Trump rút lại đe dọa hủy diệt di sản văn hóa Iran
Thảm kịch ở xã Đồng Tâm, ven Hà Nội, bờ Tây Thái Bình Dương xảy ra cũng vào thời điểm vùng Trung Cận Đông chìm trong nguy cơ chiến tranh giữa Iran với Mỹ và các đồng minh. Đặc biệt đáng chú ý là những lời lẽ đe dọa hủy diệt các công trình văn hóa lớn của Iran của tổng thống Mỹ, bất chấp luật pháp quốc tế. Không khí chiến tranh dường như là cơ hội thuận lợi cho các thế lực diều hâu, ở các bên, tự tung tự tác.
Thứ Bảy 04/01/2020, trên Twitter, tổng thống Mỹ cảnh báo Iran là Hoa Kỳ sẽ đáp trả, nếu bị Tehran tấn công, để trả đũa vụ oanh kích giết chết tướng Soleimani. Trong số 52 mục tiêu, sẽ có nhiều cơ sở "rất quan trọng đối với văn hóa Iran". Trước làn sóng phản đối, ngoại trưởng Mike Pompeo buộc phải lên tiếng chống đỡ. Tuy nhiên, tối hôm sau, Chủ Nhật 05/01, nhà tỉ phú một lần nữa khẳng định, nếu công dân Mỹ bị giết hại, bị tra tấn, bị đánh bom, thì "tại sao chúng ta không có quyền tấn công các cơ sở văn hóa của đối phương ?".
Trước thái độ hung hăng của tổng thống Donald Trump, thứ Hai 06/01, UNESCO buộc phải lên tiếng nhắc lại nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước 1972 của UNESCO, không cho phép làm tổn hại trực tiếp, hoặc gián tiếp đến các di sản văn hóa và thiên nhiên trên lãnh thổ các quốc gia khác, tham gia Công ước. tại Iran có khoảng 20 di sản như vậy. Một cựu luật sư của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhắc nhở bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và tổng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cần công khai khẳng định nghĩa vụ trước luật pháp quốc tế của quân đội Mỹ trong thời gian xung đột vũ trang.
Đêm ngày thứ Hai 06 qua sáng ngày thứ Ba 07/01, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper chính thức khẳng định tôn trọng luật pháp, trong thời gian xung đột vũ trang, ngược lại với tuyên bố của tổng thống Trump.
Sáng ngày thứ Ba, tổng thống Mỹ buộc phải chính thức loại trừ khả năng tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Hy Lạp, ông Trump khẳng định : "theo nhiều bộ luật khác nhau, chúng tôi có nghĩa vụ phải thận trọng" với các di sản văn hóa Iran. Donald Trump nói với giọng đầy vẻ miễn cưỡng, "Họ có quyền giết hại công dân của chúng tôi… nhưng nếu đã là luật, thì tôi muốn tôn trọng".
Việc ông Trump ồn ào tuyên bố sẽ thực thi một hành động phạm pháp, rồi rút lại, vì muốn tôn trọng luật pháp có thể được đánh giá theo nhiều góc độ. Tuyên bố có vẻ như đầy ngẫu hứng của tổng thống Mỹ có thể là một động tác tâm lý để tranh thủ nhóm cử tri cực hữu tại Mỹ. Việc rút lại lời tuyên bố cũng có thể coi là một mũi tên nhắm hai mục đích, đầy tính toán, vừa để chứng tỏ một mặt thái độ ôn hòa vừa đủ, mặt khác vẫn khẳng định ông làm điều này một cách miễn cưỡng. Thái độ ắt hẳn này ít làm mất lòng nhóm cử tri cực hữu. Dù sao, việc tổng thống Mỹ rút lại đe dọa hủy diệt cơ sở văn hóa Iran cũng cho thấy trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, ngay cả các nhà lãnh đạo cực đoan nhất cũng khó lòng tự cho phép mình đứng trên luật pháp.
Đài Loan đứng đầu Châu Á về tỉ lệ dân biểu nữ trong Quốc hội
Đầu tháng Giêng 2020, cộng đồng quốc tế chứng kiến thắng lợi áp đảo của tổng thống Đài Loan mãn nhiệm Thái Anh Văn, gây cảm hứng mạnh mẽ cho những ai muốn chống lại quyền lực thống trị mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập tại Châu Á. Chiến thắng chưa từng có của phe đòi độc lập cho Đài Loan đi liền với một thắng lợi khác. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đài Loan cùng ngày, số lượng dân biểu nữ đắc cử lên tới mức kỷ lục, với 41,6%, đưa Đài Loan trở thành Nghị Viện bình đẳng về giới nhất Châu Á, và đứng thứ 16 trên thế giới (đứng trên Pháp, thứ 20, và vượt xa Trung Quốc, thứ 71).
Phóng viên RFI Adrien Simorre thực hiện cuộc phóng sự tại trụ sở Nghị Viện Đài Loan, ngay sau ngày bầu cử. Adrien Simorre có mặt tại văn phòng của nữ dân biểu mãn nhiệm đảng Dân Tiến Vưu Mỹ Nữ. Sau 8 năm đảm nhiệm cương vị dân biểu, người nghị sĩ đang dọn dẹp căn phòng để nhường chỗ cho một dân biểu mới, với nhiều cảm xúc.
Nữ dân biểu Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-Nu) vui vẻ chỉ cho phóng viên RFI một sơ đồ cho thấy tỉ lệ nghị sĩ nữ trong Quốc hội Đài Loan không ngừng tăng lên theo năm tháng. Theo vị dân biểu này, bí quyết thành công này chính là bắt nguồn từ sự năng động của các phong trào xã hội. Vưu Mỹ Nữ vốn là một nhà tranh đấu nữ quyền ngay từ những năm 1990. Bà cho biết :
"Ở Đài Loan, chúng tôi đã sống dưới chế độ độc tài trong một thời gian rất dài, trong đó cả các quyền căn bản nhất của con người đã không được tôn trọng. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn dân chủ hóa đất nước những năm 1990, nhiều phong trào xã hội đã xuất hiện, để bảo vệ các quyền của người lao động, của nông dân, của môi trường. Có một phong trào bảo vệ quyền phụ nữ. Tôi đã tham gia vào phong trào này. Từng bước một chúng tôi khẳng định các quyền này. Đây là một công việc dài hơi, và giờ đây chúng ta thấy chúng đã mang lại kết quả".
Các kết quả nói trên ít được thế giới biết đến, vì Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc công nhận, do áp lực của Bắc Kinh. Theo một báo cáo công bố đầu năm nay của chính quyền Đài Bắc, Đài Loan đứng thứ 8 thế giới về phương diện bình đẳng nam – nữ.
Nữ dân biểu cho biết không khí kỳ thị giới vẫn còn nặng nề tại Đài Loan : "Trong thời gian tranh cử, các nữ chính gia Đài Loan thường là nạn nhân của các lời lẽ khinh rẻ. Ví dụ như, nữ tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn bị phó chủ tịch Quốc Dân Đảng bêu riếu là bà không thể hiểu được những người làm cha mẹ, bởi bản thân bà không lập gia đình, không có con. Hoặc ông chủ của tập đoàn Foxconn đã chế giễu các nữ chính trị gia là họ quá mất thời gian trong việc chăm sóc con cái và chồng mình. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về năng lực của chính trị gia nam và chính gia nữ Đài Loan, các chính trị gia nữ cũng có năng lực không kém, thậm chí hơn chính trị gia nam".
Trọng Thành