Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 04 janvier 2017 13:22

Làm sao tránh lạm chi do đãi khách ?

daikhach1

Ảnh minh họa

Để tránh khó xử cho địa phương, các cơ quan có ý định đến một địa phương nào đó để tổ chức hội nghị rồi kết hợp tham quan du lịch, nghỉ dưỡng thì nên chấm dứt việc xin địa phương đăng cai tài trợ một phần cơ sở vật chất, hoặc hỗ trợ các cuộc giao lưu, các bữa tiệc bất đắc dĩ làm địa phương khó xử.

VietNam.net hôm 31/12/2016 đăng bài viết "Thật khâm phục : Tiếp khách kiểu gì mà lên hàng tỉ ?" của tác giả Châu Phú với những ví dụ khá sống động, cụ thể về thực trạng chi tiếp khách ở các địa phương khiến chúng ta càng thêm buồn lòng và lo lắng cho đất nước đang lúc khó khăn bộn bề bởi nợ công, nợ xấu ngân hàng và nợ đến kỳ đáo hạn... Tất cả đang là gánh nặng không nhỏ khi nền kinh tế Việt Nam đang rất thiếu vốn để phát triển...

Tác giả viết : "...xem kỹ, nghe kỹ lại thấy có vẻ như vụ sau "nhớn" hơn vụ trước và nói như ông bạn tôi là… đáng khâm phục hơn (!) vì không thể hiểu nổi người ta "tiếp khách" cách gì, kiểu gì, ngày ăn mấy bữa, uống mấy loại bia, rượu, ngủ nghỉ khách sạn hạng mấy sao, quà cáp nặng nhẹ thế nào mà cuối năm cộng lại cứ hàng chục, trăm triệu, thậm chí hàng tỉ ? Thì đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương năm kia "nợ" 300 triệu tiền tiếp khách. Nếu không có cái văn bản xin kinh phí kia thì ai mà biết được ? Cũng nếu không có Thanh tra vào cuộc thì ai biết nổi câu chuyện Bảo hiểm tiền gửi VN trong các năm 2011-2013 làm thất thoát tới cả trăm tỉ đồng, trong số đó chi tiếp khách hết 22,6 tỉ đồng. Và mới đây, chưa có kết luận chính thức nhưng số tiền chi tiếp khách một năm lên tới 3,2 tỉ đồng của Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai hiện đang khiến dư luận nóng hơn bao giờ hết…".

Tôi chưa biết nội vụ HĐND tỉnh Gia Lai đã thực chi tiếp khách thế nào và có cần thiết không vì đến giờ cũng mới chỉ thông tin nội bộ trong tỉnh, chưa có báo cáo công khai. Song, với một tỉnh nghèo trên cao nguyên như thế thì có nhiều chuyện đáng suy nghĩ.

Với những tỉnh có di tích và danh thắng nổi tiếng, những địa phương là điểm du lịch nghỉ mát thì nhiều khi tiếp khách cũng đã là câu chuyện dài, gây khó khăn lớn cho địa phương mỗi khi có mùa lễ hội, mùa nghỉ mát đến. Chẳng hạn như với các tỉnh thành miền biển, nơi có điểm nghỉ mát tốt (như Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Thuận, Kiên Giang... ; hoặc là miền núi như Lào Cai (với Sa Pa), như cao nguyên Lâm Đồng (với Đà Lạt)... ; hoặc các địa phương có lễ hội lớn như Nam Định (Đền Trần), Huế (Festival )... thì khổ chủ quá "thấm đòn" chuyện này. Đó là câu chuyện "được" đãi khách bất đắc dĩ mỗi khi tỉnh, thành bạn đến thăm, giao lưu, hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo "kết hợp" nghỉ dưỡng, tham quan ở địa phương mình...

Tôi đã có dịp tiếp xúc với một lãnh đạo cấp sở của một địa phương có lễ hội rất lớn được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Ông thật lòng cho hay : Tỉnh ông từ lâu đã phân cấp đón khách về tỉnh dự lễ hội và xem như đã thành thông lệ. Đồng nghiệp của sở, ngành nào thì sở, ngành ấy sẽ có trách nhiệm tiếp khi họ đến. Riêng cấp cao hơn thì tỉnh sẽ đón. Vậy là mỗi sở, ngành đều đặt cơm đón khách, dù không phải thịnh soạn gì thì cũng phải đầy đặn, coi cho được. Như vậy cũng đã rất tốn kém và năm nào cũng đều buộc họ phải lên kế hoạch dự trù kinh phí đón "khách không mời mà tới !" từ năm trước. Đó là chưa kể cảnh "khách 3 chủ nhà 7", dù không muốn dự thì gia chủ cũng cắt cử cán bộ phải ngồi cùng chứ "chả nhẽ" không ai tiếp ? Việc này cũng khiến cho đã tốn lại càng thêm tốn ngân quỹ.

Với những tỉnh có địa danh du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng, ngoài niềm tự hào và sự hãnh diện nhất định, họ cũng cực vô cùng khi tới mùa và không khác gì câu chuyện mà tôi kể nói trên.

Gần đây, nhiều địa phương đã có "sáng kiến" đẩy quả bóng tiếp khách đến với địa phương họ dạng này bằng cách cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quay vòng lo giúp vì nếu không, thực tế cũng không thể kham nổi. Tôi cho rằng việc này có lẽ cũng không phải là hay gì vì doanh nghiệp hôm nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, kiếm được đồng tiền cũng không dễ.

Tôi cũng từng nghe một đại gia ở một địa phương có thế mạnh về du lịch kể cho nghe rằng, mỗi năm, với đủ các đối tượng khách khác nhau, ông phải tiếp thay lãnh đạo tỉnh vài nghìn người. Ông nói vui, có nhiều khi, lãnh đạo tỉnh bận quá, không đến dự, ông lại có "vinh dự làm lãnh đạo thay" rồi phát biểu thay : "Được phép thay mặt cho lãnh đạo địa phương, tôi xin nhiệt liệt đón chào quý khách đã đến với tỉnh chúng tôi. Và bây giờ xin mời quý vị nâng ly !".

Nghe thì thấy cũng "oai", nhưng với doanh nghiệp thì có lẽ cũng quá mệt khi tiền đã bỏ ra lại còn mất thêm thời gian...

Khoảng dăm tháng trước, tôi được một cựu bộ trưởng kể cho nghe một câu chuyện. Ông cho biết trong một lần đi du lịch cùng gia đình, dù đã cố ý không nói với bạn bè ở địa phương đó hay biết gì nhưng không hiểu sao rồi cũng lộ ra. Tỉnh nọ tha thiết mời cơm ông. Do cũng khó từ chối vì là chỗ anh em thân quý nhau nên ông nhận lời.

Nhưng rồi hôm sau, ông nhận được điện thoại của một doanh nghiệp và được anh tự giới thiệu, tha thiết muốn được mời cơm ông. Ông cũng có biết anh nhưng không thật thân thiết lắm vì cũng chưa khi nào anh nhờ ông điều gì. Ông hỏi : "Hồi trước, tớ cũng có giúp gì cậu đâu mà sao nay tớ đã nghỉ, cậu lại mời cơm tớ ?". Anh chân tình : "Thì đúng là như thế, nhưng chúng em rất quý bác, rất khoái khi được nghe bác nói chuyện. Tuy chúng em cũng chưa nhờ bác chuyện gì cụ thể. Nhưng có nhiều việc, tụi em đã được rất nhiều trong làm ăn. Đó là nhờ có quan điểm thông thoáng của bác mà chính sách của ta có cởi mở hơn. Vì thế nên tụi em làm ăn cũng dễ hơn. Em nói thật, rất mong bác cho em vinh hạnh này và cả những lần sau, khi xuống địa phương chúng em, mong bác dành cho em được vinh dự trực tiếp đón bác. Lâu nay, tỉnh em mà có tiếp khách thì cũng hay nói tụi em lo giúp, chứ thực tình tỉnh đâu có gì mà lo !"...

Thì ra là vậy ! Và điều đó làm ông phải suy nghĩ.

Từ những thực tế nói trên, tôi nghĩ, để tránh khó xử cho địa phương, các cơ quan có ý định đến một địa phương nào đó để tổ chức hội nghị rồi kết hợp tham quan du lịch, nghỉ dưỡng thì nên chấm dứt việc xin địa phương đăng cai tài trợ một phần cơ sở vật chất, hoặc hỗ trợ các cuộc giao lưu, các bữa tiệc bất đắc dĩ làm địa phương khó xử.

Nên nhớ, cho đến nay, số các tỉnh, thành trong cả nước có thể tự lực, không phải xin trung ương cấp ngân sách hàng năm cho chi tiêu cũng vẫn chỉ là con số nhỏ nhoi đếm trên 10 đầu ngón tay. Còn lại đều phải chờ "bầu sữa" trung ương chu cấp. Như vậy thì các địa phương chịu sao nổi chuyện đãi khách kiểu như trên ? Người Việt vốn lại có truyền thống hiếu khách... nên nếu chúng ta không nghiêm túc suy nghĩ trong chuyện này, tôi nghĩ sẽ còn tiếp tục xảy ra những ví dụ tương tự như tác giả Châu Phú nêu dẫn chứng ở đầu bài viết này. Lúc đó, cả hai đều sẽ rất ngượng khi "há miệng mắc quai" nếu bị thanh tra, và lúc đó sẽ bêu tên đơn vị "được" họ chiêu đãi thì xấu hổ lắm !

Quốc Phong

Nguồn : Một Thế Giới, 04/01/2017

Additional Info

  • Author Quốc Phong
Published in Diễn đàn