Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga : Mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi giáo ? (RFI, 04/04/2017)

Hiện hãy còn quá sớm để khẳng định rằng vụ nổ ở St-Petersburg ngày 03/04/2017 là do một tổ chức Hồi giáo cực đoan gây ra, nhưng việc nước Moskva can thiệp vào Syria chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh khiến Nga có thể sẽ thay thế Hoa Kỳ để trở thành mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi giáo cực đoan, theo dự báo của các chuyên gia về khủng bố.

nga1

Nhân viên y tế cấp cứu nạn nhân vụ nổ bom ở St-Petersburg, Nga, ngày 03/04/2017.Reuters

Cho tới nay, phần lớn các vụ tấn công khủng bố ở Nga là có liên quan đến Tchetchnia và các nước Cộng hòa khác ở vùng Caucasus (Kavkaz). Nhưng tình hình đã bắt đầu thay đổi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích vào Syria hồi tháng 09/2015. Trong vụ bắn rơi một máy bay của Nga bay từ Ai Cập đến St-Petersburg vào tháng 10/2015, khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng, tổ chức Daesh đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Tuy chiến dịch không kích của Nga thật ra là nhằm yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad hơn là nhắm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Syria, nhưng trong một đoạn video phổ biến trên mạng gần đây, một chiến binh người Nga của Daesh đã đe dọa trực tiếp tổng thống Vladimir Putin, để trả đủa việc ông đã tung chiến dịch can thiệp vào Syria và yểm trợ cho chế độ Damascus.

Theo các nguồn tin được tờ nhật báo Izvestia trích dẫn, những kẻ ra lệnh và những kẻ tiến hành vụ nổ ở St-Petersburg thuộc một tổ khủng bố "nằm vùng" ở Châu Âu. Thông tin này chưa được xác nhận, nhưng rõ ràng là nếu Raqqa, thành trì cuối cùng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo rơi vào tay lực lượng chính phủ Damascus, các chiến binh nước ngoài có thể sẽ trở về nước để tiếp tục thánh chiến.

Theo thống kê của cơ quan FSB, có ít nhất 7.000 công dân của các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có 3.900 người Nga (chiếm số đông nhất trong lực lượng chiến binh nước ngoài) và 600 người Kirghizstan, đã gia nhập các lực lượng thánh chiến, nhất là lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Một số chiến binh này có thể sẽ quay trở về Nga để tiến hành khủng bố trả thù. Cho nên, thông tin cho rằng tác giả vụ khủng bố St-Petersburg là người Kirghizstan có thể đúng.

Kirghizstan là một quốc gia nhỏ ở vùng Trung Á, mà đại đa số dân theo Hồi giáo, có rất nhiều người sang Nga để làm công nhân. Chính quyền Moskva từ lâu vẫn lo ngại những chiến binh theo xu hướng Hồi giáo cực đoan ở các nước vùng Trung Á, mà nay có quyền tự do đi đến nước Nga, có thể sang đây để tiến hành khủng bố. Nhiều nhân vật thuộc phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga đã yêu cầu lập chế độ visa đối với công dân những nước vùng Trung Á, nhưng cho tới nay chính quyền Moskva không muốn làm như thế vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ tốt giữa Nga với các nước thuộc Liên Xô cũ.

Không biết tổng thống Putin sẽ thay đổi chính sách đối với các nước Trung Á hay không, nhưng gần như chắc chắn là lãnh đạo Nga sẽ nhân vụ khủng bố này để tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan tình báo trên các mạng xã hội và gia tăng áp lực lên các nhà đối lập, trong bối cảnh chỉ còn chưa tới một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga.

Thanh Phương

*******************

Nga xác nhận thủ phạm khủng bố ở St-Pétersbourg là người Kyrgyzstan (RFI, 05/04/2017)

Cuộc điều tra về vụ khủng bố trong xe điện ngầm Saint-Petersburg hôm 03/04/2017 khiến 14 người chết và 45 người bị thương, đã có tiến triển, nhất là với việc thủ phạm đã được nhận diện : một thanh niên gốc Kyrgyzstan, một nước cộng hòa Trung Á. Tuy nhiên, nhiều điểm liên quan đến vụ nổ vẫn chưa rõ.

nga2

Trạm xe điện ngầm Tekhnologicheskiy Institut ở Saint-Petersburg, ngày 04/04/2017.REUTERS/Grigory Dukor

Đặc phái viên RFI Muriel Pomponne, từ Saint-Petersburg, cho biết thêm chi tiết :

Ủy ban điều tra Nga cho rằng họ đã nhận diện được kẻ khủng bố đã chết trong vụ nổ. Đó là một công dân Nga gốc Kyrgyzstan. Các nhà điều tra đã so sánh dấu DNA tìm thấy trên một quả bom chưa nổ với DNA những người chết trong vụ khủng bố.

Việc khảo sát gen cho thấy là khớp với DNA của một thanh niên 22 tuổi, quê quán tại thành phố Och, ở miền tây nam Kyrgyzstan, một khu vực có phong trào Hồi giáo cực đoan hoành hành. Cơ quan tình báo Kyrgyzstan cũng đã xác nhận danh tánh kẻ tình nghi, thuộc cộng đồng thiểu số gốc Uzbekistan tại nước này.

Thanh niên này sống ở Saint-Petersburg cùng người cha của anh, qua lại với những người Syria từ hai năm nay, nhưng không có dấu hiệu là đã đi theo con đường cực đoan.

Thế nhưng vẫn còn những điều chưa được làm sáng tỏ trong cuộc điều tra hiện nay. Quả bom đã kịp thời tháo gỡ ngòi phải chăng bị một kẻ muốn khủng bố tự sát khác bỏ lại lúc hoảng hốt ?

Hay là như một cơ quan truyền thông Nga đã nêu lên, kẻ mang quả bom phát nổ đã vô tình kích hoạt quả bom vốn được dự tính đặt ở một nơi khác ? Đây có thể là nguyên nhân khiến cho vụ nổ xẩy ra lúc 14g40, thay vì vào giờ cao điểm, có đông người hơn, như các kẻ khủng bố thường tính toán ?

Giới điều tra cũng tìm xem nghi phạm có đồng lõa hay không. Theo một tờ báo thì chính quyền đã được một cựu thành viên thánh chiến thông báo về nguy cơ khủng bố, nhưng chưa kịp phá vỡ mạng lưới này.

Mai Vân

Published in Quốc tế