Đức không muốn "nghe lời" Mỹ nữa
Trong suốt nửa cuối thế kỷ XX, Cộng Hòa Liên Bang Đức, cường quốc công nghiệp số 1 của Châu Âu đã chọn chiến lược "ngoan ngoãn" đi theo Hoa Kỳ. Thế nhưng, theo nhà bình luận Renaud Girard trên báo Le Figaro (04/04/2017) hình ảnh một nước Đức "gọi dạ bảo vâng" đó giờ không còn nữa.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel và tổng thống Mỹ, Donald Trump trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/03/2017. REUTERS/Jim Bourg
Mỹ bảo tái trang bị vũ khí, Đức mới dám làm (1950). Ký hiệp ước đối tác chính trị với Paris (tháng 1/1963), Bonn (thủ đô Tây Đức thời bấy giờ) cũng ký nhưng lúc phê chuẩn, nước Đức thêm phần mở đầu khẳng định mối quan hệ ưu tiên với Hoa Kỳ. Khi tướng De Gaulle lên án "chiến dịch quân sự phiêu lưu của Hoa Kỳ" tại Việt Nam, chính phủ Đức lại nín lặng. Người Đức cũng nghĩ đến những điều đó, nhưng họ vẫn muốn trung thành với người bảo hộ hùng mạnh của mình.
Giờ đây, hình ảnh một nước Đức ngoan ngoãn như chú cừu non đó không còn nữa. Ngoài việc chỉ ra những điểm thiếu chính xác trong dòng Twitt của Donald Trump, yêu cầu nước Đức phải bồi hoàn số tiền nợ lớn đối với khối NATO và Hoa Kỳ trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, tác giả nêu bật hai điểm chính cho thấy nước Đức đang có những thay đổi trong mối quan hệ với nước Mỹ.
Về mặt chiến lược, Berlin bắt đầu giữ khoảng cách với Washington kể từ đầu thế kỷ XXI này qua hai việc. Thứ nhất, nước Đức bác bỏ học thuyết tân bảo thủ (theo đó trong việc gìn giữ hòa bình, ưu tiên chính sách xuất khẩu "nền dân chủ", nếu cần thiết sử dụng vũ lực). Thứ hai, Đức từ chối tham chiến tại Iraq năm 2003 và oanh kích Libya năm 2011.
Trên bình diện kinh tế, Đức không thích chính sách bảo hộ mậu dịch của Donald Trump. Quả thật, trong mối quan hệ này, cán cân thương mại nghiêng về phía Đức. Vốn theo sát chủ trương tự do mậu dịch, nên Berlin không hề có ý định thay đổi bất kể đó là chính sách xuất khẩu của mình. Điều này có khả năng sẽ làm cho chính quyền Mỹ bực bội.
Vấn đề đặt ra cho Đức hiện nay là làm thế nào tránh trở thành "một kẻ đáng ghét" đối với ông Trump, nhất là trong trường hợp tổng thống Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với chủ tịch Trung Quốc. Thứ Năm, 06/04 tới đây, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ diễn ra tại tư dinh của tổng thống Mỹ, bang Florida.
Trung Quốc cũng giống như nước Đức có thặng dư mậu dịch quá lớn so với Hoa Kỳ. Nhưng Bắc Kinh có thể mang đến cho Washington một món quà chiến lược : đó là đưa Bình Nhưỡng vào khuôn phép trong khi Berlin chẳng có gì để trao tặng.
Bởi vì như đã cho thấy ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Donald Trump chỉ "ra oai với kẻ yếu", nhưng lại "nhún nhường trước kẻ mạnh", do đó rất có khả năng, sau khi đã chối bỏ "tình cảm" với Đài Loan, ông Trump lại "ngã vào vòng tay" Tập Cận Bình lần thứ hai và "chĩa mũi dùi" về phía Châu Âu, vốn dĩ quá yếu ớt và bị chia rẽ.
Chính tại đây nước Đức có một vai trò lịch sử cần nắm giữ : biến khối Liên Hiệp Châu Âu, nhất là Khối đồng Euro, đó là những gì đang vận hành tốt nhất – thành một khối vững chắc có khả năng kháng cự với chủ nghĩa bá quyền về tài chính và tư pháp của Hoa Kỳ. Bài viết kết luận : Để có thể làm được điều này, nước Đức có lẽ cũng nên hiểu rằng không một khối đồng tiền nào có thể tồn tại bền vững nếu không có các quốc gia giàu có đến hỗ trợ những nước nghèo.
Liên Hiệp Anh có nguy cơ tan rã vì "Brexit"
"Brexit" đang đặt Liên Hiệp Anh trước một thách thức khác không kém phần quan trọng : Tính toàn vẹn của cả khối. Ngay sau khi chính thức thông báo rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn đã liên tiếp hứng chịu hai cú "tấn công" đến từ Tây Ban Nha, đó là vấn đề Gibraltar và Scotland.
"Brexit lại làm dấy lên cuộc xung đột với Tây Ban Nha về Gibraltar" là hàng tựa nhận định của Le Monde. Lộ trình đàm phán về Brexit do Bruxelles công bố ngày 31/03 quy định là phải có sự chấp thuận của Tây Ban Nha trong việc áp dụng thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu đối với Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh từ năm 1713, rộng khoảng 6,5 cây số vuông, có hơn 30 ngàn dân và ở gần sát phía nam Tây Ban Nha, bên bờ eo biển nối liền Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Đã từ lâu, Madrid đề xuất với Luân Đôn cùng chia sẻ chủ quyền đối với Gibraltar nhưng không được đáp ứng. Và việc Tây Ban Nha có quyền phủ quyết này đã làm cho phe bảo thủ Anh tức giận và thậm chí có những chính trị gia kêu gọi thủ tướng Anh Theresa May phải có lập trường cứng rắn như cố thủ tướng Thatcher trong hồ sơ Malouines hồi năm 1982.
Sự việc trở nên phức tạp : gần 96% cử tri Gibraltar bỏ phiếu chống Brexit, nhưng năm 2002 có tới 99% người dân lãnh thổ này chống lại việc chia sẻ chủ quyền giữa Anh và Tây Ban Nha. Chính vì vậy, với Brexit, chính quyền Gibraltar lo ngại là một khi Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Madrid đơn phương đóng cửa biên giới. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 10 ngàn người sang Tây Ban Nha làm việc.
Theo báo Le Monde, thực ra, tranh chấp về Gibraltar là hoàn toàn có thể dự đoán được khi xẩy ra Brexit. Cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Garcia Margallo đã khẳng định : trong trường hợp Brexit, Gibraltar sẽ không được quyền tiếp cận thị trường Tây Ban Nha, trừ phi có một thỏa thuận về việc đồng chủ quyền trong giai đoạn quá độ. Khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, vị ngoại trưởng này còn tuyên bố là chưa bao giờ khả năng quốc kỳ Tây Ban Nha phất phới trên "Hòn Đá" này lại gần gũi đến như vậy.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha đương nhiệm Alfonso Dastis nhấn mạnh, khi Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đương nhiên Bruxelles phải đứng về phía Madrid trong hồ sơ Gibraltar. Và trong cuộc tấn công ngoại giao này, ông Dastis còn tuyên bố là Tây Ban Nha không ngăn cản Scotland, một khi độc lập với Anh Quốc, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một vố đau cho Anh Quốc trong bối cảnh Scotland đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về khả năng độc lập với vương quốc Anh.
Về chủ đề này, báo Le Figaro cũng có bài "Luân Đôn và Madrid đánh nhau về số phận Gibraltar". Tờ báo trích dẫn phát biểu của thủ tướng Gibraltar, Fabian Picardo, khi ông so sánh chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk với "một ông chồng bị vợ phụ bạc, tìm cách trả thù vào những đứa con, sau khi ly dị". Nói tóm lại, như tựa bài viết của Les Echos : Với "Brexit, Gibraltar làm cho Châu Âu phát sốt".
Bom nổ tại Saint-Petersburg : Nga cũng cùng số phận như Pháp, Đức, Bỉ ?
Một chủ đề khác được các tờ báo lớn tại Pháp quan tâm đến là vụ tấn công khủng bố tại một bến tàu điện ngầm ở Nga, làm ít nhất 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, nhiều người trong tình trạng nguy kịch, trong số này có cả trẻ em. Như vậy là "đến lượt Nga cũng bị tấn công khủng bố", nhật báo công giáo La Croix nhận xét.
Libération, Le Figaro và Les Echos trên trang nhất cũng dành một góc để chạy tựa : "Tấn công khủng bố chết người tại một bến tầu điện ngầm ở Saint-Petersbourg", "Tại Saint-Petersbourg, khủng bố đánh thẳng vào trung tâm lịch sử của nước Nga", và "Nước Nga bị khủng bố tấn công".
Như mô tả của La Croix, đầu tiên hết là những hình ảnh, đoạn video được phát tán nhanh chóng trên các trang mạng xã hội Nga. Hiện tại tất cả các hướng điều tra đều được nhắm đến, nhưng giả thuyết khủng bố do các lực lượng nổi dậy Caucasus (Kavkaz) có vẻ như được các báo đề cập nhiều đến.
Quả thật, so với các nước khác tại Châu Âu, cụ thể là Đức, Pháp và Bỉ, những quốc gia có can dự vào cuộc xung đột Syria, kể từ khi quyết định can thiệp quân sự vào đây từ tháng 9/2015, Nga chưa từng phải hứng chịu một vụ khủng bố nào.
Nhưng trước đó, trong vòng 3 năm (2010-2013), ba vụ tấn công đẫm máu khác đã xảy ra hoặc tại Nga, hoặc tại vùng Caucasus của Nga. Điểm đáng chú ý là những lần như thế đều là kiểu khủng bố tự sát, do những "góa phụ áo đen" thực hiện. Những người phụ nữ này, sau cái chết của chồng là những chiến binh nổi dậy, đã bị quân khủng bố và các giáo sĩ thao túng. Thế nhưng, lần này lại khác. Không phải là khủng bố tự sát nữa mà là một túi thuốc nổ đã khai hỏa ngay trên khoang tầu điện ngầm.
Dẫu sao thì nước Nga đã nhiều lần bị Daesh và phe nổi dậy Hồi giáo cực đoan vùng Caucasus thuộc Nga đe dọa. Từ hai năm qua, Moskva nghi ngờ khu vực này được sử dụng như là một điểm tuyển mộ những người trẻ tuổi cực đoan để tham chiến tại Syria. Nhất là, Moskva nghi ngại sự trở về của những chiến binh người Tchetchenia từ Syria.
Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Trump sẵn sàng xử lý một mình
"Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm một mình". Trả lời phỏng vấn Financial Times hôm Chủ Nhật, 02/04, tổng thống Mỹ muốn gây áp lực về một chủ đề cực kỳ nhậy cảm, vài ngày trước cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Florida, vào thứ Năm 06/04. Báo Libération giải mã thông điệp này qua bài "Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Trump sẵn sàng xử lý một mình".
Trước tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu như thế nào về hồ sơ Bắc Triều Tiên ?
Hoa Kỳ lo ngại trước các tiến bộ ngoạn mục của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực quân sự. Theo Hàn Quốc, thì một trong những tên lửa mà Bắc Triều Tiên bắn thử hồi tháng Ba năm 2017 có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và Bình Nhưỡng có thể sớm chế tạo được các đầu đạn hạt nhân trang bị cho các tên lửa này. Đối với Bộ quốc phòng Mỹ, chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên từ nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump có thể yêu cầu Trung Quốc những gì ?
Nguyên thủ Mỹ có thể đề nghị Trung Quốc ủng hộ một danh sách các biện pháp trừng phạt mới trong lĩnh vực kinh tế nhắm vào Bình Nhưỡng, để ngăn cản Kim Jong-un theo đuổi các nghiên cứu quân sự. Trong số các biện pháp này, có thể Mỹ đề nghị Trung Quốc ngừng toàn bộ giao dịch thương mại biên giới với Bắc Triều Tiên, và đặc biệt là ngừng cung cấp dầu lửa cho Bình Nhưỡng, bởi vì các trừng phạt của quốc tế và của từng nước nhắm vào Bắc Triều Tiên trước đây đã tỏ ra không có hiệu quả.
Vậy tại sao Tập Cận Bình có thể từ chối đề nghị của Trump ?
Ngoài đường biên giới chung dài 1.400 km, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên còn chia sẻ tình liên đới xã hội, ý thức hệ và kinh tế. Cho dù vào năm 2014 có thông qua nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì quan hệ thương mại có tính chất sống còn đối với quốc gia Bắc Triều Tiên nhỏ bé 24 triệu dân này.
Trung Quốc cũng như nhiều nước khác, nghĩ rằng cho dù có bị cấm vận hoàn toàn về kinh tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn tiếp tục tiến hành chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và thậm chí sẵn sàng bỏ đói người dân để tập trung nguồn tài chính vào việc này.
Trung Quốc lo ngại Bắc Triều Tiên sụp đổ vì nước này đóng vai trò là quốc gia-đệm, ngăn cách với Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Vả lại, hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ vừa triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc cũng sẽ là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận giữa hai nguyên thủ.
Vậy Donald Trump có những giải pháp gì để xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên mà không cần đến Trung Quốc ?
Cho đến nay, hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ vẫn chưa có hiệu quả và phòng thủ không phải là công cụ duy nhất để ngăn ngừa một cuộc tấn công. Từ năm 2014, Hoa Kỳ đã thực hiện một chương trình rất tốn kém về tình báo và phá hoại các cơ sở quân sự của Bắc Triều Tiên, nhưng kết quả thu được quá ít, không như mong đợi. Theo báo New York Times, Hoa Kỳ cũng tính tới giải pháp tấn công có chọn lọc, nhắm vào các cơ sở phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng theo giới chuyên gia, giải pháp này ít có cơ may thành công 100% và như vậy sẽ gây ra những hậu quả không kiểm soát nổi.
Ngoại trưởng Mỹ vừa qua tuyên bố là chính sách kiên nhẫn đã chấm dứt và không gạt bỏ việc xem xét một hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên. Nhưng giải pháp này chắc chắn sẽ bị Trung Quốc và tân chính quyền Hàn Quốc phản đối chừng nào chưa xuất hiện mối đe dọa tức thời.
Một số chuyên gia cho rằng trong tình hình hiện nay, Bắc Triều Tiên không có lợi ích gì gây ra bạo lực leo thang. Như vậy, chỉ còn có một giải pháp đối với tổng thống Trump, đó là đàm phán với Bắc Triều Tiên để thuyết phục nước này đình chỉ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử hoặc ít ra là không sử dụng loại vũ khí trên. Theo hướng này thì công việc đầu tiên phải làm là thuyết phục được Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán và điều đó thì dường như chỉ có một mình Trung Quốc làm được.
Minh Anh