Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO hôm 30/11/2021 họp tại Riga, Latvia để thảo luận về cách thức đáp trả việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại về khả năng Moskva xâm lược Ukraine gia tăng mạnh trong những ngày qua.
Một phiên họp Quốc hội Pháp, ngày 11/12/2014. © AP Photo/Francois Mori, File
Theo hãng tin Pháp AFP, văn bản "ủng hộ việc kết hợp Đài Loan với công việc của các tổ chức quốc tế và các diễn đàn hợp tác đa phương" đã được thông qua với 39 phiếu thuận. Trang tin chính thức của Đài Loan Taiwan Info nói rõ thêm là có hai phiếu chống và 3 người vắng mặt.
AFP ghi nhận là nghị quyết vừa được Quốc hội Pháp thông qua tương tự như một nghị quyết khác, đã được Thượng Viện Pháp thông qua ngày 06/05, một động thái đã gây ra căng thẳng với Trung Quốc.
Nội dung nghị quyết được hậu thuẫn của rất nhiều chính đảng nhưng không có giá trị ràng buộc, ủng hộ "việc tiếp tục các bước ngoại giao do Pháp thực hiện" nhằm giúp Đài Loan tham gia vào công việc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO.
Nghị quyết nêu bật "thành công" của "mô hình Đài Loan" về quản lý đại dịch Covid-19, và lấy làm tiếc rằng mô hình này không thể được chia sẻ vì lợi ích của tất cả các định chế quốc tế mà Đài Loan không được tham gia. Cho đến nay, Trung Quốc là nước khăng khăng ngăn chặn không cho Đài Loan gia nhập hay tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế.
Theo AFP, nghị quyết của Quốc hội Pháp cũng chứa đựng một điểm công kích khác nhắm vào Bắc Kinh khi nhấn mạnh rằng : "Đài Loan đã phát triển một hệ thống chính trị đa nguyên sinh động và một đời sống dân chủ sôi động, phát huy nhân quyền và một nền văn hóa dân chủ dựa trên các giá trị mà cư dân của họ gắn bó".
Văn kiện còn ghi nhận rằng Đài Loan, nằm giữa một khu vực đang chịu nhiều căng thẳng địa chiến lược gay gắt, "luôn thể hiện thái độ hòa bình, xây dựng và hợp tác trên quy mô toàn cầu".
Nghị quyết cũng kêu gọi "mở rộng" các nỗ lực để Đài Loan tham gia vào các cơ quan hợp tác quốc tế khác như tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ICAO/OACI, Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol hoặc Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu UNCAC/CNUCC.
Theo AFP, văn bản này mang chữ ký của gần 200 dân biểu của cả phe đa số lẫn phe đối lập, trong đó có Christophe Castaner, chủ tịch của nhóm Cộng hòa Tiến Bước LREM, Damien Abad thuộc nhóm Những Người Cộng hòa LR, Patrick Mignola, nhóm cánh Trung MoDem, Valérie Rabault đảng Xã Hội PS… Riêng hai Đảng cộng sản và Nước Pháp Bất Khuất LFI đã không ký vào văn kiện.
Trọng Nghĩa