Trọng Thành, RFI, 14/08/2021
Một cơ quan khoa học Hoa Kỳ cho biết tháng Bảy năm nay là tháng nóng chưa từng được ghi nhận trên Trái đất. "Kỷ lục" đáng buồn này cho thấy rõ khí hậu Trái đất đang biến đổi nhanh chóng, chủ yếu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nóng kỷ lục đi liền với thiên tai ngày càng dữ dội. Liệu con người có kịp thời hành động ?
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa. © Fabrice Coffrini / AFP
Theo giám đốc Cơ quan Quốc gia về Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), ông Rick Spinrad, tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm, nhiệt độ tháng 7 năm nay cao hơn nhiệt độ của mọi tháng 7, và trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Tháng 7 năm nay vượt 0,01°C so với tháng 7 năm 2016, là năm nóng kỷ lục (cùng với hai năm sau đó 2019 và 2020).
Kỷ lục tháng nóng nhất được Cơ quan NOAA đưa ra chỉ ít ngày sau khi GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, công bố bản báo cáo gây sốc cho thấy khí hậu biến đổi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể là chỉ trong 9 năm nữa, vào 2030, nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp, sớm hơn 10 năm. Mà với nhiệt độ vượt quá mức này, nhân loại có nguy cơ phải gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão, lũ, hạn hán… với quy mô "chưa từng thấy".
Đúng vào thời điểm NOAA trao "kỷ lục" đáng buồn nói trên cho tháng Bảy năm 2021, trên khắp hành tinh, từ Á sang Âu, từ Châu Mỹ đến Châu Phi, dân cư nhiều khu vực rộng lớn trên Trái đất đang đối mặt với các thiên tai dữ dội : cháy rừng ở miền tây nước Mỹ, miền nam Châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, tại Algeri ở Bắc Phi, lũ lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Trung Quốc, rừng cháy lớn tại Siberi, nạn đói ở Madagascar...
Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng dồn dập và dữ dội hơn kia xảy ra vào lúc nhiệt độ Trái đất "mới" chỉ tăng 1,1°C so với thời tiền công nghiệp. Nếu nhiệt độ tăng quá 1,5°C thì sao ? Và từ đây đến đó chỉ còn ít năm !
Nhân loại, hay ít nhất một bộ phận lớn của nhân loại, đang bên bờ vực.
Mọi chú ý của giới quan tâm giờ đây đều hướng về thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Anh Quốc, sẽ họp lại trong gần ba tháng tới. Chính tại thượng đỉnh này, lãnh đạo các nước phải thống nhất được với nhau để thông qua các cam kết nhằm bảo đảm lộ trình cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do năng lượng hóa thạch, để giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, như mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015.
Tổng số các cam kết cắt giảm khí thải của 75 quốc gia (trên 195 nước), được công bố hồi tháng 2/2021, tương ứng với 1% khí thải cắt giảm vào 2030 so với 2010. Mà, phải cắt giảm đến 45% mới có thể giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, theo GIEC.
Năm 2015, cộng đồng quốc tế với các nỗ lực từ nhiều phía rút cuộc đã ký kết được Hiệp định Khí hậu, đặt được mục tiêu 1,5°C vào văn bản chung cuộc. Trong thượng đỉnh được coi là có ý nghĩa quyết định lần này, liệu cộng đồng có bỏ lỡ cơ hội ?
Trọng Thành
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 15/08/2021
Trong bối cảnh nước Nga, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, đang phải chịu những vụ hỏa hoạn hoặc thiên tai khác đặc biệt nghiêm trọng trong mùa hè, tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm qua, 14/08/2021 đã thúc giục chính phủ nỗ lực tìm cách đối phó.
Khói bốc lên từ vụ cháy rừng phía ngoài khu làng Berdigestyakh, Cộng hòa Sakha, vùng lãnh thổ Sibéria thuộc Nga, ngày 27/07/2021. AFP - DIMITAR DILKOFF
Theo thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tại Moskva, đây là cơ hội để tổng thống Nga nêu bật các mục tiêu đặt ra trong bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 4 vừa qua.
"Kể từ đầu năm, ở Nga nói chung, một khu vực rộng hơn cả Hy Lạp đã bốc khói nghi ngút và cùng lúc đó, miền nam đất nước đã phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Gần 100.000 người hiện vẫn chưa có điện.
Nhận thấy tính chất đặc biệt của những xáo trộn này, Vladimir Putin kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng và hiệu quả khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường. Nhưng đây cũng là cơ hội để ông thực hiện lại lời hứa với các nghị sĩ tháng 4 vừa qua là chống biến đổi khí hậu.
Vladimir Putin đã cam kết giúp các ngành nông nghiệp, công nghiệp, nhà ở - tóm lại là toàn bộ cơ sở hạ tầng - thích ứng được với những thách thức do hiện tượng hâm nóng toàn cầu gây ra.
Đây là một vấn đề rất có lợi cho ông trên phương diện bầu cử vì người dân đang vận động bảo vệ môi trường. Đặc biệt là một tháng trước cuộc bầu cử lập pháp, ông Putin phải cho thấy là ông tích cực hành động và quan tâm đến những người phải chịu hậu quả của thiên tai.
Vấn đề là còn phải xem những lời hứa này sẽ được thực hiện dưới hình thức nào và trong thời hạn bao lâu".
Phi cơ cứu hỏa Nga bị rơi ở Thổ Nhĩ Kỳ, 8 người tử nạn
Một chiếc máy bay dội nước quân đội Nga điều tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác chữa cháy rừng đã bị rơi vào ngày hôm qua 14/08/2021, khiến toàn bộ 8 người trên phi cơ thiệt mạng. Theo AFP, máy bay, chở theo 5 nhân viên phi hành đoàn người Nga và 3 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị rơi sau khi dội nước xuống một đám cháy ở vùng Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trọng Nghĩa