Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc làm gì nếu có cuộc chiến thương mại với Mỹ ? (BBC, 25/01/2018)

Việc Tổng thống Trump ủng hộ tăng thuế nhập khẩu máy giặt và bảng năng lượng mặt trời sẽ giáng đòn mạnh mẽ xuống Trung Quốc và Hàn Quốc.

tq1

Tổng thống Trump ủng hộ tăng thuế nhập khẩu máy giặt và bảng năng lượng mặt trời

Và điều này đã mở ra khả năng trả đũa - đặc biệt từ Bắc Kinh.

Thông điệp cứng rắn của Trung Quốc đăng trên tờ Global Times cho biết sẽ "không có điều gì tốt đẹp" xảy ra nếu có cuộc chiến thương mại với Tổng thống Trump, và cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đáp trả.

Nhiều mối đe dọa có thể xảy ra.

Và theo ước tính của chính phủ Mỹ, thương mại hỗ trợ gần một triệu việc làm tại Mỹ.

Vậy Trung Quốc có thể làm gì ? Sau đây là một số lựa chọn :

1. Khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Trung Quốc nói thuế nhập khẩu của Mỹ là xấu đối với thương mại toàn cầu và nước này cũng cho biết đã từng nói sẽ làm việc với các thành viên WTO để tự bảo vệ mình.

Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều người ở Washington không bỏ lỡ sự trớ trêu khi Trung Quốc - đất nước được biết đến về sự thâm hiểm trong chiến lược thương mại của mình - phàn nàn rằng họ đang gặp khó khăn.

2. Hạn chế nhập khẩu thịt bò Mỹ

Tháng 5/2017, Mỹ và Trung Quốc kí thỏa thuận cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò Mỹ vào Trung Quốc sau 14 năm.

Tuy nhiên cũng có nhiều quy định cụ thể từ Trung Quốc mà các công ty thịt bò Mỹ cần tuân thủ.

Mặc dù thương mại mới chỉ bắt đầu, Trung Quốc có thể tăng các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe và làm cuộc sống khó khăn hơn nhiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò Mỹ đang tìm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trung lưu tại Trung Quốc.

3. Kêu gọi khách hàng Trung Quốc không mua xe hơi Mỹ

Trung Quốc là thị trường xe hơi dân dụng lớn nhất thế giới. Tới năm 2022, nước này sẽ tiếp tục đóng góp hơn một nửa sự tăng trưởng xe hơi thế giới.

Trung Quốc cũng thường xuyên thuộc top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với xe hơi và phụ tùng xe hơi của Mỹ, vì vậy một chỉ thị từ chính phủ kêu gọi người dân ngừng mua xe Mỹ vì lòng trung thành với nhà nước Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ.

Không phải chúng ta chưa từng nghe về việc Bắc Kinh bức chế cách tiêu tiền của người tiêu dùng Trung Quốc.

Ví dụ, nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte Mart đã phải chịu những tổn thất nặng nề ở Trung Quốc do sự căng thẳng bùng nổ giữa Bắc Kinh và Seoul về hệ thống chống tên lửa của Mỹ.

4. Kêu gọi khách du lịch không đến Mỹ

Trung Quốc là thị trường khách du lịch hàng đầu thế giới, với hơn 130 triệu người Trung Quốc du lịch trên toàn thế giới mỗi năm - một con số vẫn đang tiếp tục tăng.

Họ chi khoảng 260 tỷ USD một năm khi đi du lịch, và khi các nước Châu Á thường là những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất bởi khách du lịch Trung Quốc, Mỹ cũng hưởng lợi.

Các du khách Trung Quốc được dự đoán là chi 450 tỷ USD cho việc nghỉ dưỡng và mua sắm ở nước ngoài vào năm 2025, vì vậy Mỹ có thể chịu tổn thất nếu Bắc Kinh nói rằng Mỹ không phải một nơi đáng đi du lịch.

5. Bán trái phiếu Mỹ

Trung Quốc là chủ khoảng nợ hơn một ngàn tỷ USD của Mỹ.

Trước đây nước này từng đe dọa sẽ bán trái phiếu của Mỹ, và nhiều người lo ngại rằng mức nợ này có thể có nghĩa là Bắc Kinh có đòn bẩy so với nền kinh tế Mỹ.

Nhưng sự thật là ngay cả khi Trung Quốc bán nợ của Mỹ, hầu như chắc chắn khoản nợ này lại được chuyển sang cho những nước khác.

tq2

General Motors có doanh thu bán xe hơi tại Trung Quốc cao hơn tại Mỹ 70%

Nhưng liệu những điều đó có xảy ra ?

Thực tế là Trung Quốc không muốn một sự xung đột về thương mại phát triển thành sự đối đầu gây nhiều thiệt hại.

Nếu một cuộc chiến thương mại thật sự xảy ra với hai nước, sẽ không chỉ Bắc Kinh và Mỹ gặp thiệt hại.

Khu vực Châu Á cũng sẽ hứng chịu, đơn giản là do dây chuyền cung cấp toàn cầu đã trở nên chặt chẽ như thế nào.

Nhưng chúng ta cũng có thể đang đến rất gần với ngày tăng thuế nhập khẩu - khi Tổng thống Trump sẽ sớm quyết định có nên tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm. Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về cả hai mặt hàng trên.

tq3

Tổng thống Trump vẫn chưa cứng rắn với Trung Quốc như ông từng nói mình sẽ làm trong chiến dịch tranh cử - Ảnh : Getty Images

Và còn cuộc điều tra về việc Trung Quốc xâm phạm sở hữu trí tuệ, hay Điều 301, các kết luận điều tra sẽ sớm được công bố.

Hiện tại, Tổng thống Trump vẫn chưa cứng rắn với Trung Quốc như ông từng nói mình sẽ làm trong chiến dịch tranh cử - một phần vì ông cần Bắc Kinh bên cạnh để thúc đẩy Bắc Hàn từ bỏ chiến lược nguyên tử hung hăng.

Tuy nhiên với áp lực gia tăng từ những cử tri đã bầu cho ông, Tổng thống Trump có thể quyết định bây giờ chính là lúc cần phải thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của mình.

*********************

Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác : Cơ hội vàng cho kinh tế tái chế ? (RFI, 25/01/2018)

Đầu tháng Giêng 2018, quyết định chính thức ngừng nhập khẩu 24 loại rác thải công nghiệp và gia dụng của chính quyền Trung Quốc gây một cơn sốc đối với thị trường các nước phát triển. Phụ thuộc nặng nề vào ngành tái chế Trung Quốc, các nền kinh tế phát triển sẽ xoay sở ra sao sau quyết định này ? Tuy nhiên, nhiều doanh nhân và chính trị gia phương Tây cũng nhìn nhận rằng tình thế khó khăn nói trên là một cơ hội vàng cho sự bật dậy của "kinh tế tái chế", đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, gây tổn hại ít nhất cho môi trường.

tq4

Một tàu chở rác thải sang Trung Quốc qua ngả Hồng Kông. Ảnh : Getty Images/Gillian Tso

Chấn động

Trước hết về tác động gây sốc, hãng tin AFP có bài nhận định "Rác thải, Trung Quốc đóng cửa thùng rác ở nhà mình, hoảng loạn tại các nước giàu". Kể từ ngày 01/01/2018, nhà nhập khẩu rác số một thế giới đóng cửa với 24 loại rác thải rắn, trong đó có nhiều loại nhựa, giấy, vải vóc… Biện pháp này đã được Bắc Kinh thông báo trước đó sáu tháng, với lý do để bảo vệ môi trường.

Hiện tại hàng năm Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu khoảng một nửa rác thải nhựa đã qua tuyển lựa, trong đó 85% là xuất sang Trung Quốc. Về phần mình, Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc năm 2016 hơn một nửa lượng rác thải kim loại ngoài sắt, cùng với giấy và nhựa, tổng cộng khoảng 16,2 triệu tấn.

Về quyết định chính thức của Trung Quốc, ông Arnaud Brunet, giám đốc Văn Phòng Quốc Tế về Tái Chế (BIR), có trụ sở tại Bruxelles, phản ứng : "Đây là một cơn động đất… Nền công nghiệp chúng ta bị đặt trong tình trạng căng thẳng cao độ, bởi một điều đơn giản là Trung Quốc là thị trường số một thế giới về nguyên liệu tái chế".

Không có cửa đưa rác sang Trung Quốc, làm gì đây với các đồ thải này ? Giám đốc BIR hy vọng sẽ tìm ra các thị trường nhập khẩu mới để thay thế, cụ thể là Ấn Độ, Pakistan hay Cam Bốt. Tuy nhiên, chuyên gia về tái chế rác thải này cũng ghi nhận là điều này sẽ phải mất nhiều thời gian, và trong hiện tại, tình trạng rác thải ùn tắc tại Châu Âu chắc chắn sẽ là "một đe dọa lớn" về môi trường, bởi một số lớn trong lượng rác thải ùn tắc sẽ phải được đem đi chôn, một số khác sẽ bị đốt.

Riêng tại Mỹ, trả lời AFP, ông Brandon Wright - người phát ngôn của NWRA (Liên Đoàn Mỹ về Rác Thải và Tái Chế), cho biết "các doanh nghiệp đang tìm" nơi để đặt số chất thải dôi dư, thậm chí "một số buộc phải giữ tạm số rác thừa tại bãi đậu xe, hay tại các địa điểm của công ty ở xa".

Tiếp tục con đường cũ ?

Theo các ước tính "thận trọng" của Văn Phòng Quốc Tế về Tái Chế (BIR), ảnh hưởng trước mắt sẽ rất tiêu cực, khi lượng giấy thải xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ sụt giảm đến một phần tư năm nay so với 2016, lượng nhựa thải sẽ sụt giảm đến 80%, từ 7,35 triệu tấn xuống còn 1,5 triệu tấn.

Để hóa giải thách thức rất lớn này, một số doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan về triển vọng trung hạn, với việc chuyển dịch thị trường xuất khẩu rác sang các nước Châu Á, láng giềng với Trung Quốc, thậm chí ở Châu Mỹ Latinh. Đây cũng là quan điểm của công ti tái chế rác thải dân dụng số một nước Mỹ Wast Managemet. Theo người phát ngôn của công ti này, từ nhiều năm nay, họ đã làm việc với các đối tác tại Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan.

Cái khó ló cái khôn

Trái ngược với quyết định chuyển dịch thị trường nói trên, thực chất vẫn nằm trong lô gic khai thác kiệt quệ môi trường, chuyển dịch các gánh nặng sinh thái ra nơi khác (1), nhiều quốc gia phương Tây đang hướng đến một giải pháp triệt để (2).

Hôm thứ Ba, 19/01, vừa qua, Ủy Ban Châu Âu công bố chiến lược giảm mạnh lượng bao bì nhựa chỉ dùng một lần, để hướng đến mục tiêu 100% bao bì tái chế, từ nay đến năm 2030. Quyết định mới đây của Ủy Ban Châu Âu thể hiện quyết tâm lớn chuyển sang kinh tế Xanh của Liên Hiệp.

Chúng ta biết, hiện tại mới chỉ có 30% bao bì nhựa ở Châu Âu được tái chế, 39% được sử dụng làm năng lượng, phần còn lại là rác chôn. Ông Francs Timmermans, chính trị gia người Hà Lan, hiện là phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khuyến nghị : "Chúng ta cần sử dụng quyết định này (của Trung Quốc) để đặt chính mình thành vấn đề. Chúng ta hãy tự hỏi tại sao người Châu Âu chúng ta không thể tự tái chế rác thải của chính mình ?".

Không phân loại rác thải từ nguồn : Tổn thất khổng lồ

Việc Trung Quốc từ chối nhập rác quốc tế là một cơ hội lớn cũng là quan điểm của ông Arthur Lepage, chủ tịch công ty Pháp Excelrise chuyên về bao bì, một công ty đang được đánh giá là phát triển nhanh với nhiều hứa hẹn.

Trả lời tạp chí Environnement-magazine.fr : lãnh đạo công ti Excelrise nhấn mạnh đến một "cơ hội lịch sử", "một tiềm năng kinh tế thực sự". Bởi riêng về rác thải nhựa thị trường Pháp hàng năm phải chuyển sang Trung Quốc khoảng 500.000 tấn. Doanh nhân Pháp vạch rõ các nhược điểm lớn của ngành tái chế tại Pháp, và cũng là của nhiều nước Châu Âu nói chung. Thứ nhất, về phía các doanh nghiệp, đó là việc các thiết bị và cơ sở "ít thích ứng" với việc tái chế rác nhựa. Thứ hai là, "thói quen của các đối tác truyền thống" trong lĩnh vực này là không đề cao việc phân loại rác thải ngay từ nguồn. Một thói quen xấu khiến, một mặt, rác thải giảm giá trị, và mặt khác giá thành xử lý lại tăng lên rất nhiều.

Theo ước tính của quỹ Ellen McArthur : chuyên về kinh tế tuần hoàn (circular economy), tổn thất toàn cầu hàng năm - riêng về kinh tế - do việc rác thải không được xử lý tốt nói trên là từ 80 đến 120 tỉ đô la.

Cần học hỏi "thói quen Thụy Điển"

Nhà doanh nghiệp Pháp cũng nhắc đến kinh nghiệm dẫn đầu của Thụy Điển, quốc gia được biết đến như là nơi mà 99% rác thải được tái chế. Theo một số thông tin mới đây, chính Thụy Điển đã phải tính tới việc nhập khẩu rác thải từ một số nước láng giềng, để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tái chế đang phát triển mạnh. Bí quyết của mô hình thành công Thuỵ Điển là "văn hóa tái chế" đã bắt rễ trong đời sống xã hội, người Thụy Điển có thói quen phân loại rất tỉ mỉ mọi đồ thải loại trong đời sống hàng ngày, từ sách báo, bao bì đến kim loại…

Để tiến nhanh đến mục tiêu 100% bao bì được tái chế từ nay đến 2030, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tái chế nói chung, nhà doanh nghiệp Pháp đề nghị áp dụng một số biện pháp kiên quyết hơn. Trước hết thực hiện nghiêm ngặt quy định phân 5 luồng rác thải, bao gồm đồ nhựa, gỗ, giấy, kim loại và thủy tinh (Quy định vốn được đưa ra từ năm 2016). Lập ra các khoản tiền thưởng "đóng góp môi trường" cho các doanh nghiệp nào sử dụng vật liệu tái chế từ 50% trở lên, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng 100% vật liệu tái chế…

Trọng Thành

----

(1) Cho đến gần đây, công luận mới có thêm thông tin về tình trạng ô nhiễm nặng nề của ngành vận tải đường biển, vốn rất ít được biết đến. Báo chí thường đưa ra con số một tàu vận tải cỡ lớn gây ô nhiễm tương đương với một triệu xe hơi, do sử dụng nguồn dầu giả rẻ chất lượng kém (Xem bài La pollution insidieuse des géants des mers, Le Figaro, 07/08/2017).

(2) Quyết định của tư pháp Châu Âu điều tra về việc các tập đoàn lớn, như Apple, Epson hay Samsung, "cố ý hạn chế tuổi thọ của sản phẩm" trong thời gian gần đây cũng cho thấy xu thế đảo chiều của chính giới Châu Âu, trong bối cảnh ngành xuất khẩu rác mất thị trường tại Trung Quốc (xem thêm : Lần đầu Pháp điều tra về cáo buộc doanh nghiệp "hạn chế tuổi thọ sản phẩm", RFI, 10/01/2018).

Published in Quốc tế