Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những hình ảnh và video gây sốc cho thấy các nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở Moskva bị bạo hành đã lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ở Nga từ mấy ngày qua. Đây là cách mà chính quyền Nga muốn tự thể hiện như một quốc gia "mạnh mẽ" với việc phớt lờ những chỉ trích lên án việc sử dụng hình thức tra tấn.

tratan0

Các nghi phạm trong phiên xử vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall. Ảnh chụp tại tòa án quận Basmanny, Moskva, Nga, ngày 24/03/2024. AFP – Tatyana Makeyeva, Olga Maltseva

Muhammadsobir Fayzov ngồi xe lăn và mắt nhắm đến phòng xử án ở Moskva hôm Chủ nhật ngày 24/03/2024. Saidakrami Rachabalizoda xuất hiện với một miếng băng lớn che tai. Người thứ ba, Dalerjon Mirzoyev, xuất hiện trước các thẩm phán với một chiếc túi nhựa cuốn quanh cổ cùng với những vết cắt trên mặt.

Ba người này cùng với nghi phạm thứ tư đều có khuôn mặt sưng tấy như nhau, đều bị cáo buộc tham gia vào vụ tấn công khủng bố ngày 22/03, khiến nước Nga rơi vào tình trạng tang tóc. Ít nhất 139 người thiệt mạng trong vụ tấn công nhắm vào phòng hòa nhạc Crocus City Hall ở Moskva. Đây là cuộc tấn công đẫm máu, chết chóc nhất trên lãnh thổ Châu Âu, mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm, đã gây chấn động trên cả nước và cộng đồng quốc tế.

Tòa án cho biết hai trong số bốn nghi phạm đã nhận tội sau phiên điều trần được tổ chức kín. Sau đó, tất cả họ đều bị tạm giam ít nhất 2 tháng, tương ứng với thời hạn pháp lý.

Nhà nước không phản đối bạo lực

Việc phát tán rộng rãi khuôn mặt sưng tấy của các nghi phạm trên truyền hình đã khởi động cho những tranh cãi xung quanh việc sử dụng các hình thức tra tấn, bởi các video rõ nét đã lan truyền trên những kênh Telegram được cho là thân cận với các cơ quan tình báo Nga. Một trong những video nói trên dường như cho thấy một trong những nghi phạm bị cắt một phần tai, sau đó bị nhét vào miệng miếng tai này. Một bức ảnh khác cho thấy bị cáo thứ hai bị nối dây điện vào bộ phận sinh dục.

Tatiana Moskalkova, quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền của tổng thống Nga, một người vốn "rất thân Putin", tuyên bố : "Việc sử dụng các hình thức tra tấn đối với các nghi phạm là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được". Phát biểu của bà Moskalkova lặp lại lời tố cáo của một số tổ chức phi chính phủ cho rằng nhà chức trách đã dùng vũ lực để ép cung. Khi được kênh CNN của Mỹ hỏi, điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc liên quan đến tra tấn. Dmitri Medvedev, cựu thủ tướng Nga, người đã trở thành một trong những nhà tuyên truyền khốc liệt nhất của điện Kremlin, hoan hỉ về "số phận" của các nghi phạm này, thậm chí còn cam đoan rằng "tất cả bọn họ sẽ bị trừ khử".

Việc các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ về những nghi phạm khủng bố bị bạo hành cũng là điều đáng chú ý. Stephen Hall, chuyên gia về Nga tại đại học Bath, Anh Quốc, khẳng định : "Việc phát tán hình ảnh về những hành động giống như tra tấn tù nhân này là điều chưa từng xảy ra ở Nga".

Mặc dù các cơ quan an ninh Nga vốn nổi tiếng trong việc sử dụng bạo lực khi tiến hành thẩm vấn, nhưng "cho đến nay, chính quyền đã tìm cách che giấu khía cạnh này nhiều nhất có thể", theo Jeff Hawn, chuyên gia về Nga tại Trường Kinh tế Luân Đôn, Anh Quốc. Jeff Hawn nhắc lại rằng vào năm 2021, các video quay cảnh hành động tra tấn tù nhân do tổ chức phi chính phủ nhân quyền Gulagu.ru công bố, đã chỉ nhận được "sự im lặng đáng hổ thẹn của chính quyền Nga".

Về cái chết của nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny, được công bố ngày 16/02/2024, nhà chức trách cũng đã chần chừ trong việc bàn giao thi thể cho gia đình ông. Một trong những lý do được những người ủng hộ ông đưa ra vào thời điểm đó để giải thích cho sự chậm chạp này là mong muốn che giấu càng lâu càng tốt những dấu vết tra tấn mà Navalny có trên người trước khi chết.

Một sự kiềm chế mà dường như điện Kremlin đã gạt sang một bên khi xử lý hồ sơ Crocus City Hall. Một trong những lý do giải thích cho việc này là "dư luận Nga có sự khoan dung rất cao đối với việc sử dụng hình thức tra tấn trong ba trường hợp : khủng bố, tội ác chống lại trẻ em và các vụ giết người hàng loạt", Olga Sadovskaya, thành viên của tổ chức phi chính phủ Équipe phản đối tra tấn, giải thích với nhật báo độc lập của Nga The Moscow Times.

Hình ảnh một chính quyền đứng vững sau những lời chỉ trích

Do vậy, rủi ro chính quyền bị người dân Nga chỉ trích quá mạnh mẽ không cao, mặc dù việc sử dụng các hình thức tra tấn là bất hợp pháp theo bộ luật hình sự của nước này.

Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn cho biết việc đưa tin rầm rộ về sự tàn bạo của những cơ quan an ninh trên các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò như một tín hiệu kép. Thứ nhất, "đó là một hình thức ngăn cản những kẻ khủng bố tiềm tàng khác manh động", theo Stephen Hall. Sau đó, chính phủ cũng tìm cách "lợi dụng cuộc tấn công khủng bố này và nhập vai ‘những thành phần cứng rắn’, không ngại đưa ra những quyết định và hành động quyết liệt để bảo vệ người dân", theo Jeff Hawn.

Việc Moskva thể hiện quyết tâm cao độ càng trở nên cấp thiết hơn khi lực lượng an ninh ban đầu bị chỉ trích nặng nề. Chuyên gia về Nga Jérémy Morris đánh giá trong một bài báo đăng trên tờ Moscow Times ngày 25/03 : "Vụ tấn công khủng bố đã làm nổi bật sự ‘giả tạo’ của hệ thống an ninh Nga".

Đối với điện Kremlin, cuộc tấn công này cũng là cơ hội để loại bỏ "những dấu hiệu cuối cùng của sự tôn trọng nhân quyền", theo Stephen Hall. Jeff Hawn nhận định : "Chính quyền Nga từ lâu luôn tìm kiếm sự xác nhận của phương Tây để cùng tồn tại tốt hơn, đặc biệt bằng cách chính thức thể hiện sự gắn bó với việc bảo vệ nhân quyền. Nhưng kể từ tháng 02/2022, Moskva không còn phải cố gắng như vậy, vì phương Tây đã trở thành kẻ thù. Do vậy, bạo lực cũng được tầm thường hóa".

Stephen Hall cho rằng việc dường như áp dụng hình thức tra tấn đối với các nghi phạm trong vụ tấn công Crocus City Hall cũng chứng tỏ rằng "xác định sự thật không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nga". Những lời thú tội bằng cách sốc điện vào bộ phận sinh dục hoặc bằng các hình thức tàn bạo khác có rất ít giá trị pháp lý, theo luật pháp quốc tế hay luật pháp Nga.

Sự thật có thực sự quan trọng ?

Trang tin độc lập Meduza của Nga nhận định những bức ảnh của các nghi phạm tại tòa hoặc các video lan truyền trên mạng xã hội có thể trở thành những manh mối hết sức hữu ích dành cho các luật sư bào chữa. Nhưng dường như không có dấu hiệu nào cho thấy các luật sư do tòa án chỉ định đề cập đến điều này trong phiên điều trần.

Jeff Hawn tóm tắt : "Từ vẻ bề ngoài cho đến cốt lõi câu chuyện – một Nhà nước mạnh mẽ đã biết cách ứng phó với thảm kịch quan trọng hơn chính sự thật". Đối với chuyên gia Hawn, việc sử dụng hình thức tra tấn cũng bảo đảm rằng các nghi phạm sẽ không muốn, hoặc sẽ không còn khả năng bác bỏ "phiên bản chính thức đang được tạo ra" của vụ tấn công.

Như Vladimir Putin đã nói, cuộc tấn công chắc chắn được thực hiện bởi "thành phần Hồi giáo cực đoan", nhưng theo lệnh của "những kẻ chủ mưu". Cố vấn chính của chủ nhân điện Kremlin về các vấn đề an ninh, Nikolai Patrushev, đã không ngần ngại chỉ đích danh thủ phạm khi nói với kênh độc lập Belsat của Belarus rằng "Ukraine phải chịu trách nhiệm".

(France 24)

Phan Minh

Nguồn : RFI, 28/03/2024

Published in Quốc tế

"Trải qua gần bảy năm ở trong nhà tù, tôi đã bị chuyển đi tới 20 lần, mà qua 11 nhà tù khác nhau ở Việt Nam, từ ở mũi Cà Mau, cho ra tới Vinh, Nghệ An. Ở trong mỗi nhà tù đó, chính quyền lại có một cách thức quản lý riêng, chứ không phải nhà tù nào cũng giống hệt nhau, thế nhưng có một điểm chung…", blogger, nhà báo tự do Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm của Việt Nam chia sẻ trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/6/2023 từ Hoa Kỳ, nơi ông đang cư trú chính trị.

dieucay1

Một trại giam ở Hải Dương – Reuters

Ông nói rõ : "Điểm chung đó là ở đa số các nhà tù có tình trạng bóc lột sức lao động của tù nhân, cưỡng bức tù nhân lao động rất tàn bạo. Điển hình như là những tù nhân ở trại giam Cái Tàu ở mũi Cà Mau nói rằng có những đợt họ phải làm thông hai ngày, hai đêm luôn".

‘Hơn trăm người tù trong buồng giam non 50 thước vuông’

"Năm 2009, tôi bị đưa xuống trại Cái Tàu, Cà Mau, trại giam đó nằm cách thành phố Cà Mau 40 km. Trại này nằm ở trong rừng U Minh và là một trong những trại đầu tiên, sau những trại giam ở Sài Gòn như trại giam Chí Hòa, trại giam Quận 3 và trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, mà sau những lần luân chuyển đó, họ đưa tôi xuống trại Cái Tàu, Cà Mau để thi hành án, đấy là trại giam đầu tiên mà tôi đi.

Thực tế tôi thấy ở dưới đó là các tù nhân vô cùng gian khổ, khó khăn. Có những phòng giam các chiều chỉ là 13m x 6m, có hai tầng sàn, nhưng họ giam giữ từ 90 cho đến 135 tù nhân trong một phòng giam như vậy.

Hãy tưởng tượng rằng ở phòng giam như thế, tù nhân chia chỗ để nằm với nhau bằng một cái dép Lào. Thế thì làm sao có thể nằm ? Thường tù nhân phải làm thành cặp với nhau, một người nằm ở bên trên, một người nằm ở dưới. Và thường là người nhỏ con nằm ở trên, họ cột một cái mền lại giống như một cái võng, để họ nằm ở phía bên trên. Còn một người nằm bên dưới, mà mọi người biết là ở Cà Mau, muỗi kinh khủng.

Có những người không có chỗ nằm, phải nằm hẳn xuống lối đi là sàn vốn để đi lại ở giữa hai bên. Sàn đi lại nhiều khi ẩm ướt, bị nước bẩn. Rồi ở trại đó, với ngần ấy con người trong một phòng giam, nhưng không có nước. Hãy tưởng tượng hơn một trăm con người mà đi tiêu, đi tiểu, không có nước để giội, thì trong phòng giam ấy hôi thối cỡ nào. Nó nồng nặc lên khủng khiếp, rất kinh khủng !

Ở trại Cái Tàu, Cà Mau, có hai ngàn tù nhân, nhưng chỉ có một giếng nước thôi, người ta bơm nước vào, và những phòng giam ở cuối dãy thường không có nước, nên mỗi lần tù nhân muốn lấy nước, họ phải ngậm miệng vào cái vòi để hút. Họ hút hết sức thì một lúc mới nghe thấy tiếng ‘ọp ọp’ ở trong cái vòi nước ấy. Họ lấy cái ca để hứng, thì nước chảy ra khoảng nửa ca, sau nó ngừng, không chảy nữa. Và họ lại phải hút tiếp như thế".

Trước thực trạng này, cựu tù nhân lương tâm Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo tự do, người bị bắt vào tháng 4/2008, sau đó ở tù cho đến khi bị trục xuất sang Mỹ vào tháng 10/2014, kể với RFA Tiếng Việt, ông đã đấu tranh cho những người tù cùng trại giam ra sao.

"Ở dưới trại đó, tôi có đấu tranh và đòi nước cho anh em tù nhân hình sự. Sau này, nhờ đưa được thông tin lên mạng Internet rồi, trại giam đó phải khoan thêm hai cái giếng nữa, lúc đó nước mới tạm đủ cho tù nhân.

Thế nhưng, tình trạng ở dưới trại đó khổ lắm, bởi vì cơ sở vật chất của trại được xây dựng từ khoảng những năm 1980, theo kiểu nhà tù Liên Xô, nó cổ lỗ lắm rồi. Và đặc biệt nền của trại đó thấp, những ngày triều cường, nước ở ngoài sông lên cao, chảy ngược vào trong trại. Khi đó, nước ở những cống và toilet dềnh lên, ngập mênh mang ở trong sân trại, thối rình. Đời sống ở trại đó rất là kinh.

Còn về việc tù nhân đi làm, với những người làm ở đội làm điều, trại giam giao một ngày phải làm hơn 3kg cho đến 5kg điều. Những hạt điều nhỏ xíu như đầu ngón tay, thành ra 5 kg là công việc rất nhiều. Và tù nhân phải ngồi cạo những vỏ hạt điều đó. Nếu sơ sẩy làm bể, làm hao, là tù nhân bị đánh. Có những người ngồi làm việc miết như thế, ngồi xếp bằng chân để cạo điều, ngồi lâu một tư thế như vậy, máu không lưu thông, từ từ họ sẽ bị teo chân đi, khiến có người bị liệt luôn. Và họ phải lết bằng hai khúc gỗ. Ở trong trại giam đó đã có mấy trường hợp như vậy rồi.

Nói chung chuyện tù nhân ở trại Cái Tàu, Cà Mau, bị đánh đập, như từ chuyện lén hút thuốc lá cũng bị đánh, rồi làm việc không đủ năng suất, rồi làm chậm, hoặc làm việc yếu, hoặc làm bị hao, thì bị đánh. Cho nên, những người tù ở những đội điều mà bị quản giáo đánh rất sợ, họ phải kêu gia đình xuống, những nhà có tiền, mang tiền chạy để được chuyển sang những đội khác.

Nói chung, các hình thức tra tấn trong các nhà tù ở Việt Nam có nhiều hình thức. Sau những vụ mà tôi đòi nước, đòi tiêu chuẩn ăn uống của tù nhân ở trong đó, khi tôi đưa được thông tin lên Internet, anh em tù nhân ở dưới trại bắt đầu ủng hộ tôi. Ban giám đốc trại thấy nếu để tôi ở lại trại đó sẽ ‘nguy hiểm’ cho công việc của họ, họ tìm cách chuyển tôi đi. Cuối cùng họ chuyển tôi xuống trại giam Xuân Lộc".

Cưỡng bức ‘mất tích’, không cho gia đình ‘thăm nuôi’

Sau một năm bị giam giữ ở nhà tù đầu tiên ở mảnh đất cực nam của Việt Nam, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, người sinh trưởng ở Hải Phòng vào năm 1952 và là cựu chiến binh, từng nhập ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian từ 1971-1976, kể tiếp với RFA Tiếng Việt về những gì ông đã chứng kiến tiếp, ở nơi mới mà ông bị chuyển trại đến.

"Như thế, tính từ tháng 3/2009, tôi xuống trại giam Cái Tàu ở Cà Mau, thì đến ngay cuối tháng 8/2009, chính quyền chuyển tôi xuống trại giam K2, Xuân Lộc ở tỉnh Đồng Nai. Lúc đó ở trại giam này có một khu gọi là khu A, tại đó họ giam giữ 41 anh em tù chính trị. Thế nhưng ở án đầu tiên của tôi, họ truy tố tôi tội hình sự (tội mà chính quyền cáo buộc là ‘trốn thuế’), nên tôi ở chung với anh em theo đạo Hòa Hảo, những người này bị truy tố tội hình sự với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, mặc dù trên thực tế, họ chỉ thực hành việc hành đạo của họ mà thôi, và họ cũng bị giam giữ ở đó.

Trại Xuân Lộc có những hình thức khác với trại Cái Tàu, ở Cà Mau, nhưng nói chung về các hình thức tra tấn ở các nhà tù ở Việt Nam, đầu tiên bất kỳ một người tù nào mà là bất đồng chính kiến bị bắt, đều bị giam giữ cách ly theo cách là ‘cưỡng bức mất tích’.

Tức là chính quyền giam giữ mà không cho người bị giam tiếp xúc với luật sư, không cho tiếp xúc với gia đình, cắt hết mọi liên lạc với xã hội bên ngoài, tức là bằng cách như thế, người ta đặt người tù ra bên ngoài sự bảo vệ của pháp luật.

Cho nên chúng ta thấy những người tù mà là người bất đồng chính kiến bị bắt, mà không chỉ họ, trong quá trình đi tù, tôi thấy nhiều tù nhân, kể cả tù hình sự cũng vậy, các cơ quan điều tra của Việt Nam đều áp dụng điều đó. Họ cách ly toàn bộ, không cho luật sư tham gia trong quá trình điều tra, không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, thân nhân, nói chung là họ đặt người tù ra ngoài sự bảo vệ của pháp luật, để họ cưỡng bức tù nhân mất tích.

Có những trường hợp, gia đình của người tù trong suốt tám tháng không được gửi quà thăm nuôi, mãi đến khi kết thúc điều tra, gia đình của họ mới được gửi vào, và tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như thế".

Rất nhiều trường hợp thường phạm bị tra tấn, bị đánh đập, nhưng với tù chính trị, hay tù nhân lương tâm, họ không tra tấn theo lối đó, nhưng bị giam giữ theo lối cưỡng bức mất tích, không ai bên ngoài được tiếp xúc với người tù đó cả".

‘Cùm ngồi, treo lơ lửng để đánh đập và Thông tư 37’

Theo blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, nhà bất đồng chính kiến mà ban đầu bị nhà nước Việt Nam bắt giam, bỏ tù với cáo buộc ‘trốn lậu thuế’, sau đó bị xử tù tiếp dưới tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, đã có nhiều hình thức tra tấn gây đau đớn về thể xác (nhục hình) xảy ra ở trong tù mà nhiều người tù phải chịu đựng, ông nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.

"Về chuyện gây đau đớn về thể xác, nhiều trường hợp tù nhân trong quá trình điều tra bị đánh đập, bị tra tấn rất là dữ. Tôi ở cùng buồng giam với một người tù trước đó là sinh viên, anh ấy trước đó chở một người chị quen biết đi giao tiền, người đó phạm tội buôn bán tiền giả, mà lúc bị tra tấn, anh ta nói đã bị người của cơ quan điều tra trói, treo người lên lơ lửng để đánh.

Những người tù mô tả với tôi những trường hợp mà họ bị đánh, rất kinh khủng. Nhiều trường hợp nói họ bị những người ở các cơ quan điều tra, trong đó ở các cơ quan điều tra cấp quận, đánh đập. Thường những người tù kể với tôi rằng khi họ bị giam ở bên trại giam Chí Hòa, họ bị đánh đập rất khủng khiếp. Và có những người bị cùm, thí dụ như khi tôi ở trại Cái Tàu, Cà Mau, có một anh đó bị cùm, mà là cùm ngồi, đến mức độ khi anh ra trại (ra tù), lưng của anh ấy bị cong đi luôn, mà không còn có thể thẳng được nữa.

Lý do là vì ở trại tạm giam ở Cà Mau đó có một kiểu cùm chân, mà lại là cùm ngồi, khiến người tù bị cùm không nằm được, mà chỉ ngồi gò như thế thôi. Đấy là những hình thức tra tấn rất dã man. Rồi có những người tù vì buôn ma túy kể lại những trường hợp khác mà trong đó họ bị tra tấn cũng rất khủng khiếp và ở các trại giam Việt Nam bây giờ vẫn còn các phòng cùm, những người tù mà vi phạm kỷ luật sẽ bị cùm.

Trong luật thi hành án hình sự quy định rằng những người vi phạm có thể bị cùm và bị giam cách ly tới 10 ngày. Thế nhưng khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam buộc phải ban hành 27 bộ luật, trong đó có Luật về thi hành án hình sự. Khi ban hành Luật thi hành án đó, mà có những nội dung để phù hợp theo cam kết mới với quốc tế, song song với điều đó, chính quyền lại ban hành một thông tư gọi là ‘Thông tư 37’ của Bộ Công an.

Theo Thông tư 37 này, người ta phân loại giam giữ tù nhân bằng tội danh và bằng chấp hành án. Như chúng ta biết, những người tù mà trên thực tế là bị án về tù lương tâm, tù chính trị, họ đã ngay lập tức bị liệt vào một hình thức giam giữ khác đi rồi. Do đó việc phân loại giam giữ với các tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị ở Việt Nam không được quy định trong Luật thi hành án hình sự. Trong luật đó, những người bị giam riêng, về hình thức, những người tù mà là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, hoặc những người bị chính quyền truy tố bằng một tội danh khác (bị giam vào khu vực riêng), ví dụ như vợ chồng của chị Cấn Thị Thêu, trong lần đi tù đầu tiên, bị quy cho phạm tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, đó là một tội danh hình sự, nhưng họ không bị giam vào khu với tù hình sự khác, mà bị giam vào khu an ninh riêng.

Đó là khu dành riêng cho anh chị em tù nhân lương tâm, tù chính trị, và đó là nơi mà anh Trịnh Bá Khiêm, chồng chị Cấn Thị Thêu, bị giam ở trại giam số 6 tại Nghệ An, nơi mà anh bị giam ở khu an ninh cùng với nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, mặc dù anh Khiêm bị truy tố về tội hình sự, lúc anh Khiêm bị đi tù đó là khoảng năm 2014, 2015".

‘Biệt giam, cô lập, nhà tù bên trong nhà tù’

Theo nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, người mà hồi tháng 10/2010 đã bị cơ quan an ninh điều tra PA-24 ở TP. Hồ Chí Minh điều tra về các hoạt động thành lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do và tổ chức biểu tình về dân chủ, nhân quyền, ‘phản đối Trung Quốc’ ở TP. Hồ Chí Minh, sau hình thức thứ nhất về tra tấn áp dụng đầu tiên khi người tù mới bị bắt là cưỡng bức mất tích, đặt người tù ra ngoài sự bảo vệ của pháp luật, ngoài hình thức thứ hai mà theo ông là gây ra những đau đớn về thể xác, trong đó, có việc người tù ‘vi phạm kỷ luật’ thì bị xử cùm, hay các hình thức ‘tra tấn’ khác như cưỡng bức lao động, có đánh đập trong quá trình, thậm chí là ‘bỏ đói’ tù nhân, còn có tiếp một hình thức thứ ba, đặc biệt áp dụng với tù nhân lương tâm, tù nhân án chính trị, như ông Nguyễn Văn Hải nói tiếp trên quan điểm riêng :

"Hình thứ thứ ba phải nói đến là hình thức biệt giam. Đây là một trong những hình thức trong đó chủ yếu chính quyền cô lập tù nhân ra khỏi cộng đồng tù nhân ở trong nhà tù, có những người tù đã bị biệt giam rất lâu.

Và đặc biệt những người ở trong những khu an ninh, bây giờ có hình thức giam giữ như thế này. Họ giam giữ chỉ hai người trong một buồng giam, và có ba lớp cửa. Lớp cửa thứ nhất, khi mở cửa buồng giam, trước cửa buồng có một khoảng sân nhỏ với một miếng đất nhỏ, xong có một cửa nữa. Cửa thứ hai mở ra, buồng giam này và buồng giam kia mới ra được một sân chung. Rồi cửa thứ ba mới là cửa đi ra bên ngoài, là ra khu tù hình sự.

Như thế tức là hình thức giam giữ với tù nhân lương tâm và tù chính trị bây giờ là ‘nhà tù ở trong nhà tù’. Và do có ba lớp cửa như vậy, chỉ cần ban giám thị trại giam không mở lớp cửa thứ nhất, người tù đã bị nhốt riêng ở trong đó rồi. Bình thường, họ không mở lớp cửa thứ hai. Các phòng này không được sinh hoạt chung với nhau. Cuối cùng, lớp cửa thứ ba, như tôi đã nói, mới dẫn đi ra bên ngoài.

Với tù hình sự, tức là tù thường phạm, khi đi lao động về, họ có thể ra sân chơi, họ chơi bóng đá hay họ lên căng-tin mua đồ ăn, nhưng tù chính trị, tù nhân lương tâm thì không được phép như vậy.

Tù chính trị, tù nhân lương tâm chỉ có một con đường duy nhất nối từ trong ra ngoài là bằng việc cán bộ quản giáo vào gặp. Ví dụ ngày mai muốn mua gì ở trên căng-tin, thì đăng ký vào một cuốn sổ, chứ người tù này không được tự lên căng-tin mua đồ như là tù hình sự.

Như vậy, tất cả những hình thức giam giữ, biệt giam như thế hoàn toàn không được thể hiện ở trong Luật thi hành án hình sự. Khi gia nhập tổ chức WTO, Việt Nam đã ban hành Luật thi hành án đó để được tham gia tổ chức đó, nhưng như tôi đã đề cập, song song với đó, chính quyền Việt Nam vẫn ban hành Thông tư 37 của Bộ Công an.

Và chính bằng Thông tư 37 đó, chính quyền đã xây dựng hàng loạt nhà tù trong nhà tù. Cách giam giữ tù chính trị, tù nhân lương tâm với hai người ở một buồng, buồng nọ với buồng kia không được liên hệ với nhau, hoàn toàn không nằm ở trong Luật thi hành án hình sự. Trong Luật đó, điều 27 quy định không phân loại giam giữ phạm nhân như thế, Thông tư 37 đã phân loại giam giữ ngay từ tội danh.

Do đó, những người tù chính trị, tù nhân lương tâm đã bị phân biệt từ đầu, cho thấy không phải là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và chính quyền Việt Nam đã phân biệt đối xử với tù chính trị, tù nhân lương tâm rất ghê gớm".

22222222222222222222222

Ông Trương Minh Đức trước khi bị tù

‘Một Thông tư ‘mật’ gây phân biệt đối xử trong nhà tù’

Nhà báo, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, người đã bị chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế vì bị cáo buộc phạm tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ trong phiên tòa ngày 24/9/2012, khẳng định trên quan điểm cá nhân với RFA Tiếng Việt rằng các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm Việt Nam hiện vẫn còn đang ở trong một thứ ‘nhà tù bên trong nhà tù’, với Thông tư 37 là một thông tư mật quy định điều này.

"Sau khi tôi ra tù, sang Mỹ, tôi tố cáo nhiều lần với tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về điều này, họ cứ hỏi tôi là : ‘Ông có văn bản đó, để cho chúng tôi xem không ?’ Thế nhưng tôi trả lời họ rằng : ‘Đó là một công văn mật, bây giờ làm sao mà tôi có được ?’

Thế nhưng cuối cùng họ đã tìm ra được Thông tư 37 đó của Bộ Công an Việt Nam, và chính nhờ đó, tôi đã đăng được Thông tư 37 đó lên Báo tham nhũng (*).

Điều đó cho thấy, khi nhà nước Việt Nam muốn tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ sẽ ban hành Luật thi hành án hình sự, trong đó có những điều khoản soạn thảo sao cho thỏa mãn điều kiện, để Việt Nam được tham gia WTO, nhưng mặt khác, như tôi đã nêu, song hành việc trên, họ đã ngầm ban hành một thông tư là Thông tư 37, một văn bản dưới luật và mật, nhưng có nội dung trái luật. Chính dựa vào văn bản này, mà chính quyền Việt Nam đã xây dựng hàng loạt ‘nhà tù trong nhà tù’ và hiện nay tù chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam vẫn bị giam giữ theo hình thức đó.

Lúc ấy, ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng Công an, và ông ấy đã ‘khoe’ ở trên báo Nhân Dân rằng Bộ Công an đã soạn thảo được 10 bộ luật, mà chúng ta biết rằng ở Việt Nam, công an quản lý nhà tù, công an bắt người, công an điều tra, công an tra tấn, công an giám định chứng cứ, cuối cùng công an ‘đánh chết người’, thì công an cũng là người khám nghiệm tử thi và đưa ra kết luận. Cho nên, công an Việt Nam ‘làm hết’ mọi việc đó và ở trong nhà tù, (về chính sách, quy chế) công an lại cũng viết luật luôn. Cả Luật thi hành án hình sự lẫn Thông tư 37 cũng là do Bộ Công an soạn.

Cho nên, ở Việt Nam có tình trạng là bộ nào của chính phủ quản lý lĩnh vực gì, thì bộ đó ban hành luật quản lĩnh vực đó, nên chúng ta thấy từ xây dựng luật đến ban hành thông tư, cuối cùng thì thông tư mới là văn bản ‘cầm tay chỉ việc’, các công chức nhà nước làm theo thông tư hướng dẫn, chứ không làm theo luật. Đó là vấn đề.

Vì vậy, anh em tù nhân ở trong các trại giam nói với tôi rằng : "Anh là người hiểu luật, anh đi 11 nhà tù rồi, anh phải ra ngoài nói cho bên ngoài biết tình trạng giam giữ ở Việt Nam với các tù nhân".

Do đó, khi tôi ra bên ngoài, tôi mới làm báo cáo với Tổ chức Ân xá Quốc tế về tình trạng ‘nhà tù ở trong nhà tù’ tại Việt Nam, và báo cáo đó cho đến bây giờ vẫn có giá trị như thường", nhà báo, blogger Nguyễn Văn Hải nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, trong tuần lễ Liên Hợp Quốc đánh dấu và hỗ trợ các nạn nhân của tra tấn, ngược đãi và vi phạm nhân quyền trên thế giới.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 30/06/2023

(*) Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải từng nhận được Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) và Giải "One Humanity" năm 2013 của Hội Văn bút Canada.

Published in Diễn đàn