Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga lên án quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân đã ký với Nga hồi 1987 là một "bước đi rất nguy hiểm".

atom1

Nga phủ nhận sản xuất đầu đạn nguyên tử vi phạm hiệp định phi hạt nhân

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Trump nói ông có ý định "chấm dứt" Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF - Intermediate-Range Nuclear Forces) được ký từ hơn ba thập niên trước. Ông nói Nga đã "vi phạm hiệp định trong nhiều năm".

Hiệp định này cấm triển khai và thử toàn bộ các loại tên lửa tầm trung phóng từ trên mặt đất, với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Trong năm thập niên qua, Hoa Kỳ và Nga đã ký một loạt các thỏa thuận chung nhằm hạn chế và giảm bớt các khu vũ khí hạt nhân lớn của mình.

Việc từ bỏ INF - vốn do Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đàm phán hồi 1987 - là bước thụt lùi lớn trong vấn đề kiểm soát vũ khí, các nhà phân tích nói.

Hiệp định này được ký vào lúc gần kết thúc Chiến tranh Lạnh, là giai đoạn từ 1945 đến 1989, đánh dấu mức độ căng thẳng quốc tế và thế giới luôn bị đe dọa bởi cuộc xung đột hạt nhân.

Phản ứng của Nga

Phát biểu với Interfax hôm Chủ Nhật, 21/10, ông Gorbachev mô tả quyết định của ông Trump là một "sai lầm" và cảnh báo nó sẽ làm xói mòn các nỗ lực giải giáp vũ khí.

Thế còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thì nói : "Đây sẽ là một bước đi rất nguy hiểm mà tôi tin là sẽ không chỉ được cộng đồng quốc tế nhận thấy mà nó sẽ còn dẫn đến những lời lên án nghiêm khắc".

atom2

Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Mỹ "dùng biện pháp tống tiền"

Hiệp định có vai trò "quan trọng cho an ninh quốc tế và an ninh trong vấn đề vũ khí hạt nhân, để duy trì ổn định chiến lược", ông nói với hãng thông tấn nhà nước Tass.

Ông Ryabkov nói Nga lên án các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc đòi những sự nhân nhượng "thông qua biện pháp tống tiền".

Ông cũng nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng nếu Mỹ tiếp tục hành xử "khó coi và thô lỗ" và nuốt lời đối với các thỏa thuận quốc tế, thì "khi đó chúng tôi không có cách nào khác là phải có các biện pháp trả đũa, gồm cả biện pháp liên quan đến công nghệ quân sự".

"Nhưng chúng tôi không muốn tiến tới bước đó", ông nói thêm.

atom3

Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ký hiệp định INF hồi 1987

Quan điểm của Anh

Nước Anh tuyên bố hoàn toàn sát cánh bên Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói sau khi ông Trump ra tuyên bố về việc sẽ Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định đã ký với Nga.

Ông được báo The Guardian của Anh dẫn lời nói đã quy trách nhiệm cho Nga trong việc làm gây tổn hại tới hiệp định INF, và kêu gọi Điện Kremlin hãy "giữ trật tự nội bộ".

Ông Williamson hiện đang ở Mỹ, đúng vào lúc chiếc hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Elizabeth đang có chuyến thăm New York.

"Tất nhiên là chúng tôi muốn thấy hiệp định này tiếp tục được duy trì, nhưng điều đó đòi hỏi cam kết từ cả hai phía tham gia ký kết và vào lúc này thì quý vị [Nga] là bên đã phớt lờ nó", The Guardian trích dẫn lời Bộ trưởng Williamson.

Quan ngại Trung Quốc ?

Có những yếu tố khác có thể tác động tới quyết định của Tổng thống Trump.

Đây là hiệp định song phương giữa Washington và Moscow. Trung Quốc không tham gia ký kết hiệp định, cho nên có thể phát triển các tên lửa tầm trung mà không bị hạn chế gì.

Tổng thống Trump nói : "Trừ phi là Nga đến chỗ chúng ta, Trung Quốc đến chỗ chúng ta, tất cả họ đều đến và nói, 'Hãy để chúng ta trở nên khôn ngoan, không ai trong chúng ta phát triển những thứ vũ khí đó,' thế nhưng nếu Nga đang phát triển, Trung Quốc đang phát triển còn chúng ta lại chịu bó buộc với cái thỏa thuận này, thì thật là không thể chấp nhận được. Cho nên chúng ta có một khoản tiền khủng để chi cho quân sự".

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton được trông đợi sẽ nói với phía Nga về việc Mỹ rút khỏi hiệp định trong các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong tuần này.

Published in Quốc tế