Một phiên tòa Nuremberg cho chủ nghĩa cộng sản ?
Dân biểu Pháp Jean-Louis Thiériot trên trang Ý kiến của Le Figaro hôm nay đòi hỏi "một phiên tòa Nuremberg cho chủ nghĩa cộng sản". Vì sao cộng sản không bị xét xử như quốc xã ? Bức tường Berlin sụp đổ quá trễ, đa số những tên đồ tể, từ Stalin đến Mao không còn nữa để trả lời về tội ác.
Những bức tượng thời cộng sản được chuyển đến Memento Park ở ngoại ô Budapest, Hungary sau khi các chế độ toàn trị sụp đổ ở Đông Âu năm 1989. AP - Sisi Tang
AUKUS, liên minh để đối phó với tham vọng quân sự của Bắc Kinh ; bóng ma một cuộc khủng hoảng tài chánh, đình công chống cải cách hưu trí tiếp diễn tại Pháp là những chủ đề chính trên mặt báo Paris hôm nay.
Nga : Putin bị tân binh chất vấn trong hàng loạt video
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, Le Monde cho biết "Các tân binh Nga chất vấn Putin qua video". Trong một video đăng lên mạng ngày 11/03, hơn một chục quân nhân bịt mặt đứng giữa cánh đồng. Một người đọc lá thư mở đầu bằng câu : "Tổng tư lệnh (tức Vladimir Putin) kính mến, chúng tôi là những người lính được động viên từ Sverdlovsk và Perm, thuộc trung đoàn 1453, đơn vị 95395. Chúng tôi cầu viện đến ông để làm rõ hành động của bộ chỉ huy". Họ tố cáo những nỗi khốn khổ nơi tiền tuyến.
Ngược với lời hứa sẽ phục vụ ở tuyến sau, các tân binh Nga từ Ural bị đặt dưới quyền của quân đội "Cộng hòa nhân dân Donetsk" (RPD), biên chế vào các đơn vị xung kích. Họ phải tấn công các công sự Ukraine ở d’Avdiivka mà chẳng có thông tin gì và không được phối hợp với các đơn vị khác, không có những trang bị cần thiết trong khi quân RPD lùi lại phía sau. Chỉ trong một cuộc xung phong, bốn người đã chết và 18 bị thương một cách phi lý. Ban chỉ huy từ chối đối thoại, đe dọa bắt giam hoặc chuyển họ sang phía lính đánh thuê.
Trong vòng một tháng qua, đã có 15 video tương tự được công bố, hoặc trực tiếp từ các tân binh, hoặc thông qua thân nhân họ. Những lời kêu gọi được đưa ra bởi những người lính xuất thân từ khắp nước Nga : Irkutsk, Kaliningrad, Omsk, Belgorod, Novossibirsk… Ghi hình trong tuyết trắng hay dưới hầm ngầm, những thông điệp lặp đi lặp lại. "Bia đỡ đạn", "Chúng tôi bị đưa đi thảm sát"... Các tân binh từ Tatarstan tố cáo : "Đơn vị đã được tổ chức lại bốn lần, chúng tôi chỉ là một loại vật liệu tiêu hao".
Thêm vào đó, các video do những người mẹ, người vợ lính thực hiện cũng thường xuyên xuất hiện. Hầu như tất cả video đều hướng đến Vladimir Putin, với cùng một niềm tin như những người bị án tử trong thập niên 30 khi họ viết thư cho Joseph Stalin để sửa chữa những "sai lầm". Hiện cả Kremlin lẫn các bộ chỉ huy quân sự đều không bình luận về "nạn dịch" video mới này.
Cuộc hôn nhân thực dụng giữa gấu Nga và rồng Trung Quốc
Bình luận về quan hệ Nga-Trung, Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Bắc Kinh, Luân Đôn và Moskva nhấn mạnh trên Les Echos "Gấu Nga và rồng Trung Quốc, một cuộc hôn nhân thực dụng". Tác giả cho rằng dù không ưa gì nhau, nhưng Trung Quốc vẫn siết chặt quan hệ với Nga trong ý hướng trở thành nhân tố chủ chốt trên trường quốc tế.
Lập trường của Bắc Kinh về cuộc xâm lăng Ukraine mà phương Tây cho là đáng thất vọng, thực ra chỉ theo phương châm "kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta". Đó là lý do khiến Mao bắt tay với nước Mỹ của Nixon để chống lại đối thủ Liên Xô. Nhưng kẻ thù chung giờ đây đã được nói rõ là Washington. Bắc Kinh không có lợi gì nếu bỏ rơi Moskva, tuy trước đây hai bên từng chạm trán dữ dội ở Ussuri thậm chí suýt xảy ra chiến tranh nguyên tử. Người Trung Quốc coi thường một nước Nga kinh tế sa sút, còn người Nga vẫn là văn hóa Châu Âu. Hai nhà lãnh đạo gọi nhau là "bạn tốt nhất", nhưng sự xích gần lại giữa đôi bên là một cuộc hôn nhân vì lý trí thay vì tình yêu, nhất là sau khi Moskva bị phương Tây tẩy chay.
Trung Quốc bối rối vì cuộc xâm lăng Ukraine làm xáo trộn quan hệ kinh tế thế giới mà mình đang hưởng lợi. Tập Cận Bình muốn tránh lặp lại kịch bản 2008 - Nga tấn công Gruzia ngay vào ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Vladimir Putin có lẽ đã thông báo cho ông Tập về một "chiến dịch quân sự hạn chế". Tuy nhiên chiến tranh kéo dài, quân Nga liên tiếp thất bại, phương Tây thúc giục Bắc Kinh khuyên Putin rút quân cũng khiến Tập Cận Bình khó xử.
Trung Quốc bèn đưa ra kế hoạch 12 điểm, nêu ra những nguyên tắc căn bản (tôn trọng chủ quyền, không sử dụng vũ khí nguyên tử, lên án việc tấn công dân thường), nhưng không đi vào trung tâm vấn đề là lãnh thổ. Trung Quốc không muốn đối tác chính bị yếu đi. Đóng vai trung lập, Bắc Kinh kêu gọi hòa bình, nhưng "mọi thỏa thuận cần chú ý đến mối quan ngại an ninh của đôi bên". Theo tác giả, Trung Quốc đang trong tầm ngắm của NATO. Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã đặt chân ra khỏi ngưỡng cửa khu vực trong cuộc họp thượng đỉnh mới đây, khi tố cáo mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh của khối.
AUKUS, liên minh đối phó với tham vọng quân sự của Bắc Kinh
Trong khi đó liên minh AUKUS được hầu hết các báo chú ý. Le Monde tóm tắt : một nỗ lực kỹ nghệ khổng lồ, quan hệ đối tác chưa từng thấy, và một mối quan ngại chung là Trung Quốc. Ba nước liên kết để sản xuất một thế hệ tàu ngầm nguyên tử tấn công mới, được đặt tên là "SSN-Aukus", có thể hoạt động lâu hơn các tiềm thủy đĩnh quy ước và mang theo những vũ khí tân tiến hơn. Bên cạnh việc siết chặt mối liên hệ giữa các đồng minh, còn nhằm răn đe mọi cuộc phiêu lưu quân sự của Trung Quốc nhất là âm mưu chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
Mỗi nước đều có ý đồ riêng. Úc muốn lập nên một đội tàu ngầm hiện đại, Anh Quốc hậu Brexit tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, còn chính quyền Biden dù đang viện trợ ồ ạt cho Ukraine vẫn duy trì ưu tiên hàng đầu là đối địch với Bắc Kinh. AUKUS là dạng liên minh đặc biệt, trong bối cảnh các tổ chức đa phương đang bị tê liệt, cụ thể là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Với Hoa Kỳ, AUKUS là khuôn khổ thu hẹp với các đồng minh thân cận nhất, trong logic bảo đảm an ninh để đổi lấy các thiết bị chiến lược, trước một Trung Quốc hung hăng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Còn Quad (Bộ Tứ) lập ra với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cũng giúp Washington đối đầu với Bắc Kinh, nhân danh trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Hai công thức AUKUS và Quad càng thiết thực hơn khi NATO đang bận chú tâm vào cuộc chiến ở Ukraine.
Vai trò lớn hơn của Anh và Úc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Vị trí quan trọng của Anh trong AUKUS khẳng định chọn lựa chiến lược và địa chính trị của nước này - hướng về Ấn Độ-Thái Bình Dương từ 2021. Tàu ngầm "SSN-Aukus" dựa trên thiết kế ban đầu của Anh mang tên "SSN (R)", được sản xuất một phần ở Cumbria, tây bắc nước Anh. Về phía Úc tăng cường mạnh hẳn năng lực răn đe trên biển.
Làm thế nào đối phó với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến ? Hôm 09/03 trên Sydney Morning Herald, năm chuyên gia tên tuổi của Úc cho rằng "kỳ nghỉ của nước Úc trong lịch sử đã kết thúc", kêu gọi đất nước chuẩn bị cho "viễn cảnh một cuộc xung đột vũ trang" trong khu vực. Các chính khách đảng Lao động và Bảo thủ thì nói đến môi trường "khó khăn nhất kể từ cuối Đệ nhị Thế chiến", và muốn dựa vào AUKUS để tránh khỏi. Những thách thức cho Canberra rất lớn : mỗi năm phải chi ra 0,15 % GDP trong suốt chương trình. Khởi đầu từ con số không trong nguyên tử dân dụng, Úc sẽ phải tuyển dụng hàng ngàn người, trong đó có khoảng vài trăm nhà nghiên cứu ở cấp tiến sĩ.
Bắc Kinh lũng đoạn chính trường Canada
Không chỉ là mối đe dọa về quân sự, Trung Quốc còn lũng đoạn chính trường các nước. Thông tín viên Le Monde tại Montréal nêu ra khả năng Bắc Kinh đã tác động lên các cuộc bầu cử ở Canada.
Từ cuối 2022 Global Television Network, một trong những hệ thống truyền hình lớn nhất nước đã tiết lộ việc cơ quan tình báo nghi ngờ lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto (Ontario) là trung tâm mạng lưới tiếp sức và tài trợ cho 11 ứng cử viên được cho là thân Bắc Kinh trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Đến tháng 2/2023, nhật báo uy tín Globe and Mail đăng một loạt bài viết khẳng định Trung Quốc đã làm mọi cách để đảng Tự do chiến thắng. Thông qua ứng dụng WeChat, những chiến dịch bóp méo thông tin được tung ra nơi cộng đồng người Hoa ở Canada, các sinh viên gốc Hoa được tuyển mộ để hỗ trợ vận động tranh cử. Nhật báo National Post cho biết tại những đơn vị bầu cử có nhiều cử tri gốc Hoa, phe bảo thủ thất bại nặng nề.
Trước áp lực, chính quyền loan báo tổ chức tham vấn về việc đăng ký hoạt động vận động hành lang của các chính quyền nước ngoài ở Canada, thủ tướng Justin Trudeau bổ nhiệm một "báo cáo viên đặc biệt" để có "những khuyến cáo nhằm bảo vệ nền dân chủ". Song song đó, Hiến binh Canada hôm 09/03 mở điều tra về hai đồn công an bất hợp pháp của Trung Quốc tại Québec, sau khi phát hiện hai đồn khác ở Ontario và British Colombia.
Một phiên tòa Nuremberg cho chủ nghĩa cộng sản ?
Trên mặt trận tư tưởng, dân biểu Pháp Jean-Louis Thiériot ở trang Ý kiến của Le Figaro đòi hỏi phải có "một phiên tòa Nuremberg cho chủ nghĩa cộng sản". Theo ông, học hỏi về lịch sử tội ác cộng sản qua sách vở là một chuyện, nghe từ chính miệng các nạn nhân lại là chuyện khác.
Trở về từ các nước Baltic, Ba Lan, Romania, Cộng hòa Czech sau chuyến công tác của ủy ban quốc phòng, mỗi lần ông đều nghe được những lời kể tương tự từ các đồng nhiệm. Bị Liên Xô chiếm đóng, sáp nhập hay buộc gia nhập Hiệp ước Warszawa năm 1939 rồi 1945 sau khi chịu đựng nạn quốc xã, tại các nước này những chuyện kể nghe chừng quen thuộc. Một người ông bị xử bắn trong rừng ở Litva hay Latvia vì tham gia du kích, một người bà bị tra tấn trong hầm của KGB, một ông cậu bị đày sang Siberia... Không phải là những trang sách "Quần đảo ngục tù", mà là một tấm ảnh đã ố vàng trong phòng khách.
Rất tiếc là với chủ nghĩa cộng sản, không có phiên tòa nào như với phát xít – cộng đồng quốc tế nhất trí coi đảng quốc xã và các vệ tinh là tổ chức tội phạm. Thế nên người Tây Âu không thể hiểu được sự nhạy cảm của các đồng minh Trung Âu trước mối đe dọa từ Nga. Hậu quả có thể nhìn thấy ngay trên đường phố phương Tây, với những lá cờ đỏ búa liềm nơi từ những người ủng hộ Putin ; việc phục hồi Stalin và chủ nghĩa cộng sản tại Nga, cấm tổ chức phi chính phủ Memorial hoạt động...
"Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát tương lai"
Chủ nghĩa phát-xít bị toàn thế giới nhất trí lên án trong phiên tòa Nuremberg, nhưng cộng sản thì không, trong khi tính chất tội phạm quá rõ. Mỗi lần được áp dụng, tại Liên Xô với các gulag và Holodomor (nạn đói do Stalin gây ra ở Ukraine), tại Trung Quốc với Mao hay Cam Bốt với Pol Pot, cộng sản đã làm cho hàng triệu người chết.
Vì sao chủ nghĩa cộng sản không bị xét xử như quốc xã ? Bức tường Berlin sụp đổ quá trễ, đa số những tên đồ tể, từ Stalin đến Mao không còn nữa để trả lời về tội ác. Theo ông Jean-Louis Thiériot, Liên Hiệp Quốc lẽ ra cần nhận thấy Trung Quốc luôn xưng là cộng sản. Giải pháp có thể là thành lập một tòa án đặc biệt, nhưng vai trò của Liên Xô trước nước Đức và của những người cộng sản trong nhiều phong trào kháng chiến các nước, đã gây trở ngại.
Muộn còn hơn không, nghị quyết 1481 của Hội Đồng Châu Âu năm 2006 kêu gọi quốc tế "lên án tội ác của các chế độ cộng sản toàn trị", những tội ác núp dưới danh nghĩa "đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản". Tác giả cho rằng cần mang lại cho nghị quyết này sức mạnh của một hiệp ước, thành một yếu tố trong quy chế Hội Đồng Châu Âu (46 nước thành viên). Như vậy mới có thể hòa giải một Tây Âu lãng quên quá khứ với một Châu Âu khác đầy những vết thương chưa lành. Như Orwell đã viết trong tác phẩm "1984", "ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát tương lai" !
Thụy My