Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quan hệ Âu - Mỹ thời Joe Biden sẽ khác và thú vị hơn ?

Le Monde tập trung chủ yếu vào thời sự trong nước, đặc biệt là về các biện pháp nới lỏng phong tỏa mà tổng thống Macron đã thông báo trong bài phát biểu trên truyền hình tối 24/11/2020, những thách thức mà nhà nước Pháp phải đối mặt trong thời gian tới, cũng như dự luật "an ninh toàn diện" hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Pháp.

euus1

Tổng thống tân cử Mỹ, Joe Biden, phát biểu từ Wilmington, bang Delaware, ngày 25/11/2020.  Reuters – Joshua Roberts

Tuy nhiên, Le Monde lại dành mục thời luận cho chính sách ngoại giao trong tương lai của nước Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden với Châu Âu. Đối với cây bút chuyên luận Sylvie Kauffmann, Joe Biden có thể là tổng thống Mỹ thân Châu Âu nhất, nhưng có lẽ Biden sẽ không thể quan tâm đến các vấn đề của Châu Âu bởi ông có quá nhiều việc phải lo.

Chuyến công du Châu Âu lần gần đây nhất của Joe Biden là vào tháng 02/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước Châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Phát biểu sau Mike Pence, Joe Biden đã cố trấn an các quan chức Châu Âu. Cựu phó tổng thống Mỹ thời Obama hứa "Rồi điều đó cũng sẽ trôi qua thôi. Chúng tôi sẽ trở lại !", Châu Âu khi đó tỏ ra không mấy quan tâm.

Sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến Châu Âu chìm vào một cơn ác mộng chiến lược thực sự. Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng Châu Âu cũng nhận ra thực tế : Mỹ đã rời xa Châu Âu và chỉ quan tâm đến một số chính quyền dân túy. Nhưng Joe Biden đã giữ lời hứa : Ông ấy đang trở lại. Khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021, Biden sẽ là tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về quan hệ quốc tế kể từ thời George Bush cha. Không chỉ vậy, nhìn từ Châu Âu, đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố hôm 23/11, là "đội hình trong mơ". Chẳng hạn, Tony Blinken, người được chọn làm lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, lớn lên ở Paris và quen thuộc với Châu Âu.

Thế nhưng liệu điều đó sẽ mang lại phép màu cho Châu Âu hay chỉ là ảo ảnh ? Cây bút thời luận của Le Monde nhấn mạnh cần khẩn trương giúp những người Châu Âu tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như ban đầu, thoát ra khỏi những suy nghĩ ngây ngô đó. Các cuộc đối thoại trực tuyến mạnh mẽ trong ba tuần qua giữa các chuyên gia Châu Âu và Mỹ về tương lai quan hệ đôi bên đã tiết lộ hai điều : tương lai này sẽ khác và sẽ có nhiều điều thú vị hơn.

Khác bởi vì thế giới đã thay đổi, không chỉ từ khi Trump lên nắm quyền : xu hướng bài toàn cầu hóa, sự vươn lên khẳng định của Trung Quốc, sức mạnh của công nghệ, sự trỗi dậy của các chế độ toàn trị. Ngoài ra, cũng phải nói đến hậu quả của đại dịch Covid-19.

Một số nhân vật trong chiến dịch tranh cử của phe Dân chủ và chắc chắn nằm trong chính quyền Biden, không giấu giếm là ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là kiểm soát được đại dịch và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Họ ý thức được là việc dân Mỹ bị chia rẽ nặng nề sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn, họ cũng ý thức được hình ảnh nền dân chủ Mỹ đã xấu đi. Cố vấn an ninh quốc gia tương lai Jake Sullivan chủ trương chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.

Một nhân vật khác dự đoán chính quyền Biden sẽ dành 80% sức lực cho chính trị trong nước và 20% cho quan hệ đối ngoại. Trong số 20% đó, Trung Quốc sẽ chiếm phần chính. Vậy thì còn lại bao nhiêu cho các đồng minh Châu Âu của Mỹ ?

Tổng thống Biden sẽ biết cách chữa lành vết thương mà Trump để lại. Ông Biden cũng sẽ đưa Washington trở lại cuộc chơi đa phương vốn rất quan trọng, trong bối cảnh thế giới đang đối đầu với những thách thức lớn về khí hậu và sức khỏe, y tế. Biden cũng sẽ tìm cách hồi sinh cuộc đấu tranh cho các giá trị dân chủ chung, vốn đã chịu nhiều tổn hại. Nhưng phần còn lại là nhiệm vụ của Châu Âu. Đó chính là điều thú vị.

Châu Âu muốn tự chủ hơn chăng ? Điều đó là tốt và đúng ý chính quyền Mỹ : Phải quan tâm nhiều đến Châu Á, chính quyền Biden sẽ không còn nhiều thời gian và phương tiện cho các cuộc xung đột ở cửa ngõ Châu Âu : từ Balkan đến Caucase, từ không gian hậu Xô Viết đến đông Địa Trung Hải, từ Châu Phi đến Trung Đông… Châu Âu cũng phải đề phòng khả năng kỳ bầu cử tổng thống trong 4 năm tới sẽ lại làm Mỹ thay đổi chính sách.

Nhà báo Sylvie Kauffmann kết luận để bảo vệ lợi ích và đảm đương trách nhiệm, Châu Âu cần có những đề xuất và đặc biệt là phải vượt qua sự chia rẽ nội bộ. Cả Mỹ và Châu Âu đều đang có "một cơ hội", "một cơ may độc nhất vô nhị" : Tái tạo mối quan hệ Âu-Mỹ trong một thế giới khác, kể cả bằng cách hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Chưa biết liệu Âu-Mỹ có giành được thắng lợi hay không, nhưng đó là điều nên thử !

Sức mạnh nền dân chủ Mỹ

Cũng quan tâm đến nước Mỹ, báo công giáo La Croix giới thiệu bài xã luận "Ánh sáng ở phía Tây". Nước Mỹ đang sang trang mới. Các bang lần lượt chính thức xác nhận kết quả kiểm phiếu. Khả năng phe Donald Trump lật ngược thế cờ pháp lý dường như không còn, khó có điều gì có thể cản trở các đại cử tri bầu cho Joe Biden vào ngày 14/12, nhất là khi tổng thống mãn nhiệm đã bất ngờ cho phép khởi động tiến trình chuyển tiếp quyền lực, cho dù ông Trump không thừa nhận thất bại.

Đối với La Croix, nền dân chủ Mỹ đã chứng tỏ có năng lực thực sự để chống đỡ trước những cám dỗ quyền lực cá nhân. Trước mùa hè, quân đội Mỹ cũng đã có cơ hội để cho thấy họ biết cách giữ khoảng cách với Donald Trump. Lần này, chính các thẩm phán, dân biểu địa phương, thường là các dân biểu Cộng hòa, là những người đã đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

Điều chính quyền Biden cần làm là thuyết phục được hàng chục triệu công dân hiện vẫn còn nghĩ rằng chiến thắng của Donald Trump đã bị Biden đánh cắp. Điều này đặt cho Joe Biden một nhiệm vụ khó khăn phía trước. Tuy nhiên, ông Biden cũng tiếp cận nhiệm vụ khó khăn đó với một tinh thần tích cực. Vị tổng thống tân cử tuyên bố "Tôi muốn đất nước này đoàn kết" và cam kết nối lại các cuộc thảo luận quốc tế, đặc biệt là về đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, La Croix cảnh báo điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ diễn ra trong tình hữu nghị.

Thái Lan : Quân đội chuẩn bị sẵn sàng trấn áp phong trào đấu tranh

Nhìn sang Châu Á, La Croix quan tâm đến phong trào biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan. Ngày hôm qua, nhiều chục ngàn người đã tập trung ở khu phía bắc thủ đô Bangkok, trước trụ sở Ngân hàng thương mại Siam (BCS), một trong những nhà băng lớn nhất Thái Lan và quốc vương là một trong những cổ đông chính.

La Croix trích dẫn một nhà giảng dạy nghiên cứu về lịch sử tài chính của nền quân chủ Thái Lan từ thế kỷ XIX đến nay, theo đó Ngân hàng thương mại Siam, ngân hàng đầu tiên của vương quốc Thái Lan, được thành lập từ năm 1907, là tâm điểm của mọi bi kịch của đất nước này. BCS nằm trong khối tài sản khổng lồ mà hoàng gia Thái tích lũy được từ nhiều thập kỷ qua và một phần có được nhờ các khoản thuế dân chúng đóng góp.

Nhưng lần này, theo ông Pavin Chachavalpongpun, một người Thái Lan tị nạn chính trị tại Nhật, giảng viên Trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á tại Kyoto, chính sự minh bạch của Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia (CPB) mới là đích nhắm công khai của người biểu tình. Trước đây, cơ quan này nằm dưới sự kiểm soát của bộ Tài Chính Thái Lan và có sự phân tách rõ ràng giữa tài sản của nhà vua và tài sản của Nhà nước. Thế nhưng, sau khi Maha Vajiralongkorn lên ngôi, quốc vương đã cho thông qua một đạo luật với sự ủng hộ của thủ tướng Chan-O-Cha, cho phép mọi tài sản quốc gia nằm dưới quyền sở hữu và quản lý kín đáo của ông.

Giờ đây, người biểu tình không chỉ đòi thủ tướng Chan-O-Cha từ chức, đòi Quốc Hội sửa đổi Hiến Pháp và hoàng gia phải cải tổ, mà còn đòi xóa bỏ đạo luật cho phép nhà vua thâu tóm mọi tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện giờ mọi đòi hỏi của phong trào đấu tranh Thái Lan vẫn chưa được hồi đáp.

Một số nhà quan sát nhấn mạnh phong trào khản kháng đang chịu nhiều sức ép, chính quyền có thể sử dụng vũ lực bất cứ lúc nào, các cơ quan tình báo đang được đặt trong tình trạng báo động và quân đội đang chuẩn bị trấn áp người biểu tình, và nếu bạo lực nổ ra, họ sẽ đòi cho áp dụng luật khi quân và chứng minh là có đảo chính.

Châu Âu và chiến lược tự chủ về dược phẩm  

Về thời sự Châu Âu, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chiến lược của Ủy ban Châu Âu nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc men.

Khi virus corona bùng phát từ Trung Quốc và lan sang Châu Âu, các bệnh viện và công dân Châu Âu cay đắng nhận ra rằng họ không thể tự chủ về khẩu trang, phương tiện xét nghiệm, thậm chí hoạt chất Paracetamol cũng phải nhập của Trung Quốc và Ấn Độ. Từ bài học kinh nghiệm đau thương này, Ủy Ban Châu Âu đã nhận ra rằng Liên Âu phải phát huy các nguồn lực riêng của mình để đảm bảo nhu cầu dược phẩm. Hôm qua, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu giới thiệu "chiến lược dược phẩm cho Châu Âu", cho phép mọi công dân được chăm sóc y tế an toàn và được cung cấp các loại thuốc có chất lượng với giá phải chăng.

Thế nhưng, theo Les Echos, hiện giờ vẫn rất khó dự báo là mục tiêu Châu Âu giảm lệ thuộc về dược phẩm vào các nước ngoài khối sẽ kéo theo những khoản đầu tư lớn và tái dịch chuyển sản xuất về Châu Âu hay đơn giản chỉ là Châu Âu đa dạng hóa sản xuất và thành lập kho dự trữ chiến lược.

Huyền thoại Maradona, khoảng sáng và bóng tối

Trong khi đa phần các báo Pháp hôm nay vẫn tập trung vào tình hình trong nước trên nhiều lĩnh vực, như giảm nhẹ các biện pháp hạn chế phòng dịch, tranh luận về biện pháp cách ly bệnh nhân Covid, làm cách nào để củng cố niềm tin của dân chúng vào vac-xin, thương mại hóa mạng 5G tại Pháp… thì báo Libération lại dành cả trang nhất và gần chục trang bài cho huyền thoại Maradona, người vừa qua đời ở tuổi 60 tại Buenos Aires.

Không chỉ nói về cuộc đời, sự nghiệp của Maradona, với những khoảng sáng, bóng tối… Libération còn dành nhiều bài viết giới thiệu các sắc thái tình cảm mà công chúng dành cho "cậu bé vàng" - "vị thánh sống" Maradona. Mục thể thao của Le Figaro cũng dành để vinh danh Maradona : huyền thoại từ một cậu bé ở khu ổ chuột vươn lên thành ông vua bóng đá, một huyền thoại không chỉ có thành công, mà còn trải qua những cảnh khốn cùng, những vết thương, ma túy, những vụ tai tiếng …

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế