Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Iran và Israel : Từ sự hợp tác ngấm ngầm đến mối thâm thù không che giấu

Thùy Dương, RFI, 14/04/2024

Israel và Iran hôm 14/04/2024 tại cuộc họp khẩn của Liên Hiệp Quốc đều tố cáo đối phương là mối đe dọa chính cho Trung Đông. Cả Tel Aviv và Tehran kêu gọi Hội Đồng Bảo An áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào " kẻ thù truyền kiếp " của họ. Xung đột Israel - Iran từ lâu nay bị xem là một trong những nguy cơ chính gây bùng nổ bạo lực trong khu vực Trung Đông, vốn đã bị xem là " thùng thuốc súng " có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào.

iranisrael1

Một hệ thống chống tên lửa được kích hoạt sau khi Iran phóng drone và tên lửa sang Israel. Ảnh chụp từ Ashkelon, Israel ngày 14/04/2024. Reuters - Amir Cohen

Vụ Iran trực tiếp tấn công Israel theo quy mô lớn chưa từng có trong đêm 13 rạng sáng 14/04/2024 nhằm trả đũa việc lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria bị tấn công cách nay 2 tuần càng khiến quốc tế đặc biệt lo ngại rằng xung đột giữa Tel Aviv và Tehran làm vòng xoáy bạo lực lan rộng tại Trung Đông, trong bối cảnh chiến tranh Gaza vẫn chưa đến hồi kết.

Thực ra, vụ tấn công vừa qua chỉ là chương mới nhất trong mối quan hệ thù hằn kéo dài suốt hơn 4 chục năm qua, tính từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Đây có thể được xem là dấu mốc khiến mối quan hệ giữa Israel và Iran, vốn từng có thời gian dài hợp tác từ thương mại đến tình báo, quân sự, chuyển thành mối thâm thù "không đội trời chung" ? 

Iran và Israel đã có thời là đồng minh ?

Quan hệ đối đầu căng thẳng lâu năm giữa Iran và Israel khiến nhiều người quên hai nước hiện xem nhau là "kẻ thù không đội trời chung" đã từng có thời gian dài tương trợ nhau. Le Figaro ngày 14/04 nhắc lại là 2 năm sau khi Nhà nước Israel ra đời, đến năm 1950 Iran là nước Hồi giáo thứ hai, sau Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận Nhà nước Israel dù Tehran chống lại kế hoạch phân chia Palestine của Liên Hiệp Quốc.

Iran cũng là nơi có cộng đồng người Do Thái đông nhất ở Trung Đông và Israel có cơ quan ngoại giao lớn ở Iran. 40% nhu cầu dầu mỏ của Israel là nhập từ Iran, đổi lại Iran nhập khẩu vũ khí, công nghệ và nông sản của Israel. Savak, lực lượng cảnh sát chính trị đáng gờm của Iran, được thành lập vào năm 1957 chính là nhờ có sự giúp đỡ của các cơ quan tình báo CIA của Mỹ và Mossad của Israel. Đến năm 1977, Iran và Israel thậm chí còn bắt đầu hợp tác chế tạo tên lửa đạn đạo.

Từ khi nào quan hệ chính thức giữa đôi bên đảo chiều ?

Vào năm 1979, với việc thành lập chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran, Tehran đã chấm dứt mọi quan hệ chính thức với Israel và không công nhận Nhà nước Israel và hộ chiếu Israel. Tehran thay thế đại sứ quán Israel bằng đại sứ quán Palestine và chìa khóa của đại sứ quán này được Tehran giao cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

BBC ngày 11/04 trích dẫn Ali Vaez, giám đốc chương trình về Iran của tổ chức nghiên cứu Crisis Group, theo đó "sự thù địch đối với Israel là trụ cột của chế độ Iran mới (chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran thành lập sau Cách mạng năm 1979) bởi vì nhiều nhà lãnh đạo của nước này đã huấn luyện và tham gia các hoạt động du kích với người Palestine ở nhiều nơi như Lebanon và bày tỏ nhiều thiện cảm với họ". Ngoài ra, chuyên gia Vaez cũng nhận định "chế độ Iran mới muốn thể hiện mình là một cường quốc Hồi giáo và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa cho người Palestine chống lại Israel, điều mà các nước Ả rập - Hồi giáo khi đó đã từ bỏ".

Do đó, giáo chủ Iran Khomeini bắt đầu tuyên bố cuộc đấu tranh cho chính nghĩa của người Palestine là cuộc chiến của riêng Iran và các cuộc biểu tình lớn ủng hộ người Palestine với sự hỗ trợ chính thức của chính quyền Iran đã trở nên phổ biến ở Tehran. Đến năm 1980, phong trào Hồi giáo vũ trang Jihad, lấy cảm hứng từ Iran, đã trở thành tổ chức Hồi giáo Palestine đầu tiên dùng vũ khí chống Israel.

Dẫu vậy, các quan hệ thương mại giữa Israel và Iran vẫn được duy trì, dù là theo diện không chính thức. Trong chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988), Tel Aviv thậm chí vẫn chuyển tên lửa cho Tehran. Chuyện này được tiết lộ là một phần của thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Iran (còn được gọi là Irangate hoặc Iran-Contra), nhằm mục đích giải thoát các con tin người Mỹ bị giam giữ ở Lebanon.

Nhưng do đâu mà Iran và Israel trước đây kín đáo hợp tác với nhau dù Iran ủng hộ Palestine ?

BBC nhắc lại trước năm 1979, Iran là một chế độ quân chủ do các Shah của triều đại Pahlavi cai trị và là đồng minh lớn của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Do đó, người sáng lập Nhà nước Israel và cũng là thủ tướng đầu tiên của Israel, David Ben-Gurion, đã tìm kiếm và thiết lập được tình bạn hữu với Iran để chống lại việc các nước láng giềng Ả rập bác bỏ Nhà nước Do Thái Israel.

Về phía Iran, cũng đối đầu với Saudi Arabia, một nước lớn khác trong khu vực Trung Đông, Tehran nhận thức được rằng Iran là một nước Ba Tư và theo hệ phái Shia trong phần lớn thế giới Hồi giáo là các nước Ả rập và theo hệ phái Suni. Vẫn theo Ali Vaez, giám đốc chương trình về Iran của tổ chức nghiên cứu Crisis Group được BBC trích dẫn trong bài viết đăng ngày 11/04, chế độ Iran nhận thức được sự cô lập của mình và bắt đầu phát triển một chiến lược nhằm ngăn chặn nguy cơ một ngày nào đó các kẻ thù của Tehran tấn công vào lãnh thổ Iran.

Như vậy là Israel và Iran cùng phải đối phó với một số nước láng giềng Hồi giáo trong khu vực Trung Đông. Sự hợp tác giữa Tehran và Israel từ những năm 1947 vì thế bị xem là mang tính tình thế và cơ hội. Chính sách hợp tác này được giữ kín, nhất là phía Tehran do Iran lo ngại sự phản đối từ giới giáo sĩ Hồi giáo Shia trong nước cũng như sự phản ứng từ các nước Hồi giáo láng giềng, vốn quyết tâm xóa sổ hoàn toàn Nhà nước Israel, theo nhận định của trang Revue Défense Nationale của Pháp (Tạp chí Quốc phòng) trong bài viết "Các mối quan hệ giữa Israel và Iran : Một quan hệ đối tác không chính thức trong bối cảnh thù địch công khai".

Vậy sự thù địch đến từ đâu ?

Theo chuyên gia Vaez của tổ chức nghiên cứu Crisis Group, mặc dù chế độ Tehran chính thức cắt đứt quan hệ với Irael sau Cách mạng năm 1979, nhưng phải đến những năm 1990 thì sự thù hằn của phía Iran mới thực sự bùng phát. Mặc dù có hợp tác, nhưng đôi bên cũng có sự cạnh tranh vị thế lãnh đạo trong khu vực.

Một mạng lưới các tổ chức liên kết với Tehran ra đời và phát triển nhanh chóng, tiến hành các hành động vũ trang có lợi cho Iran, trong đó phải kể đến lực lượng Hezbollah ở Lebanon, mà Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu xem là khủng bố. "Trục kháng chiến" của Iran đến nay trải rộng đến tận Lebanon, Syria, Iraq và Yemen. Mục tiêu chung của các lực lượng trong "trục kháng chiến" này là "bảo vệ khu vực khỏi các mối đe dọa từ Mỹ và Israel", như nhận định của chuyên gia Vaez trong một bài viết của BBC đăng ngày 27/03/2024. Chính quyền Iran xem Israel là chư hầu của Mỹ trong vùng Trung Đông và không có quyền tồn tại. Tehran gọi Israel là "tiểu ác qủy", còn Mỹ là "đại ác qủy".

Israel đương nhiên không để yên và đã tiến hành các cuộc tấn công, hành động thù địch khác với Iran và các đồng minh của chế độ Tehran, thường là ở các nước thứ ba mà họ tài trợ và hỗ trợ các nhóm vũ trang chiến đấu chống lại những nước thân Iran.

Cuộc chiến giữa Iran và Israel được gọi là "cuộc chiến tranh bóng tối", vì hai nước đã tấn công lẫn nhau nhưng trong nhiều trường hợp, nhưng hai bên đều không chính thức thừa nhận tham gia. Chẳng hạn, năm 1992, nhóm thánh chiến Hồi giáo thân Iran đã đánh bom đại sứ quán Israel ở Buenos Aires, Argentina, khiến 29 người thiệt mạng. Trước đó ít lâu, thủ lĩnh Hezbollah, Abbas al-Musawi đã bị ám sát. Nhiều người cho rằng chính cơ quan tình báo Israel thực hiện vụ này.

Israel luôn tìm cách thu hẹp chương trình hạt nhân của Iran và ngăn chặn nguy cơ chế độ Tehran chế tạo ra vũ khí nguyên tử. Tel Aviv không tin rằng chương trình hạt nhân của Iran chỉ nhằm mục đích dân sự và theo nhiều nguồn tin, chính các cơ quan của Israel, phối hợp với Hoa Kỳ, đã phát triển virus tin học Stuxnet, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ sở hạt nhân của Iran hồi đầu những năm 2000.

Tehran cũng tố cáo là các cơ quan tình báo Israel đã gây ra các vụ tấn công nhắm vào một số nhà khoa học chính phụ trách chương trình hạt nhân của Iran. Nghiêm trọng nhất là vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh năm 2020, được xem là người phụ trách cao nhất của chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Thế nhưng, chính phủ Israel chưa bao giờ thừa nhận có liên quan đến cái chết của các nhà khoa học Iran.

Trong khi đó, cũng giống như các đồng minh phương Tây, Tel Aviv cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công bằng drone và tên lửa vào lãnh thổ Israel, cũng như một số vụ tấn công tin tặc.

Cuộc nội chiến nổ ra ở Syria kể từ năm 2011 là một nguồn cơn đối đầu khác giữa Israel và Iran. Theo các cơ quan tình báo phương Tây, Iran đã gửi tiền, vũ khí và người đào tạo, huấn luyện để hỗ trợ lực lượng của tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại quân nổi dậy đang tìm cách lật đổ chế độ, khiến Israel lo ngại. Tel Aviv cho rằng nước láng giềng Syria là một trong những tuyến đường chính mà Iran chuyển vũ khí và thiết bị tới cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Theo cổng thông tin tình báo Stratfor của Mỹ, cả Israel và Iran đều đã thực hiện các hành động ở Syria nhằm ngăn chặn đối phương tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn.

Đến năm 2021, "chiến tranh bóng tối" giữa Israel và Iran còn lan ra biển. Nhà nước Do Thái chỉ đích danh Iran về các vụ tấn công vào tàu của Israel ở Vịnh Oman, trong khi đó Tehran tố cáo Israel tấn công tàu của Iran ở Hồng Hải.

Liệu chiến tranh trực tiếp giữa Iran và Israel có nổ ra không ?

Quốc tế hiện đang rất lo ngại về vòng xoáy bạo lực mới giữa Israel và Iran. Thế nhưng, theo chuyên gia Ali Vaez, giám đốc chương trình về Iran của tổ chức nghiên cứu Crisis Group, cả đôi bên hiện nay đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn.

Iran đang gặp phải nhiều vấn đề kinh tế và chính quyền Tehran đang phải chịu một cuộc khủng hoảng về tính chính đáng ngay trong nước, nên không có điều kiện tốt nhất để đối đầu với một cường quốc quân sự như Israel.

Về phía Israel, Tel Aviv từ 6 tháng nay lao vào cuộc chiến hủy diệt lực lượng Palestine Hamas ở dải Gaza đã làm tổn hại danh tiếng của Tel Aviv trên trường quốc tế và khiến Israel bị quốc tế cô lập hơn bao giờ hết. Nếu chiến tranh nổ ra với Iran, Tel Aviv sẽ phải đối phó với một Nhà nước mạnh hơn Hamas rất nhiều, trong khi đó, theo AFP, Nhà Trắng đã cảnh báo Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc tấn công nào nhằm trả đũa Iran.

Thùy Dương

**************************

Iran lần đầu tiên tấn công trực tiếp Israel bằng hàng trăm tên lửa và drone

Anh Vũ, RFI, 14/04/2024

Lần đầu tiên ? Iran đã trực tiếp tấn công Israel trên quy mô lớn chưa từng có để trả đũa vụ lãnh sự quán của Iran tại Damascus bị tấn công cách đây 2 tuần. Đêm 13/04/2024, từ nhiều hướng, Iran đã ồ ạt bắn khoảng 300 tên lửa đạn đạo và drone của vào lãnh thổ Nhà nước Do Thái. Quân đội Israel khẳng định đã vô hiệu hóa được đợt không kích ồ ạt của Tehran. Trong khi đó, quân đội Iran tuyên bố chiến dịch tấn công của họ đã đạt được mục tiêu. 

iranisrael2

Các tên lửa hệ thống phòng không "Vòm sắt" của Israel bắn chặn cuộc tấn công tên lửa và drone của Iran vào miền trung Israel, rạng sáng ngày 14/04/2024. AP - Tomer Neuberg

Thông tín viên RFI, Michel Paul tại Jerusalem tường trình :

"Bộ trưởng quốc phòng Israel, Yoav Galant sáng nay (14/04) thông báo : "Chúng tôi đã đẩy lui cuộc tấn công một cách ấn tượng". Israel cũng thông báo mở lại không phận. Điều này rõ ràng có nghĩa là nguy cơ các cuộc tấn công sẽ rất nhỏ.

Đây là lần đầu tiên Iran mở cuộc tấn công trực tiếp Israel. Dù một phần cuộc không kích vào Nhà nước Do Thái xuất phát từ những nước lân cận với Iran : Yemen, Iraq, Syria và Lebanon. Đó là một cuộc tấn công ồ ạt với 110 tên lửa đạn đạo, 36 tên lửa hành trình và 185 drone.

Hàng trăm tên lửa và drone đã bị Israel cùng các lực lượng quân đội Hoa Kỳ, Jordanie và Anh Quốc đóng trong vùng bắn chặn. Theo Israel, 99% các đầu đạn nguy hiểm đã bị vô hiệu hóa, đa phần ngay từ ngoài không phận Israel. Mục tiêu là ở phía nam nước này với một căn cứ không quân đã bị bắn trúng. Chính quyền cho biết, một bé gái tại khu vực bắc cao nguyên Goland bị thương nặng và một ngôi nhà bị phá hủy.

Israel xác nhận đang chuẩn bị phản ứng "mạnh mẽ và kiên quyết". Chính phủ đã bật đèn xanh cho bộ Tham mưu quân đội sẵn sàng đáp trả. Trong ngày hôm nay, nội các sẽ họp lại. Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định "chúng tôi sẽ tấn công những ai đã tấn công chúng tôi". Ông nói thêm là "chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết đồng thời giữ bình tĩnh".

Sáng nay, ông đã có cuộc nói chuyện điện thoại 25 phút với tổng thống Mỹ. Dư luận nói rằng Israel cam kết phối hợp mọi hành động đáp trả với Hoa Kỳ và không vội vàng. Nhưng sáng nay, người ta xác nhận là tổng thống Joe Biden nói phản đối mọi cuộc tấn công của Israel vào Iran. Thủ tướng Netanyahu hôm nay sẽ còn có các cuộc nói chuyện với lãnh đạo nhiều nước khác.

Tại Israel, người ta cho rằng các vụ bắn nhau qua lại với Iran sẽ còn diễn ra trong nhiều ngày tới. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Israel bị một quốc gia có chủ quyền tấn công. Khi đó là Iraq nhưng cuối cùng Israel đã không có phản ứng đáp trả".

Anh Vũ

************************

Iran tuyên bố cuộc tấn công nhắm vào Israel là "một thành công"

Minh Phương, RFI, 14/04/2024

"Chiến dịch Honest Promise đã được thực hiện thành công từ tối hôm qua đến rạng sáng nay (14/04/2024) và đã đạt được mọi mục tiêu, người đứng đầu lực lượng vũ trang Iran, tướng Mohammad Bagheri, tuyên bố trên truyền hình, đồng thời nhấn mạnh rằng không có trung tâm đô thị hay kinh tế nào của Israel bị Iran nhắm tới.

iranisrael3

Tướng Mohammad Bagheri (quân phục xanh, giữa), chỉ huy quân đội Iran, trong một cuộc thị sát Syria, ngày 17/10/2017. AP

Chính quyền Tehran cũng tuyên bố đã gây ra "thiệt hại nghiêm trọng", khiến hai cơ sở quân sự của Israel phải "dừng hoạt động", bao gồm một trung tâm tình báo và một căn cứ không quân nơi các máy bay được cho là đã cất cánh để tấn công lãnh sự quán của Iran tại Damascus hôm 01/04.

Iran cho biết vụ tấn công được thực hiện trên cơ sở Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền tự vệ và khẳng định "sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp phòng thủ để bảo vệ lợi ích của mình trước mọi hành động quân sự gây hấn và bất kỳ hành động sử dụng vũ lực bất hợp pháp nào".

Từ Tehran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi cho biết thêm thông tin :

"Iran tuyên bố chiến thắng. Vụ tấn công này là một thành công đối với Tehran vì đó là cuộc tấn công bằng drone lớn nhất trong lịch sử chưa từng được tiến hành ở bất kể khu vực nào trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên, Israel bị tấn công bằng tên lửa với độ chính xác cao như vậy kể từ năm 1967. Vì vậy, Iran rất tự hào về thành công này, đặc biệt là khi các video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Iran cũng như ở nước ngoài.

Tên lửa Iran xuất hiện trên bầu trời nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem hay tòa nhà Quốc Hội Israel. Theo Tehran, các địa điểm được nhắm tới là các mục tiêu quân sự, ví dụ như căn cứ Néguev, một căn cứ không quân rất quan trọng của Israel. Theo Tehran, các máy bay tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus hôm 01/04 đã xuất phát từ đây.

Căn cứ này cũng gần các cơ sở hạt nhân của Israel và do đó, đây cũng là thông điệp rất rõ ràng từ phía Tehran. Qua thông cáo báo chí của Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng, Tehran khẳng định rằng nếu Israel quyết định đáp trả thì Tehran sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn.

Hoa Kỳ đang cố gắng xoa dịu sự việc bằng cách yêu cầu Israel không phản ứng ngay lập tức và tuyên bố rằng Mỹ sẽ không can thiệp. Như vậy đã là một thành công đối với Iran vì Tehran cũng đã cảnh báo Washington rằng nếu Mỹ tham gia vào một cuộc tấn công của Israel nhắm vào Iran, thì tất cả các lợi ích và căn cứ của Mỹ trong khu vực có thể sẽ là các mục tiêu "chính đáng" tiếp theo".

Minh Phương

Published in Quốc tế