Mua bán vũ khí tăng mạnh trên thế giới (VOA, 11/12/2017)
2016 đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán vũ khí toàn cầu tăng mạnh trong 5 năm do căng thẳng về địa chính trị, CNN đưa tin, dẫn một phúc trình do một viện nghiên cứu ở Thụy Điển công bố hôm 11/12.
Máy bay F15 của Mỹ.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tăng 1,9% so với năm trước đó, đạt 374,8 tỷ đôla.
SIPRI nói rằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán vũ khí "đã được dự báo trước" và xuất phát từ việc "triển khai các chương trình vũ khí mới của các quốc gia, các hoạt động quân sự đang diễn ra ở một số nơi, và những căng thẳng liên tục trong khu vực".
Các nhà sản xuất vũ khí ở Hàn Quốc, vốn cung cấp vũ khí ngày càng nhiều cho quân đội nước này, có tốc độ sản xuất tăng cao nhất trong số các nước phát triển.
Chi tiêu cho sản suất vũ khí tăng nhanh như thế cho thấy mối lo ngại về một cuộc xung đột tiềm ẩn với Triều Tiên. Doanh thu của các công ty sản xuất vũ khí Hàn Quốc đã tăng hơn 20% trong năm 2016, lên tới 8,4 tỷ đôla.
Các công ty Mỹ vẫn đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí trong năm 2016, với doanh số bán hàng tăng 4%, đạt hơn 217 tỷ đôla. Hoa Kỳ chiến 58% tổng số doanh thu bán vũ khí toàn cầu.
Công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ- nhà sản xuất lớn nhất thế giới - có doanh số bán vũ khí tăng 11% trong năm 2016, nhờ bán máy bay chiến đấu F-35 và mua lại thương hiệu máy bay trực thăng Sikorsky.
Bà Aude Fleurant, Giám đốc Chương trình Chi tiêu Quân sự của Viện SIPRI, nói rằng tốc độ tăng doanh thu bán vũ khí của Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục. Tổng thống Trump muốn tăng ngân sách của Lầu Năm Góc và tân trang lại kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Doanh số của các công ty Nga tăng 3,8%, đạt 26,6 tỷ đôla, tăng chậm hơn chút ít so với những năm gần đây.
Moscow đã tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường khả năng quân sự, nhưng việc mua sắm vũ khí đã chậm lại vì vấn đề tài chính.
Bà Fleurant lý giải rằng các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như xung đột về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, là nguyên nhân chính làm gia tăng doanh số bán vũ khí.
Khu vực này là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng, và nó có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực này.
Căng thẳng ở khu vực Biển Đông đã tăng từ năm 2014 khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các hòn đảo, trang bị sân bay, bến cảng và hệ thống vũ khí. Trung Quốc cũng ra cảnh báo các tàu chiến và máy bay của Hoa Kỳ phải tránh xa khu vực này.
Bà Fleurant nói : "Các quốc gia như Việt Nam đã đặt mua tàu và máy bay tuần tra hàng hải, vì lo sợ sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải".
The Bloomberg, trong chuyến công du đến Châu Á và dự APEC tại Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã "chào hàng" tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ ngay trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bán vũ khí cho Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ khi đến Việt Nam.
Trên trang web chính thức, Tòa Bạch Ốc còn đăng lời "quảng cáo" của ông Trump với ông Phúc rằng "Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ là nơi sản xuất các trang thiết bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên".
*****************
Vũ khí Châu Á : Hàn Quốc nổi bật là bên bán, Việt Nam là bên mua (RFI, 11/12/2017)
Trong bản báo cáo thường niên về tình hình buôn bán vũ khí trên toàn thế giới được công bố hôm nay, 11/12/2017 tại Stockholm, Thụy Điển, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận là sau 5 năm sụt giảm, hoạt động buôn bán vũ khí đã gia tăng trở lại trong năm 2016.
Gian hàng của công ty quốc phòng Hàn Quốc và nhà sản xuất tên lửa LIG Nex1 tại Triển lãm Quốc Phòng Và Vũ Trụ Quốc Tế Seoul ADEX) tại Seongnam, nam Seoul, vào ngày 16/10/2017. Ed JONES / AFP
Danh sách các "đại gia" vũ khí vẫn không thay đổi, với Mỹ đi đầu, bán ra 57,9% lượng vũ khí trên toàn cầu, đứng thứ nhì là Anh Quốc, nhưng rất xa đằng sau với 9,6%, bám sát là Nga với 7,1%, và Pháp đứng thứ tư với 5%.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy các thương vụ vũ khí, theo Viện SIPRI, là tình hình căng thẳng gia tăng tại một số khu vực trên thế giới, đứng đầu là tại Châu Á, mà cụ thể là ở khu vực bán đảo Triều Tiên, với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân Bình Nhưỡng ngày càng rõ nét, và ở Biển Đông, nơi các hành động bành trướng của Trung Quốc buộc các láng giềng tăng cường năng lực quân sự để đối phó.
Báo cáo năm nay của SIPRI đặc biệt ghi nhận sự vươn lên của Hàn Quốc trong vai trò nước sản xuất vũ khí quan trọng trên thế giới, chủ yếu là để tự trang bị cho quân đội của mình, nhưng đồng thời cũng đã bắt đầu xuất qua nhiều nước khác trong vùng và ngoài vùng.
Vào năm 2016, ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc chiếm giữ đến 2,2% doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rõ ràng đã khiến chính phủ Hàn Quốc gia tăng đáng kể chi phí quân sự của minh và đặt hàng cho ngành công nghiệp vũ khí trong nước. Theo số liệu của SIPRI, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ Hàn Quốc dành cho quốc phòng trong năm 2016 thuộc hàng cao nhất thế giới.
Từ sản xuất cho nhu cầu trong nước, Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển qua cung cấp cho các nước khác, với mục tiêu là trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng trên thế giới.
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong năm 2006 chỉ đạt 253 triệu đô la, nhưng qua năm 2016 đã đạt 2,5 tỷ đô la. Các loại tên lửa, pháo phản lực, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc được đặc biệt ưa chuộng tại vùng Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ.
Theo SIPRI, 7 tập đoàn vũ khí Hàn Quốc hiện thuộc số 100 hãng sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Nổi bật là Tập đoàn Công Nghiệp Hàng Không Hàn Quốc (KAI) xếp hạng thứ 48. Đây là nhóm đã phát triển loại phi cơ huấn luyên siêu âm T-50 Golden Eagle với hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ.
Nếu Hàn Quốc được nhắc tới trong tư cách nhà cung cấp, thì Việt Nam đã được SIPRI chú ý trong tư cách khách hàng.
Chuyên gia Aude Fleurant, giám đốc Chương trình Chi phí quân sự và Chi tiêu quân sự tại SIPRI, cho rằng động lực thúc đẩy các vụ mua bán vũ khí cũng là các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Theo chuyên gia này, căng thẳng đã tăng hẳn lên từ năm 2014 khi Trung Quốc cho xây đảo nhân tạo, biến các nơi do Bắc Kinh chiếm giữ thành căn cứ có sân bay, bến cảng và các hệ thống vũ khí, đồng thời đòi tàu chiến và máy bay Mỹ rời đi xa.
Trong tình hình đó, đối với bà Fleurant : "Các quốc gia như Việt Nam đã đặt mua tàu ngầm và máy bay tuần tra biển, nhằm ứng phó với hành vi được cho là quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ".
Trọng Nghĩa
Đây là kết quả dựa trên báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 20/2. Các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong thời gian từ năm 2012 đến 2016 là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức, chiếm 74% lượng vũ khí xuất khẩu, trong đó hai nước Mỹ và Nga chiếm tới 56%.
Binh sĩ Pháp chuẩn bị vũ khí trước khi tham gia chiến dịch chống IS tại Bamako, Mali ngày 12/1/2013. Ảnh : AFP/TTXVN
Từ năm 2004, lượng vũ khí bán ra trên thế giới gia tăng liên tục và giai đoạn 2012-2016 tăng 8,4% so với giai đoạn 2007-2011 với các chỉ số cao nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Báo cáo cho thấy lượng vũ khí mà các nước Châu Á, Châu Đại dương và Trung Đông mua tăng mạnh, trong khi nhập khẩu vũ khí vào Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi giảm đôi chút. Lượng vũ khí nhập khẩu vào các nước Châu Á và Châu Đại dương giai đoạn 2012-2016 tăng 7,7% so với 5 năm trước đó và chiếm 43% lượng vũ khí giao dịch toàn thế giới.
Giai đoạn 2012-2016, Mỹ vẫn đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí với lượng vũ khí xuất khẩu tăng 21% so với giai đoạn 2007-2011, trong đó một nửa là xuất sang Trung Đông.
Mỹ xuất khẩu vũ khí sang ít nhất 100 quốc gia, chủ yếu là máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình và các vũ khí có độ chính xác cao cũng như các hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại thế hệ mới nhất.
Trong thời gian này, vũ khí của Nga chiếm 23% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chủ yếu bán sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria... Xuất khẩu vũ khí của Nga tăng 4,7% so với 5 năm trước.
Trung Quốc đứng vị trí thứ 3, chiếm 6,2% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2012-2016. Hiện nay Trung Quốc nằm trong số các nước xuất khẩu vũ khí chính cùng với Pháp (6%), Đức (5,6%).
Các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất giai đoạn 2012-2016 là Ấn Độ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Trung Quốc và Algeria, chiếm tới 34% vũ khí nhập khẩu.
Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ giai đoạn 2007-2011 và 2012-2016 đều tăng 43%, vượt Trung Quốc và Pakistan. Nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Nam Á trong thời gian 2012-2016 tăng 6,2% so với 5 năm trước.
Nhập khẩu vũ khí của các nước Trung Đông từ giai đoạn 2007-2011 đến 2012-2016 tăng 86%, chiếm 29% lượng nhập khẩu vũ khí của thế giới. Trong giai đoạn này Saudi Arabia đứng thứ 2 trong số các nước nhập khẩu vũ khí với mức tăng 212%.
Trong giai đoạn 5 năm gần đây, phần lớn các nước Trung Đông tăng cường mua vũ khí hiện đại, chủ yếu từ Mỹ và Châu Âu. Mặc dù giá dầu thấp, các nước khu vực này trong năm 2016 tiếp tục tăng cường nhập khẩu vũ khí trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Nhập khẩu vũ khí các nước Châu Âu giai đoạn 2012-2015 so với 2007-2011 giảm 36% và chiếm 11% lượng vũ khí nhập khẩu toàn thế giới. Các nước này nhập khẩu chủ yếu các loại máy bay tấn công mới theo các hợp đồng lớn đã ký trước đó.
TTXVN/Tin Tức
********************
Châu Á và Trung Đông làm thị trường vũ khí thế giới tăng kỷ lục (RFI, 20/02/2017)
Quân đội Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất biểu diễn kỹ năng chiến đấu, nhân triển lãm quốc phòng thế giới (IDEX), tại Abu Dhabi, ngày 19/02/2017. REUTERS/Stringer
Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Vì Hòa Bình Stockholm SIPRI hôm nay 20/02/2017, các thương vụ mua bán vũ khí trên thế giới trong vòng 5 năm qua đạt mức kỷ lục từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh, do nhu cầu không ngừng tăng của Châu Á và Trung Đông.
Theo SIPRI, trong khoảng từ 2012 đến 2016, Châu Á và Châu Đại Dương đã nhập khẩu 43% lượng vũ khí thông thường bán ra trên thế giới, tức là tăng 7,7% so với cùng giai đoạn 5 năm trước đó ( 2007-2011). Cùng thời điểm này, nhập khẩu vũ khí của các nước trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh đã tăng vọt từ 17% lên 29%.
Chuyên gia Pieter Wazeman thuộc SIPRI nhận định : "Trong 5 năm qua, phần lớn các quốc gia Trung Đông đều hướng về Mỹ và Châu Âu để tìm cách nâng cao khả năng quân sự". Mặc dù có khó khăn về giá dầu giảm, nhưng các nước này vẫn không ngừng gia tăng mua sắm vũ khí trong năm 2016. Nguyên do là các cuộc xung đột và căng thẳng trong vùng ngày càng phổ biến.
Ả Rập Xê Út là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới với mức tăng đều đặn 212% trong 5 năm và chỉ xếp sau Ấn Độ.
Về thị phần xuất khẩu vũ khí, Hoa Kỳ vẫn luôn đứng đầu với 33%, xếp trên Nga 23%, tiếp đó là Trung Quốc với 6,2% và Pháp 6% cuối cùng là Đức chiếm 5,6% thị phần.
Theo SIPRI, chỉ riêng 5 nước trên đã chiếm 75% vũ khí hạng nặng bán ra trên thế giới.
Hoa Kỳ và Pháp là hai nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Trung Đông, trong khi Nga và Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Châu Á.
Anh Vũ