Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Làm thế nào để phục hồi "Thiên Nhiên hoang dã" ?

Kinh tế là mối quan tâm chính của hai tuần báo L’Express L’Obs, lần lượt với các chủ đề : Không khí tranh đấu sôi sục trong giới chủ Pháp và "Dubai, miền đất hứa". Le Point có bài xã luận về sự sụp đổ của đế chế La Mã cổ đại, nhắc chuyện xưa để bàn việc hiện tại.  Tuy nhiên, ám ảnh sinh thái - môi trường và áp lực chuyển hướng sang nền kinh tế Xanh, đang ngày càng quyết liệt, vẫn là chủ đề xuyên suốt các tuần báo.

thiennhien1

Phục hồi Thiên Nhiên hoang dã nhờ vào các bộ tộc bản địa là giải pháp mà nhiều quốc gia, nhiều tổ chức thúc đẩy. Trong ảnh, một góc đại ngàn Amazon tại Ecuador, Nam Mỹ. © Wikipedia

Chủ đề chính của tuần san Courrier International là "Tiếng gọi của Thiên Nhiên hoang dã". Courrier International mở đầu số báo với nhận định của trang mạng Hoa Kỳ Grist.org : "Nhân loại đang đứng trước một vấn đề ở tầm mức chưa từng có : chúng ta đã chiến thắng được thế giới tự nhiên, vốn từng làm con người trước đây phải kinh sợ. Chiến thắng một cách oai hùng. Nhưng giờ đây, khi Thiên Nhiên đang biến mất, chúng ta lại mong muốn nó trở về".

Nói một cách chính xác, Thiên Nhiên mà Courrier International nói đến không phải là Thiên Nhiên nói chung mà là Thế giới của các sinh vật hoang dã đang đối mặt với cuộc "đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu". "Biến đổi khí hậu, cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu đang diễn ra, cùng đại dịch Covid… buộc nhân loại phải xét lại mối quan hệ với thế giới sinh vật", về mặt quan niệm, cũng như trong các hành xử cụ thể.

Courrier International đặc biệt chú ý đến phong trào trả lại đất đai cho các "thổ dân", đang diễn ra tại Mỹ, Canada, Úc… từ ít năm gần đây, với việc thừa nhận vai trò của các thổ dân trong việc vừa khai thác, vừa "bảo tồn và thậm chí phát triển đa dạng sinh học" tại nhiều không gian mênh mông từ ngàn xưa. Hiểu và công nhận việc các thổ dân quản lý thế giới tự nhiên "hiệu quả hơn" đi kèm với việc thừa nhận sự phá sản của quan niệm coi Thiên Nhiên hoang dã là "các nguồn tài nguyên cần khai thác triệt để", với "nông nghiệp thâm canh, đô thị hóa, phá rừng", bắt đầu "từ thế kỷ XIX". Phần cuối của mục điểm tuần báo sẽ tiếp nối chủ đề này.

Haiti, "nền cộng hòa da đen đầu tiên" : Độc tài tiếp nối độc tài

Hồ sơ thời sự chính trị số một của Courrier International tuần này là quốc đảo Haiti, vùng vịnh Caribbean, một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị, sau vụ ám sát tổng thống. Haiti là nơi những người nô lệ da đen nổi dậy thành công, và xây dựng được "một nền Cộng hòa da đen đầu tiên trong lịch sử".

Tuần san Pháp giới thiệu bài phân tích trên báo Anh Times, trở lại với những cội nguồn lịch sử khiến hòn đảo anh hùng này chưa bao giờ thoát khỏi các lãnh đạo độc tài, tham nhũng. Haiti từng là một trong các thuộc địa thịnh vượng nhất của đế chế Pháp giờ đây là quốc gia nghèo nhất Châu Mỹ. Haiti bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi, chính quyền độc tài và quản lý kém, các băng đảng tội phạm hoành hành. Đại dịch Covid-19 khiến tình hình thêm tồi tệ.

Bài "Hơn hai thế kỷ tham nhũng" của Times cũng nhắc lại những hậu quả tồi tệ tiếp theo cuộc nổi dậy giành độc lập năm 1804 đánh bật quân đội của Napoleon đệ nhất. Nước Pháp mất đi một thuộc địa cung cấp đến một nửa số lượng đường và café cho Châu Âu, đã buộc Haiti bồi thường thiệt hại, cho đến tận năm 1947. Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson cũng từ chối công nhận Cộng hòa Haiti, vì sợ cuộc nổi dậy sẽ mang lại "gương xấu" cho những người nô lệ da đen miền nam nước Mỹ, kích động họ đòi tự do.

Những cuộc chiến thất bại gần đây của phương Tây : Bài học và thách thức mới

Về chính trị quốc tế, Le Point có bài tổng hợp đáng chú ý với tựa đề "Chiến tranh : Những thất bại của phương Tây". Nhà báo Nicolaz Bavarez phân tích nguyên nhân của hàng loạt cuộc chiến thất bại, từ Afghanistan, Syria đến vùng Sahel, Châu Phi… Lý do chính : đánh giá thấp đối thủ và đánh giá quá cao bản thân. Mỹ hoặc Pháp đều đã không biến được các chiến thắng quân sự đầu tiên thành các thành quả, với sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Các cường quốc phương Tây cũng là nạn nhân của việc "đánh giá quá cao sức mạnh công nghệ" của mình, trong lúc đối phương lại "có lợi thế về thời gian, sự gần gũi với địa bàn, ủng hộ gia tăng của dân cư địa phương, và sự ủng hộ có ý nghĩa quyết định của các cường quốc khu vực, như Pakistan (với Afghanistan), hay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (trong trường hợp Syria và Libya)".

Theo Le Point, việc thừa nhận thất bại không phải là để buông vũ khí mà là lúc "các nền dân chủ của thế kỷ XXI" rút ra bài học, xác định lại chiến lược, cùng một lúc đối phó với thù trong giặc ngoài. Ba đối thủ chính được xác định là : "thánh chiến Hồi giáo", "chế độ toàn trị tư bản chủ nghĩa Trung Quốc" và các "chế độ độc tài dân cử (democrature)". Le Point đặc biệt nhấn mạnh việc các nền dân chủ phải có được đối sách chống lại phương thức chiến tranh đa diện của đối phương, mà một trong các mục tiêu chính là "công luận" của nước dân chủ, với các thủ đoạn bóp méo thông tin, can thiệp vào đời sống chính trị. 

Chuyển đổi lớn : Không khí sôi sục trong giới chủ Pháp

Thời sự kinh tế trong nước là chủ đề chính của L’Express tuần này, với tựa trang bìa "CAC 40 : Mọi đòn đánh đều được phép". "CAC 40", chỉ số chứng khoán đại diện cho 40 tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp, cũng dùng để chỉ giới chủ lớn của nước Pháp. L’Express ghi nhận : "Chưa bao giờ mà cái thế giới doanh nhân nho nhỏ của nước Pháp lại sôi sục đến như vậy… Không khí cuồng nhiệt này khiến tổng cộng bốn lãnh đạo doanh nghiệp bị hạ bệ, tính từ vụ tổng giám đốc của tập đoàn xuất bản Hachette mất chức hồi tháng 3".

Ngoài vụ các lãnh đạo tập đoàn bị hạ bệ, như Hachette hay Danone, là các cuộc cạnh tranh công khai và quyết liệt giữa tập đoàn xa xỉ số một thế giới LVMH và tập đoàn Mỹ Tiffany chuyên về đồ trang sức, có nhiều chi nhánh tại Pháp, giữa hai tập đoàn Pháp Suez và Veolia, chuyên về nước và xử lý rác thải, cuộc nội chiến của tập đoàn Lagardère chuyên về xuất bản, truyền thông, vụ sáp nhập bất thành giữa tập đoàn siêu thị Carrefour và tập đoàn Canada Couche-tard, hay hy vọng sáp nhập giữa hai hãng truyền hình lớn TF1 và M6…

Theo một luật sư biết rõ nhiều hồ sơ trong lĩnh vực này, "chưa bao giờ chỉ trong vòng một năm trời lại diễn ra nhiều biến động đến như vậy" : "Những liên minh chưa từng có" và "các phương pháp được sử dụng cũng chưa từng có". Gần như tất cả các đại gia của "chủ nghĩa tư bản Pháp" hoặc thụ động, hoặc chủ động cuốn vào cuộc chơi.

L’Express thuật lại hồ sơ này với 6 phần : "Điều chưa từng thấy", "Không còn thuyền trưởng", "Liệu ai còn nghe chính quyền ?", "Tôi có phải là người sống sót không ?", "Thời của các thẩm phán" và "Độc ác thì không dễ chịu, nhưng có ích".

L’Express đặt câu hỏi "có đáng lo về tình hình hiện nay không ?". Theo tuần báo Pháp, có nhiều tác nhân dẫn đến tình hình sôi sục hiện nay. Thứ nhất là, giai đoạn ra khỏi khủng hoảng đại dịch, với số lượng vốn khổng lồ đang được rót vào để chấn hưng kinh tế, tạo điều kiện cho "nhiều sáng kiến". Thứ hai là nền kinh tế Pháp đang trong giai đoạn "sáng tạo một mô hình kinh doanh mới trước các thách thức của chuyển đổi kỹ thuật số và năng lượng". Mệnh lệnh hành động khẩn cấp này buộc các lãnh đạo doanh nghiệp "phải hành động khẩn trương".

"Miền đất hứa" Dubai : Khi Độc tài và Tư bản kết hôn

Trong khi L’Express quan tâm trước hết đến kinh tế trong nước, thì L’Obs tập trung nói về một trung tâm kinh tế nước ngoài."Dubai, miền đất hứa" là hồ sơ chính của L’Obs. Thành phố Dubai, thủ phủ kinh tế của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là nơi cư trú của 17.000 người Pháp. Số người Pháp quan tâm đến Dubai tiếp tục gia tăng. Trong quý một năm nay, 62.000 du khách Pháp đến Dubai, đứng thứ ba sau Ấn Độ và Nga.

Lý do nào khiến Dubai thu hút nhiều người Pháp, đặc biệt là giới trẻ ? Dubai, thành phố với ngôi nhà chọc trời cao nhất thế giới xài tốn năng lượng khủng khiếp và một chế độ ít có thể coi là dân chủ, là một biểu tượng cho "sự thịnh vượng, ổn định giữa một khu vực nhìn chung chìm trong bất ổn", một biểu tượng cho nền kinh tế xài sang, phô trương hào nhoáng, bất chấp các khủng hoảng môi trường, "một mảnh đất hứa với một số người, nhưng lại là hình ảnh của địa ngục đối với nhiều người khác".

Tuần báo có bài xã luận "Nghịch lý Dubai", tóm lược những tương phản tột cùng của cái nơi mà nhiều người Pháp coi như một cõi thần tiên. Bên trong tòa nhà chọc trời, người ta có thể chơi trượt tuyết với băng nhân tạo, bên ngoài là cái nóng như thiêu như đốt. Sự phát triển "kỳ diệu" của Dubai dựa trên việc khai thác "nguồn nhân lực rẻ tiền từ Châu Phi và Nam Á", trong một chế độ chính trị cha truyền con nối, hoàn toàn vắng mặt các định chế dân chủ, như đảng phái chính trị, nghiệp đoàn. Ăn xin bị cấm, nhưng mãi dâm được phép.

L’Obs nhấn mạnh "Dubai cũng giống như nước Trung Hoa của Tập Cận Bình là nơi gặp gỡ của một chế độ chính trị độc đoán và chủ nghĩa tân tự do tàn bạo nhất", nơi chủ nghĩa tư bản, vô cùng mềm dẻo và linh hoạt, hòa hợp rất tốt với các chế độ chính trị sở tại, dù là "cộng sản" hay "hồi giáo, với tư cách một tôn giáo nhà nước".

L’Obs đặc biệt chú ý đến một lý do cụ thể khiến Dubai thu hút các đại gia : luật lệ tài chính bất minh khiến thành phố này trở thành "thiên đường cho những người tránh thuế". Các doanh nghiệp ở đây gần như không bị đánh thuế, kế thừa tài sản không phải chịu thuế, cũng không có thuế tiêu thụ (TVA). Một số điều tra của L’Obs gần đây cho thấy Dubai đã trở thành một trung tâm trốn thuế và rửa tiền hàng đầu thế giới. Nhiều ngôi sao truyền hình và nhân vật có ảnh hưởng người Pháp cư trú tại Dubai hiện đang là đích ngắm của Bộ Tài chính Pháp.

Ám ảnh đế chế La Mã sụp đổ và "phong trào tìm đường sống sót"

Dubai là ám ảnh của L’Obs như một biểu tượng của những bất công, phi lý tột cùng thời hiện đại. Ám ảnh của Le Point là sự sụp đổ của đế chế La Mã gần hai nghìn năm trước. Le Point liên tưởng giữa sự sụp đổ của La Mã năm xưa và ám ảnh về nguy cơ suy tàn và sụp đổ của phương Tây hiện, không chỉ đương đại, mà xuất hiện ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biệt đánh dấu bởi tác phẩm "Sự suy tàn của phương Tây", của triết gia Đức Oswald Spengler, tác phẩm bán rất chạy vào thời điểm đó. Le Point đề xuất cân nhắc hàng loạt nguyên nhân khiến đế chế La Mã sụp đổ, nhưng thiên về đe dọa đến từ các làn sóng di dân, và coi đây là một điều cần phải được xem xét nghiêm túc.

Cũng liên quan đến ám ảnh sụp đổ, tuần san Courrier International giới thiệu bài viết "Báo động về sự lớn mạnh của phong trào tìm đường sống sót" (survivalism) trên báo Tây Ban Nha ABC. Báo Tây Ban Nha dẫn một kết quả điều tra Pháp (do Ifop thực hiện theo đặt hàng của Quỹ Jean-Jaurès, công bố hồi 2019), theo đó 65% người Pháp tin rằng "nền văn minh như chúng ta biết hiện nay sẽ sụp đổ trong những năm tới". Theo ABC, tại Pháp hiện đã có khoảng 100 nghìn đến 150 nghìn người quyết định tìm kiếm các phương tiện để sống sót "qua các thảm họa môi trường, chiến tranh chủng tộc, nội chiến tôn giáo, hay sụp đổ của một số quốc gia". Cái nhìn có hơi hướng ngày tận thế như vậy được chia sẻ nhiều trong giới những người học vấn thấp nhất, có điều kiện sống bấp bênh nhất (vẫn theo điều tra của Ifop cho Quỹ Jean-Jaurès, tỉ lệ tương tự ở một số quốc gia khác là Ý - 71%, Anh - 56%, Mỹ - 52%, Đức - 39%).

Theo nghị sĩ theo chủ thuyết môi trường Aurélien Taché, "phong trào tìm đường sống sót" này là "một dạng hố đen" trong đời sống xã hội của nước Pháp. Cơ quan An ninh Nội địa (DGSI), thuộc Bộ Nội vụ Pháp, đã báo động về nguy cơ chuyển sang cực đoan của nhiều người theo "chủ thuyết tìm đường sinh tồn" nói trên.

Mỹ, Úc, Canada : Phong trào trả đất cho thổ dân, "những chủ nhân đầu tiên"

Việc đông đảo người dân phương Tây lo lắng cho vận mệnh của các xã hội của mình cũng nằm trong bối cảnh chung của một cuộc khủng hoảng toàn cầu về môi trường, khí hậu, sinh thái. Trong đó, sự tận diệt Thiên Nhiên hoang dã – cùng với biến đổi khí hậu - đang để lại nhiều hậu quả đáng sợ. Trong lúc, nhiều người theo chủ thuyết tìm đường sống sót đi tìm con đường thoát cho riêng mình, thì một số quốc gia, chính quyền nhiều khu vực đang hướng đến các giải pháp triệt để.

Hồ sơ chính về "Gây dựng lại Thiên nhiên hoang dã" của Courrier tuần nay dẫn bài tổng thuật trên của tạp chí mạng chuyên về môi trường Yale Environment 360. Bài "Dưới sự bảo trợ của những Dân tộc đầu tiên", của nhà báo khoa học Jim Robbins, giới thiệu về phong trào trả lại đất đai cho thổ dân, từ Mỹ, Canada đến Úc, đang mỗi ngày một mạnh mẽ hơn.

Cụ thể là tại Hoa Kỳ, với việc bà Deb Haaland, người da đỏ, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Nội vụ, các kế hoạch giao thêm quyền hạn quản lý đất cho các thổ dân da đỏ được thúc đẩy mạnh hơn. Trước đó, vào tháng 12/2020, tổng thống mãn nhiệm Donald Trump chấp nhận mở thủ tục trả lại hơn 7.000 hecta đất, vốn là nơi bảo tồn bò rừng Châu Mỹ, ở bang Montana miền tây bắc, cho hai bộ tộc da đỏ Salish và Kootana. Kế hoạch của tổng thống Biden là đến năm 2030 sẽ có 30% lãnh thổ Hoa Kỳ được đặt dưới sự "bảo vệ" (theo nhiều cách khác nhau, từ bảo tồn nguyên vẹn, đến bảo tồn với sự quản lý của thổ dân...). Kinh nghiệm chung sống lâu đời với Thiên Nhiên, với động thực vật hoang dã, đầy minh triết của người da đỏ, có ý nghĩa quyết định trong chính sách mới này của nước Mỹ.

Hiệp hội Nature Conservacy, một trong các hiệp hội bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới, vừa khởi sự chương trình "Dân bản địa và dân cư địa phương" nhằm thúc đẩy việc trả lại "các vùng đất đai có giá trị môi trường cao" cho các thổ dân quản lý tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới. Với sự phối hợp của hiệp hội Nature Conservacy, bộ tộc bản địa Nari Nari tại Úc đã nhận được quyền quản lý vùng đất ẩm Nimmie-Caira, bang New South Wales. Bộ tộc Nari Nari đã có lịch sử 50.000 năm cư trú tại khu vực này. Năm 2019, Nature Conservacy chuyển toàn bộ quyền quản lý 800km² vùng đất ẩm này cho bộ tộc Nari Nari.

Hơn 10.000 năm trước, đất đai "hoàn toàn hoang sơ" chỉ chiếm 27% diện tích Trái đất

Cũng về hồ sơ sinh thái – môi trường, Courrier International giới thiệu bài viết rất đáng chú ý của nhà báo môi trường Elizabeth Pennisi, được đăng tải trên báo Science (Washington). Bài "Just 19% of Earth’s land is still ‘wild,’ analysis suggests " đánh đổ một quan niệm phổ biến lâu nay. Hơn 10.000 năm về trước, con người đã có mặt tại hơn 70% diện tích mặt đất (so với 81% hiện nay) : Việc khám phá Thiên Nhiên hoang dã hóa ra không bắt đầu với các làn sóng chinh phục của các xã hội hiện đại, như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Thiên Nhiên hoang dã không phải là Thiên Nhiên vô chủ. Các thổ dân bản địa từ hàng nghìn năm nay đã chung sống với Thiên Nhiên hoang dã. Điều đó cũng có nghĩa là chính sách thúc đẩy bảo tồn Thiên Nhiên hoang dã không nhất thiết đi kèm với việc thành lập các khu bảo tồn tuyệt đối, tách hẳn con người ra khỏi Thiên Nhiên. 

Trọng Thành

Published in Quốc tế