Muốn duy trì ưu thế quân sự với Nga, Mỹ phải hiện đại hóa (VOA, 09/03/2018)
Trong những tuần gần đây, thế giới tập trung chú ý đến sự tự tin mới của Nga về kho vũ khí hạt nhân của họ sau khi Tổng thống Vladimir Putin khoe về 4 hệ thống phóng mà ông cho là được thiết kế để "vô hiệu hóa" các hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở Châu Âu Curtis M. Scaparrotti tại Phần Lan, tháng 8/2017.
Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Châu Âu, Tướng Curtis Scaparrotti, phát biểu với các nhà lập pháp ở Washington hôm 8/3 :
"Trên biển, trên bộ, trên không, nói thẳng thắn ra là ở mọi nơi, quân đội Nga ngày càng hiện đại hóa và đang hoạt động ở mức độ chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh".
Tướng Curtis nói với các nhà lập pháp rằng Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục đà tiến để theo cho kịp, trước thực tế là Nga đã tái lập sức mạnh quân sự quy ước của họ, được thể hiện và thử thách tại những nơi như Ukraine và Syria.
"Xét đà hiện đại hóa và tốc độ phát triển của Nga, và chúng ta biết họ đang làm gì, chúng ta phải duy trì kế hoạch hiện đại hóa mà chúng ta đã đề ra, cốt là để chúng ta duy trì được ưu thế ở những khu vực mà ngày nay chúng ta đang chiếm ưu thế. Nếu không làm như vậy, tôi nghĩ rằng đà tiến của họ sẽ khiến chúng ta chắc chắn bị thách thức ở hầu hết mọi lĩnh vực xét về mặt quân sự vào khoảng năm 2025", vị tướng nói.
Ở một số vùng, như Bắc cực, Nga có thể sẽ đạt được ưu thế áp đảo sớm hơn, theo tướng Curtis, ông ước tính Moscow có thể kiểm soát các tuyến đường vùng bắc cực chỉ trong vòng hai đến ba năm tới.
****************
Tổng thống Philippines cần được kiểm tra tâm thần (RFI, 09/03/2018)
Cao Ủy Nhân Quyền hôm nay 09/03/2018 nhận định, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã sỉ nhục các báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, cần được "kiểm tra về tâm thần".
Theo Liên Hiệp Quốc, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần được kiểm tra tâm thần. Reuters/Dondi Tawatao
Ông Zeid Ra’ad al-Hussein khi liệt kê trước báo chí ở Genève một danh sách những đả kích của ông Duterte đối với các nhân viên Liên Hiệp Quốc - trong đó có một báo cáo viên bị cáo buộc là "khủng bố" - đã tuyên bố : "Chúng tôi tin rằng tổng thống Philippines đang cần được kiểm tra sức khỏe tâm thần".
Ông Zeid dẫn ra các bài báo của Manila tháng 11/2017, cho biết, tổng thống Duterte dọa sẽ "tát tai" bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về các vụ giết người bừa bãi ở Philippines, và không ngớt lăng mạ bà.
Từ khi Duterte lên nắm quyền năm 2016, khoảng 4.100 người buôn bán và sử dụng ma túy đã bị cảnh sát giết chết, nhưng các nhà bảo vệ nhân quyền ước tính con số thật sự lớn gấp ba số liệu chính thức.
Cao Ủy Nhân Quyền cũng nêu ra trường hợp báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về quyền của người thiểu số, bà Victoria Tauli Carpuz. Tháng trước, bộ Tư Pháp Philippines đã cáo buộc bà Carpuz là "khủng bố". Bà bị cho là "thành viên đảng cộng sản Philippines và NPA (Tân quân đội nhân dân - nhánh vũ trang của đảng cộng sản)".
Theo ông Zeid, bà Carpuz bị tấn công vì đã phê phán việc thảm sát người thiểu số ở Mindanao, nơi ông Duterte ban bố tình trạng thiết quân luật để chống quân thánh chiến.
Thụy My
*****************
Miến Điện bác bỏ cáo buộc "thanh lọc chủng tộc" (RFI, 09/03/2018)
Một quan chức cao cấp Miến Điện ngày 08/03/2018 tại Genève đã bác bỏ cáo buộc về "thanh lọc chủng tộc" đối với người Rohingya, do Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra, đòi hỏi phải có bằng chứng.
Một phụ nữ Rohingya tại trại tị nạn Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh chụp ngày 19/01/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Cố vấn an ninh quốc gia Miến Điện, ông Thaung Tun tuyên bố : "Chúng tôi đã nghe nhiều lời cáo buộc về thanh lọc chủng tộc, thậm chí diệt chủng. Đây không phải là chính sách của chính phủ Miến Điện. Chúng tôi mong có được những bằng chứng rõ ràng".
Ông cũng cho là "đại đa số người Hồi giáo ở bang Rakhine vẫn ở lại", nói rằng chính quyền Miến Điện "rất vui được bảo đảm an ninh cho những người quay về".
Tuyên bố trên được đưa ra hai ngày sau khi phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân quyền, ông Andrew Gilmour khẳng định "việc thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya vẫn tiếp diễn". Gần 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi đã phải chạy trốn sang Bangladesh từ tháng 8/2017.
Trong khi đó, thanh tra viên độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện, bà Yanghee Lee hôm nay 09/03/2018 bày tỏ mong muốn tổ chức thanh tra về nạn diệt chủng đối với người thiểu số và các nhóm tôn giáo, vì ngày càng có thêm nhiều bằng chứng.
Cũng trong hôm nay chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho nhà sư Parmaukkha, một trong những nhà tu dân tộc chủ nghĩa siêu cực đoan. Ông này đã chấp hành xong bản án tù hiếm hoi vì đã tổ chức cuộc biểu tình trước đại sứ quán Mỹ, chống người Rohingya năm 2016. Parmaukkha là người đồng sáng lập phong trào Phật giáo cực đoan Mabatha, bị cáo buộc "xúi giục bạo động" và "gây rối trật tự công cộng".
Thụy My