Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các nước phương Tây lên tiếng về tình hình biểu tình ở Hong Kong (BBC, 19/08/2019)

Phong trào biểu tình ở Hong Kong không có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt, còn Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ và coi việc biểu tình là "hành vi gần như khủng bố".

hong1

Phong trào biểu tình ở Hong Kong không có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt

Cho tới hôm 19/8, nhiều xe bán quân sự được nhìn thấy tập trung tại Thâm Quyến, nơi nhìn sang Hong Kong.

Tin tức nói hàng ngàn cảnh sát có vũ trang đã đóng quân tại nơi này.

Bắc Kinh tiếp tục nói những gì đang diễn ra tại Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc, và yêu cầu các nước khác không can thiệp.

Tuy nhiên, các chính trị gia và giới chức nhiều nước trên thế giới không nghĩ như vậy.

Mỹ : Tổng thống Donald Trump cảnh báo

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ Nhật cảnh rằng nếu Trung Quốc thực hiện một cuộc đàn áp giống như sự kiện Thiên An Môn 1989 với người biểu tình Hong Kong, thì một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trở thành "một điều rất khó thực hiện".

Tuy nhiên, ông Trump nói rằng "nếu Chủ tịch Tập ngồi xuống với đại diện của người biểu tình... ông ấy sẽ đạt được cái gì đó".

Ông Trump nói ông Tập là "một người rất thông minh", người có khả năng nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Trước đó Quốc Hội Mỹ đưa ra dự luật H.R. 3289 : Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019, dự luật này, nếu được thông qua, sẽ buộc chính quyền Mỹ hàng năm phải duyệt xét lại việc cho Hong Kong hưởng các quy chế đặc biệt như hiện nay.

Anh : Đảng đối lập kêu gọi London thảo luận với Trung Quốc

Một quan chức cao cấp trong đảng Lao động đối lập ở Anh vừa kêu gọi chính phủ của ông Boris Johnson hãy đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, và thúc giục Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ' đối với nơi từng là thuộc địa này của Anh.

Được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong theo thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh tiếp tục được duy trì một số quyền tự do.

"Chúng ta phải có đối thoại thích hợp với chính phủ Trung Quốc", ông John McDonnell, người theo dõi vấn đề chính sách tài chính, nói với BBC.

"Tôi trông đợi chính phủ Anh nay phải nêu rất rõ ràng quan điểm của mình : đó là chúng tôi trông đợi chính phủ Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận đó".

Chính phủ Anh đã kêu gọi "tất cả các bên hãy bình tĩnh".

Trước đó, hôm 15/8, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, nói rằng London "cần phải kiềm chế trong việc nói hoặc làm bất kỳ điều gì có thể can thiệp hoặc làm suy yếu quy tắc pháp quyền tại Hong Kong".

hong2

Đại sứ Lưu Hiểu Minh nói tại London rằng "nhiều chính trị gia Anh cứ ngỡ như Hong Kong vẫn đang còn trong thời là thuộc địa của Anh"

Canada : Ra tuyên bố chung cùng EU, bảo vệ quyền biểu tình của người dân Hong Kong

Canada ra tuyên bố chung với EU, theo đó bảo vệ quyền biểu tình của người dân Hong Kong.

Ngoại trưởng Chrystia Freeland và quan chức phụ trách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, trong tuyên bố ra tối thứ Bảy 17/8 nói "các quyền tự do căn bản, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa... cần phải được tiếp tục tôn trọng".

Cả Canada và EU ủng hộ "quyền tự trị ở mức độ cao" của Hong Kong đối với Trung Quốc, bản tuyên bố chung nói thêm.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Canada phản ứng với một tuyên bố trên website rằng Canada cần "ngay lập tức chấm dứt việc can thiệp vào quan hệ của Hong Kong và các mối quan hệ nội bộ của Trung Quốc".

"Trong tình hình hiện thời, Canada cần phải thận trọng lời nói và việc làm liên quan tới vấn đề Hong Kong", một phát ngôn viên không nêu danh của Tòa Đại sứ tại Canada được trang tin CBC của Canada dẫn lời.

hong3

Cả phe ủng hộ lẫn phe chống dự luật dẫn độ Hong Kong tập hợp tại nhà ga Broadway-City Hall SkyTrain Station ở Vancouver, Canada hôm 17/8/2019

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã không mấy suôn sẻ kể từ sau vụ Canada hồi tháng 12 bắt giữ một quan chức cao cấp của hãng công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo trát bắt của Mỹ, và việc Bắc Kinh trả đũa với việc bắt giữ hai công dân Canada đến nay chưa thả.

Pháp : Giới chức Hong Kong cần đối thoại với người biểu tình

Ngoại trưởng Pháp đề nghị giới chức Hong Kong đối thoại với người biểu tình.

Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian hôm thứ Tư 14/8 nói giới chức cần nối lại các cuộc đàm phán với người biểu tình để tìm giải pháp hoàn bình cho cuộc khủng hoảng Hong Kong.

Trước đó, hôm 13/8, Tổng thống Emmanuel Macron và các dân biểu thuộc Đảng La République En Marche (LREM) của ông đã ký một thư ngỏ kêu gọi "huy động lực lượng chính trị" để phản đối tình trạng cảnh sát đàn áp người biểu tình ở Hong Kong.

Úc : Thủ tướng Morrison kêu gọi tìm giải pháp ôn hòa

Thủ tướng Scott Morrison hôm thứ Sáu 16/8 thúc giục Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam hãy "lắng nghe cẩn thận" và hợp tác hướng tới tìm giải pháp ôn hòa cho tình thế hiện thời.

Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng giận dữ.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia, ông Cheng Jingye trong tuyên bố ra hôm thứ Bảy 17/8 nói rằng đây "hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc", và cảnh báo chính phủ ông Morrison chớ can thiệp bằng việc ủng hộ "những kẻ cực đoan bạo lực" tại Hong Kong.

*******************

Hồng Kông : Donald Trump "răn đe" Bắc Kinh nếu dùng vũ lực (RFI, 19/08/2019)

Nếu Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và tái diễn một vụ thảm sát "Thiên An Môn" thứ hai thì khó có hy vọng đạt được một hiệp định thương mại với Mỹ. Đây là lời đe dọa của tổng thống Donald Trump trong bối cảnh hàng triệu người Hồng Kông xuống đường hôm Chủ nhật.

hong4

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc tại Thượng đỉnh G20 Osaka ngày 29/6/2019. Reuters/Kevin Lamarque/

Theo AFP, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại New Jersey vào lúc phong trào dân chủ tại Hồng Kông biểu tình đến tuần lễ thứ 11, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "rất khó mà đi tới một hiệp định thương mại với người Trung Quốc nếu họ sử dụng bạo lực và nếu xảy ra một vụ Thiên An Môn thứ hai". Trong thông điệp nhắn gửi Bắc Kinh, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến hai lần khuyến cáo không được dùng vũ lực.

Các cuộc biểu tình của phong trào phản kháng tại Hồng Kông liên tiếp diễn ra từ hơn hai tháng nay. Những lời lẽ và thái độ hù dọa của Bắc Kinh, huy động lực lượng thiết giáp về Thẩm Quyến, khiến công luận lo ngại Trung Quốc sắp can thiệp quân sự vào Hồng Kông như đàn áp Thiên An Môn 1989, giết chết hàng trăm, có thể hàng ngàn sinh viên tại quảng trường.

Donald Trump không dấu lo ngại bị chê trách không sử dụng đòn bẩy hiệp định thương mại để gây sức ép chính trị với Trung Quốc. Một lần nữa ông kêu gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "thương thuyết với phong trào phản kháng, tìm một giải pháp ôn hoà".

Tổng thống Mỹ đưa ra thông điệp này vào lúc cố vấn kinh tế Larry Kudlow tuyên bố Washington và Bắc Kinh nỗ lực vực dậy tiến trình đàm phán hầu kết thúc cuộc chiến tranh thương mại đang làm thị trường thế giới trao đảo.

Tú Anh

*********************

Điều quân đội dẹp biểu tình Hồng Kông : Đòn gió để hăm dọa ? (RFI, 16/08/2019)

Sau hơn hai tháng biểu tình bất chấp bạo lực cảnh sát, phong trào phản kháng đòi dân chủ ở Hồng Kông không hề suy yếu, mà hứa hẹn sẽ còn quyết liệt hơn. Chính quyền đặc khu bất lực. Hoa lục dường như đã hết kiên nhẫn, liên tiếp có các động thái đe dọa khiến thế giới lo ngại Bắc Kinh sẽ đưa quân đội trấn áp biểu tình ở Hồng Kông .

hong5

Xe quân sự và thiết giáp được nhìn thấy ở Thâm Quyến, đối diện Hồng Kông ngày 16/08/2019.STR/AFP

Khởi phát từ đầu tháng 6 nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây nhiều tranh cãi, phong trào phản kháng đã tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ các cuộc tuần hành ôn hòa của hơn ba triệu người, đến các cuộc biểu tình, phong tỏa các cơ sở là biểu tượng của chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, đến việc người biểu tình làm tê liệt sân bay Hồng Kông trong hai ngày 12 và 13/8 vừa qua. Các yêu sách của người biểu tình không thay đổi và còn mở rộng thêm với quyết tâm đi đến cùng. Các vụ xô xát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên.

Không một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đặc khu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chịu nhượng bộ phong trào phản kháng. Trong khi đó vài ngày qua, Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra hết kiên nhẫn. Những hình ảnh hàng đoàn xe quân sự và cuộc diễn tập của lực lượng quân đội chuyên chống bạo động ở ngay sát Hồng Kông, khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về khả năng quân đội Trung Quốc được điều động can thiệp lập lại trật tự ở Hồng Kông. Thậm chí để dọn đường dư luận và răn đe người biểu tình, báo chí chính thức Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh có quyền sử dụng vũ lực trấn áp bạo loạn ở Hồng Kông, và xa xôi gợi nhắc sự kiện Thiên An Môn …

Những động thái của Bắc Kinh khiến Mỹ phải lên tiếng, dù đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Cố vấn an ninh của Nhà Trắng John Bolton, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm 15/8, đã nhắc tới viễn ảnh một cuộc đàn áp đẫm máu, giống như với phong trào dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn cách đây 30 năm.

Tuy nhiên, đa số giới quan sát cho rằng, trong hoàn cảnh và thời điểm hiện nay, vẫn không có khả năng Trung Quốc sẽ đưa quân vào Hồng Kông. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Giáo sư Kenneth Chan, thuộc đại học Báp-tít Hồng Kông giải thích : "Có thể Bắc Kinh nghĩ rằng những hình ảnh đó sẽ tạo sự hậu thuẫn vững chắc mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang rất cần để tái lập trật tự".

"Những tin đồn và hình ảnh triển khai quân đội chỉ là một đòn chiến tranh tâm lý điển hình cho phong cách tuyên truyền của Cộng Sản". Mặc dù mục tiêu chính của Trung Quốc là răn đe, hăm dọa, nhưng không thể loại trừ khả năng can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh buộc phải làm, theo chuyên gia Steve Tsang của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Luân Đôn. Ông giải thích : "Trung Quốc muốn người biểu tình tự trở về nhà hơn. Nhưng nếu Bắc Kinh thấy quyền lực của đảng Cộng Sản bị đe dọa, họ sẽ can thiệp". Sự răn đe có vẻ hiện thực hơn khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị cho một sự kiện lớn, kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1/10 tới.

Các lãnh đạo ở Bắc Kinh, luôn ám ảnh với một đại cường Trung Hoa không dễ gì chấp nhận mềm yếu với một phong trào dân chủ tự phát ở vùng đất bán tự trị được gắn với cụm từ "một đất nước hai chế độ".

Theo nguyên tắc trên, Bắc Kinh để Hồng Kông được tự chủ hoàn toàn về chính trị. Quân đội Trung Quốc có thể can thiệp theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông. Nhìn vào sự thao túng của Bắc Kinh với chính trị Hồng Kông như hiện tại thì chuyện yêu cầu can thiệp của quân đội chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật. Theo ông Steve Tsang, nếu muốn, Bắc Kinh sẽ có ngay đề nghị từ chính quyền Hồng Kông bất kỳ lúc nào. Với Trung Quốc, một bước đi như vậy không phải không có rủi ro.

Các chuyên gia đều cho rằng đó sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng, cực chẳng đã. Bởi một sự can thiệp trực tiếp bằng vũ lực sẽ là dấu chấm hết cho nguyên tắc "một đất nước hai chế độ", đảo lộn hoàn toàn hiện trạng địa chính trị trong vùng. Một khi quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông bị tổn hại, môi trường xã hội và kinh tế của vùng đất này sẽ trở nên hỗn loạn.

Cần phải biết là từ năm 1997 Bắc Kinh đã phát triển các lợi ích kinh tế thương mại rất lớn ở vùng đất này. Theo ông Willy Lam, nhà phân tích thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, giới lãnh đạo Trung Quốc ý thức được rằng để bảo đảm sự phồn thịnh của đất nước, Trung Quốc luôn phải cần một Hồng Kông tư bản theo đúng nghĩa của nó. Đó là chưa nói đến không ít các lãnh đạo Trung Quốc có cổ phần đầu tư trong các ngân hàng, bất động sản, công ty đóng tại Hồng Kông.

Anh Vũ

****************

Hồng Kông : Biểu tình vì dân chủ vẫn diễn ra rầm rộ và ôn hòa (RFI, 19/08/2019)

Dù bị chính quyền ra lệnh cấm, cuộc biểu tình của phong trào dân chủ Hồng Kông ngày hôm qua, 18/08/2019 đã gặt hái thành công to lớn. Theo ban tổ chức, đã có 1,7 triệu người tham gia dù trời mưa tầm tã, trong lúc cảnh sát chỉ thấy có 128.000 người biểu tình.

hong6

Hình ảnh người Hồng Kông đội mưa tuần hành ôn hòa đòi dân chủ, ngày 18/08/2019. Reuters/Tyrone Siu

Thành công thứ hai của phong trào phản kháng là rút kinh nghiệm những vụ bạo động đã qua, cuộc biểu tình hôm qua đã diễn ra rất ôn hòa, cảnh sát cũng tránh dùng sức mạnh, và những thành phần hung hăng nhất trong số những người xuống đường đã được người chung quanh khuyên can.

Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Aabla Jounaidi, đã tiếp xúc với nhiều người biểu tình, ghi nhận :

Dù trời mưa, nhưng chỉ cần một thời gian ngắn là công viên Victoria đầy ắp người. Trong một không khí vui vẻ, nhiều gia đình đã đến đây tham gia biểu tình. Từ công viên này, họ đã tỏa ra đường phố, đi về hướng trung tâm tài chính ở phía tây thành phố. Người quá đông, cảnh sát không thể nào ngăn chặn.

Bà Tiphanny đi cùng cô gái nhỏ cho rằng ai cũng cần phải tham gia : Hai tháng qua, người ta đã thấy thái độ của cảnh sát và chính quyền. Cho nên phải xuống đường và lên tiếng. Chính quyền không muốn người dân tập hợp, không muốn thấy điều đó. Nhưng bây giờ họ phải thấy là dân chúng Hồng Kông đang ở đây !

1,7 triệu người, theo ban tổ chức đã đáp ứng lời kêu gọi biểu tình. Điều chưa từng thấy từ tháng Sáu đến nay.

Nhiều người bị chấn động sau những hành vi bạo động trong thời gian gần đây từ một số thành phần trong giới phản kháng, mà theo họ đã làm quên đi lý do biểu tình ban đầu. Cô Jasmine, sinh viên 20 tuổi, giơ cao những áp phích với những dòng chữ được thấy ở mỗi cuộc biểu tình.

Cô giải thích : Trên tấm biển này, chúng tôi nhắc lại với chính quyền 5 yêu cầu của phong trào, nhất là rút lại dự luật về dẫn độ sang Trung Quốc, và trả tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt giữ trong hai tháng qua.

Cuộc biểu tình to lớn và ôn hòa hôm qua cũng nhắm vào Trung Quốc, sau hàng loạt thông điệp hù dọa đến từ Bắc Kinh.

Thanh Thủy

*******************

Hong Kong sẵn sàng cho những cuộc biểu tình ôn hòa lớn khác (RFA, 19/08/2019)

Thêm những cuộc biểu tình khác nữa đang được chuẩn bị diễn ra trong tuần này sau khi hằng trăm ngàn người Hong Kong vào ngày Chủ Nhật 18 tháng 9 đội mưa biểu tình chống chính phủ đặc khu sang đến tuần thứ 11.

hong7

Biểu tình tại Công viên Victoria, Hong Kong vào ngày chủ nhật 18/8/2019 - AFP

Reuters loan tin ngày 19 tháng 8 cho biết tổng số người tham gia biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong vào ngày 18/8 là 1 triệu 700 ngàn người. Điều này cho thấy phong trào biểu tình chống chính phủ đặc khu vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi bất chấp những vụ hỗn loạn vào tuần qua khi những người biểu tình tiến chiếm sân bay Hong Kong.

Phía cảnh sát Hong Kong vào ngày thứ hai 19 tháng 8 thừa nhận đợt biểu tình vào ngày 18 tháng 8 hầu như ôn hòa ; tuy nhiên cũng có những vụ vi phạm luật lệ xảy ra vào chiều tối 18/8 khi một số người biểu tình bôi bẩn lên các tòa nhà và chiếu tia laser vào cảnh sát.

Đợt biểu tình chống chính quyền đặc khu hành chánh Hong Kong lần này được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền tại Trung Quốc từ năm 2012.

Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào tháng 7 năm 1997 với thỏa thuận đây là đặc khu hành chánh với qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ . Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng can thiệp mạnh vào Hong Kong.

Vào tháng 6, những cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc. Đặc khu trưởng Hong Kong sau đó phải cho hủy bỏ dự thảo luật này. Tuy vậy, những cuộc biểu tình tiếp diễn để đòi hỏi dân chủ thực sự cho Hong Kong.

Cũng tin liên quan, vào ngày thứ hai 19 tháng 8, đảng Lao động đối lập tai Anh kêu gọi chính quyền London phải nói chuyện trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong. Đảng này cũng đề nghị chính quyền Trung Quốc tôn trọng cam kết ‘một quốc gia, hai thể chế’ đối với Hong Kong.

Phát ngôn nhân John McDonnell chuyên về chính sách tài chính của đảng Lao Động Anh nói rõ quan điểm đứng về phía những người tôn trọng thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh khi trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc.

Published in Quốc tế