Năm 2024, hai cuộc chiến tranh và bầu cử ở 70 nước quyết định diện mạo thế giới
Chiến tranh và viễn cảnh dân chủ thế giới là mối quan tâm chính của báo chí Pháp ngày 08/01/2024. Năm mới mở ra với hai cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Ukraine, Trung Đông, và hơn phân nửa dân số thế giới đi bầu tổng thống hoặc Quốc hội. Trong số đó có những cuộc bầu cử quan trọng tại Đài Loan, Ấn Độ và đặc biệt là Hoa Kỳ. Tối cao Pháp viện Liên bang sẽ phải sớm quyết định về quyền ứng cử của cựu tổng thống Donald Trump.
Áp-phích với ảnh các ứng cử viên tổng thống Đài Loan tại Đài Bắc. Ngày 13/01/2024 cử tri Đài Loan sẽ đi bầu, một trong những cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới trong năm 2024. AP - ChiangYing-ying
Người Ukraine vẫn quyết chiến
La Croix nhận thấy tuy cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga không còn chiếm những dòng tít lớn trên truyền thông, nhưng vẫn đẫm máu, nhất là đối với thường dân. Họ là nạn nhân chính của chiến dịch oanh tạc nhắm vào các công trình công cộng và khu dân cư. Từ hai tuần qua, Moskva oanh kích ồ ạt bằng hỏa tiễn và drone chứa chất nổ, với cường độ chưa từng thấy kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược. Để trả đũa, đến lượt Kiev tấn công vào Belgorod.
Việc leo thang khiến dư luận băn khoăn, trong khi Ukraine tiếp tục đòi hỏi hỗ trợ mạnh mẽ về tài chánh và quân sự. Tác động của viện trợ tỏ ra ít ỏi, vậy có nên giúp kéo dài cuộc chiến hay không ? Nhưng theo La Croix, ngưng giúp đỡ lúc này coi như kẻ xâm lăng đã có lý. Vladimir Putin hôm 01/01 đã nhắc lại, có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột, nhưng phải theo điều kiện của ông ta. Nói cách khác, Nga giữ lại tất cả những lãnh thổ đã chiếm được và tiếp tục đe dọa an ninh của nước láng giềng.
Đại đa số người Ukraine đều muốn tiếp tục chiến đấu. Và phương Tây có lý khi chọn lựa hỗ trợ họ, vì sự bình an của châu lục. Tại Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Châu Âu, từ nhiều tuần qua những trở ngại chính trị khiến không giải ngân được khoản tiền lớn. Nhật báo công giáo cho rằng cần phải vượt qua trở ngại này, chuyển đến những vũ khí để giúp Ukraine tìm được con đường chiến thắng.
Kiev sẽ không trụ được nếu phương Tây không gia tăng sản xuất hỏa tiễn
Trả lời phỏng vấn của La Croix, chuyên gia Stéphane Audrand nhấn mạnh "Ukraine sẽ không trụ nổi nếu phương Tây không huy động năng lực sản xuất hỏa tiễn". Ông nhận thấy Nga nay có cách tấn công tinh vi hơn nhiều.
Vào đầu cuộc xâm lăng, quân Nga thường bắn thẳng vào mục tiêu nhưng ít hiệu quả, nhưng giờ đây tung ra hàng loạt với đủ loại hỏa tiễn và đường bay phức tạp giúp tránh được phòng không. Những vụ oanh kích vào cuối mùa hè và đầu mùa thu 2023 nhằm trắc nghiệm và làm kiệt quệ số hỏa tiễn dự trữ của Kiev. Nhiều nhà quan sát thấy rằng Nga đang nhắm vào kỹ nghệ quốc phòng Ukraine. Ngày nào mà Kiev không còn khả năng bảo vệ vùng trời, không quân Nga sẽ oanh tạc toàn quốc, một thảm họa thực sự.
Bên cạnh đó, không loại trừ nguy cơ Nga đánh vào mạng lưới năng lượng, đặt thường dân dưới áp lực. Đành rằng những vụ oanh tạc trong thế kỷ 20 không đủ để uy hiếp tinh thần dân chúng, nhưng dân Đức, Nhật, Anh bị đánh bom thời Đệ nhị Thế chiến không có nơi nào khác để chạy trốn. Ngày nay, 6 triệu phụ nữ, trẻ em Ukraine đang tị nạn bên ngoài đất nước, việc thả bom ngăn trở họ hồi hương, gây hậu quả kinh tế đáng kể.
Chiến đấu cơ và tên lửa không đối không thay cho Patriot ?
Moskva đã sản xuất lại được như trước chiến tranh, khoảng 100 hỏa tiễn tân tiến mỗi tháng. Đó là nhờ biết thích ứng, sáng tạo và tránh né cấm vận. Nga cũng triển khai chế tạo drone, và còn có kho dự trữ hỏa tiễn từ thời chiến tranh lạnh, tuy kém chính xác nhưng giúp làm bão hòa phòng không.
Quân Nga có thể tung ra khoảng mươi, mười lăm loạt oanh tạc trong mùa đông này. Về phía phương Tây, nếu cạn nguồn hỏa tiễn địa-không, vẫn còn một lượng lớn hỏa tiễn không đối không. Như vậy việc chuyển giao phi cơ tiêm kích là thiết yếu. Những hỏa tiễn này có thể thay cho các giàn Patriot của Mỹ nếu Hoa Kỳ giảm viện trợ. Và phải chi viện nhiều chiến đấu cơ, giàn radar, đạn dược. Sẽ là khó khăn, nhưng không có giải pháp nào khác.
Les Echos đặt câu hỏi, phải chăng trong vô thức Châu Âu đang chuẩn bị cho việc Donald Trump quay lại nắm quyền ở Washington, với những hệ quả về thăng bằng lực lượng trên thế giới ? Và dù không có Mỹ, Châu Âu vẫn có được phương tiện để tiếp tục ủng hộ Ukraine. Những nghiên cứu nghiêm túc cho biết chỉ cần mỗi người Châu Âu chấp nhận đóng góp 70 euro một năm giúp cho Ukraine, và các nước siết chặt ngân sách là ổn. Vấn đề không chỉ là bảo vệ dân chủ, mà cả hòa bình trước chủ nghĩa phiêu lưu chiến tranh, và cần chận lại trước khi quá muộn.
Vùng biên giới Belgorod nếm mùi chiến tranh, Moskva cố làm ngơ
Tại Nga, Le Figaro mô tả "Belgorod chìm trong chiến tranh vì các cuộc tấn công của Ukraine". Từ ngày 30/12/2023, cư dân Nga vùng biên giới sống trong nỗi sợ bom đạn. Ngày hôm đó, nhiều hỏa tiễn Ukraine bay đến thành phố 330.000 dân này, hướng về phía các mục tiêu quân sự. Hệ thống phòng không Nga bắn chận khiến cho 25 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Từ đó đến nay, các vụ bắn sang của Ukraine diễn ra hàng ngày, 500 chiếc xe hơi đã bị phá hủy.
Khoảng từ một tuần qua, các phóng viên chiến trường truyền hình liên bang đổ đến đây, trang bị như ở Donbass với bộ treilli, nón sắt, áo giáp. Kỳ nghỉ lễ được kéo dài đến 19/01 để người dân không ra khỏi nhà, học sinh học qua mạng. Cư dân lo sợ tình trạng này càng kéo dài, nguy hiểm đến từ khắp mọi nơi, chính quyền đã đề nghị di tản. Nhất là họ sợ bị Moskva bỏ rơi để tránh cho dân Nga nỗi lo chiến tranh. Hai người đã phải nhận tội đã quay và đăng lên internet hình ảnh hỏa tiễn phòng không. Trên mạng xã hội, dân Belgorod tức giận khi thấy lễ Noël Chính thống giáo tổ chức ở Moskva trong khi bị hủy tại nhiều vùng khác.
Năm 2024 vô cùng quan trọng về địa chính trị
Nhìn chung, Le Figaro đặt câu hỏi "Liệu dân chủ có sống sót trong năm bầu cử kỷ lục 2024 ?". Hôm 07/01, Bangladesh đã mở đầu một năm với những cuộc bầu cử dày đặc nhất của thế giới kể từ khi khái niệm này được khai sinh cách đây hơn 2.500 năm. Le Monde nhắc nhở, hồi năm 1792 tại Pháp chỉ có nam giới mới có quyền bỏ phiếu. Les Echos coi "2024 là năm địa chính trị chủ chốt". Năm mới mở ra với hai cuộc chiến vẫn tiếp diễn, và hơn phân nửa dân số thế giới (4,1 tỉ người) đi bầu tổng thống hoặc Quốc hội. Trong số đó có những cuộc bầu cử quan trọng tại Đài Loan, Ấn Độ và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Nhân loại chưa hết sững sờ sau một loạt tai ương, từ khi bị phong tỏa vì đại dịch năm 2020, cuộc xâm lăng Ukraine cách đây gần hai năm và mới nhất là cuộc chiến Israël-Hamas. Tại Ukraine, Kiev có thể tái chiếm được nhiều lãnh thổ nhờ viện trợ của phương Tây, nhưng vẫn có thể trở thành một cuộc xung đột đóng băng như Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, hay tệ nhất là chiến thắng của Kremlin vì phương Tây nhát gan khiến Điều 5 của NATO không còn giá trị.
Ở Trung Đông, Hamas có thể sống sót và giành chiến thắng về chính trị, siết chặt cai trị độc tài lên dân Gaza, ngăn trở mọi giải pháp hai nhà nước. Ngược lại, nếu tổ chức khủng bố này bị tiêu diệt và số nạn nhân liên đới không nhiều, sẽ mở ra viễn cảnh một lối thoát chính trị giữa người Palestine và Israel hậu Benjamin Netanyahou.
Chiến tranh và bầu cử quyết định diện mạo thế giới
Hai cuộc chiến này cùng với nguy cơ Bắc Kinh gây chiến với Đài Loan, thậm chí với Philippines, diễn ra trong bối cảnh chính trị đợt bầu cử rộng rãi chưa từng thấy sẽ diễn ra tại gần 70 nước, với 51,5% dân số thế giới tham gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo "Hai, ba năm tới sẽ quyết định bộ mặt thế giới trong vòng 60 năm sau". Bầu cử được tổ chức tại 3 trong số 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, 3/5 nước BRICS (Nga, Ấn Độ, Nam Phi), 8/10 quốc gia đông dân nhất thế giới và 5/7 nước có đa số dân theo Hồi giáo (Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Iran).
Điều nghịch lý là đại đa số cuộc bầu cử này không làm thay đổi toàn cảnh thế giới, vì tại các nước độc tài và dân chủ nửa vời, kết quả có thể đoán trước. Bỏ phiếu chỉ là hình thức, với những ứng cử viên đứng ra chỉ để làm vì, tẩy chay, gian lận, đe dọa các nhà đối lập thực sự, như ở Belarus, Cam Bốt, Tunisia… Và tất nhiên tại Nga, Vladimir Putin tiếp tục trị vì sau khi sửa đổi Hiến pháp và tống giam những khuôn mặt đối lập. Mọi kết quả dưới mức 77% của năm 2018 bị Kremlin coi là sự lăng nhục, và sẽ làm mọi cách để việc này không xảy ra.
Theo Les Echos, một số nước thì không có trọng lượng trên trường quốc tế, hoặc như ở Anh nếu chính phủ thay đổi thì chính sách đối ngoại cũng không khác mấy. Chỉ có hai cuộc bầu cử là Nghị Viện Châu Âu (06/09/2026), với làn sóng dân tộc chủ nghĩa tổ chức cùng lúc với bầu Quốc hội Bỉ, có tác động lớn.
Biden-Trump tái đấu : Dân chủ và trọng trách của Tối cao Pháp viện
Tuy nhiên các báo đều cho rằng mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Hoa Kỳ, nơi hai đối thủ với hai quan điểm đối chọi nhau là Joe Biden và Donald Trump một lần nữa sẽ tái đấu. Một bên ủng hộ Israel và Ukraine, bên kia chủ trương tự cô lập và đơn phương. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ kịch tính, gây hồi hộp cho toàn thế giới. Dù kết quả ra sao đi nữa, ông chủ Nhà Trắng trong một năm tới vẫn phải đối đầu với Trung Quốc, vốn đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Đài Loan vào ngày 13/01 sắp tới.
Le Monde nhấn mạnh, "Dân chủ, tầm quan trọng của bầu cử Mỹ tháng 11". Đúng ba năm sau sự kiện người ủng hộ Donald Trump chiếm đồi Capitol ngày 06/01/2021, tổng thống Joe Biden khởi đầu cuộc song đấu bằng cách nhắc nhở, đây là trắc nghiệm cho việc sống sót của nền dân chủ Hoa Kỳ. Vài phút sau, Tối cao Pháp viện Liên bang cho biết sẽ xem xét quyền ứng cử của ông Trump kể từ tháng 2. Vấn đề này được nêu ra từ khi hai Tòa án Tối cao của bang Colorado và Maine quyết định Donald Trump không đủ tư cách ứng cử. Những đơn kiện tương tự nhằm ngăn trở ông Trump cũng được đệ trình ở hơn ba chục bang khác. Tờ báo cho rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, trong đó 3/9 thẩm phán do Donald Trump bổ nhiệm sẽ phải sớm quyết định.
Không loại trừ khả năng nếu tuyên bố áp dụng tu chính án 14 – cấm các công dân từng tham gia một vụ nổi dậy giữ các chức vụ công – những người ủng hộ cựu tổng thống sẽ lại dùng đến bạo lực. Một nguy cơ khác là nếu số phiếu suýt soát nhau, bộc lộ sự bất đồng trong Tòa án Tối cao, sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của đất nước. Joe Biden cảnh báo nền dân chủ Mỹ sẽ không chịu đựng được một cuộc tấn công thứ hai của ông Trump và bạo lực chính trị. Ông nói : "Tất cả chúng ta đều biết Donald Trump là ai. Vấn đề đặt ra như sau : Chúng ta là ai đây ?". Cũng với câu hỏi này, với hệ quả nặng nề cho thế giới dân chủ, chín vị thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ phải trả lời.
Thụy My
RFI, 08/01/2024