Thời sự chính trị trong nước là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp ngày 14/12/2021, bốn tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Cánh tả Pháp phân hóa cao độ : đề nghị tổ chức bầu chọn ứng cử viên tổng thống chung của đô trưởng Paris không được hưởng ứng. Chính quyền gia tăng các biện pháp hỗ trợ kinh tế để vượt qua đại dịch, thâm hụt ngân sách và nạn trốn thuế là các chủ đề lớn khác.
Đô trưởng Paris Anne Hidalgo, ứng cử viên tổng thống đảng Xã Hội, trong cuộc mít tinh tại Perpignan, Pháp, ngày 12/12/2021. © Lionel Bonaventure/AFP
Trang nhất Le Monde chạy tựa "Tranh cử tổng thống : Cánh tả trong tình thế rối ren cao độ". Bốn tháng trước cuộc bầu cử, tỉ lệ ủng hộ các ứng cử viên tổng thống cánh tả dậm chân tại chỗ trong các thăm dò dư luận, trong bối cảnh lợi thế nghiêng về cánh hữu. Le Monde cho biết, ba chính trị gia hàng đầu của cánh tả, ông Jean-Luc Mélenchon (đảng Nước Pháp Bất Khuất), chính trị gia đảng Xanh Yannick Jadot và chính trị gia Đảng cộng sản Fabien Roussel đã "tiếp tục bác bỏ" đề xuất của chính trị gia đảng Xã Hội Anne Hidalgo. Thị trưởng Paris nhấn mạnh mong muốn cánh tả tổ chức một cuộc bỏ phiếu để chọn ra ứng cử viên duy nhất ra tranh cử tổng thống, đề xuất một lần nữa được đưa ra trong cuộc mít tinh ngày 12/12.
Hồ sơ "Cánh tả : rối ren cao độ, thống nhất còn xa" cho biết cụ thể hơn về đề xuất của ứng cử viên đảng Xã Hội Anne Hidalgo, bất ngờ được đưa ra lần đầu tiên trên đài Truyền hình TF1 hôm 08/12. Đề xuất này, theo Le Monde, đã đưa cánh tả nước Pháp vào một trạng thái "kỳ dị".
Ứng viên đảng Xã Hội tiếp tục cuộc vận động tranh cử hôm Chủ nhật trong trạng thái nước đôi. Một mặt nhấn mạnh đến đòi hỏi thống nhất cánh tả, mặt khác tiếp tục vận động cho cương lĩnh riêng của đảng Xã Hội.
Theo Le Monde, ứng cử viên đảng Xanh Jadot "nắm chìa khóa" của sự đoàn kết cánh tả.Nếu ông Yannick Jadot tìm thấy được một phương án hợp tác với các đối thủ cánh tả, tình hình sẽ thoát khỏi bế tắc. Le Monde cho hay, bên lề các cuộc mít tinh và các cuộc xuất hiện trước công chúng, thảo luận tìm kiếm sự thống nhất giữa các bên vẫn tiếp tục, nhưng trong một không khí đầy bất trắc, một phần do việc cựu bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira (Đảng Cánh tả Triệt Để - PRG) có thể sẽ tham gia tranh cử.
Đề xuất của đô trưởng Paris đặt ứng cử viên đảng Xanh dưới áp lực là nhận định của Les Echos. Theo nhật báo kinh tế, bà Anne Hidalgo đã đặt ông Yannick Jadot trước trách nhiệm lớn : ứng viên đảng Xanh sẽ phải chịu trách nhiệm về viễn cảnh cánh tả "đại bại" trong cuộc bầu cử tổng thống. Sáng hôm qua 13/12, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure gửi nhiều thông điệp lên Twitter cảnh báo : "Cuộc tranh cử mỗi người một phách sẽ đi vào ngõ cụt". Thông điệp được gửi trực tiếp đến ứng viên đảng Xanh với thẻ gắn #Đừng làm chuyện vớ vẩn Yannick (Yannick là tên riêng của ứng cử viên tổng thống đảng Xanh).
Ứng viên đảng Xanh phản ứng giận dữ, bởi trước đó hồi tháng 4/2021, ông đã từng tìm cách thảo luận với một số lãnh đạo đảng Xã Hội nhằm chuẩn bị cho một ứng cử viên cánh tả duy nhất, nhưng bị từ chối. Hôm qua, nghị sĩ Châu Âu Yannick Jadot nhấn mạnh : "vấn đề chính hiện nay, không phải là tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu sơ bộ trong cánh tả, mà là đoàn kết lại… xung quanh dự án vì Môi Trường, Sinh Thái".
"Tắt tiếng" là chủ đề bài xã luận La Croix về tình trạng rối ren của cánh tả Pháp. Nhật báo công giáo nhấn mạnh là phe Xã hội - Dân chủ Pháp hoàn toàn "tắt tiếng". Đây là điều nghịch lý, bởi điều này xảy ra chính vào lúc mà "các chủ đề ưa thích" của cánh tả đang trở lại ở tâm điểm của công luận do đại dịch. Cụ thể là "đòi hỏi can thiệp của Nhà nước", "chống bất bình đẳng", "tái công nghiệp hóa", "sức mua", "chú ý đến những người nghèo khổ nhất". Tất cả các chủ đề này đều thiếu vắng các tiếng nói từ cánh tả.
Cũng nhân dịp này, La Croix đưa ra một nhận xét tóm lược về chính trị nước Pháp, với hình ảnh ví von về một tình trạng "liệt nửa người". Theo La Croix, điều này xảy ra trong bối cảnh, xu thế vượt qua đối kháng tả - hữu đã trở thành thời thượng từ bốn năm nay, nhưng không mang lại được các giải pháp đáng tin cậy cho những vấn đề vốn có của cánh tả, "và điều này không tiên liệu điều gì tốt cho đời sống dân chủ".
Pháp : Cánh hữu lên án "ngân sách" mỵ dân của chính phủ
Trong lúc cánh tả Pháp bị chỉ trích là "tắt tiếng", cuộc tranh cử dường như nghiêng hẳn về hữu. "Chủ đề nợ và thâm hụt ngân sách được nhấn mạnh trong cuộc chiến tranh cử tổng thống" là tựa trang nhất nhật báo thiên hữu Le Figaro. Ngày mai, Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu thông qua ngân sách năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống, với thâm hụt 153 tỉ euro. Le Figaro dự báo, vấn đề "chấn chỉnh tài chính công sẽ nằm ở tâm điểm" cuộc tranh cử.
Le Figaro nhấn mạnh là tổng thống Macron sẽ khẳng định thành tích của việc tăng trưởng trở lại và thất nghiệp giảm mạnh, nhưng thành tích này chủ yếu là do "bùng nổ nợ công", tức việc nhà nước tài trợ ồ ạt cho các doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng. Chính phủ cũng liên tục đưa ra các chi phí mới để bảo vệ sức mua của dân Pháp trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt. Theo Le Figaro, quan điểm của cánh hữu là lên án "ngân sách vì mục tiêu tranh cử" của tổng thống Macron, và nếu ứng cử viên cánh hữu Valérie Pécresse đắc cử năm 2022, cánh hữu sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
Nếu như Le Figaro thiên hữu chỉ trích chính sách nợ nần đầm đìa của chính phủ Macron, bị lên án là để mua chuộc cử tri, nhật báo Libération thiên tả dành chủ đề chính hôm nay cho vấn đề "Biển thủ tài chính". Bài xã luận của Libération, với nhan đề "Lỗ hổng", vạch ra thực trạng rất nhiều đại gia Pháp - làm giàu tại thị trường Pháp - nhưng đưa tài sản ra nước ngoài để tránh thuế. Libération chỉ rõ xứ Québec, Canada, là nơi cả trăm triệu phú - làm giàu tại Pháp, bán hàng "Made in France" -, nhưng đặt tài sản ở đây để tránh sắc thuế ISF (Impôt de la solidarité sur la fortune - Thuế tương trợ đánh vào tài sản). Thuế ISF được lập ra từ gần 40 năm trước, dưới thời tổng thống Mitterand, đánh vào các tài sản lớn, bị hủy bỏ dưới thời tổng thống Macron, vì "được coi là không hiệu quả".
Libération dẫn một thăm dò dư luận của IFOP cho Humanité hồi tháng 5/2021, cho biết 78% người Pháp muốn lập lại sắc thuế ISF. Nhật báo thiên tả kết luận : "Họ muốn một nước Pháp công bằng hơn".
Nhật báo thiên tả Libération còn bốn bài viết về chủ đề này, trong đó có phóng sự điều tra phơi bày cơ chế biển thủ tài chính, trốn thuế ISF từ hơn 10 năm nay của nhiều đại gia Pháp. Mạng lưới do luật sư Jacques Le Blevennec đứng đầu, người được tạp chí Décideur gọi là "bậc thầy về tài chính quốc tế". Theo Décideur, "15 trong số 20 gia đình giàu nhất nước Pháp" nhờ đến bàn tay của luật sư Jacques Le Blevennec.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành hồ sơ chính trang nhất cho chủ đề kinh tế Pháp, với hàng tựa "Bộ Tài chính tiếp tục các chính sách hỗ trợ kinh tế". Tình trạng khó khăn về nguồn cung ứng nguyên liệu hay các linh kiện ảnh hưởng đến quá nửa các ngành công nghiệp và xây dựng Pháp (theo một điều tra của Ngân hàng Pháp). Theo Les Echos, hôm qua chính phủ Pháp đã thông báo nhiều biện pháp để hỗ trợ kịp thời. Cụ thể là sẽ triển hạn trả các khoản nợ do nhà nước đảm bảo (PGE), từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 6/2022. Hơn 700 triệu euro tín dụng trong 10 năm cho một số lĩnh vực công nghiệp là một biện pháp chính khác.
Biến thể Omicron đang đặt Châu Âu trước một khúc quanh mới là chủ đề của nhiều báo Pháp. Les Echos có bài "Covid : Châu Âu giữa Delta và Omicron". Làn sóng dịch bệnh thứ năm do biến thể Delta bắt đầu thoái lùi tại một số nước, nhưng biến thể Omicron đang đến, làm thay đổi tình hình. Tại nhiều quốc gia, như Đức, Bỉ, Áo và một số nước Châu Âu, số ca nhiễm trung bình giảm những ngày gần đây. Bộ trưởng Y tế Pháp nói đến việc nước Pháp có thể đã đạt đỉnh dịch. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm Omicron gia tăng gây lo ngại. Tốc độ lây nhiễm được đánh giá là nhanh hơn rất nhiều so với Delta. Hôm qua, Liên Âu thống kê được 1.686 ca so với 212 ca tuần trước (cơ quan ECDC).
Nước Anh thông báo ca tử vong vì Omicron đầu tiên hôm qua, trong lúc các ca nhiễm ở Châu Âu lục địa là ở trạng thái nhẹ hoặc không có triệu chứng. Riêng nước Anh có hơn 3.000 ca nhiễm hôm qua. Đan Mạch đưa ra con số hơn 2.400 ca nhiễm (cao hơn hẳn số liệu của Châu Âu, 195). Để ngăn chặn đà lây lan của Omicron, Anh và Đan Mạch có một loạt biện pháp, trước hết là tăng cường tiêm chủng. Anh Quốc hướng đến tiêm chủng toàn bộ cho dân cư trưởng thành, Đan Mạch rút ngắn thời gian tiêm chủng liều nhắc lại thứ ba.
Bài "Anh quốc, cuộc đua tốc lực để ngăn chặn Omicron" của Les Echos cho biết chính phủ Anh bắt buộc việc đeo khẩu trang trở lại tại các địa điểm công cộng trong nhà, và khuyến khích tăng cường làm việc từ xa. Giấy chứng nhận y tế cũng bắt buộc tại các sàn nhảy và các địa điểm tập hợp đông người. Le Figaro có bài "Con đê vac-xin ngăn sóng lớn Omicron".
Từ chối "độc lập" : Tương lai nào với Nouvelle-Calédonie ?
Cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba, ngày 12/12, khẳng định quần đảo Nouvelle-Calédonie (cũng gọi là "Tân Thế Giới") trên Thái Bình Dương tiếp tục ở lại trong nước Pháp. Tuy nhiên, tương lai nào cho quần đảo ? Đây là chủ đề chính của xã luận Le Monde.
Tuy phe chống độc lập giành thắng lợi áp đảo, nhưng tỉ lệ người bỏ phiếu chỉ là 43%, do trưng cầu dân ý bị phe ủng hộ độc lập tẩy chay. Về mặt pháp lý, kết quả trưng cầu dân ý hoàn toàn không thể bác bỏ, nhưng "tính chính đáng" của cuộc bỏ phiếu bị phản đối mạnh.
Theo Le Monde, để xây dựng một tương lai cho Nouvelle-Calédonie, các đảng phái chính trị của quần đảo cần chấp nhận đàm phán nhằm tạo điều kiện cho sự ra đời một đồng thuận mới. Thỏa thuận Nouméa hồi thập niên 1990 cho phép đạt được nhiều tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, nhưng các tiến bộ này không xóa đi được "những dấu vết đau đớn của thời kỳ thực dân", cũng như những bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội.
Để mở ra một trang mới cho Nouvelle-Calédonie, cần có một tổng kết minh bạch và sáng suốt về tình hình hiện nay, và các định chế của chính quyền địa phương cần để ngỏ cánh cửa cho những thay đổi lớn, để nhường chỗ cho thế hệ mới. Le Monde cho biết : hơn một nửa dân cư Nouvelle-Calédonie dưới 30 tuổi.
Trọng Thành