Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Châu Âu phải cảm ơn Trump vì đã lạnh nhạt với đồng minh

Sau những màn ngoại giao gây sốc của Donald Trump ở thượng đỉnh NATO tại Bruxelles và G7 ở Sicilia tuần qua, bầu không khí lạnh nhạt đang bao trùm trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Hầu hết các tờ báo lớn tại Pháp ngày 01/06/2017 đều khai thác phản ứng của Châu Âu trước mối quan hệ đồng minh đang có cơ bị rạn vỡ nhưng cũng là cơ hội để Châu Âu thức tỉnh.

camon1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) đi sau đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel (P) để tới chụp ảnh, tại thượng đỉnh G7 Taormina, Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Philippe Wojazer

Có thể thấy điều này qua tựa lớn trang nhất của Le Figaro : "Trump khơi sâu hố ngăn cách giữa Mỹ và Châu Âu". Trái lại, Libération nhìn thấy hoàn cảnh mới đang khiến Châu Âu phải thức tỉnh, thúc đẩy cặp Pháp-Đức phải ra tay củng cố Liên Hiệp vững mạnh để có thể tự quyết vận mệnh của mình.

Trang nhất Libération chạy tựa lớn : "Châu Âu cảm ơn Trump" và tờ báo ghi nhận "Bị dồn đến chân tường, Macron và Merkel đoàn kết". Theo Libération, Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với 2 thực tế : Brexit bên kia bờ biển Manche và nước Mỹ của Donald Trump bên kia bờ Đại Tây Dương đang ngày càng xa rời đồng minh.

Thế nhưng, chính hoàn cảnh đó "đang thôi thúc các lãnh đạo Châu Âu, bắt đầu là cặp bài Pháp-Đức, phải ý thức được cần tăng cường sức mạnh cho Liên Hiệp Châu Âu".

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay từ hôm Chủ Nhật 28/05 đã ý thức được điều đó khi bà đã phát biểu : "Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa dẫm vào những người khác đang qua dần. Tôi đã chứng kiến điều này trong những ngày qua…". Đề cập đến quan hệ với Mỹ, bà Merkel khẳng định : "Châu Âu vẫn là bạn của Hoa Kỳ và láng giềng tốt của Anh Quốc cũng như nước Nga. Nhưng chúng ta phải biết tự đấu tranh cho tương lai và vận mệnh của chính mình".

Libération nhận định : "Trên khía cạnh các giá trị, quốc phòng, thương mại và chắc chắn cả về khí hậu, chưa bao giờ hố ngăn cách hai bờ Đại Tây Dương lại lớn như bây giờ". Tờ báo khẳng định, trước khoảng trống lớn như vậy, không có một quốc gia Châu Âu đơn lẻ nào có thể nghĩ là mình đóng được vai trò lớn, chỉ có Liên Hiệp mới có thể làm được điều đó. Nếu Châu Âu không đẩy nhanh tốc độ hòa nhập thành một khối thống nhất, Liên Hiệp sẽ là nạn nhân của sự biến động hiện nay.

Để có một Châu Âu vững mạnh, còn khối việc phải làm

Libération nhận thấy, với một Châu Âu đang rệu rã và trì trệ như hiện nay sẽ còn rất nhiều việc khẩn cấp phải làm để thiết lập một trật tự mới trong Liên Hiệp. Đó là : phải hoàn thiện khu vực đồng euro, triển khai một nền quốc phòng Châu Âu, phải có một chính sách chung về nhập cư, phát triển an ninh nội địa để chống khủng bố, xây dựng lại hoàn toàn cơ chế để Liên Hiệp có một thủ lĩnh thực sự.

Cuối cùng, Libération kết luận, dù gì thì trong bối cảnh được thức tỉnh như vậy, người ta có thể nói : "Cảm ơn Trump".

Le Figaro đồng tình với quan điểm của Libération qua bài xã luận mang tiêu đề : "Một cơ hội lịch sử". Tờ báo thừa nhận trong mối quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, "sự tan vỡ không phải là ngay ngày mai, nhưng những mối liên hệ chắc chắn sẽ lỏng lẻo hơn. Cơ hội này, người Đức và người Pháp phải biết nắm lấy (...) Brexit, sự trỗi dậy của trào lưu hoài nghi Châu Âu và giờ đây là ông Trump chính là tiếng chuông báo thức cho Châu Âu. Nếu các lãnh đạo của hai nước (Pháp-Đức) lại vẫn cứ sa lầy trong tệ quan liêu và vẫn theo lối mòn của các cuộc họp thượng đỉnh vô ích, họ sẽ lại bỏ phí cơ hội lịch sử mang đến cho mình".

Nếu không làm được như vậy thì ông Trump đã đúng khi cho rằng Châu Âu chỉ là một khối khoa trương, vô bổ. Còn ngược lại, Châu Âu sẽ chứng minh được một điều : Ông Trump nói mạnh đấy nhưng đơn độc.

Nhìn chung, các báo đều nhận thấy tương lai của Liên Hiệp Châu Âu giờ đây trông chờ vào hai đầu tầu Pháp-Đức, cụ thể là lãnh đạo của hai nước. Pháp thì vừa có tân tổng thống Emmanuel Macron, một người chủ trương cải cách sâu rộng Châu Âu vì một Liên Hiệp vững vàng, che chở bảo vệ chính mình. Còn với Đức, người ta đang chờ đợi kết quả bầu cử vào mùa thu năm nay. Liệu khi đó, bà Angela Merkel, một lãnh đạo mạnh mẽ ý thức được cần một Châu Âu mạnh để tự lực tự cường, có giành thắng lợi hay không ?

Ngoại giao kiểu Donald Trump làm suy yếu ảnh hưởng Mỹ

Giới quan sát có chung nhận định là một vị tổng thống Mỹ với tính khí thất thường đang khiến Châu Âu chóng mặt. Thế nhưng, quan điểm của lập trường cũng như cách thức ngoại giao của ông Trump trong vòng công du Châu Âu vừa qua khiến Washington mất đi ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đó cũng là điều khiến dư luận ở đất nước của ông hoang mang không kém.

Trong một bài viết khác, Libération ghi nhận những phản ứng của dư luận chính trị Mỹ về chuyến công du Châu Âu của Donald Trump, theo đó rất đông các chuyên gia Mỹ về chính sách đối ngoại đã cảm thấy thất vọng tràn trề vì màn trình diễn ngoại giao vừa rồi của ông Trump tại Châu Âu đã khiến cho ảnh hưởng của nước Mỹ xuống thấp chưa từng có.

Tờ báo trích dẫn cựu đại sứ Mỹ tại NATO - Ivo Daalder - nhận định giờ đây người ta có cảm giác như đang ở "hồi kết một kỷ nguyên trong đó Hoa Kỳ lãnh đạo và Châu Âu đi theo". Còn chuyên gia Vali Nasr thuộc Đại học John Hopkins Hoa Kỳ thì đánh giá : "Trong 4 tháng cầm quyền, Trump đã thành công trong việc phá bỏ thành quả của 7 thập kỷ quan hệ xuyên Đại Tây Dương".

Theo Libération, mối lo ngại sâu sắc Hoa Kỳ bị mất ảnh hưởng nằm ở cách ứng xử của ông Trump, bị đánh giá là "ào ào, ngông nghênh, thậm chí tới mức thô thiển". Một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ đã đánh giá ngắn gọn trên báo Daily Beast : "Trong ngoại giao, tổng thống Trump như một du khách say sỉn. Ồn ào và dai dẳng, huých đẩy nhau trên sàn nhảy".

Nhưng ngoài tính cách, thái độ cá nhân, chính sách của Trump mới là điều khiến các đồng minh Châu Âu khó chịu.

Chính quyền Trump không hề chỉ định chính thức một đại sứ hay quan chức cao cấp về ngoại giao nào tại Châu Âu. Trước khi đến Châu Âu, tổng thống Mỹ lại tỏ nhún nhường hơn mức cần thiết với các quốc gia vùng Vịnh. Thế nhưng, ông lại sẵn sàng lên giọng với các lãnh đạo các đồng mình trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Về phần chính giới Mỹ, dân biểu đảng Dân Chủ của bang Maryland, Steny Hoyer chia sẻ : "Vị tổng thống này làm suy yếu vai trò của nước Mỹ trên thế giới, khiến an ninh và nhất là kinh tế của người Mỹ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm".

Theo bài báo, phe Cộng Hòa cũng không giấu được mối lo ngại trước cách ngoại giao không giống ai của ông Trump. Điển hình là thượng nghị sĩ John McCain đã chỉ trích chính sách đối ngoại của ông Trump rằng : "Một số động thái và tuyên bố của tổng thống khiến các bạn bè của nước Mỹ choáng váng, đó là điều hiểu được (...) Bè bạn của chúng ta có xu hướng chú tâm vào con người cụ thể tại Nhà Trắng. Nhưng nước Mỹ lớn lao hơn điều đó rất nhiều".

Châu Âu cũng nên tính chuyện xoay trục sang Châu Á ?

Vẫn trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang xa rời nhau này, một số tờ báo Pháp, như tờ Ouest France gợi nhắc đến "trục Châu Á", một chủ trương của cựu tổng thống Obama, cũng có thể sẽ là một chân trời mới cho Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo ghi nhận, Trung Quốc muốn tôn trọng thỏa thuận khí hậu Paris, vì nước này đầu tư nhiều vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Ấn Độ cũng vậy. Hôm nay và ngày mai, tại Bruxelles diễn ra cuộc họp cấp cao giữa thủ tướng Trung Quốc và các lãnh đạo Châu Âu. Dù vẫn còn bất đồng về vấn đề nhân quyền hay thương mại, nhưng Bắc Kinh đã có mối quan tâm chung về khi hậu. Tờ báo bình luận : "Đó có thể là dấu hiệu tốt cho một đối tác mới được xây dựng trên đống đổ nát của trận cuồng phong Trump"

Ở chiều ngược lại , nhật báo Le Figaro ghi nhận "Bắc Kinh đang cố gắng khai thác căng thẳng giữa các nước phương Tây". Theo bài báo, những bất hòa hiện nay giữa Châu Âu và Hoa Kỳ là một cơ hội cho Trung Quốc để họ vẫn bảo đảm an toàn quan hệ làm ăn với các đối tác thương mại lớn, đồng thời chứng tỏ vai trò một cường quốc quan trong trọng một thế giới lộn xộn.

Bắc Kinh đang muốn xích lại gần với Châu Âu hơn với việc bảo vệ các giá trị chung như tự do thương mại, bảo vệ môi trường. Nhưng bất đồng trong làm ăn giữa Trung Quốc và các nước Châu Âu vẫn còn rất nhiều. Như nhận xét của Les Echos : "Trung Quốc bảo vệ toàn cầu hóa nhưng vẫn chậm trễ mở cửa thị trường". Tờ báo kinh tế cho biết một nửa số doanh nghiệp Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc phàn nàn là họ luôn bị phân biệt đối xử khiến điều kiện kinh doanh rất khó khăn. Vậy là, "xoay trục sang Châu Á" mà lấy trọng tâm là Trung Quốc cũng đâu phải chuyện đơn giản cho Liên Hiệp Châu Âu.

Anh Vũ

Published in Quốc tế