Các báo Pháp tiếp tục tập trung chủ yếu vào đề tài chính trị trong nước liên quan đến cuộc bầu cử cấp vùng trong tháng này. Nhìn ra bên ngoài, nhật báo Le Figaro chú ý tới cuộc sống trên hòn đảo cộng sản nằm giữa vùng Caribe, với bài phóng sự điều tra mang tựa đề : "Cuba, lưu vong bằng mọi giá".
Dân Cuba xếp hàng mua bánh mì tại La Havana. Ảnh chụp ngày 19/05/2021. Reuters – Alexandre Mênghini
Bài báo cho thấy cuộc sống của người Cuba đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ, cộng thêm với đại dịch Covid-19, đến mức mà ở thủ đô La Havana, giờ đây những đứa con của cuộc Cách mạng chỉ còn có hai nỗi ám ảnh : nuôi sống mình và ra đi khỏi đất nước. Hàng nghìn người dân của hòn đảo cộng sản này đã và đang tìm đường tị nạn kinh tế.
Người Cuba đã chứng kiến nhiều làn sóng rời bỏ quê hương. Đó là sau ngày Cách mạng của Fidel giành chiến thắng, hàng trăm nghìn người dân đã rời khỏi hòn đảo đi tị nạn chính trị. Họ là những người đối lập với chế độ, những chủ đồn điền không thể chung sống được với những người cộng sản. Đến năm 1980, Fidel Castro đã để cho 125 nghìn người dân rời khỏi đất nước để tránh phong trào nổi dậy của dân chúng lúc đó đang manh nha bùng lên. Đến năm 1994, một làn sóng chạy khỏi đất nước rộ lên khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu, Cuba hết chỗ dựa vào những người anh em cộng sản.
Giờ đây, theo Le Figaro, sau một thời gian hy vọng về một cuộc sống khấm khá hơn với việc nới lỏng cấm vận Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ 2 của tổng thống Obama, hàng trăm nghìn doanh nghiêp nhỏ Cuba vỡ mộng vì khủng hoảng kinh tế do Covid và lệnh cấm vận siết lại dưới thời Donald Trump. Một cô gái khoảng hai chục tuổi nói với phóng viên của Le Figaro : "Ở đây không có tương lai, tôi sẽ rời khỏi La Havana đến Hoa Kỳ cùng với mẹ tôi. Tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng rồi".
Le Figaro cho biết giờ đây người Cuba nung nấu ý định rời khỏi đất nước bằng mọi giá, bằng mọi con đường.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ tại La Havana khẳng định hồi đầu thángTư "những tháng qua số người nhập cư bất hợp pháp qua đường biển vào Mỹ tăng mạnh". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba giải thích "những yếu tố kích thích di dân bất hợp pháp là việc sứ quán Mỹ tại La Havana ngừng cấp visa".
Để có visa vào Mỹ, người Cuba phải đến những nước thứ ba. Donald Trump đã cắt đường tị nạn hợp pháp của người Cuba và vì thế nhập cư lậu là cách duy nhất để đến Mỹ. Theo bài phóng sự, trong hai tháng đầu năm nay, hơn 2500 người Cuba từ Mexico đã nộp đơn xin tị nạn tại Mỹ.
Tờ báo cho biết, với người vượt biển Cuba, từ năm 1995, Mỹ áp dụng chính sách "chân khô – chân ướt". Nếu một người vượt biên đặt chân lên được đất Mỹ, tức thuộc diện "chân khô", họ sẽ được chấp nhận tị nạn, được cấp thẻ xanh. Nhưng nếu họ bị tuần duyên Mỹ bắt trên biển trước khi chạm đất liền, thì họ thuộc diện "chân ướt" và sẽ bị trả về Cuba. Chính quyền Obama năm 2017 đã hủy chính sách này.
Hành trình rời khỏi đất nước vì mưu sinh của người Cuba không hề dễ dàng. Đại đa số người Cuba đến Mỹ theo con đường nhập cư lậu, qua đường biển bằng những phương tiện tồi tàn. Và không phải ai cũng may mắn đặt được chân tới nước Mỹ, không xa là bao nhiêu về mặt địa lý. Theo Le Figaro, đã có hàng nghìn thuyền nhân chết đuối, bị cá mập tấn công hay bị tuần duyên Mỹ chặn bắt trả về nước.
Những điểm đến của người dân hòn đảo tự do là Mỹ, nơi có 1,3 triệu kiều dân Cuba sinh sống, tiếp đến là Tây Ban Nha, hiện có khoảng 140 nghìn dân Cuba. Hàng ngày, trước sứ quán Tây Ban Nha ở La Havana, hàng trăm người vẫn xếp hàng, hy vọng có được tấm visa. Điểm thứ ba có thể đón người Cuba tị nạn là Ý, được coi như cửa vào Châu Âu.
Người Cuba giờ đây rời khỏi đất nước bằng mọi giá, mọi con đường. Họ thường đến các nước Châu Mỹ Latinh, qua biên giới các nước Trung Mỹ để vào Hoa Kỳ và sẵn sàng trả giá cho chuyến đi vi mưu sinh của mình bằng tiền, bằng mạng sống của mình.
Le Monde đến với chủ đề Trung Quốc qua bài viết đề cập đến thái độ bị cho là quá nhún nhường của tập đoàn điện tử tin học hàng đầu của Mỹ Apple tại Trung Quốc đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Le Monde, Apple đang bị báo chí Mỹ tố cáo có thái độ dung hòa với chính quyền Bắc Kinh, ngày càng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Liệu có phải Apple quá hòa đồng với chế độ Bắc Kinh ? Câu hỏi nay đang gây tranh luận ở Mỹ, từ khi nhật báo New York Times, hôm 17/05 đăng một điều tra, tố cáo nhà sản xuất điện thoại iPhone cho lưu trữ các dữ liệu người sử dụng điện thoại trên đất Trung Quốc. Tờ báo Mỹ cũng tố Apple "dùng phiên bản ứng dụng Trung Quốc giúp cho Bắc Kinh kiểm duyệt dữ liệu". Apple đã phủ nhận những tố cáo trên, tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền cũng lên tiếng chỉ tích Apple đã quá nhượng bộ chính quyền Trung Quốc để giữ thị trường rộng lớn này.
Theo nhật báo Pháp, cụ thể, Apple áp dụng "luật an ninh mạng của Trung Quốc" được thông qua năm 2016. Theo luật này, các công ty làm ăn tại Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin bắt buộc phải lưu giữ tại lãnh thổ Trung Quốc các dữ liệu của người sử dụng trong nước. Các thông tin của các khách hàng của Apple tại Trung Quốc vẫn được lưu giữ qua dịch vụ iCloud (đám mây điện toán), đồng thời phải lưu trong các máy chủ do một công ty nhà nước Trung Quốc kiểm soát, cụ thể là công ty Guizhou-Cloud Big Data (GCBD), theo điều tra của New York Times.
Theo luật hiện hành, chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu được tiếp cận các dữ liệu của Apple. Công ty Mỹ đã cung cấp thông tin về một số lượng tài khoản iCloud, theo nhật báo New York Times, trong khi việc này trước đây là không được chấp nhận. Apple còn bị tố là đã rút bỏ các ứng dụng điện thoại theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Trong khoảng từ 2018 đến 2020, đã có 1217 ứng dụng bị xóa.
Những việc làm này ngược hẳn với Apple ở chính quốc. Tại Mỹ, công ty vẫn luôn phản đối chính quyền đòi truy cập dữ liệu điện thoại iPhone của người sử dụng, dù đó là các trường hợp nghi ngờ khủng bố, với lý do việc bảo mật đời tư công dân được luật pháp Mỹ bảo vệ.
Giới phân tích nhận thấy, với tập đoàn Apple, Trung Quốc quan trọng hơn bao giờ hết. Apple là công ty Mỹ duy nhất thành công tại Trung Quốc. Năm 2010, Google đã rút khỏi nước này, Facebook cũng không cắm chân được vào thị trường lớn, và năm 2019 Amazon đã phải cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, Apple vẫn thu về 39 tỷ đô la. Nhà sản xuất này vẫn chiếm khoảng 20% thị phần Trung Quốc về điện thoại thông minh và iPhone 12 thế hệ 5G vẫn bán rất chạy tại Trung Quốc. 60% điện thoại iPhone vẫn được lắp tại Trung Quốc qua công ty gia công duy nhất là Foxconn. Mặc dù bị chỉ trích, Apple vẫn khẳng định sự hiện diện tại Trung Quốc là không thể thiếu trong chiến lược hoạt động kinh doanh của hãng này. Vấn đề chính không phải sự lựa chọn ở lại hay rời bỏ Trung Quốc, mà là bảo mật các dữ liệu của người sử dụng.
Một thời sự khác liên quan đến Trung Quốc được các báo Pháp nói đến nhiều hôm qua, Bắc Kinh đã chính thức xóa bỏ quy định giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con.
Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận qua tựa bài báo : "Trước khủng hoảng dân số gia tăng, Trung Quốc cho phép gia đình có 3 con". Tờ báo viết : "Sáu năm sau khi bỏ chính sách một con, Bắc Kinh xóa giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con, giờ cho phép mỗi gia đình có thể có 3 con. Quyết định được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra hôm 31/05 nhằm "ứng phó tích cực với tình trạng lão hóa dân số" và để "duy trì nguồn nhân lực phát triển đất nước". Quyết định này được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi công bố số liệu tổng điều tra dân số sau 10 năm ở Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước đông dân nhất thế giới có xu hướng sụt giảm nhanh. Theo nhà nghiên cứu dân số học Yi Fuxian, thuộc đại học Wisconsin Madison Hoa Kỳ được Les Echos trích dẫn, "những số liệu thật của thống kê dân số vừa rồi chỉ có các lãnh đạo mới biết, chắc là số liệu rất đang lo ngại nên Bắc Kinh mới phải phản ứng nhanh, không đợi đến hội nghị Trung ương 6 vào cuối năm, theo thông lệ vẫn thường ra các quyết sách quan trọng".
Quyết định cho phép có ba con ngay lập tức tạo sóng bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc, theo Les Echos. Phần đông ý kiến dân mạng Trung Quốc đều hoài nghi cho rằng nếu không có cải thiện đời sống, thì các cặp vợ chồng trẻ đến một con họ cũng không muốn có. Vấn đề cốt lõi là cải thiện mức sống và các chính sách xã hội về gia đình. Dân số giờ trở thành một vấn đề đối nội lớn và nan giải đối với Đảng cộng sản Trung Quốc.
Anh Vũ