Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gió ngược mang ô nhiễm đến Bắc Kinh trong Đại Hội Đảng (RFI, 21/10/2017)

Tuy đã cấm các nhà máy và nhà hàng trong khu vực hoạt động để giữ cho bầu trời Bắc Kinh được xanh trong vào dịp Đại hội Đảng lần thứ 19, nhưng một làn gió ngược từ phương nam từ hôm qua 20/10/2017 đã mang đến những đám mây ô nhiễm, làm hỏng mất ngày đại lễ long trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc.

onhiem1

Lính canh bên ngoài Đại Sảnh Đường Nhân Dân, trong ngày khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc 18/10/2017. Reuters/Ahmad Masood

Trong bài diễn văn hôm khai mạc 18/10, tổng bí thư Tập Cận Bình đã hùng hồn tuyên bố : "Cần phải chận đứng nạn ô nhiễm ngay từ gốc, tiếp tục đấu tranh chống ô nhiễm không khí và giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu cho một bầu trời xanh".

Cả 2.300 đại biểu đồng loạt vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng bên ngoài Đại lễ đường Nhân Dân, tỉ lệ vi phân tử độc hại (có đường kính dưới 2,5 micron) đo được từ hôm qua đã vượt quá ngưỡng 200, theo công ty AirVisual. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tỉ lệ này tối đa chỉ có 25.

Nhà cầm quyền Trung Quốc, một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới, mỗi dịp hội nghị lớn đều muốn có được một bầu trời xanh trong trên màn ảnh truyền hình. Đến nỗi có lần người dân đặt tên là "màu xanh APEC", do nhờ hội nghị APEC, các nhà máy bị đóng cửa, mới thấy lại được màu trời xanh.

Trong Đại hội Đảng 19, các nhà máy luyện thép ở cách Bắc Kinh 160 km đã bị buộc phải ngưng hoạt động, các công trường xây dựng bị ngưng, thậm chí các nhà hàng bán món thịt nướng cũng bị tạm đóng cửa.

Tuy nhiên cơ quan khí tượng cho biết một trận gió đã ập vào thủ đô, mang theo khói mù từ các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng của các tỉnh miền nam đến Bắc Kinh. Đám mây độc hại "ô nhiễm ở mức trung bình đến cao" này sẽ tồn tại ít nhất là đến hết cuối tuần.

Thụy My

******************

Ô nhiễm : Sát thủ vô hình ác hơn cả chiến tranh, thiên tai hay dịch họa (RFI, 20/10/2017)

Trong năm 2015, cứ 6 ca chết yểu trên thế giới thì có 1 ca là do tiếp xúc với chất độc hại, tương đương với 9 triệu người thiệt mạng. Con số khủng khiếp này nằm trong một nghiên cứu quan trọng được tạp chí y tế Anh nổi tiếng The Lancet công bố hôm qua, 19/10/2017. Theo nghiên cứu này, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây tử vong hàng hàng đầu, tai hại hơn cả chiến tranh, bạo lực, thiên tai, đói nghèo và bệnh tật.

onhiem1

Không khí ô nhiễm tại New Delhi, Ấn Độ, nước đứng đầu thế giới về số tử vong. Ảnh ngày 20/10/2017. Reuters/Saumya Khandelwal

Theo hãng tin Mỹ AP, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nhà dịch tễ học Philip Landrigan thuộc Trường Y Khoa Icahn tại Mount Sinai, New York, thì cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm, nhưng các công trình này không được quan tâm như những nghiên cứu về bệnh SIDA/AIDS hay biến đổi khí hậu.

Theo ông : "Ô nhiễm là vấn đề rất lớn mà mọi người thường không để tâm bởi họ chỉ nhìn vào những khía cạnh manh múm sự việc".

Theo công trình nghiên cứu, ô nhiễm dưới mọi hình thức lại là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, và số lượng 9 triệu ca chết yểu (tức là chết không phải vì già yếu) được ghi nhận là do ô nhiễm, thực ra chưa đầy đủ, và trên thực tế số người chết do ô nhiễm chắc chắn lớn hơn.

Nhưng riêng con số 9 triệu chưa chính thức này đã cao gấp 1,5 lần số người chết vì hút thuốc, gấp ba lần tổng số người chết vì SIDA/AIDS, lao và sốt rét cộng lại, gấp 6 lần số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, và 15 lần số người thiệt mạng trong chiến tranh hoặc các hình thức bạo động khác, theo bản nghiên cứu Đánh Giá Gánh Nặng Bệnh Tật Toàn Cầu (Global Burden Disease) đang được Tổ Chức Y Tế Thế Giới kết hợp với Đại Hoc Washington ở Mỹ thực hiện.

Theo kết quả nghiên cứu, người dân ở Châu Á và Châu Phi bị tác động nhiều nhất từ ô nhiễm môi trường, trong khi ở cấp quốc gia thì Ấn Độ đứng đầu danh sách, với 2,5 triệu ca tử vong vì ô nhiễm, theo sau là Trung Quốc, với 1,8 triệu ca... Ngay cả tại các nước giầu, những khu dân cư nghèo nhất cũng là đối tượng chính bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường…

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế