Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 có khả năng sẽ gây ra cú sốc tương tự như Brexit và bầu cử Mỹ 2016...
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen.
Cuộc trưng cầu dân ý Brexit của Anh và việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu đi từ cú sốc này đến cú sốc khác trong năm 2016.
Trang CNN Money cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 có khả năng sẽ gây ra cú sốc tương tự.
Lợi thế cho Le Pen
Giới đầu tư đang ngày càng lo ngại về sự nổi lên của chính trị gia dân túy Marine Le Pen, người có thể sẽ sớm trở thành nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp của bà Le Pen tập trung vào việc truyền tải tới cử tri thông điệp rằng rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu (EU) và loại bỏ đồng tiền chung Châu Âu Euro sẽ giúp Pháp giành lại sự độc lập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà Le Pen cũng chỉ trích mạnh toàn cầu hóa và cảnh báo về nguy cơ từ người nhập cư.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Le Pen nhiều khả năng sẽ trở thành một trong hai ứng cử viên "chung kết" trong cuộc bầu cử gồm hai vòng. Và nữ chính trị gia cực hữu này cũng có cơ hội lớn trở thành người chiến thắng cuối cùng.
Khả năng bà Le Pen thắng cử Tổng thống Pháp đang khiến các nhà đầu tư lo ngại và là một lý do khiến đồng Euro mất giá. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, đồng Euro mất giá khoảng 3%, còn khoảng 1 Euro đổi 1,05 USD.
"Còn có nhiều bất ổn trong 9 tuần trước khi diễn ra vòng đầu tiên của cuộc bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến tâm trạng lo ngại làm cho đồng Euro mất giá", chiến lược gia Kit Juckes thuộc ngân hàng lớn nhất nước Pháp Société Générale phát biểu.
Giới đầu tư cũng đang bán mạnh trái phiếu chính phủ Pháp, khiến lợi suất trái phiếu này tăng gần gấp rưỡi kể từ đầu năm.
Bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc công ty City Index, cảnh báo rằng cú sốc tiếp theo có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán.
"Nếu khả năng trúng cử của bà Le Pen tiếp tục tăng trong tháng 3 với tốc độ tương tự như đã tăng trong tháng 2, thì chúng tôi cho rằng tâm lý lo ngại rủi ro có thể lan từ thị trường trái phiếu và tiền tệ sang thị trường chứng khoán Châu Âu", bà Brooks phát biểu.
Vì sao lo ngại ?
Vậy tại sao thị trường lại lo ngại đến thế về khả năng có một "Tổng thống Le Pen" ? Giới chuyên gia nói rằng kế hoạch rút Pháp khỏi EU của bà Le Pen có thể đảo lộn EU.
"Mối quan hệ chính trị ổn định giữa Pháp và Đức là cốt lõi của đồng Euro và EU. Một chính phủ Pháp từ bỏ đồng Euro sẽ là một cú sốc chính trị lớn hơn nhiều so với việc Anh ra khỏi EU", hai giáo sư Stephen Cecchetti và Kim Schoenholtz nhận định trong một báo cáo mới ra cách đây ít hôm.
Các tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P và Moody’s cũng đã cảnh báo rằng nếu bà Le Pen đắc cử, từ bỏ đồng Euro, và trả số nợ 2,1 nghìn tỷ Euro (2,2 nghìn tỷ USD) nợ công của Pháp bằng đồng tiền mới của Pháp, thì điều đó tương đương với một vụ vỡ nợ.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử, vượt qua vụ vỡ nợ khổng lồ của Hy Lạp vào năm 2012.
Chính sách bảo hộ thương mại của bà Le Pen cũng có thể làm gián đoạn vô số hoạt động kinh doanh ở Châu Âu. Khi tranh cử, bà đã thề sẽ thực thi những chính sách mang lại lợi ích cho các công ty Pháp thay vì doanh nghiệp nước khác.
Vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23/4, với vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7/5 nếu không ứng cử viên nào đạt hơn 50% số phiếu.
Hai đối thủ chính của bà Le Pen hiện nay là ứng cử viên Cộng hòa trung hữu François Fillon và ứng cử việc theo trường phái trung dung Emmanuel Macron.
Theo dự báo, bà Le Pen sẽ là người giành tỷ lệ phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên. Tuy nhiên, bà cũng được dự báo vẫn có khả năng thua trong vòng thứ hai, khi cử tri bắt đầu tập trung ủng hộ những chính trị gia truyền thống hơn với những kế hoạch ít cực đoan hơn.
An Huy