Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nối lại thử nghiệm hạt nhân : Ý định thực sự của Mỹ hay đòn cảnh báo Nga - Trung ?

Hôm 17/06/2020, các báo Pháp quan tâm đặc biệt đến thời sự Châu Âu và nước Pháp, dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, Libération lại dành một hồ sơ lớn cho đề tài vũ khí hạt nhân và chính quyền Donald Trump.

bom1

(Ảnh minh họa) - Từ năm 2000 đến này, Bắc Triều Tiên là nước duy nhất thử hạt nhân, tổng cộng 6 vụ. SeongJoon Cho/Bloomberg via Getty Images

Thông tin về một cuộc họp vào giữa tháng 5 tại Washington về khả năng thử nghiệm mới đang làm dấy lên cuộc tranh luận về giới hạn của việc không phổ biến vũ khí nguyên tử. Libération đặt câu hỏi đây là ý định thực sự của Mỹ để phát triển vũ khí hạt nhân hay chỉ là nhằm cảnh báo các thế lực khác ?

Từ năm 1998 cho đến nay, sau các vụ thử nghiệm của Ấn Độ và Pakistan, chỉ có Triều Tiên còn thử hạt nhân. Hoa Kỳ không làm như vậy kể từ khi có lệnh cấm năm 1992 và với việc ký kết Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) hồi năm 1996.

Theo Libération, ít ai biết là chính thỏa thuận nói trên đã trở thành cột trụ để giải trừ vũ khí hạt nhân. Ngay cả việc phê chuẩn chưa đạt được do bị tắc tại Thượng Viện năm 1999, chính quyền Mỹ vẫn luôn tuân theo nguyên tắc : không gây ra bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào trên mặt đất, trong lòng đất, trong bầu khí quyển hoặc dưới nước. Do đó, việc Washington Post tiết lộ nội dung của cuộc họp ngày 15/05 trong đó, theo Lầu Năm Góc, có thể sẽ chỉ mất vài tháng để Hoa Kỳ thực hiện việc nối lại lệnh thử nghiệm hạt nhân, đã khiến công luận kinh ngạc.

Tuy nhiên, Libération dẫn báo chí Mỹ cho rằng dường như những người tham gia thảo luận đang bị chia rẽ. Và cho đến nay, chính quyền vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào. Tổng thống Trump không nói một lời và chính quyền của ông cũng không thông báo cho Tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện về ý định rút khỏi Hiệp ước hay tiến hành thử nghiệm trở lại. Tuy thận trọng trước tin tức mà ông cho rằng chỉ là tin đồn, nhưng Lassina Zerbo, thư ký điều hành của Tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, vẫn cảnh báo : "Bất kỳ bước lùi nào cũng có thể mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang".

Hoa Kỳ vẫn là nước đóng góp tài chính chính cho Tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, tham gia vào việc tu bổ và cải thiện hệ thống giám sát quốc tế, mạng lưới cảm ứng khổng lồ để phát hiện bất kỳ sự rung chuyển hoặc phát thải nào liên quan đến các vụ thử hạt nhân. Nhờ hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện và hệ thống giám sát của Tổ chức, số vụ thử hạt nhân đã giảm từ 2.000 vụ trong thế kỷ 20 xuống còn 6 vụ kể từ năm 2000 đến nay, tất cả đều do Bắc Triều Tiên tiến hành.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Hoa Kỳ tố cáo Nga không tuân thủ quy định không vụ nổ tạo ra năng lượng hạt nhân và từ vài tháng nay Washington nghi ngờ Trung Quốc sắp vượt quá giới hạn. Đương nhiên là Moskva và Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, nhưng chủ đề này đã thành một nguồn căng thẳng mới giữa ba cường quốc. Libération kết luận việc rò rỉ thông tin về cuộc thảo luận bí mật liên quan đến khả năng Mỹ nối lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân rất có thể là một biện pháp làm tăng áp lực đối với Moskva và Bắc Kinh, nhưng đây cũng là một đòn bẩy nguy hiểm.

Tổng thống Pháp Macron và giới hạn quyền lực

Về chính trị trong nước, mục thời luận của báo Le Monde nói về những khó khăn của nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron từ nay cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống.

Le Monde lưu ý tình trạng hiện nay là nếu có điều gì không hài lòng là dân Pháp đều nhắm đến tổng thống, nhưng có một điều họ bỏ qua là ông Macron không thể tự mình quyết định hết mọi sách lược theo ý ông. Bên cạnh tổng thống còn có thủ tướng Edouard Philippe và chính phủ. Chính tại phủ thủ tướng hàng tuần đều diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng, các dự luật được triển khai dưới sự giám sát của thủ tướng. Nguyên thủ quốc gia không thể can thiệp vào công việc của bộ máy hành pháp. Ông Macron đã chạm đến giới hạn quyền lực.

Tổng thống tiền nhiệm François Hollande, 2 năm rưỡi sau khi hết nhiệm kỳ, đã ra một cuốn sách nói về bài học từ kinh nghiệm của ông : Tổng thống phải đầu tư hết mình cho trọng trách nhưng lại không thể tự bảo vệ mình. Tổng thống ở khắp nơi và chịu trách nhiệm về tất cả mọi chuyện. Nói cách khác, sự tồn tại của chính phủ và thủ tướng do chính tổng thống bổ nhiệm cũng không thể giúp ông thoát khỏi khó khăn. Khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, cựu tổng thống François Hollande đã kết luận rằng vị trí số hai - vị trí thủ tướng nên bị loại bỏ. Ông Hollande không phải người duy nhất nghĩ như vậy. Chẳng hạn, cựu thủ tướng Pháp Edouard Balladur và Lionel Jospin đều tin rằng thống nhất về một mối quyền lực hành pháp sẽ hiệu quả hơn mà vẫn hợp pháp.

Nhưng theo Le Monde, ở giai đoạn này, với những khó khăn ở thời điểm này, Emmanuel Macron hầu như không có thời gian để đặt câu hỏi về vấn đề cải tổ hệ thống nói trên, mà phải đánh giá có nên tiếp tục với thủ tướng Edouard Philippe hay bổ nhiệm một vị thủ tướng mới, để không lâm vào cảnh như người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy (không tái đắc cử), thậm chí là để không lâm vào cảnh người tiền nhiệm François Hollande (không thể tái tranh cử).

Cạnh tranh : Bruxelles muốn sang trang "Châu Âu ngây thơ"

Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt dành sự chú ý cho Châu Âu, từ kinh tế, doanh nghiệp hậu Covid-19, cạnh tranh với các nước ngoài Liên Âu cho đến các vấn đề xã hội, dân số …

Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất "Bruxelles muốn sang trang Châu Âu ngây thơ". Mong muốn tái lập các điều kiện cạnh tranh công bằng, Ủy Ban Châu Âu hôm nay mở tranh luân về việc thay đổi các quy định cạnh tranh, lấy ý kiến đóng góp của các quốc gia thành viên. Mục đích là đưa ra các cải cách vào cuối năm nay để bảo vệ các doanh nghiệp của Liên Hiệp trước các công ty nước ngoài được Nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Dự thảo cải cách được chia thành hai vế. Vế thứ nhất là giám sát xem liệu các công ty nước ngoài làm ăn tại Liên Hiệp có được hưởng trợ cấp từ Nhà nước của họ hay không, để đưa ra biện pháp đối phó, như giảm năng lực sản xuất của các công ty này tại Châu Âu, cấm các doanh nghiệp này thâm nhập vào một số thị trường công trong khối…

Vế thứ hai là bảo vệ các công ty của Châu Âu trước việc bị các đối thủ nước ngoài mua lại, bảo đảm rằng các thương vụ được thực hiện công bằng. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Liên Âu rất quan tâm tao điều kiện thuận lợi để tái cấp vốn công khai cho các công ty nhằm loại trừ khả năng nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp này. Hiện giờ, Ủy Ban Châu Âu vẫn muốn củng cố chiến lược cảnh giác đề phòng nói trên. 

Vấn đề quan trọng, đối với Les Echos, là làm thế nào để trang bị cho Liên Âu khả năng chứng minh doanh nghiệp nước ngoài được chính quyền nước đó tài trợ, bởi có một số doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những biện pháp trợ cấp trá hình và rất dễ che giấu.

Châu Âu : Hậu Covid-19, nạn phá sản doanh nghiệp bùng nổ

Vẫn về kinh tế, báo Le Monde quan tâm đến nguy cơ phá sản thời hậu Covid-19 của các doanh nghiệp Châu Âu. Mặc dù chính phủ các nước Châu Âu đã chi hàng trăm tỉ euro để vực dậy nền kinh tế, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp bị tê liệt do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19, nhưng theo kết quả nghiên cứu cơ quan bảo hiểm - tín dụng Coface công bố ngày 16/06/2020, các vụ doanh nghiệp phá sản sẽ tăng mạnh từ nay đến hết năm 2021 : tỉ lệ này là 21% tại Pháp, 22% ở Tây Ban Nha, 37% đối với Anh và Ý, 36% tại Hà Lan. Nước ít bị ảnh hưởng nhất là Đức, với tỉ lệ phá sản tăng 12%.

Tại Pháp, nếu không có thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung của chính quyền, theo Coface, đến cuối năm 2021 sẽ có tới 61.354 doanh nghiệp phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới được thành lập, 200.000 việc làm trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng. Các lĩnh vực có nhiều nguy cơ phá sản nhất đương nhiên là các ngành nghề bị tác hại nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 : du lịch, nhà hàng, giao thông vận chuyển, thương mại, may mặc, xây dựng.

Đối với các nước Châu Âu khác, Coface nhấn mạnh mức độ phá sản sẽ có liên quan đến mức tăng giảm GDP. Theo các dự báo về tăng trưởng, Hà Lan và Đức sẽ là những nước ít bị suy thoái nhất, GDP chỉ giảm 2% so với năm 2019. GDP của Anh và Ý sẽ giảm 5-6% so với năm ngoái, nhiều hơn mức sụt giảm tại Pháp và Tây Ban Nha. Riêng tại Hà Lan có điểm đặc biệt là các doanh nghiệp dễ bị phá sản hơn ở các nước khác nhưng khi kinh tế được hồi phục, thì số công ty mới được thành lập cũng cao hơn.

Liên Hiệp Châu Âu và khủng hoảng dân số

Báo Le Figaro dành nhiều bài viết cho thời sự Pháp, nhưng không quên hồ sơ về cuộc khủng hoảng dân số Liên Hiệp Châu Âu : dân số giảm và già ở Châu Âu, nhất là ở các quốc gia Đông Âu và Nam Âu như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, kéo theo đó là những hậu quả về kinh tế, xã hội và cả chính trị. Trong bài viết "Liên Hiệp Châu Âu mở mắt về khủng hoảng dân số", Le Figaro lấy làm tiếc là giới lãnh đạo các nước thành viên Liên Âu đã coi nhẹ những hậu quả nói trên. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận tỉ lệ tử cao hơn tỉ lệ sinh.

Theo báo cáo "Tác động của chuyển đổi dân số" do chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phụ trách, nếu kéo dài tình trạng này, tính từ năm 2030 đến năm 2070 dân số Châu Âu sẽ giảm 5%. 30% dân số sẽ trên 65 tuổi, số người trên 80 tuổi chiếm 13%. Còn số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm 18%. Điều này sẽ tạo gánh nặng về chăm sóc y tế và quỹ hưu trí.

Sau cuộc chiến Covid-19 là cuộc chiến du lịch

Vẫn liên quan đến Châu Âu, nhưng về du lịch, báo La Croix nói về Cuộc chiến du lịch hè giữa các nước Châu Âu. Nước nào cũng vừa muốn giữ khách nội địa và thu hút khách ngoại quốc. Trong cuộc chiến mới này, dường như các nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha và cả nước Pháp có nhiều ưu thế vì khí hậu dễ chịu và có nhiều khu nghỉ mát ven biển. Hơn 50% người dân Châu Âu mùa hè thường đi nghỉ ở vùng biển.

Năm nay, do tác hại của dịch bệnh, chính phủ Pháp đã nhiều lần bày tỏ mong muốn người dân Pháp sẽ đi nghỉ hè trong nước. Theo một cuộc khảo sát mới đây, 87% dân Pháp chọn du lịch nội địa mùa hè, chỉ có 13% muốn ra nước ngoài nghỉ hè. Các địa phương của Pháp cũng tìm đủ cách để thu hút du khách, với nhiều sáng kiến. La Croix nói đến khả năng xảy ra "cuộc chiến giữa các vùng lãnh thổ".

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế