Báo chí Pháp ra ngày 17/08/2022 rất tản mạn về chủ đề chính, từ vụ nhà văn Salman Rushdie bị mưu sát trên Le Monde, tình hình giá dầu thế giới hạ nhiệt trên Les Echos, cho đến quan điểm của hai khối chính trị lớn nhất hiện nay tại Pháp trên Libération, hay tác hại bất ngờ của các đợt nắng nóng liên tục trên La Croix. Đáng chú ý hơn cả là sự kiện Quân đội Pháp rút khỏi Mali, được cả Le Figaro lẫn La Croix nêu bật.
Những binh lính Pháp cuối cùng thuộc chiến dịch Barkhane rời khỏi Mali, băng qua biên giới Nigeria ngày 15/08/2022. © Mounia Daoudi / RFI
Hai tờ báo có đánh giá khá khác nhau về 9 năm can thiệp quân sự của Pháp vào Mali để giúp chính quyền quốc gia Châu Phi này chống lại các lực lượng thánh chiến Hồi giáo vẫn hoành hành trong khu vực. Trong lúc nhật báo thiên hữu Le Figaro cố vớt vát, cho rằng chiến dịch được Pháp đặt tên là Barkhane vốn dĩ là một "nhiệm vụ bất khả thi (mission impossible)", thì nhật báo công giáo La Croix không ngần ngại gọi đó là một "thất bại (échec)".
Ngay trong hàng tựa lớn trang nhất - "Tại Mali, Pháp kết thúc một nhiệm vụ bất khả thi" - Le Figaro nhấn mạnh đến bối cảnh cuộc triệt thoái khỏi Mali của Quân đội Pháp : "Bị thái độ thù nghịch của tập đoàn quân sự xua đuổi, và bị lính đánh thuê Nga cạnh tranh, Quân đội Pháp đã rút ra một tổng kết đầy thất vọng về 9 năm chiến đấu chống lại các phần tử thánh chiến".
Đối với Le Figaro, với những người lính Pháp cuối cùng trong chiến dịch Barkhane rời khỏi Mali vào đúng ngày 15/08 vừa qua, quốc gia Châu Phi này sẽ phải một mình đối phó với hiểm họa khủng bố từ các phần tử thánh chiến, vừa thuộc Al Qaeda, vừa gắn với tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh.
Tờ báo Pháp nhắc lại rằng từ một năm nay, tập đoàn quân sự đảo chính lên cầm quyền tại Bamako, thủ đô Mali, đã chủ trương đuổi Pháp để liên minh với Nga nhằm bảo vệ quyền lực của họ.
Vấn đề là cho đến nay, để chống lại các lực lượng thánh chiến, đã từng kiểm soát một nửa lãnh thổ Mali, chính quyền Mali đương nhiệm chủ yếu dựa vào lính đánh thuê Wagner của Nga, một lực lượng mà năng lực chống khủng bố rất kém cỏi, như đã từng thấy tại Syria, khả năng tác chiến đang thụt lùi, và đặc biệt là rất tàn bạo đối với thường dân tại các vùng chiến sự.
Trong bài xã luận "Chiến dịch Barkhane kết thúc : "Dấu ấn nhẹ nhàng", Le Figaro đặc biệt so sánh hai cuộc triệt thoái đều có mốc là ngày 15/08 : Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm ngoái, và Pháp vừa rởi khỏi Mali.
Đối với tờ báo Pháp, chiến dịch triệt thoái của Quân đội Pháp rõ ràng là đã diễn ra trong trật tự, có bài bản, khác xa với tình trạng hỗn loạn vào năm ngoái tại Kabul, khi đội quân hùng mạnh nhất thế giới rút đi. Theo Le Figaro, Pháp cũng có thể tự hào vì vào tháng một năm 2013, đã tung ra một cuộc can thiệp chớp nhoáng, ngăn chặn các nhóm thánh chiến Hồi giáo chiếm được Bamako, trái với tình hình Afghanistan, vốn đã rơi trở lại vào tay quân Taliban.
Vấn đề dĩ nhiên là sau khi bị mất 59 binh sĩ và tiêu tốn một tỷ euro mỗi năm, Pháp rốt cuộc đã phải ra đi, để lại những hiểm họa như trước, tức là nạn khủng bố và nhập cư trái phép.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, vì không thể nhắm mắt làm ngơ, chính quyền Pháp của tổng thống Macron đã quyết định một chiến lược can thiệp chống thánh chiến mới theo phương châm "làm tốt hơn với ít phương tiện hơn", khi vẫn duy trì 2.500 quân tại vùng biên giới ba nước Niger, Tchad và Burkina Faso, để gọi là "giúp đỡ" và "ủng hộ" các "chính phủ hợp pháp".
Le Figaro không tránh khỏi một nhận định đầy châm biếm : "Nếu dấu chân nhẹ nhàng này bất ngờ trở nên hiệu quả hơn, chúng ta sẽ hối hận vì đã không nghĩ đến nó sớm hơn".
Về việc Pháp chính thức triệt thoái khỏi Mali, dù không đưa tin chi tiết, nhật báo La Croix đã dành bài xã luận trang nhất cho sự kiện này với lời nhắn nhủ : "Mali : Hãy vượt lên trên thất bại", cho rằng Pháp phải viết ra một trang sử mới ở Mali, sau khi Chiến dịch Barkhane kết thúc.
Theo La Croix, cuộc can thiệp quân sự vào Mali để chống thánh chiến Hồi giáo thực sự là một thất bại, với những người lính cuối cùng của Chiến dịch Barkhane đã rời Mali một cách không kèn không trống. Trong 9 năm hiện diện, Quân đội Pháp không những đã không tiêu diệt được khủng bố hay ổn định được Mali, mà còn để cho tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với dân chúng. Và Paris đã bị giới sĩ quan đảo chánh lên cầm quyền tại Bamako loại bỏ trong tư cách là một đối tác lớn, thay thế bằng Moskva.
Đối với La Croix, sai lầm của Pháp là đã tự tin quá mức vào khả năng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sâu sắc và kéo dài mà Mali phải trải qua, nói cách khác đã không thấy rằng "không thể dập lửa bằng một cốc nước".
Tuy nhiên, theo tờ báo, thất bại này không nên dẫn đến việc bỏ rơi người Mali, vốn gắn bó với Pháp qua vô số mối quan hệ gia đình và văn hóa. Các giải pháp cho những khó khăn mà dân Mali phải đối mặt đòi hỏi sự bền bỉ, đoàn kết, hợp tác xuyên quốc gia và tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Mali hiện đắm chìm trong một lôgic tự cô lập, nhưng theo La Croix, cùng với các nước khác trong khu vực, Pháp cần phải chuẩn bị trước cho thời điểm mà giới lãnh đạo Mali muốn phá vỡ thế bế tắc, hoặc nhường chỗ cho người khác.
Trong dòng thời sự quốc tế, Le Monde trở lại với vụ nhà văn người Anh Salman Rushdie, bị Iran ban hành giáo lệnh tiêu diệt, vừa bị đâm bằng dao tại New York hôm 12/08/2022. Trang nhất tờ báo nêu bật : "Rushdie : Làn sóng chấn động trong giới văn học".
Đối với Le Monde, việc ông Rushdie bị đâm trọng thương đã gây xúc động mạnh trong giới trí thức, đặc biệt là giới làm văn học. Từ các nhà văn, nhà thơ, cho đến các nhà viết tiểu luận, tại Pháp, tại Anh, tại Thổ Nhĩ Kỳ hay tại Mỹ, tại Ấn Độ, tất cả đều bày tỏ nỗi xúc động và bàng hoàng của họ khi biết tin về vụ mưu sát.
Tờ báo Pháp đã trích lời một nhà văn Ấn Độ, nêu bật phản ứng của giới văn học trước hành vi khủng bố : "Tấn công các nhà văn không thể bịt được miệng họ, mà chỉ làm tiếng nói của họ lớn mạnh thêm".
Le Monde ghi nhận, tại New York, nơi xẩy ra vụ mưu sát, các nhà điều tra đang cố gắng làm rõ hồ sơ của thủ phạm, một thanh niên Mỹ gốc Lebanon chỉ 24 tuổi, đã bị cuộc cách mạng Iran ám ảnh và đã trở nên cuồng tín sau khi về thăm Lebanon vào năm 2018.
Tờ báo Pháp cũng đặc biệt chú ý đến phản ứng từ Iran, vì giáo lệnh Fatwa đòi tiêu diệt Salman Rushdie do chính giáo chủ Hồi giáo Iran Ayatollah Khomeyni ban hành ngày 14/02/1989. Theo Le Monde, trong lúc chế độ Tehran tỏ ra rất kín tiếng, thậm chí phủ nhận mọi sự dính líu của họ vào vụ tấn công, thì báo chí thân cận với chính quyền không ngớt lời tỏ thái độ hả hê.
Điều mà Le Monde lo ngại là tương tự như Salman Rushdie, hiện có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trên thế giới phải sống ẩn dật hoặc dưới sự bảo vệ của cảnh sát, vì là đối tượng của một giáo lệnh tử hình fatwa. Trường hợp điển hình là ban biên tập tuần báo trào phúng Charlie Hebdo tại Pháp, từng là nạn nhân một vụ khủng bố vào năm 2015, và gần đây, tiếp tục bị Al Qaeda đòi giết sau khi công bố trở lại những bức biếm họa Mahomet.
Trang nhất Les Echos loan báo tin mừng : "Giá dầu trở lại mức trước chiến tranh Ukraine".
Theo ghi nhận của tờ báo kinh tế Pháp, "thị trường đã đóng lại trang cuộc chiến Ukraine". Với giá chỉ còn là 93 đô la một thùng, dầu thô đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai đến nay, tức là giảm gần 25% so với đỉnh cao của tháng Sáu. Đây là mức đã có trước lúc nổ ra cuộc chiến tranh Ukraine
Mức cầu trên thế giới đã giảm sụt do hai yếu tố : Nguy cơ suy thoái toàn cầu và các số liệu thấp hơn dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc, trong lúc mức cung có thể tăng với các tiến triển trong hồ sơ hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực khí đốt, giá cả ở Châu Âu đã mấp mé một mức cao kỷ lục mới, do nguồn cung bị Nga hạn chế. Tuy vậy, các nước Châu Âu vẫn duy trì được tiến độ đổ đầy các kho dự trữ, dự phòng cho mùa đông sắp tới.
La Croix thì dành trang nhất để nói về tình trạng : "Những ngôi nhà bị nứt nẻ", đề cập đến vấn đề nạn hạn hán đã làm hư hại hàng triệu ngôi nhà tại Pháp.
Đó là những ngôi nhà xây trên nền đất sét. Do những đợt nắng nóng và hạn hán liên tục, đất sét thường xuyên bị co lại trương lên, khiến cho tường những ngôi nhà, thường là nhà cá nhân, xây dựng một cách đơn giản, bi nứt nẻ.
Một nghiên cứu của cơ quan phụ trách phát triển bền vững tại Pháp năm 2021 cho biết là có khoảng 10,4 triệu ngôi nhà được xây trên những vùng dễ bị tác hại, tương đương với một nửa số nhà kiểu này được xây lên.
Đối với chủ nhân những ngôi nhà bị tác hại, việc đòi bảo hiểm thanh toán các chi phí sửa chữa là một quá trình rất phức tạp.
Riêng tờ báo thiên tả Libération đã chọn chính trị Pháp làm chủ đề chính. Trang nhất tờ báo chạy hàng tít lớn "Schiappa - Corbière : Nền Cộng hòa trong trận đấu".
Tờ báo giải thích ngay : Bà Marlène Schiappa, một bộ trưởng trung thành với tổng thống Macron và dân biểu Alexis Corbière, một lãnh đạo trong đảng Nước Pháp Bất Khuất - đối lập - đều là những nhân vật tên tuổi trong đảng của họ. Hai người đã đồng ý tranh luận về quan niệm của họ về nền Cộng hòa Pháp.
Theo ghi nhận của Libération, giữa hai đảng có một số giá trị chung, như thái độ chống cực hữu, nhưng cũng có rất nhiều điểm dị biệt về các vấn đề liên quan đến xã hội và thể chế.
Trọng Nghĩa