Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Mỹ sẽ tiếp cận vấn đề biển Đông trong chuyến thăm Châu Á ra sao ? (RFA, 01/11/2017)

Từ ngày 3 đến ngày 14 tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ lên đường thăm Châu Á lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 vừa qua. Đây được coi là chuyến thăm dài nhất của một Tổng thống Mỹ đến Châu Á kể từ thời của Tổng thống George H. Bush (cha) 25 năm về trước. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Trump được nhiều nước Châu Á trông đợi vì họ muốn biết chiến lược sắp tới cũng như cam kết của Mỹ trong khu vực ra sao. Vấn đề biển Đông là một trong những vấn đề sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm tới nhưng cho tới lúc này các chuyên gia tại Hoa Kỳ vẫn không rõ liệu Tổng thống Trump sẽ đề cập vấn đề này với từng nước ra sao ?

bd1

Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS -  RFA

=========

Vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ phải được bàn thảo trong chuyến thăm tới Châu Á của Tổng thống Donald Trump nhưng mức độ thảo luận với từng nước có thể là khác nhau vì thái độ của từng nước với vấn đề này và cũng một phần bởi chiến lược chưa rõ ràng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề này.

Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC nhận định.

Rất khó để biết về lập trường của Tổng thống Trump đối với vấn đề biển Đông và ông sẽ nêu vấn đề ra ở mức độ nào. Đã có nhiều những tín hiệu lẫn lộn đưa ra từ chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến vấn đề biển Đông. Một mặt thì đã có những thảo luận cứng rắn đối với Trung Quốc ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền nhất là từ Ngoại trưởng Tillerson, và phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ở Shangrila về thái độ của Trung Quốc ở biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên ở biển Đông. Tuy nhiên mặt khác, đã 10 tháng trôi qua mà chính quyền mới vẫn chưa có (hoặc không có) một chiến lược rõ ràng về vấn đề biển Đông, và làm thế nào để gây sức ép với Trung Quốc trước thái độ quyết đoán của nước này ở biển Đông và giúp đỡ các đối tác và đồng minh của mình trong khu vực.

Theo bà Searight, vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo Việt Nam vào ngày 11/11 tới ở Hà Nội. Tuy nhiên rất có thể với Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không muốn nêu vấn đề này ra, trong khi với Trung Quốc việc Tổng thống Trump đưa ra vấn đề này ra như thế nào và có đưa ra hay không hiện vẫn còn chưa rõ ràng.

Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông. Việt Nam và Philippines cũng là những nước đòi chủ quyền tại đây, nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Duterte đã muốn giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Trong khi đó Trung Quốc từ trước đến nay vẫn khẳng định không muốn các quốc gia bên ngoài can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ.

Lập trường của Hoa Kỳ từ trước đến nay là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình tại khu vực này qua việc thực hiện chương trình tự do hàng hải Fonops được bắt đầu từ năm 2015 dưới thời của Tổng thống Obama và vẫn tiếp tục dưới thời của Tổng thống Trump.

Theo chuyên gia Amy Searight, với việc Tổng thống Donald Trump không tham dự thượng đỉnh Đông Á ở Philippines, nơi vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được đưa ra bàn thảo, Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội để đưa ra thông điệp của mình về vấn đề này và làm cho các nước trong khu vực không hiểu được lập trường của chính phủ Mỹ mới trong vấn đề này.

Trong chuyến thăm Châu Á lần này, Tổng thống Mỹ sẽ đến Đà Nẵng, Việt Nam dự APEC vào ngày 10/11 và đến Hà Nội vào ngày 11/11 để gặp các lãnh đạo cấp cao bao gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo chuyên gia Amy Searight, chuyến thăm đến Việt Nam lần này của Tổng thống Trump chỉ vài tháng sau cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Nhà Trắng cũng cho thấy việc Mỹ coi trọng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Obama. Theo tôi họ sẽ thảo luận các vấn đề về kinh tế… Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề chiến lược khác là biển Đông cũng sẽ được bàn thảo. Việt Nam đã là tiếng nói đi đầu trong ASEAN trong vấn đề biển Đông và cứng rắn với Trung Quốc ở ASEAN, và vì vậy họ có nhiều khả năng sẽ thảo luận về vấn đề này.

Mỹ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2013, dưới thời của Tổng thống Barack Obama.

Trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước từ trước đến nay, vấn đề biển Đông vẫn luôn được nêu ra và cả hai bên luôn khẳng định việc duy trì an toàn tự do hàng hải, hàng không tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các bên tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, tuân thủ luật quốc tế.

Cũng trong chuyến thăm Châu Á lần này, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump sẽ nói đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do thay vì nói đến chiến lược chuyển trục về Châu Á Thái Bình Dương như dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, cho đến lúc này vẫn còn rất nhiều câu hỏi xung quanh cam kết của Mỹ với khu vực qua chiến lược này khi mà chính quyền của Tổng thống Trump đến giờ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng ở khu vực biển Đông, trong khi theo đuổi chính sách nước Mỹ trên hết và rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP hồi đầu năm nay.

************************

Tham vọng quân sự Trung Quốc khiến láng giềng bắt đầu lo ngại (RFI, 01/11/2017)

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã nhấn mạnh ước mơ biến quân đội Trung Quốc thành một đạo quân "đẳng cấp thế giới" từ nay đến năm 2050. Theo nhận định của giới phân tích được hãng tin Pháp AFP ngày 01/11/2017 trích dẫn, tham vọng quân sự nói trên bắt đầu gây quan ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc, cho dù chưa phải là mối đe dọa trước mắt.

bd2

Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc đến dự đại hội Đảng cộng sản lần thứ 19. Reuters/Thomas Peter

Nhân Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-24/10/2017, hai dấu mốc thời gian mà ông Tập Cận Bình đặt ra cho quân đội Trung Quốc là hoàn thành việc hiện đại hóa vào năm 2035 để đến năm 2050 trở thành một "quân đội đẳng cấp thế giới".

Đối với ông James Char, chuyên gia phân tích quân sự thuộc Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, tuyên bố của ông Tập Cận Bình vừa là thông điệp trấn an các thành phần dân tộc chủ nghĩa vốn rất ủng hộ ông, vừa là "thông điệp gửi đến các nước để biểu thị mong muốn của Bắc Kinh có được một đội quân hùng mạnh tương tự như nền kinh tế của họ", ngày nay đã đứng hàng thứ hai thế giới.

Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược quốc phòng ở Thượng Hải, dĩ nhiên là bênh vực cho tham vọng của Trung Quốc, cho rằng việc nước ông muốn có một quân đội hùng mạnh, "không phải là để bắt nạt các quốc gia khác, mà chỉ để tự bảo vệ mình", tránh rơi vào trường hợp như Irak hay Libya.

Thế nhưng, theo AFP, việc ông Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một đạo quân có thể "đánh và thắng", đã gióng lên hồi chuông báo động ở các nước láng giềng, trong đó có nhiều nước đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc.

Với Ấn Độ, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền trên một số vùng lãnh thổ, và mùa hè vừa qua, hai bên đã có hai tháng trực diện căng thẳng trên dãy Himalaya.

Còn Nhật Bản thì ngày càng bực tức trước việc Trung Quốc thường xuyên cho tàu vào tuần tra trong khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bất chấp việc đảo đó do Tokyo nắm quyền kiểm soát. Đối với Nhật Bản, sự gia tăng quân sự của Trung Quốc là một "mối quan ngại cho an ninh trong khu vực".

Cuối cùng, Bắc Kinh tuyên bố họ là chủ của hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia... Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình cho bồi đắp và củng cố các rạn san hô mà Trung Quốc kiểm soát, cho xây trên đó các cơ sở, trong đó có các cơ sở quân sự.

Bà Juliette Genevaz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Trường Võ Bị Pháp ghi nhận  : "Không thể chối cãi rằng sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á… Nhật Bản bắt đầu nói đến việc tái võ trang, Hàn Quốc đang cho triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa, ngân sách quốc phòng của Việt Nam và Philippine đang tăng nhanh".

Đối với giới phân tích, nếu trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập Cận Bình đã rất hung hăng, thì ngày nay, khi quyền lực đã thâu tóm xong, có thể ông sẽ hòa dịu trở lại. Chuyên gia James Char, Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, thẩm định "Chúng ta có thể kỳ vọng là Bắc Kinh trước mắt và trong trung hạn sẽ ít viện đến kiểu ngoại giao cưỡng chế hơn".

Theo chuyên gia này, Quân Đội Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động xa hơn và tại những vùng cách xa bờ biển Trung Quốc, và có lẽ cũng sẽ thiết lập thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài. Họ sẽ hoạt động thận trọng ở ngoài nước.

Trong bối cảnh đó, điều được chuyên gia này nêu lên là Bắc Kinh sẽ vẫn sẽ tiếp tục hung hăng bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

******************

ASEAN và Trung Quốc diễn tập trên biển, Việt Nam vắng mặt (RFI, 01/11/2017)

Đúng như Singapore từng tiết lộ, ngày 31/10/2017, lực lượng trên biển của Trung Quốc cùng với 6 nước ASEAN đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Việt Nam cùng với ba nước Đông Nam Á khác không tham dự sự kiện này.

bd3

Tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng tại Philippines, ngày 24/10/2017, Trung Quốc đề nghị tổ chức tập trận chung với ASEAN. Reuters/Dondi Tawatao

Theo truyền thông Trung Quốc được AFP trích dẫn lại, cuộc diễn tập cứu hộ trên biển tập hợp khoảng 1 000 nhân viên cấp cứu trên 20 chiếc tàu và ba trực thăng của Trung Quốc cùng với Thái Lan, Philippines, Cambodia, Myanmar, Lào và Brunei. Trong số các nước vắng mặt, ngoại trừ Việt Nam, còn có Malaysia, Singapore và Indonesia.

Chương trình diễn tập giả định một vụ va chạm trên biển giữa một chiếc tàu chở khách của Trung Quốc với một tàu chở hàng của Cam Bốt ngoài khơi tỉnh Quảng Đông.

Khả năng thao diễn trên biển chung giữa Trung Quốc và ASEAN đã được bộ trưởng quốc phòng Singapore gợi lên mới đây sau cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Trung Quốc bên lề Hội Nghị Bộ Trưởng quốc phòng ASEAN Mở Rộng ADMM+ tại Philippines.

Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần gợi ý ASEAN cùng thao diễn trên biển với Trung Quốc, nhưng không được phía Hiệp Hội Đông Nam Á chấp nhận. Lần này, sự kiện đã diễn ra vào lúc Philippines với một chính sách thân Bắc Kinh rõ rệt đang làm chủ tịch ASEAN.

Sự kiện Trung Quốc và ASEAN – ít ra là 6 thành viên hữu hảo với Trung Quốc, nhất là Cam Bốt - tổ chức thao dợt cứu hộ trên biển diễn ra một ngày sau khi Bắc Kinh, qua lời đại sứ Trung Quốc tại Washington khuyến cáo Mỹ là không nên xen vào vấn đề Biển Đông, mà Bắc Kinh luôn cho là công việc nội bộ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Phát biểu với một số nhà báo, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) nhắc lại rằng Mỹ, nước không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách "hữu nghị và hiệu quả".

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã cho bồi đắp và xây dựng cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự trên các thực thể mà họ chiếm đóng tại Biển Đông, bất chấp phản đối của quốc tế. Hành động của Bắc Kinh đã bị Washington chỉ trích. Mới đây, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho rằng các "hành động khiêu khích" của Trung Quốc đã thách thức luật pháp và các chuẩn mực quốc tế.

Trọng Nghĩa

**********************

Trung Quốc và ASEAN diễn tập hải quân chung (RFA, 01/11/2017)

Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu tham gia diễn tập hải quân chung lần đầu tiên ở Biển Đông vào hôm thứ ba, ngày 31/10, cho thấy căng thẳng giữa hai bên ở vùng biển này đang giảm bớt.

bd4

Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh bắt tay nhau trong lễ ký và bàn giao Tuyên bố chung bên lề ADMM 11 ở thành phố Clark, Philippines hôm 23/10/2017 -  AFP

Cuộc tập trận giả định một vụ đụng tàu giữa tàu khách của Trung Quốc và tàu chở hàng của  Campuchia ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tham gia diễn tập có 1.000 nhân viên cứu hộ trên 20 chiếc tàu và 3 chiếc máy bay trực thăng.

Các nước ASEAN tham gia tập trận bao gồm Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar và Brunei, trong khi Việt Nam không tham gia cuộc tập trận này.

Hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Singapore ra thông báo cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN dự định tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai bên.

Singapore, nước thành viên ASEAN, hiện đóng vai trò điều phối trong quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, cuộc tập trận chung giúp hai bên xây dựng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Những nước ASEAN cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

Tranh chấp trong khu vực giữa Trung Quốc và các nước khác đôi khi dẫn đến những đối đầu, chủ yếu liên quan đến việc đánh bắt cá và khai thác dầu khí.

Hồi năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế để làm rõ đòi hỏi về chủ quyền đường chữ U mà Trung Quốc vạch ra ở biển Đông. Năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lý của đường yêu sách này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.

ASEAN và Trung Quốc đã ký một bản tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) vào năm 2002. Hồi tháng 8 năm nay, hai bên đã chấp thuận một bộ khung bản thảo Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với hy vọng sớm đạt được COC trong năm nay.

********************

Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự (RFA, 01/11/2017)

Ấn Độ sẽ mua hơn 100 máy bay trực thăng có trang bị vũ khí trị giá 3,2 tỷ đô la cho hải quân nước này để thay thế những chiếc máy bay do Pháp thiết kế đã cũ. Người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ cho biết tin này trên twitter hôm thứ tư 1/11.

bd5

Các sĩ quan không quân Ấn Độ tại trường đào tạo lái máy bay trực thăng (HTS) nói chuyện với phóng viên trước một chiếc trực thăng Chetak ở Hyderabad hôm 5/10/2017  - AFP

Hội đồng mua bán vũ khí quốc phòng Ấn Độ trước đó đã phê duyệt một khoản tiền để mua 111 chiếc máy bay trực thăng đa năng được dùng cho các mục đích tấn công, tìm kiếm cứu nạn, giám sát và sơ tán y tế.

Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới, với 90% trang thiết bị quốc phòng là nhập khẩu.

Ấn Độ cũng đầu tư hàng chục tỷ đô la để nâng cấp các vũ khí có từ thời Xô Viết để đối phó với những tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Hiện nước này đang muốn xây dựng thêm các cơ sở chế tạo vũ khí ở trong nước và mong muốn các công ty nước ngoài đưa công nghệ tiên tiến vào Ấn Độ.

Published in Quốc tế