Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau Brexit, Anh sẽ áp dụng luật đặt thang bậc 70 điểm nhận lao động có tay nghề nhập cư với trình độ tiếng Anh được 10 điểm.

brexit1

Chế độ thang điểm mới ưu ái chuyên gia, người có tay nghề cao hơn là lao động phổ thông

Dù luật về lao động nhập cư đã được nêu trong Diễn văn khai mạc Nghị viện Anh hồi tháng 12/2019, chính phủ Anh nay mới chính thức công bố văn bản về chính sách nhập cư hậu Brexit.

Quy chế mới này, áp dụng từ 2021, khi Anh hết thời kỳ chuyển tiếp năm nay đã học theo cách tính điểm của Úc, Canada và New Zealand nhưng không giống hẳn.

Anh sẽ đề ra bảng 70 điểm, gồm cả điểm cho trình độ nói và sử dụng tiếng Anh trong ngành nghề mà Anh cần.

brexit2

Một ví dụ về cách tính điểm theo bảng điểm nhập cư vào Anh

Cho tới nay, công dân EU vào Anh có thể làm việc mà không cần chứng nhận biết nói tiếng Anh vì mọi ngôn ngữ của các nước thành viên EU được công nhận bình đẳng.

Hệ thống điểm số mới để cấp visa lao động vào Anh gồm ba phần :

1. Phần bắt buộc gồm :

- Giấy mời và hợp đồng lao động từ chủ lao động : 20 điểm

- Tay nghề được công nhận : 20 điểm

- Tiếng Anh ở trình độ cần thiết cho nghề đó : 10 điểm

2. Phần về thu nhập tối thiểu :

- £20.480 - £23.039 bảng Anh/năm : 0 điểm

- £23,040 - £25.599 bảng Anh/năm : 10 điểm

- Từ £25.600 bảng Anh/năm trở lên : 20 điểm

3. Phần cho thêm điểm :

- Nghề trong lĩnh vực Anh đang thiếu : 20 điểm

- Bằng tiến sĩ (PhD) cho nghề cần tuyển : 10 điểm

- Bằng tiến sĩ trong bộ môn STEM : 20 điểm

Nhìn chung, có ba nhóm điểm chuẩn chính là trình độ tay nghề, mức lương trong giấy mời tới Anh làm việc, và nhu cầu công việc cụ thể trên thị trường lao động tại Anh.

Nói ngắn gọn thì Anh Quốc muốn giảm số lao động phổ thông, tay nghề thấp (lower-skilled workers), và hướng tới nhân công có tay nghề cao.

Theo báo Times ở London, chính phủ Anh muốn "8 triệu người đang không hoạt động kinh tế gì" (economically inactive) ở nước này nhận các công việc thay cho nhân công từ EU".

Bộ Nội vụ Anh, cơ quan phụ trách Cục di trú, áp dụng quan điểm rằng sau khi chấm dứt tự do đi lại, cư trú với công dân EU, các doanh nghiệp Anh cần tự thích ứng vì sẽ không còn nguồn lao động thu nhập thấp từ EU nữa.

Bộ trưởng Nội vụ, bà Priti Patel nói "hệ thống mới này nhằm mời gọi các tài năng sáng nhất, tốt nhất đến cho nước Anh".

brexit3

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Priti Patel nhấn mạnh đến nhu cầu tuyển người có tay nghề cao, 'thông minh và giỏi' vào Anh

Theo Bộ Nội vụ, công ty tuyển lao động cần tránh phụ thuộc vào nguồn nhập cư, mà phải đầu tư vào nhân công đã tuyển dụng để giữ chân họ, cũng như đầu tư vào công nghệ cao, tự động hóa.

Ngoài ra, chừng 3,2 triệu công dân EU đã xin ở lại Anh sẽ giúp bổ sung nhân công vào thị trường lao động, theo cách nhìn nhận của chính phủ Anh.

Quan điểm này hiện gặp phải ít nhiều chỉ trích từ các giới.

Còn về nhu cầu lao động vụ mùa, chủ yếu trong thu hoạch rau quả, chính phủ Anh tăng quota lên 10 nghìn giấy phép một năm, và đưa ra thỏa thuận "di chuyển cho thanh niên" (youth mobility arrangements) để chừng 20 nghìn người trẻ có thể tới Anh làm việc mỗi năm.

Việc cần có hệ thống thang điểm rõ ràng không chỉ giúp Anh đủ nhân công cho nền kinh tế mà còn gián tiếp làm giảm dòng người nhập cư lậu, theo các nhà quan sát.

Vụ 39 người Việt chết trong xe thùng trên đường vào Anh hồi tháng 10/2019 đã gây ra cuộc tranh luận tại Anh, kể cả trong Quốc hội, về hành lang pháp lý cho lao động vào Anh chính thức, hợp pháp.

Một chính sách nhập cư rõ ràng cho người ngoài EU có thể giúp tránh thảm họa di cư trái phép, vừa nguy hiểm, vừa gây ra các vấn đề thuế, hình sự cho Anh.

Khó hơn cho dân EU, dễ hơn cho bên ngoài

Đối với người từ ngoài EU, thì quy chế tuyển dụng lao động vào Anh là dễ dãi hơn trước, theo Danny Shaw, phóng viên chuyên về nội vụ của BBC News.

Nhưng với công dân EU sang Anh thì chế độ mới này sẽ "là cú sốc", ông Danny Shaw viết.

"Họ vốn đã quen di chuyển tự do giữa Anh và lục địa Châu Âu, nên quy chế mới này là cú sốc".

brexit4

Anh sẽ không cấp giấy phép lao động cho nghề phục vụ

Theo ông Danny Shaw, luật mới cho người EU sang thăm viếng Anh tới sáu tháng nhưng nếu muốn ở lại làm việc thì họ phải xin giấy phép lao động bình thường và phải đạt 70 điểm trong thang bậc đánh giá của Cục di trú.

"Sẽ không có giấy phép lao động cấp cho các nghề phục vụ, tay chân như làm dọn dẹp nhà hành, khách sạn, nhà dưỡng lão, chế biến nông sản".

Tuy thế, quy chế mới cũng cho vào hạng mục 'lao động có tay nghề' (skilled workers) các nghề như thợ mộc, thợ nề và trông trẻ.

Vấn đề là quy chế mới này có đủ để bù vào thiếu hụt của thị trường lao động, hay sẽ buộc các công ty "phải dọn đi làm ăn nơi khác ?", ông Shaw đặt câu hỏi.

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Quốc tế