Anh Vũ, RFI, 29/08/2022
Xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu Zaporijja, các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục. Mối lo ngại của cộng đồng quốc tế tăng dần cùng những diễn biến phức tạp tại chỗ.
Các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Zaporijja. Ảnh cắt từ video do bộ Quốc Phòng Nga phổ biến ngày 07/08/2022. AP
Hôm 27/08/2022, công ty quản lý khai thác các trung tâm hạt nhân Ukraine Energoatom đã cảnh báo trung tâm Zaporijja giờ hoạt động cùng với những nguy cơ rò rỉ phóng xạ và hỏa hoạn bởi các vụ bắn phá mà Nga và Ukraine đang đổ trách nhiệm cho nhau từ nhiều tuần qua.
Bị quân đội Nga chiếm giữ từ đầu tháng 3, nhà máy điện hạt nhân nằm bên bờ sông Dniepr (nam Ukraine), khánh thành từ năm 1985, đang trở thành một điểm nhạy cảm của cuộc chiến tranh. Các đợt oanh kích liên tiếp tăng cường độ trong tháng 8. Hôm 5 và 6 tháng 8, các đợt oanh kích đã bắn trúng vào một trạm biến thế trong đường dây tải điện khiến một trong số các lò phản ứng tự động ngừng hoạt động cấp điện. Các đợt pháo kích cũng đã làm hư hại các hệ thống đo phóng xạ xung quanh nhà máy.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijja đang trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Moskva và Kiev. Nga bị tố cáo muốn giành quyền kiểm soát trung tâm để cung cấp điện cho bán đảo Crimea đồng thời cắt nguồn năng lượng quý giá đối với Ukraine. Trong khi đó Kiev quyết tâm ngăn chặn các ý đồ của Moskva. Theo nhiều nhà phân tích thì đây chính là lý do của các cuộc giao tranh dằng dai giữa hai bên trong vùng chiến tuyến này, bất chấp các rủi ro về một tai nạn phóng xạ hạt nhân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố cáo "Nga đã đặt Ukraine cũng như tất cả các nước Châu Âu ngay trước một tai họa hạt nhân". Trong khi đó Moskva phủ nhận đã triển khai vũ khí trong trung tâm đồng thời quả quyết trong nhà máy chỉ có các đơn vị bảo đảm an ninh. Liên Hiệp Quốc kêu gọi thiết lập một vùng phi quân sự xung quanh nhà máy điện để bảo đảm an toàn và cho phép các chuyên gia quốc tế đến thanh sát.
Trên thực tế trong những ngày qua, nguy cơ xảy ra một tai nạn về phóng xạ rõ ràng có cao hơn so với tình hình bình thường. Tuy nhiên để dự tính những gì sẽ xảy ra là một việc làm hết sức khó khăn đối với các chuyên gia hạt nhân lúc này vì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách hành xử của hai bên tham chiến, hiện rất khó lường.
Nguy cơ về một thảm họa hạt nhân ?
Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là : Các cuộc oanh kích xung quanh trung tâm điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu này liệu có thực sự dẫn đến một tai họa hạt nhân ?
Về điểm này, các chuyên gia đều nhất trí với nhau rằng, trong trường hợp xảy ra tai nạn, chắc hẳn đó sẽ không theo chiều hướng của thảm họa hạt nhân theo kiểu Chernobyl hay Fukushima. Thực sự thì các lò phản ứng của nhà máy Zaporijja có thể chịu được bom đạn vì được bảo vệ bằng một lớp bọc bê tông dày tới 2 mét. 6 lò phản ứng của trung tâm được thiết kế xây dựng có tính toán chịu được các thiên tai lớn nhất cũng như các tai nạn do con người gây ra.
Nhưng trái lại, ngay cạnh các lò phản ứng là kho chứa các nhiên liệu cũ, đó là các thanh Uranium đã được sử dụng để vận hành các lò phản ứng. Các thành nhiên liệu cũ đó vẫn còn độ phóng xạ cao, không được bảo vệ bằng một hầm chứa kín mà được để trong một kho chứa không được chắc chắn lắm. Người ta hoàn toàn có thể nghĩ tới khả năng một quả đạn pháo xuyên thủng tường hay mái nhà kho và phát nổ giữa đống nhiên liệu qua sử dụng đó. Hậu quả sẽ có một đám bụi phóng xạ phát tán nhanh chóng vào bầu không khí, và gây nhiễm xạ vùng xung quanh, có thể trải rộng ra hàng trăm mét.
Các chuyên gia gọi đó là một dạng "bom bẩn" có thể gây hoảng loạn dân chúng sống gần trung tâm hạt nhân cũng như cả các thành phố lân cận. Trong các đợt bắn phá vừa rồi, một số đạn pháo đã rớt xuống cách kho chứa nhiên liệu qua sử dụng nói trên chưa đầy 2 chục mét.
Chính quyền thành phố Zaporijja cho biết từ hôm 23 tháng 8 đã phân phối các viên nén iode cho người dân trong bán kính 50 km xung quanh nhà máy điện, theo các hướng dẫn của bộ Y Tế. Nhưng chính quyền cũng nhấn mạnh là hiện tại chưa phát hiện có điều gì bất thường và iode là để dùng trong trường hợp có báo động phóng xạ.
Tuy nhiên, những thông báo như vậy không thực sự làm người dân trong vùng yên tâm. Bà Olena, một nhân viên của trung tâm, từ khi quân Nga chiếm nhà máy, bà không còn làm việc nữa, được đài Franceinfo (Pháp) dẫn lời, khẳng định chính quyền thành phố Enerhodar, đã có nhiều biện pháp đề phòng : "Tòa thị chính thành phố đã phân phát 25 nghìn viên iode để mọi người nếu lo lắng thì có thể đến bác sĩ gia đình xin. Nhưng tuyệt đối không được dùng ngay. Việc đó cũng chỉ là để mọi người yên tâm, vì hiện họ rất lo lắng và để mọi người ai cũng cũng có sẵn thuốc trong nhà".
Thanh tra AIEA đến để làm gì ?
Sau nhiều ngày thương lượng với cả hai bên, cùng những nỗ lực của Liên hiệp Quốc, ngày 29/08/2022, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA đã có thể cử một phái đoàn các chuyên gia đến trung tâm điện hạt nhân Zaporijja.
Nhiệm vụ của các chuyên gia chủ yếu là nhằm có cái nhìn toàn diện về vấn đề an toàn và an ninh của cơ sở hạt nhân này. Chẳng hạn các chuyên gia có thể thanh sát về hiện trạng của cơ sở, xem xét các hệ thống của nhà máy có vận hành đúng và an toàn hay không, tiến hành đó mức phóng xạ và họ cũng có thể xem xét việc khai thác và tổ chức hoạt động của trung tâm, dường như đã bị đảo lộn nhiều vì tình hình chiến sự.
Theo nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm Môi trường, đô thị và xã hội (EVS) của Pháp, Michaël Mangeon, "hiện tại các thông tin liên quan đến vấn đề an toàn và an ninh của cơ sở hạt nhân này khá là mâu thuẫn bởi chỉ có những người Ukraine đang khai thác trung tâm và những người Nga đang kiểm soát về mặt quân sự mới có thể trả lời". Điều này đặt ra vấn đề cần phải nắm được thực trạng tình hình của trung tâm. Chuyến công tác của các thanh tra AIEA chỉ nhằm làm ổn định các vấn đề an toàn và an ninh của trung tâm Zaporijja.
Tuy nhiên tổng giám đốc AIEA, ông Rafal Mariano Grossi vẫn cho rằng, "trong hoàn cảnh hiện nay, không thể loại trừ kịch bản tai nạn. Có những vấn đề liên quan đến việc cắt nguồn cung cấp điện kéo dài, các vấn để với các nhiên liệu đã qua sử dụng… Tai nạn có thể chuyển từ xanh sang đỏ không có giai đoạn chuyển tiếp".
(Tổng hợp từ các báo Pháp)
Anh Vũ
************************
Thu Hằng, RFI, 28/08/2022
Energoatom, cơ quan vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine, cảnh báo kể từ trưa 27/08/2022 (giờ địa phương), nhà máy Zaporijjia "hoạt động với nguy cư vi phạm các tiêu chuẩn an ninh về phóng xạ và hỏa hoạn" do các trận oanh kích từ nhiều tuần nay mà cả Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau.
Ảnh minh họa : Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, gần thành phố Energodar (Ukraine), ngày 04/08/2022. © Alexander Ermochenko/Reuters
Theo AFP, trên mạng Telegram, cơ quan Energoatom lên án các vụ oanh kích của quân Nga hôm 26/08 khiến "cơ sở hạ tầng của nhà máy điện hạt nhân bị hư hại và có nguy cơ rò rỉ khí hydro và chất phóng xạ". Nhưng theo cáo buộc của Nga, chính quân Ukraine đã oanh kích nhà máy điện hạt nhân ba lần trong vòng 24 giờ. Hãng tin Reuters không kiểm chứng được thông tin, còn phía chính quyền Kiev chưa phản ứng về cáo buộc của Moskva.
Trước nguy cơ rò rỉ hạt nhân, người dân sống trong bán kính 50km quanh nhà máy Zaporijia đã được phát thuốc iode từ ngày 23/08. Tuy nhiên, theo chính quyền thành phố Zaporijia, hiện chưa phát hiện bất kỳ điểm bất thường nào và thuốc iode chỉ được dùng trong trường hợp báo động rò rỉ phóng xạ.
Đến ngày 28/08, cuộc chiến tại Ukraine bước sang ngày thứ 187. Chính quyền Kiev tiếp tục nhận được hỗ trợ vũ khí từ các nước phương Tây. Ngày 27/08, Anh thông báo tăng thêm cho Ukraine 6 tầu ngầm không người lái "hạng nhẹ và độc lập, được thiết kế để sử dụng ở độ sâu tới 100 mét nhằm phát hiện, định vị và xác định các loại mìn giúp quân đội Ukraine vô hiệu hóa chúng".
Kể từ đầu cuộc chiến, Nga đã huy động ít nhất 160.000 lính tham chiến, chưa kể đến lực lượng phòng vệ quốc gia. Theo ông Sadym Skibisky, đại diện cơ quan tình báo của bộ Quốc Phòng Ukraine, Moskva dự trù huy động thêm 90.000 người cho "mọi lực lượng" nhằm củng cố lực lượng tại các vùng chiếm đóng.
Để tiếp tục quá trình bình định, ngày 27/08, tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh về "các biện pháp tạm thời" cho phép vài trăm nghìn người rời Ukraine sang Nga được ở lại "vô thời hạn" và làm việc mà "không cần giấy phép". Trước đó, những người có hộ chiếu Ukraine chỉ được phép lưu lại Nga 90 ngày trong thời hạn 180 ngày. Nếu ở lại lâu hơn thì phải xin giấy phép lao động hoặc giấy phép đặc biệt.
Thu Hằng