề được Le Figaro quan tâm. Trong bài phân tích về các chính sách tương lai của Trump với cuộc chiến Nga-Ukraine, nhật báo thiên hữu nhận định tân tổng thống của Hoa Kỳ là một người có "nghệ thuật thương lượng" với những toan tính đầy bất ngờ mà hiệu quả.
Theo tờ báo này, sẽ có những ngày mà người ta phải giật mình khi đọc trên mạng X tuyên bố của con trai ông chủ Nhà Trắng, Donald Jr., rằng Zelensky chẳng bao lâu nữa sẽ bị tước "tiền tiêu vặt" (tức là viện trợ quân sự của Mỹ). Bình luận này khiến cho người ta lo ngại về sự không hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Nga và sự khinh miệt đối với những hy sinh mà Ukraine đã phải chịu đựng. Sự lo ngại tương tự cũng đến khi phó tổng thống tương lai J.D Vance tiết lộ một kế hoạch giải quyết cuộc chiến tại Ukraine giống như một sự đầu hàng, vì Kiev sẽ phải nhượng lại cho Moskva phần lãnh thổ bị chiếm đóng.
Tuy nhiên, lại có những ngày khác, ta có thể tiếp tục hy vọng khi nghe tuyên bố của nhân vật sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia, Mike Waltz : "Chúng ta cần phải khôi phục khả năng răn đe, khôi phục lại hòa bình và đi trước một bước trong cuộc leo thang căng thẳng thay vì chỉ đáp trả". ÔngWaltz sẽ xem xét kế hoạch của tướng Keith Kellogg, đặc phái viên tương lai của Trump về vấn đề này, và ông muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine đổi lấy một thỏa thuận từ Kiev để bắt đầu đàm phán hòa bình. Điều này cũng có nghĩa là Trump sẽ ép buộc Putin đàm phán bằng cách đưa ra luận điểm "nếu không" (nếu không, tôi sẽ cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để chiến thắng).
Sự hồi hộp và không thể đoán trước này phản ánh mưu lược của Donald Trump, và làm tăng giá trị của cuộc đàm phán khi tiến gần tới thời điểm thương thảo. Vào năm 2016, ông Trump đã thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bí mật chiến lược ngoại giao của mình để duy trì yếu tố bất ngờ. Tất cả đều sẽ được quyết định trong đầu của tân tổng thống, một người đã sớm bươn chải trong môi trường bất động sản "đầy sói" ở phố Wall, một người rất thực dụng và hiểu rõ ý nghĩa của việc đối đầu với liên minh Nga-Trung-Iran.
Ngoài ra, sự hồi hộp hiện tại cũng phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai phe trong đảng Cộng Hòa: những người theo chủ nghĩa cô lập và những người theo đường lối Reagan. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thảm họa ở Irak và Afghanistan, phe theo chủ nghĩa cô lập là những người phản đối việc Mỹ can thiệp vào các vấn đề thế giới. Theo họ, chỉ cần tập trung phát triển kinh tế để nước Mỹ "vĩ đại trở lại" là đủ. Ngược lại, phe Reagan luôn tin rằng Washington có thể giữ vững vai trò anh cả, đảm bảo hòa bình cho thế giới. Nhưng với họ, hòa bình chỉ có thể đạt được "bằng sức mạnh" và bằng cách khôi phục một khả năng răn đe thực sự. Nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa cũng đã không che giấu ý định đứng lên bảo vệ Ukraine, tin rằng tương lai của phương Tây sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến. Tất cả những điều này có thể sẽ là yếu tố quan trọng cấu thành sự ủng hộ cho Ukraine sau này.
"Nếu Mỹ thất bại trong việc bảo vệ Ukraine, Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan"
Vẫn về quan hệ Mỹ-Ukraine, trong một bài viết khác, Le Figaro trích dẫn phỏng vấn với tướng Rajmund Andrejczak, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Ba Lan, nhận định rằng "nếu Mỹ thất bại trong việc bảo vệ Ukraine thì Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan". Theo ông, đúng là tương lai của Ukraine sẽ phụ thuộc vào quyết định của Mỹ, nhưng nếu Bắc Kinh thấy "Hoa Kỳ đang mất đi uy tín trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu, nếu họ thấy Mỹ không thể đánh bại một nước Nga có nền kinh tế và dân số chỉ bằng một phần mười Trung Quốc, họ sẽ xem xét lại tình hình ở khu vực Thái Bình Dương và Đài Loan." Và trong trường hợp đó, tướng Andrejczak nhận định, rất có thể Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Loan.
Minh Phương

Additional Info

  • Author Minh Phương
Published in Quốc tế