Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Iran khuyến cáo Pháp : Không được đụng tới hiệp định hạt nhân (RFI, 12/11/2017)

Hiệp định về chương trình hạt nhân Iran "không thể mặc cả được". Trên đây là tuyên bố của bộ ngoại giao Iran nhắm vào tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo tin và bình luận của hãng thông tấn chính thức Irna.

trungdong1

Một mô hình tên lửa và chân dung của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei trên quảng trường Baharestan, Teheran, ngày 27/09/2017. Reuteurs/Nazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA

Theo nguồn tin trên, được AFP lược thuật ngày 12/11/2017, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran, Bahram Ghassemi, cho biết "đã nhiều lần giải thích với các nhà lãnh đạo Pháp là "Kế hoạch hành động chung (hiệp định 2015) không thể đàm phán (lại) và cũng không thể thêm vào văn kiện đó những vấn đề khác". Mặt khác, theo ông Bahram Ghassemi, "nước Pháp biết rất rõ lập trường bất di bất dịch của Iran, đó là về phương tiện quốc phòng cũng không mặc cả được".

Những lời khuyến cáo này, theo AFP, nhắm vào tổng thống Pháp trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và các nước vùng Vịnh. Hôm 08/11, trả lời phỏng vấn của của báo Al-Ethiad khi viếng thăm Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố "cần phải cứng rắn với Iran về các hoạt động của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran".

Trước những đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hủy hiệp định hạt nhân ký với Iran, tổng thống Pháp nhiều lần đề nghị "đối thoại với Teheran về chương trình tên lửa đạn đạo, về ảnh hưởng của Iran tại Syria" cũng như "gắn liền" việc tiếp tục thi hành hiệp định hạt nhân với mở thương lượng về chương trình tên lửa và an ninh khu vực, với Iran.

Bahrein tố cáo Iran phá hoại đường ống dẫn dầu

Từ ngày 11/11, đường ống dẫn dầu nối liền Ả Rập Xê Út với Bahrein phải ngưng hoạt động sau một vụ hỏa họa. Ngoại trưởng Bahrein, ngày 12/11, quy trách nhiệm cho Iran, gọi đây là một hành vi khủng bố, "nhằm gây thiệt hại cho ngành dầu hỏa toàn cầu". Teheran bác bỏ các cáo buộc trên. Trong một thông cáo, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran Bahram Ghassemi cho rằng đây là một lời vu khống.

Bahrein, một quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Sunni, thường xuyên lên án Iran kết cấu với cộng đồng người Bahrein theo hệ phái Shia gây bất ổn cho tiểu vương quốc này. Từ 2011, chính quyền Manama thẳng tay đàn áp hàng trăm người Bahrein theo hệ phái Shia.

Tú Anh, Thanh Hà

******************

Căng thẳng với Iran, Saudi Arabia kêu gọi kiều dân rời Liban (RFI, 10/11/2017)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ đến Riyad, gặp thái tử nối ngôi Mohammed Ben Salman. Lý do là tình hình Trung Đông căng thẳng đột biến, nhất là giữa Saudi Arabia và Iran, trên hai điểm nóng : Liban và Yemen.

trungdong2

Thái tử nối ngôi Saudi Arabia Mohammed Ben Salman tại Riyad, ngày 24/10/2017. Reuters/Hamad I Mohammed/File Photo

Trước tiên, Riyad tố cáo Iran cung cấp tên lửa cho phe Houti-Shia tại Yemen pháo kích Saudi Arabia nhưng bị bắn chận. Tiếp theo đó, thủ tướng Liban, Saad Hariri, được Saudi Arabia hậu thuẫn, từ thủ đô Riyad, tuyên bố từ chức và tố cáo Iran thông qua tổ chức Hezbollah-Liban khuynh đảo chính trường Liban. Hezbollah, cũng như Teheran, bác bỏ cáo buộc này và tung tin thủ tướng Liban bị Riyad quản thúc.

Căng thẳng tăng thêm một nấc kể từ thứ Năm 09/11 : Riyad và các đồng minh vùng Vịnh kêu gọi kiều dân rời Liban. Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Báo chí Riyad nói đến nguy cơ chiến tranh trong khi Beyrouth đòi thủ tướng phải trở về nước.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :

"Một bộ trưởng thân cận với tổng thống Liban khẳng định với RFI rằng Liban coi như thủ tướng của họ đang bị bắt giữ tại Riyad. Một nguồn tin thân cận với ông Saad Hariri được Reuters trích dẫn cũng khẳng định chính quyền Saudi Arabia đã ra lệnh cho lãnh đạo Liban phải từ chức và quản thúc ông.

Đảng của Saad Hariri, tổ chức chính trị lớn nhất của hệ phát Sunni tại Liban, cùng phe của họ trong Quốc Hội đã ra thông cáo nhận định rằng : "Việc lãnh đạo chính phủ trở về là cần thiết để phục hồi phẩm giá và duy trì cân bằng trong và ngoài Liban trong khuôn khổ tôn trọng tính chính đáng của đất nước".

Tổng thống Michel Aoun đã cử các phái viên đến thủ đô nhiều nước, trong đó có Paris, để thông báo tình hình của Saad Hariri và kêu gọi các nước can thiệp để thủ tướng Liban có thể trở về Beyrouth. Trong trường hợp các kênh trung gian thất bại, Liban sẽ chính thức thông báo thủ tướng của họ đã bị cưỡng bức giữ lại ở Riyad.

Đại sứ Nga tại Beyrouth, Alexander Zasypkin, đã tuyên bố hôm qua rằng nếu hoàn cảnh của thủ tướng Liban không được làm sáng tỏ, Moskva có thể đưa vấn đề này ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".

Sáng 10/11, trên đài Europe 1, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian không giấu lo ngại chính sách bá quyền của Iran. Trước đó, thông cáo của Điện Elysée về chuyến công du bất ngờ của tổng thống Pháp tại Riyad, cho biết cần phải "ngăn chận mưu đồ bá quyền của Teheran" cho dù không đồng ý với thái độ mà ông gọi là "quá cứng rắn" của Saudi Arabia.

Anh Vũ, Tú Anh

Published in Quốc tế

Qatar : "Vật tế thần" của Saudi Arabia

Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập và Ai Cập hôm 05/06/2017, thông báo cắt đứt bang giao với Qatar, bị cáo buộc là ủng hộ khủng bố. Tuy nhiên, theo báo chí Pháp ngày 06/06/2017, đàng sau lời cáo buộc là cuộc chiến tranh giành "ảnh hưởng" giữa Saudi Arabia và Qatar.

saudi1

Thủ đô Doha nhìn từ trên cao. REUTERS/Fadi al-Assad

"Khủng hoảng vùng Vịnh : Qatar bị Saudi Arabia cô lập", "Qatar bị các vương quốc vùng Vịnh cô lập", "Qatar trước thách thức bị cô lập tại vùng Vịnh" là các bài viết trên Les Echos, La CroixLe Figaro. Với cáo buộc "Qatar đón nhận nhiều nhóm khủng bố để gây bất ổn khu vực như tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo (Ai Cập), Daesh và al-Qaeda", Saudi Arabia và các đồng minh quyết định đoạn tuyệt bang giao, ra lệnh đóng cửa biên giới, không phận và hải phận. Cấm các công dân nước mình đến Qatar và ngược lại. Chính sách cô lập có hiệu lực ngay tức thì.

Le Figaro lưu ý, thông báo này đưa ra chỉ sau vài ngày xảy ra khủng bố ở Luân Đôn, sau chừng 15 ngày chuyến công du Riyad của tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính trong chuyến công du này, tổng thống Mỹ cùng với Saudi Arabia và các đồng minh đúc kết một thỏa ước chống Iran, cáo buộc nước này gây bất ổn Trung Đông.

Quả thật, trong khoảng 20 năm qua, Qatar đã tiếp nhận nhiều lãnh đạo Hồi giáo đối lập đến từ các nước Tunisia, Ai Cập, Syria… mà nhiều người trong số này đã bị các nước đó liệt vào danh sách phần tử khủng bố. Tuy nhiên, cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố chỉ là một cái cớ.

Qatar bị cô lập : Hậu quả của trò chơi hai mặt ?

Như phân tích của Libération, trong bài viết có tựa đề : "Cô lập Qatar : Saudi Arabia đang lợi dụng vùng Vịnh", chính "sự ủng hộ của Donald Trump như tiếp thêm sức cho Saudi Arabia để củng cố vai trò lãnh đạo trong khu vực và đường lối cứng rắn với Iran của nước này".

Đàng sau những cáo buộc đó, quyết định đoạn tuyệt bang giao này chủ yếu nhằm làm suy yếu sự năng động của nền ngoại giao Qatar và làm dấy lên những căng thẳng với Iran. Vào lúc Riyad, vốn theo hệ phái Sunni- wahhabit, muốn thiết lập một trục Sunni hùng mạnh để đối phó với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hệ phái Shia, thì Qatar kêu gọi cải thiện quan hệ giữa các nước Ả rập với Tehran.

Theo ông Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Thế giới Ả rập và Địa Trung Hải tại Genève, Thụy Sĩ, được Libération trích dẫn, thái độ của Qatar với Iran chưa phải là nguyên do chính. Bởi vì, có nhiều thành viên khác trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh CCG, trong đó có Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất hiện đang duy trì mối quan hệ lân bang đúng mực với Tehran.

Về điểm này báo Le Figaro có giải thích thêm ngoài chính sách ngoại giao dựa trên sự hòa giải, đất nước Qatar nhỏ bé – diện tích chỉ bằng vùng Ile-de-France của Pháp (hơn 12.000 km²), lại chia sẻ cùng với Iran một vùng khai thác khí đốt rộng bao la tại vùng Vịnh. Theo thông tin của Les Echos, "Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt hóa lỏng hàng đầu, chiếm gần 1/3 thị phần thế giới. Qatar chỉ đứng sau Iran và Nga về nguồn dự trữ thế giới khí đốt".

Chính vì điểm này mà Doha luôn có một thái độ chừng mực với Tehran. Chính sách này cũng được Kuwait và vương quốc Oman đồng chia sẻ và không theo chân Saudi Arabia cô lập Qatar. Nhưng điều này Saudi Arabia đã biết từ lâu, như nhận xét của một nhà ngoại giao Ả rập với Le Figaro. Câu hỏi đặt ra : "Vì sao vụ việc lại xảy ra vào lúc này ? Phải chăng do Qatar đã từ chối tham gia vào cuộc chiến chống Iran như ý muốn của Washington và Riyad ?"

Về phần mình, ông Hasni Abidi trên Libération, lưu ý là "sự chia rẽ này ngay trong lòng CCG – vốn dĩ là một tổng thể khu vực gắn kết và thành công, mà Iran luôn xem đấy như là một hiểm họa – chỉ có thể có lợi cho Iran mà thôi".

Vẫn theo ông Hasni Abidi, khi đưa sự đối đầu với Iran lên hàng đầu, "Saudi Arabia còn muốn làm quên đi những thất bại trong các chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là trong cuộc chiến tại Yemen". Bị lún sâu trong cuộc xung đột này từ hai năm qua, liên minh quân sự Ả rập dưới sự chỉ huy của Riyad đã tìm thấy cho mình vật tế thần : Đó là Qatar.

Anh Quốc : Chiếc ghế thủ tướng của Theresa May lung lay vì khủng bố

Dư âm vụ khủng bố tại Luân Đôn tiếp tục làm hao tốn giấy mực trên của các tờ báo Pháp. Sau những xúc cảm, đến lúc các chính khách Anh chỉ trích lẫn nhau. Vụ tấn công khủng bố làm 7 người chết và 48 người bị thương, bắt đầu tác động lên cuộc bầu cử Quốc Hội sắp diễn ra trong hai ngày nữa (08/06/2017).

Le Figaro : "Khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Luân Đôn : sau xúc cảm là tranh cãi". "Tại Luân Đôn, tang tóc và tranh luận bầu cử về an ninh", tựa của Libération. Vụ tấn công khủng bố mới đây, vụ thứ ba trong vòng có ba tháng đã thổi bùng lên cuộc tranh luận về vấn đề an ninh và mô hình xã hội theo cộng đồng.

Báo Le Figaro trong bài viết đề tựa "Tấn công khủng bố ở Luân Đôn : sau đoàn kết là giận dữ" cho hay phe đối lập Công Đảng đã chỉ trích thủ tướng Theresa May, trong vòng 6 năm làm bộ trưởng Nội Vụ, dưới thời thủ tướng David Cameron, đã cắt giảm mạnh ngân sách cho an ninh.

Cụ thể, theo đô trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan, bà May đã giảm đến 22% ngân sách ngành cảnh sát. "Chúng tôi buộc phải đóng cửa nhiều trụ sở cảnh sát, bán nhiều tòa nhà và giảm hàng ngàn nhân viên công lực".

Vụ tấn công này không những đặt "Cuộc bầu cử Anh Quốc dưới áp lực" mà còn khiến cho "Hình ảnh của ‘bà đầm thép mới’ bị lung lay trong một cuộc tranh cử đầy khó khăn", tựa bài giải mã trên báo kinh tế Les Echos. Khó khăn là vì tiếng tăm của bà May chưa bao giờ cao. Trong vòng sáu năm nắm giữ chức bộ trưởng Nội Vụ, "công luận chưa hề biết gì về bà", như nhận xét của nhà phân tích Joe Twyman, thuộc viện thăm dò YouGov.

Bà chỉ dọn đến Downing Street sau khi David Cameron từ chức, sau thất bại cuộc trưng cầu dân ý Brexit, chứ không phải từ một cuộc bầu cử nào. Do đó, vẫn theo nhà phân tích, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu như điểm tín nhiệm bà bị sụt giảm.

Chính sách cộng đồng đã lỗi thời ?

Tuy nhiên, theo phân tích của nhà báo Adrien Jaulmes, qua hai vụ tấn công gần đây nhất, vụ khủng bố tự sát ở Manchester và vụ tấn công người bằng dao ở Borough Market tại Luân Đôn, "Nước Anh phát hiện những giới hạn của mô hình theo cộng đồng".

Mô hình này xuất phát từ Hoa Kỳ trong thập niên 1980, cho phép các nhóm tôn giáo khác nhau được phát triển gần như là những xã hội song hành trên lãnh thổ Anh quốc. Nhiều tổ chức Hồi giáo tận dụng các quyền tự do dân sự truyền thống và chính sách tị nạn chính trị để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong những cộng đồng người nhập cư xuất thân từ Pakistan hay Trung Đông.

Và thế là lần lượt các hội đoàn tôn giáo, văn hóa hay từ thiện cũng như những tòa án Hồi giáo chuyên trách hướng dẫn người theo đạo Hồi trong các tranh chấp gia đình và hôn nhân lần lượt xuất hiện. Các đền thờ Hồi giáo mọc lên khắp nơi trong các thành phố của Anh và phụ nữ mặc khăn trùm toàn thân gần như nhan nhản tại những khu phố có đông người Hồi giáo. Tất cả những điều đó là biểu tượng cho sự khoan dung của Anh quốc, đối lập với Châu Âu lục địa nơi mà nạn bài Hồi giáo đang dâng cao.

Nhưng giờ đây, với các vụ khủng bố, người Anh phát hiện ra cả những mạng lưới Hồi giáo cực đoan ngay trên chính lãnh thổ mình, mà cú sốc đầu tiên là sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ. Nhân vật số 20 của vụ khủng bố từng hoạt động tích cực tại đền thờ "Londonistan", được khánh thành năm 1994 trước sự chứng kiến của thái tử Charles. Vị giáo chủ thì bị bắt vì tội xúi giục bạo lực và bị dẫn độ về Hoa Kỳ năm 2012, để rồi bị kết án tù chung thân vì hoạt động khủng bố.

Mười một năm sau, ngày 7/7/2005, người Anh lãnh tiếp một cú sốc thứ hai. Vụ khủng bố tầu điện ngầm tại Luân Đôn giết chết 52 người và hàng trăm người khác bị thương. Tác giả vụ tấn công này lại là ba thanh niên Hồi giáo, gốc Pakistan, được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Anh quốc.

Quả thật trong vòng 10 năm đầu của thế kỷ 21, vào lúc nước Anh tránh được các vụ tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan đang gieo rắc kinh hoàng khắp Châu Âu, ưu điểm của mô hình xã hội Anh quốc này dường như có hiệu quả.

Nhiều nhà bình luận cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chỉ là một phản ứng trước sự hụt hẫng của người theo đạo Hồi do bị xã hội ngăn cản họ sống theo đức tin, và rằng nước Pháp có lẽ đang gánh chịu hậu quả của chính sách thế tục mà nước này đang áp đặt. Và có lẽ vì thế mà một bộ phận giới trẻ theo đạo Hồi đã trở nên cực đoan hóa.

Nhưng các vụ tấn công gần đây đang phơi bày một sự thật khác hẳn. Nước Anh của Brexit quá đỗi tự hào về nét đặc trưng xã hội của mình đang khám phá ra là họ cũng đang phải đối mặt ngay trên chính lãnh thổ của mình với một tình trạng khủng bố cũng tương tự như các nước láng giềng Châu Âu khác.

Cả Châu Âu chống khủng bố

Cuộc chiến chống khủng bố giờ không của riêng ai. "Khủng bố, cả Châu Âu phải đối mặt" là tít lớn trên La Croix. Liên Hiệp Châu Âu cũng nhận thấy là đã đến lúc "trách nhiệm về việc củng cố an ninh giờ nằm trong chính tay mình (…) Chúng ta sẽ phải có khả năng tự hành động nếu thấy cần". Theo Le Figaro, ngày mai Liên Hiệp Châu Âu sẽ công bố một kế hoạch an ninh chung cho cả khối với những mục tiêu cho đến tận năm 2025.

Minh Anh

Published in Quốc tế