Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Đảng cộng sản ngược đãi dân nghèo

Bóng đen Trung Quốc đe dọa an ninh Úc, thất bại chính trị của Donald Trump, Vladimir Putin gặp thế cờ khó ở Syria, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thừa nước đục thả câu ở Trung Đông, ba mặt trận của tổng thống Pháp từ khí hậu, cải cách Châu Âu cho đến chống khủng bố quốc tế là những chủ đề chính của báo chí Pháp ngày 14/12/2017.

danngheo1

Các ngôi nhà bị phá dỡ tại làng lao động Baiqiangzi ở Bắc Kinh, ngày 13/12/2017. Reuters/Thomas Peter

Như tên gọi, Le Monde với những tựa lớn tóm lượt đầy đủ nhất những sự kiện thế giới trong 24 giờ qua : "Donald Trump và phe cực bảo thủ thua ngược tại Alabama", "Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng", "Thượng đỉnh khí hậu không làm các tổ chức phi chính phủ thỏa lòng", "Bóng đen Trung Quốc tại Úc, Canberra tăng cường vũ khí luật pháp ngăn chặn Bắc Kinh mua chuộc tầng lớp tinh hoa của Úc".

Le Monde cũng dành cho một chuyên gia về Trung Quốc phân tích chính sách đối với dân nghèo của một chế độ tự xưng là xã hội chủ nghĩa. Vụ hỏa hoạn ở ngoại ô nam thành phố Bắc Kinh thiêu sống 19 dân làng ngày 18/11 vừa qua minh họa cho chính sách này mà đối tượng cũng là nạn nhân của chủ trương một bộ phận có ưu quyền "làm giàu trước đã".

"Đảng cộng sản là đảng của dân nghèo ?"

Chloé Froissard qua bài "Đảng cộng sản Trung Quốc truy đuổi dân đen" cho biết, chính quyền Bắc Kinh lợi dụng vụ hỏa hoạn ra lệnh giải tỏa và phá hủy hàng loạt khu nhà bị xem là bất hợp pháp nhưng kỳ thực là muốn đuổi di dân lên thành phố kiếm sống trở lại nông thôn.

Hàng trăm ngàn người bị trục xuất mà nhà nước không có biện pháp tái định cư, đừng nói chi đến chuyện bồi thường. Người dân vô sản bị đuổi nhà, trục xuất cho thấy sự gian trá của Đảng cộng sản Trung Quốc, nhất là đại hội đảng lần thứ 19 vừa qua kết thúc với lời hứa vinh danh chủ nghĩa Mác là bảo đảm đời sống tốt lành cho mọi công dân theo Hiến pháp. Thế nhưng, di dân Trung Quốc không ngây thơ và ở Trung Quốc chẳng ai là không biết lý do an toàn phòng ngừa hỏa hoạn chỉ là cái cớ để chính quyền "loại trừ thành phần dân chúng không có tay nghề" ra khỏi thủ đô, để chỗ ở cho bộ phận có ưu quyền.

Mục tiêu của kế hoạch ngũ niên thứ 13 (2016-2020) là giảm 15% dân số ở 6 quận trung tâm để giải phóng mặt bằng bán lại với giá vàng, xây cao ốc văn phòng và căn hộ cho thành phần lắm bạc nhiều tiền xứng đáng sống ở thủ đô theo quan điểm của đảng cộng sản Trung Quốc.

Dư luận không để bị lừa

Vụ tai tiếng này đã gây ra một làm sóng phẫn nộ trong dư luận trước thái độ và phương pháp được xem là "thâm hiểm và man rợ của Nhà nước". Bởi vì đây là tột đỉnh của hệ quả "làm giàu trước đã" của Đặng Tiểu Bình. Bắt đầu từ thập niên 1980, chính sách cải cách hộ khẩu cho phép nông dân lần đầu tiên có quyền bỏ làng lên tỉnh cư ngụ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để được "hộ khẩu" càng ngày càng khó khăn, chỉ có giới đầu tư và lương thật cao mới có đủ điều kiện.

Thâm ý của Đảng cộng sản Trung Quốc là tạo tình trạng "đồng nhất kinh tế-xã hội", người giàu sống chung với nhau, ở các thành phố lớn để làm đầu tàu phát triển. Chính sách phát triển đất nước theo mô hình kim tự tháp được mô tả là cuối cùng mọi thành phần xã hội đều được hưởng lợi nhuận. Thế nhưng, số người bị luận điểm của chế độ đánh lừa càng ngày càng ít. Chính sách giải phóng mặt bằng, trục xuất dân nghèo ở Bắc Kinh làm lộ rõ thái độ khinh thường dân chúng của đảng cộng sản Trung Quốc.

Donald Trump thua ngược

Trên trang nhất, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến trận đấu Brexit tại Châu Âu với quan điểm thiết thực : Macron muốn mời gọi nhân tài quốc tế có thu nhập cao về Paris, Bộ tài chính chuẩn bị cải cách thuế vụ để thu hút giới ngân hàng. Trong khi đó, Libération lo lắng về tình trạng hàng loạt thị trấn nhỏ tiêu điều, cửa hiệu bỏ hoang vì các khu thương mại lớn tràn ngập chung quanh. Hiện tượng này buộc chính phủ phải tung ra một "kế hoạch cứu nguy" nhưng không đủ tầm cỡ.

Về thời sự nước Mỹ, báo chí Pháp đồng loạt khai thác thất bại của đảng Cộng Hòa Mỹ trong cuộc bầu cử ở bang Alabama. "Donald Trump thua cược", tựa của Le Monde. "Trump và phe đa số của ông bị yếu đi", nhận định của Les Echos.

Libération phác họa chân dung tân thượng nghị sĩ Dân Chủ Doug Jones "mầu nhiệm", con ngựa về ngược làm phe tổng thống Trump ở Thượng Viện chỉ còn hơn đảng Dân Chủ có một phiếu. Libération gọi chiến thắng bất ngờ này là "cơn động đất" một năm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tạo hy vọng cho đảng Dân Chủ đang bị mất phương hướng từ sau thất bại cũng bất ngờ của bà Hillary Clinton năm 2016.

Nhật báo công giáo La Croix cũng nhập trận với bài "Donald Trump thua đậm tại Alabama". Bên cạnh sự kiện chính trị nội bộ này, Hoa Kỳ dường như cũng thay đổi chiến thuật với Bắc Triều Tiên để tránh leo thang đến chiến tranh. Ngoại giao Mỹ nói là sẵn sàng thảo luận với Bình Nhưỡng. Hư thực ra sao ?

Washington-Bình Nhưỡng : Cánh cửa đối thoại hé mở ?

Nhìn chung, báo chí Pháp tỏ ra có ít nhiều hy vọng về tin Mỹ "sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng".

Le Monde trích lời mời của ngoại trưởng Rex Tillerson hôm 12/12 : Hãy gặp nhau. La Croix cũng đưa cùng tựa kèm theo một số chi tiết để chứng minh viễn ảnh này không phải là hư ảo. Theo nhật báo công giáo thì một "cửa sổ" đang được hé mở nhằm tránh xảy ra xung đột võ trang. Nào là phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman, sau năm ngày thăm Bắc Triều Tiên, đã báo cáo mật kết quả với Hội Đồng Bảo An, nào là tổng thống Hàn Quốc công du Bắc Kinh, đồng minh của Bình Nhưỡng và sau cùng là có tin đặc sứ Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, ông Joseph Yu sang Bangkok trong tuần này để gặp đại diện của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một cách thận trọng, La Croix lưu ý trong phần kết luận : chính sách đối ngoại của Mỹ do… Trump quyết định.

Syria : Pax Putina

Thời sự Trung Đông nổi bật với hai sự kiện : Nga tuyên bố Syria được giải phóng khỏi phe Daesh trong khi tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tự cho là anh hùng bảo vệ người Hồi giáo bị Mỹ xem nhẹ.

Triệu tập hội nghị bất thường Tổ chức các quốc gia Hồi giáo (OCI), tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dõng dạc tuyên bố "Jesusalem là thủ đô của Palestine". Tuy nhiên, theo Le Figaro, bản thông cáo chung không đưa ra một biện pháp nào.

Tại Syria, tình trạng hòa bình theo kiểu Putin đang bị khó khăn. Bài xã luận của Le Monde điểm qua các động thái của tổng thống Nga nhằm "áp đặt hòa bình tại Syria" như tuyên bố "Syria hoàn toàn được giải phóng", thông báo triệt thoái một phần lực lượng tham chiến trong khi Daesh vẫn hoạt động.

Trong tuần, Putin lần lượt đến Syria, sang Ai Cập và qua Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu của tổng thống Putin là chứng minh nước Nga, cho dù kinh tế mong manh, đã lấy lại vị thế không thế thiếu ở Trung Đông, xóa đi hình ảnh ô nhục đoàn cố vấn quân sự Liên Xô bị tổng thống Ai Cập al-Sadate trục xuất vào năm 1970 khi Cairo đi theo Tây phương.

Vấn đề là cho dù cứu được chiếc ghế tổng thống của Bachar al-Assad, nền hòa bình của Putin gặp khó khăn trăm bề, theo Le Monde. Nỗ lực ngoại giao của tổng thống Nga, dự định tổ chức một "hội nghị hòa giải giữa phe chính quyền và đối lập Syria" ở Sochi đã ba lần bị đình hoãn. Vấn đề gai góc thứ hai là tài chính. Để tái thiết Syria, cần phải huy động từ 200 tỷ đến 400 tỷ đôla, phần lớn là vốn của Tây phương. Do vậy, Tây phương sẽ có tiếng nói trong tiến trình chính trị. Hòa bình tại Syria sẽ không theo kịch bản của Putin, tiếp tục duy trì một chế độ độc tài bởi vì Tây phương đòi hỏi một cuộc "chuyển tiếp đúng nghĩa". Câu hỏi đặt ra là liệu Tây phương có quyết tâm đến đâu ?

Châu Phi : Macron muốn nhanh chóng thắng thánh chiến

Nga là ám ảnh của Châu Âu thì Trung Quốc là nỗi lo của Châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nội dung bản tin "bóng đen Trung quốc tại Úc". Trong khi những lời cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ tràn ngập báo chí quốc tế thì tại Úc tai tiếng nhiều chính khách Úc bị Trung Quốc giật dây được phơi bày.

Một trang báo của Le Monde tường thuật chi tiết các nhân vật bị liên can đã không ngần ngại phục vụ chính sách của Bắc Kinh như từ chối tiếp xúc với các nhà dân chủ, bênh vực hành động lấn chiếm chủ quyền ở Biển Đông, thậm chí tiết lộ thông tin mật cho "cá voi" Trung Quốc làm áp lực hành lang trong chính giới Úc. Để chống lại nguy cơ đe dọa an ninh quốc phòng, chính quyền Úc chuẩn bị nhiều biện pháp cụ thể là pháp luật để đối phó và công khai cảnh báo Mỹ "không nên rút chân khỏi Châu Á-Thái Bình Dương, bỏ ngỏ cho Trung Quốc".

Úc sợ Mỹ bỏ ngỏ Thái Bình Dương, Pháp sợ Châu Phi mất an ninh. Tường thuật hội nghị G5 Sahel, ngày 13/12 tại ngoại ô Paris để thành lập lực chống thánh chiến gồm 5.000 quân của 5 nước Châu Phi, Libération tóm ý của tổng thống Pháp : Macron muốn chiến thắng thánh chiến vào năm 2018. Kết quả đầu tiên là hai nước dầu hỏa vùng Vịnh đóng góp 130 triệu euro, Châu Âu 50 triệu, Mỹ và Pháp lãnh phần trang thiết bị có thể lên đến 60 triệu. Mỗi nước Châu Phi trong nhóm G5 mỗi nước 10 triệu… cho ngân sách đầu tiên 450 triệu euro.

Kết quả có thể xem là khích lệ vì từ 5 năm nay, 4.000 quân Pháp gần như một mình chống đỡ cho 5 nước Châu Phi - Nam Sahara.

Tú Anh

Published in Quốc tế