Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ba mươi năm trước tôi là thành viên hội đồng quản trị của một cơ quan xã hội giúp người tị nạn trong khu vực phía đông Vịnh San Francisco (East Bay) nên khi đó đã có dịp tiếp xúc với người tị nạn Afghan.

bvp1

Một sinh hoạt của sinh viên gốc Afghanistan ở vùng Đông Vịnh San Francisco, tháng 5/2019 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Nhiều người Afghan đã đến Mỹ theo diện tị nạn cộng sản sau khi Hồng quân Liên Xô xâm chiếm đất nước của họ và cũng có người tị nạn vì bị chính quyền Taliban đàn áp.

Người Afghan là nạn nhân của hai chế độ khác nhau trên quê hương, chế độ cộng sản và chế độ Hồi giáo cực đoan.

Nói chung, người Afghan ở Mỹ cũng đã trải qua cuộc sống không có nhân quyền trên quê hương nguồn cội, như người gốc Việt. Họ cũng trải qua hành trình vượt biên khó khăn, qua được nước láng giềng trước khi được tới Mỹ định cư. Có người đã phải chờ đợi nhiều năm trong các trại tị nạn. Nhiều người đã phải hồi hương theo chương trình của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc.

Trong gần nửa thế kỷ qua, một đất nước với 30 triệu dân mà đã có đến 5 triệu người Afghan phải bỏ quê hương ra đi. Một số được Mỹ, Canada, Anh, Nga, Pháp và nhiều quốc gia nhận cho định cư, còn lại hiện sống trong các trại tị nạn ở các quốc gia láng giềng của Afghanistan.

Khoảng 150 nghìn người tị nạn Afghan được Hoa Kỳ nhận cho định cư trong 40 năm qua. Họ sống tập trung tại California, Virginia, New York.

Theo nhật báo San Francisco Chronicle trích dẫn số liệu năm 2019 của Cục Thống kê Hoa Kỳ, hiện có 66 nghìn người gốc Afghan sống tại California và đông nhất tập trung tại vùng Vịnh San Francisco.

Nhiều người Afghan sống tập trung tại các thành phố Fremont và Hayward ở East Bay. Fremont có khu phố thương mại với nhiều cửa hàng dịch vụ và thực phẩm Afghan thường được biết đến với tên gọi "Little Kabul".

Năm 2018 một phụ nữ Afghan là cô Aisha Wahab đắc cử vào Hội đồng Thành phố Hayward, được coi là một trong hai nữ dân cử gốc Afghan đầu tiên tại Hoa Kỳ, cùng lúc với cô Safiya Wasir đắc cử vào lập pháp tiểu bang New Hamsphire.

Sau khi đem quân vào Afghanistan để lật đổ chính quyền Taliban vì biến cố 11/9/2001, Hoa Kỳ giúp Afghanistan xây dựng cơ chế tổ chức quốc gia trong tinh thần dân chủ, đã có nhiều người Afghan ở Mỹ, Châu Âu trở về giúp nước. Giới lãnh đạo Afghanistan trong hai thập niên qua, trong đó có nhiều phụ nữ, là những người đã tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng trên thế giới.

Tổng thống Hamid Karzai, Tổng thống Ashraf Ghani từng sống và làm việc ở nước ngoài trước khi trở về phục vụ quốc gia, sau khi chế độ Taliban bị Hoa Kỳ lật đổ.

Dưới sự cai trị của Taliban, phụ nữ Afghan không có nhiều người được hưởng giáo dục và bị hạn chế các quyền tự do căn bản. Trong hai mươi năm qua hàng triệu nữ sinh đã có cơ hội đến trường. Nhiều phụ nữ Afghan đã tham gia chính quyền như Dân biểu Fawzia Koofi là một trong những phó chủ tịch của quốc hội, Thống đốc Salima Mazari, Thị trưởng Zarafi Ghafari.

bvp2

Tiến sĩ Sedique Popal là giám đốc Noor Islamic Cultural Center ở thành phố Concord, vùng Vịnh San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Sau khi Hoa Kỳ quyết định rút lui khỏi vùng đất này vào thời hạn 31/8/2021, chính quyền Kabul đã sụp đổ và Taliban đã giành lại được quyền lãnh đạo Afghanistan sau 20 năm.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1956 đến 1975 cũng có nhiều người Việt tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng nước ngoài về góp phần xây dựng quốc gia. Lãnh đạo chính quyền trong các bộ, nổi bật có các ông Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Văn Hảo. Trong giáo dục có các giáo sư Bùi Xuân Bào, Vũ Quốc Thông, Nguyễn Văn Bông, Lê Xuân Khoa, Thanh Lãng, Chu Phạm Ngọc Sơn, Võ Tòng Xuân.

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và cộng sản giành được quyền lãnh đạo thì nhiều người cũng bỏ nước ra đi, người ở lại cũng không thể đóng góp được cho sự phát triển quốc gia.

Từ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8, trong hai tuần sau đó quân đội Mỹ đã thực hiện một cuộc di tản bằng đường hàng không lớn nhất từ trước đến nay, khi 123 nghìn người được các máy bay quân sự của Mỹ đưa ra khỏi Kabul, gồm người Mỹ và người Afghan đã hợp tác với Hoa Kỳ.

Sài Gòn tháng 4/1975 và Kabul tháng 8/2021 có những điểm giống nhau giữa Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Afghanistan. Một khi Hoa Kỳ thấy không còn quyền lợi quốc gia ở đó nữa thì không có lý do gì để tiếp tục chi ngân sách hàng tỉ hay cả trăm tỉ đôla mỗi năm vào những nơi đó.

Nhưng khác nhau là ở chỗ Hoa Kỳ đã công bố thời điểm sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan và thi hành đúng theo lịch trình Tổng thống Joe Biden đã đưa ra. Vị tướng chỉ huy cuộc di tản người Mỹ là người cuối cùng bước lên máy bay lúc gần đến thời khắc 31/8 để rời Kabul, dù còn cả trăm người Mỹ bị kẹt lại.

Người Mỹ rời Sài Gòn trong chiến dịch "Frequent Wind" sau khi có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, kể từ sáng ngày 29/4.

Cả trăm nghìn người Afghan được di tản trong những tuần lễ qua đang tạm trú trong các trại tị nạn ở Trung Đông, Châu Âu và trong nội địa Hoa Kỳ để tiến hành thủ tục an ninh trước khi được ra ngoài định cư.

Năm 1975, 130 nghìn người Việt rời Việt Nam trong tháng Tư cũng đã được đưa vào các trại tạm trú ở Thái Lan, Philippines hay đến các đảo Guam, Wake, trước khi vào các trại tị nạn trong nội địa Hoa Kỳ để làm thủ tục định cư. Chương trình định cư người Việt di tản vào mùa xuân 1975 chấm dứt vào tháng Mười.

Với chính sách bỏ tù không xét xử hàng trăm nghìn cựu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, bắt giam hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức và tiêu diệt văn hóa "Mỹ-Ngụy" nên hàng trăm nghìn người Việt tiếp tục tìm cách ra đi, đông nhất là bằng đường vượt biển cho đến 20 năm sau mới chấm dứt.

Đợt người tị nạn cộng sản Afghanistan đến Hoa Kỳ đầu tiên vào thập niên 1980, gia tăng nhiều trong hai thập niên sau đó. Cũng như làn sóng "thuyền nhân" được định cư ở Mỹ trong cùng thời gian. Người tị nạn Việt và người tị nạn Afghan đã có chung cùng cảnh ngộ.

Người Việt khắp nơi trên thế giới hàng năm gửi về cả chục tỉ đôla cho thân nhân, nhiều nhất là từ Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Afghan trong năm 2020 cũng đã gửi về cho gia đình 789 triệu đôla, theo tin Reuters ngày 2/9/2021.

Câu hỏi đang được lãnh đạo Hoa Kỳ đặt ra là, với sự trở lại nắm quyền của Taliban đời sống của người dân Afghanistan trong những tháng năm tới sẽ ra sao ? Taliban có sẽ tàn bạo như trước đây và áp dụng luật của Hồi giáo một cách khắt khe, nhất là chính sách đối với phụ nữ.

Chủ trương của Taliban là chống lại phương Tây, đặc biệt là những gì thuộc về tư tưởng dân chủ, về bình quyền và văn hóa Mỹ vì cho đó là xấu xa, không thích hợp với Hồi giáo.

Cũng như lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã có những chính sách tiêu diệt tư tưởng dân chủ và văn hóa Mỹ-Ngụy tại miền Nam sau 30/4/1975 vì cho đó là đồi trụy, là phản động.

bvp3

Tiến sĩ Sedique Popal, thứ hai từ trái, cùng đồng hương Afghan ở vùng Đông Vịnh San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hoa Kỳ và thế giới đang chú ý đến những gì lãnh đạo Taliban sẽ làm trong những tháng ngày trước mặt, để có những chính sách thích hợp.

Làn sóng người tị nạn Afghan sẽ chấm dứt sau khi số người được di tản trong tháng 8 vừa qua được định cư, hay còn kéo dài trong nhiều năm nữa, như làn sóng thuyền nhân của người Việt trong suốt 20 năm sau năm 1975 ?

Những ngày qua thành phần lãnh đạo của Taliban đã lên tiếng cho biết họ sẽ cởi mở hơn trước, sẽ tôn trọng quyền phụ nữ và kêu gọi người dân Afghan ở nước ngoài, kể cả những lãnh đạo cũ của đất nước, hãy trở về đóng góp cho việc xây dựng quốc gia. Họ hứa sẽ không có việc trả thù với những ai đã tham gia hay hợp tác với chính quyền cũ.

Thế giới đã nhìn vào Việt Nam trong những năm sau ngày 30/4/1975 để nhận ra xung đột giữa dân chủ và cộng sản được thể hiện qua các chính sách đàn áp tư tường, truy quét văn hóa Mỹ một cách tàn bạo ra sao.

Thập niên 1990, thế giới cũng đã nhìn vào Afghanistan để thấy rằng khi Taliban lên cầm quyền họ đã có những chính sách khắt khe theo tinh thần luật Hồi giáo, trái ngược với các giá trị phương Tây như thế nào.

Xung đột giữa giáo lý Hồi giáo và các giá trị văn hóa phương Tây lên cực điểm với vụ tấn công khủng bố gây tử vong cho 3 nghìn người ngay trên đất Mỹ vào sáng ngày 11/9/2001.

Nước Mỹ vừa tưởng niệm 20 năm biến cố đau buồn này. Cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng chưa chấm dứt, cũng như chiến tranh chống bành trướng của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn, dù Đông Âu sụp đổ, Liên bang Xô Viết tan rã.

Trung Quốc và cựu Liên Xô (nay là Liên bang Nga) từng là lãnh đạo của khối cộng sản chống Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh. Ngày nay hai quốc gia này vẫn còn là đối thủ của Mỹ trên nhiều mặt trận, từ Đông Á, Châu Âu sang Châu Phi.

Bùi Văn Phú

(14/09/2021)

Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng từ vùng Vịnh San Francisco, California. Ông đã có nhiều năm dạy học ở Châu Phi và làm việc với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Đông Nam Á.

Published in Diễn đàn

Đại dịch Covid-19 khiến người tị nạn thêm khốn khổ, như trường hợp ở Malaysia và Hy Lạp. Tại Mỹ, nhân viên trong các cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đình công đòi được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm virus corona. Một công ty ở Ireland bị chỉ trích vì tuyển dụng người lao động từ Bulgaria ngay giữa mùa dịch. Đức bắt đầu cho mở các cửa hàng. Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc. Đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.

tinan1

Người tị nạn chờ được phát nước sát khuẩn, trước một khách sạn được dùng làm nơi tạm trú để tránh dịch Covid-19, tại Kranidi, Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 21/04/2020. Reuters - COSTAS BALTAS

Malaysia : Người tị nạn Miến Điện bị bỏ rơi

Đây là một trong những hậu quả đáng báo động của dịch Covid-19 : Malaysia, vốn vẫn hỗ trợ hết mình cho người anh em Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện, đã đẩy trở ra rất nhiều tàu vượt biên, có những tàu đã trôi dạt trên biển từ hơn hai tháng nay. Hành động này là nhằm ngăn chặn dịch bệnh đến từ các thuyền nhân. Nhưng ngay cả đối với cộng đồng người tị nạn đến từ Miến Điện, tình hình cũng đang rất khó khăn, theo giải thích của thông tín viên Gabrielle Maréchaux trong bài tường trình ngày 21/04/2020 :

"Đây là ca tử vong số 88 : một người nhập cư Miến Điện 36 tuổi được nhập viện quá trễ. Theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 154.000 người tị nạn Miến Điện, trong đó có nhiều người sắc tộc Rohingya, đang sống ở Malaysia, tuyệt đại đa số là những người làm công nhật.

Do Malaysia đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh, hoàn cảnh của họ khó khăn hơn bao giờ hết. Thường thì họ làm những công việc được mô tả bằng 3 tính từ bắt đầu bằng chữ D theo tiếng Anh "dirty, dangerous, difficult" (dơ bẩn, nguy hiểm, khó khăn), mà lương thì rất thấp.

Cũng bị mất các nguồn thu nhập, Malaysia yêu cầu đại sứ quán Miến Điện kể từ nay phải cung ứng cho công dân của họ tại những vùng bị phong tỏa gắt gao nhất, trong khi những diễn biến gần đây bên nước láng giềng Singapore lẽ ra phải buộc chính quyền Kuala Lumpur quan tâm đến nguy cơ bệnh lan truyền từ người nhập cư. Thật vậy, đợt dịch thứ hai bùng phát ở Singapore chính là từ cộng đồng những người bị bỏ mặc như vậy.

Hôm thứ Hai Bộ Y tế Malaysia cho biết họ khuyến khích người nhập cư đi xét nghiệm Covid-19, nhưng theo các hiệp hội, trong số hơn 3 triệu người lao động bất hợp pháp, rất nhiều người ngại đi xét nghiệm".

Hy Lạp : Nguy cơ dịch bệnh tại các trại tị nạn

Tại Hy Lạp, hàng chục ngàn người xin tị nạn, đa số đến từ các nước Châu Phi, ngày 22/04/2020 đã tổ chức một cuộc biểu tình trước trại Moria, đảo Lesbos. Lý do của cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong trại tị nạn lớn nhất Châu Âu, vừa chật kín người, vừa bẩn thỉu, những người tị nạn, bị cách ly từ giữa tháng Tư và cảm thấy bị bỏ rơi, không thể giữ vệ sinh đàng hoàng, cũng không thể tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Từ Athènes, thông tín viên Joel Bronner gởi về bài tường trình ngày 22/04/2020 :

"Chúng tôi không được an toàn trước đại dịch Covid-19" là dòng chữ trên biểu ngữ mà những người biểu tình giương lên trước trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Trước nguy cơ y tế này, những người xin tị nạn mong được "giải phóng", như họ ghi trên biểu ngữ, và được chuyển về phần lãnh thổ lục địa của Hy Lạp.

Trước khi có cuộc biểu tình này, chính phủ Hy Lạp đã thông báo sẽ chuyển dần dần khoảng 2.300 người về lục địa trong hai tuần tới. Tại Moria, giữa các cánh đồng ôliu, gần 19 ngàn người sống chen chúc trong và chung quanh một không gian vốn chỉ được dự trù để đón tiếp khoảng 3.000 người. 

Trong một thông cáo vừa được thông qua, tổ chức Human Rights Watch lo ngại "một cuộc khủng hoảng y tế công cộng" do những điều kiện sống "không thể tưởng tượng nổi" trong các trại bị quá tải trên các đảo ở vùng biển Eagean. Ở đó, rửa tay thường xuyên là chuyện hoàn toàn không thể có.

Có bằng chứng cho thấy virus đang lây lan giữa những người thường sống chung với trong các lều trại chật hẹp : Khoảng 150 người xin tị nạn được xét nghiệm dương tính trong tuần qua, tại một khách sạn ở miền nam nước này".

Đình công tại các nhà hàng McDonald’s ở Mỹ

Tại nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ, đã xảy ra các vụ đình công ở các nhà hàng McDonald’s từ một tuần qua. Các nhân viên bất mãn vì họ không được bảo vệ đầy đủ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Họ đòi được phát khẩu trang và được nghỉ bệnh có ăn lương. Tại Chicago, một số người thậm chí còn kiện McDonald’s về việc ban giám đốc, để có thể tiếp tục mở các nhà hàng, đã che giấu những ca nhiễm Covid-19 trong số các nhân viên. Thông tín viên Eric de Salve gởi về bài phóng sự trong một nhà hàng McDonald’s ở Oakland, bang California :

"Tiếng còi xe inh ỏi và tiếng hô khẩu hiệu vang lên trước một nhà hàng McDonald’s ở Okland. Khoảng 20 người biểu tình bằng xe hơi hô lớn : "Mạng sống của chúng tôi quý hơn bánh burger". Trong số này có Kyla, một nhà hoạt động của đảng Dân Chủ Xã Hội. Cô nói : "Hôm nay, chúng tôi chặn ngõ vào drive-in của nhà hàng McDonald’s để ủng hộ 5 nhân viên đang đình công vì ban quản lý không quan tâm bảo vệ cho họ".

Kể từ khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong nhà hàng này, Imelda, 43 tuổi, một trong những người tham gia đình công, vốn không có bảo hiểm y tế, rất sợ đi làm. Bà mẹ gốc Nam Mỹ có ba đứa con đã yêu cầu ban quản lý cho nghỉ bệnh, được cách ly có ăn lương và được phát khẩu trang.

Bà nói : "Đình công như vậy là rất khó khăn, vì chúng tôi bị cắt lương, nhưng chúng tôi phải đình công để bảo vệ cho chính bản thân chúng tôi và gia đình, cũng như cho các đồng nghiệp và thực khách".

Hàng chục cửa hàng McDonlad’s hiện đang đình công tại Hoa Kỳ, vì các nhân viên tố cáo ban quản lý lơ là việc phòng chống Covid-19. McDonald’s đúng là có cho nhân viên được quyền nghỉ ăn lương 14 ngày, nhưng chỉ trong các cửa hàng của tập đoàn này. Trong khi đó có đến 95% các nhà hàng là nhượng quyền thương mại, tức là hoạt động độc lập và ban quản lý áp dụng các quy định riêng".

Ireland : Tranh cãi về lao động nước ngoài

Lệnh phong tỏa cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho thị trường lao động tại Châu Âu. Ví dụ như tại Ireland, công ty canh tác rau quả Keelings, một trong những công ty chủ chốt trong lĩnh vực này, vì không thể tuyển dụng người trong nước, đã phải mướn 200 lao động thời vụ người Bulgaria, trong lúc đang có lệnh hạn chế tối đa việc đi lại để ngăn chặn dịch Covid-19.

Từ Dublin, thông tín viên Emeline Vin gởi về bài tường trình ngày 22/04/2020 :

"Lập trường chính thức là chính phủ sẽ nêu vấn đề thủ tục ở biên giới với chính phủ Bắc Ireland, nói rõ hơn là họ chưa đưa ra quyết định nào. Theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, những lao động nông nghiệp rất cần thiết và họ phải được quyền tự do đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu.

Chỉ có điều ở Ireland, một số người dân không hiểu vì sao công ty Keelings lại đưa 200 người Bulgaria đến trong khi cả nước đang bị tê liệt vì lệnh phong tỏa và một phần sáu dân Ireland đang thất nghiệp. Keelings khẳng định là họ đã cố tìm lao động thời vụ trong nước nhưng không tìm đủ người.

Công ty này bảo đảm là các lao động nước ngoài mà họ tuyển dụng sẽ bị cách ly hai tuần, như tất cả những người nhập cảnh vào Ireland trong lúc này. Nhưng việc cách ly sẽ do họ tự quản lý, chứ không có sự giám sát của nhà chức trách. Trong thời gia cách ly, các lao động này được trả lương và có chỗ ở.

Giám đốc Tổng cục Y tế và chính phủ không đồng tình với quyết định của công ty Keelings. Thủ tướng Leo Varadkar kêu gọi các công ty cố gắng tuyển dụng tối đa lao động trong nước, để hạn chế nguy cơ bệnh lây lan".

Đức cho mở lại các cửa hàng

Vào đầu tuần nay, nước Đức bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông có thể mở cửa kể từ ngày 20/04/2020. Các hiệu sách, đại lý xe hơi và cửa hàng bán xe đạp, bất kể diện tích, cũng được mở cửa. Nhưng các biện pháp ngăn ngừa khác thì vẫn được giữ nguyên. Riêng các trường học sẽ mở cửa trở lại kể từ ngày 04/05.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gởi về bài tường trình ngày 20/04 :

"Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ, chất đầy lại các quầy hàng, thi hành các biện pháp phòng ngừa, các cửa hàng ở Đức sẵn sàng đón các khách hàng mới. Các khoản trợ cấp và các hỗ trợ khác mà một số cửa hàng được hưởng dĩ nhiên không đủ để tình hình trở lại bình thường và để bù lại doanh thu bị mất trong những tuần qua trong khi họ vẫn phải trả các chi phí cố định.

Chủ một cửa hàng bán giầy tại bang Saarland vui mừng vì cửa hàng được mở lại sáng nay : "Chúng tôi không được phép để quá 5 người vào cùng một lúc. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 mét. Máy thu tiền thì được bọc lớp nhựa trong. Từ sáng nay, có vài khách đến mua, nhất là các trẻ em đang cần giầy dép mới. Quý hai, trước mùa hè, là giai đoạn quan trọng đối với doanh số của cửa hàng chúng tôi. Bình thường khách mua rất nhiều giầy dép. Chúng tôi đã phải đóng cửa bốn tuần và rất cần mở cửa lại, cho dù chúng tôi không thiệt hại nhiều như những cửa hàng khác".

Việc giảm nhẹ các hạn chế chỉ được áp dụng cho các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông. Một số vùng chỉ cho các cửa hàng mở cửa vài ngày, những vùng khác thì thoải mái hơn. Giai đoạn mới này đang gây tranh luận về việc có nên dỡ bỏ hơn nữa biện pháp phong tỏa hay không. Thủ tướng Angela Merkel sợ rằng những tranh luận này khiến dân Đức lơ là việc tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh. Theo báo chí Đức, trong một cuộc họp của đảng, thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi người đừng bàn tán quá nhiều về khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa".

Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc

Ấn Độ đã quyết định tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 có kết quả không chính xác. Với 650.000 bộ xét nghiệm vừa nhập từ Trung Quốc, nước này sẽ tăng đáng kể số người được xét nghiệm, nhưng các thử nghiệm đầu tiên cho thấy các bộ xét nghiệm này có thể đã bị hỏng.

Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình ngày 22/04 :

"Từ nhiều tuần nay, Ấn Độ ngóng chờ chúng, nhưng bây giờ giống như họ vừa bị một gáo nước lạnh : Các bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc có tỷ lệ sai lệch từ 6 đến 71% khi so sánh với các kết quả trong các phòng xét nghiệm vốn chính xác hơn. Cho nên, New Delhi phải tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm đó, trong khi chờ thẩm định.

Cơ quan y tế Ấn Độ quyết định sẽ không sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc trong việc chẩn đoán bệnh vì công nghệ này không đáng tin cậy lắm. Nhưng nhờ các bộ xét nghiệm này mà Ấn Độ sẽ tăng số xét nghiệm cho những bệnh nhân không có triệu chứng, chiếm đến 69% số bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. Điều này sẽ giúp thẩm định sự lây lan thầm lặng của dịch bệnh, trong khi chưa đầy hai tuần nữa là đến lúc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm Trung Quốc gây thất vọng lớn như thế trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay : Các thiết bị bảo hộ của Trung Quốc đã từng bị vứt bỏ khi vừa nhập về. Đại sứ quán Trung Quốc lúc đó đã khuyến cáo chỉ mua hàng của các công ty được chính phủ Bắc Kinh chứng nhận. Trong trường hợp này, Ấn Độ đã làm đúng theo khuyến cáo, thế mà chất lượng hàng hóa vẫn không được bảo đảm". 

Thanh Phương

Published in Quốc tế