Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tranh cử Quốc hội Pháp : Liên đảng đối lập cánh tả NUPES đe dọa đảng cầm quyền

Gần một tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng một, liên đảng cầm quyền đối mặt với thách thức lớn từ phía liên đảng đối lập cánh tả NUPES là chủ đề chính của nhiều nhật báo hôm 07/05/2022. Khủng hoảng trong hàng loạt lĩnh vực công tại Pháp (Y tế, Giáo dục và Tư pháp), và xu thế "phi toàn cầu hóa" đe dọa nền kinh tế thế giới là một số chủ đề hàng đầu khác.

nupes1

Buổi ra mắt liên đảng cánh tả NUPES (Liên minh Nhân dân mới vì sinh thái và xã hội) tại Aubervilliers, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 07/05/2022. Jean-Luc Mélenchon a célébré une "page d'histoire".  AFP – Julien de Rosa

"Tranh cử Quốc hội : Lo ngại gia tăng tại điện Elysée" là tựa trên trang nhất Le Figaro. Đối mặt với sự ủng hộ gia tăng của cử tri với liên đảng đối lập NUPES (Liên minh Nhân dân mới vì sinh thái và xã hội), theo một số thăm dò dư luận, tổng thống Emmanuel Macron "đã không còn giữ im lặng, lên tiếng tố cáo cương lĩnh của Jean-Luc Mélenchon (thủ lĩnh liên minh NUPES) và huy động phe mình".

"Lo ngại gia tăng tại điện Elysée"

Le Figaro nhận xét : Kể từ khi tái đắc cử đến nay, tổng thống Pháp tỏ ra không vội vã. Ông Macron đã im lặng khá lâu trước khi bổ nhiệm thủ tướng, rồi công bố thành phần chính phủ. Tổng thống tái cử cũng tránh để các tân bộ trưởng có các phát biểu gây bất lợi trong thời gian sáu tuần tranh cử Quốc hội. Tuy nhiên, dù đã cố thận trọng, chính quyền Macron liên tục đối mặt với nhiều chỉ trích, từ cáo buộc xâm hại tình dục nhắm vào bộ trưởng Đoàn kết Damien Abad, đến vụ hỗn loạn tại sân vận động Stade de France, bộ trưởng Nội vụ Gérard Darmanin bị lên án. Tình trạng này đã tạo thời cơ cho thủ lĩnh liên minh NUPES, gây không khí ít nhiều hoài nghi trên "thượng đỉnh quyền lực".

Le Figaro có bài xã luận tựa đề "Không khí kỳ lạ", để nói về bối cảnh tranh cử hiện tại, mở đầu với nhận xét : "Người ta nói tổng thống đang lo ngại. Chắc chắn là cuộc bầu cử Quốc hội có thể để ngỏ một số bất ngờ". Nhật báo thiên hữu đưa ra bình luận nửa mang tính chất phê phán, nửa khuyến nghị : "Chiến lược tổ chức rất ít hoạt động tranh cử trong giai đoạn tranh cử tổng thống đã mang lại kết quả. Nhưng lần này, với cuộc tranh cử Quốc hội, cũng một chiến thuật này đã dẫn đến những cơ hội bị bỏ lỡ". Le Figaro nêu ví dụ của tân nội các Elisabeth Borne "đã gần như không mang lại hứng khởi", và ít nhất hai bộ trưởng (xuất thân cánh hữu) là đối tượng của nhiều chỉ trích.

"Dưới bình nguyên buồn tẻ là những núi lửa sục sôi…"

Le Figaro tỏ ra rất lo ngại trước chiến lược im lặng của tổng thống, khi dẫn lại nhận định của nhiều người Pháp, cho rằng nguyên thủ Macron đang trả giá cho "sự coi thường của ông đối với tranh luận chính trị". Tổng thống Macron đang để lại một "không khí kỳ lạ", khi không trình bày rõ về các dự án của ông, khi ẩn đằng sau tính chất cấp bách của cuộc chiến phòng chống dịch Covid, rồi cuộc chiến tại Ukraine. Không khí yên ắng kỳ lạ hiện nay phải chăng là "im lặng trước cơn giông bão ?", Le Figaro đặt câu hỏi.

"Bên dưới bình nguyên buồn tẻ là những núi lửa sục sôi, sự phẫn nộ của một bộ phận dân chúng Pháp… và bởi không được chú ý đến từ lâu, nỗi giận dữ có thể phun trào một ngày nào đó". Le Figaro nhấn mạnh đến điều không có gì bí ẩn : "trên thực tế, những rạn nứt trong xã hội là nhiều : về xã hội, về thế hệ, về địa lý, về văn hóa, về sắc tộc… Giai đoạn phong trào phản kháng "Áo Vàng" đã để lại những dấu vết và cho thấy dấu hiệu báo trước cho những gì có thể đến".

NUPES tin tưởng chiến thắng trong tầm tay

Cuộc đối đầu giữa liên đảng cầm quyền và liên đảng cánh tả NUPES cũng là chủ đề chính của nhật báo thiên tả Libération, với tựa lớn trang nhất "NUPES : Tin tưởng chiến thắng trong tầm tay". Libération cũng cùng ghi nhận với Le Figaro : "Gần một tuần trước cuộc bầu cử vòng một, liên minh cánh tả tăng tốc tranh cử, đảng cầm quyền của coi đây là một đe dọa thực sự".

Xã luận Libération nhan đề "Đà đi tới" cũng ghi nhận một không khí tranh cử đặc biệt tại Pháp : "Đảng cầm quyền dường như lặng thinh trước hàng loạt chỉ trích kể từ khi chính phủ Borne được thành lập cách nay ba tuần", trong lúc lãnh đạo liên đảng cánh tả đối lập của Jean-Luc Mélenchon đã liên tục gây áp lực để buộc tổng thống tái cử "lên tuyến đầu". Quyết tâm của đối lập là không để cho liên đảng của tổng thống Macron có được "đa số vững chãi" tại Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới.

Libération ghi nhận là liên đảng cánh tả NUPES – bất chấp thành phần mang tính "chắp vá" - đã mang lại được "một lực đẩy mới cho cánh tả, vốn tưởng như đang chết dần". Thủ lĩnh Mélenchon "có thể sẽ không trở thành thủ tướng, như điều mà ông ta đã quảng bá từ nhiều tuần nay, nhưng đã thành công trong việc lập ra được một liên minh đối lập, đè bẹp các đảng phái đối lập khác".

Hiện tại, gần như trên khắp nước Pháp, có rất nhiều người "phẫn nộ" đòi hỏi các thay đổi chính trị nhằm "mang lại sức sống cho các khu vực công, đổi mới các định chế, chống biến đổi khí hậu hay các bất công xã hội". Libération đặt câu hỏi : Liệu trong những ngày cuối cùng của cuộc tranh cử trước vòng một bầu cử, lãnh đạo đảng Những Người Bất Khuất (tên gọi tắt của đảng Nước Pháp Bất Khuất – LFI) có thuyết phục được những cử tri như vậy đi bỏ phiếu cho các ứng cử viên của NUPES.

Tranh cử Quốc hội cũng là chủ đề chính mục nước Pháp của nhật báo kinh tế Les Echos, với tựa đề: "Bầu Quốc hội : Emmanuel Macron phải hóa giải được thách thức của việc huy động cử tri". Theo Les Echos, "các thăm dò dư luận vẫn cho thấy liên đảng cầm quyền đang có ưu thế, nhưng cánh tả hợp nhất dưới ngọn cờ NUPES có thể gây ra một số bất ngờ tại vòng một".

"Làm tê liệt không khí tranh luận" : Tổng thống Macron gánh lấy nguy cơ hiểu lầm chồng chất

Tương tự như Le Figaro, Les Echos ghi nhận việc tổng thống Macron đã "có trách nhiệm lớn trong việc ‘làm tê liệt không khí tranh luận’ (anesthésier le débat)". Nhật báo kinh tế Pháp dành một bài riêng, phỏng vấn nhà chính trị học và hiến pháp học Olivier Rouquan, để làm rõ vấn đề này với tựa đề "Nguyên thủ Pháp gánh lấy nguy cơ sẽ có nhiều hiểu lầm sau này, khi không tiến hành tranh luận".  Theo chuyên gia CERSA, Trung tâm nghiên cứu về các khoa học hành chính, sau khi Macron tái cử, hàng loạt các chủ đề hàng đầu lẽ ra cần được làm rõ trong thời gian tranh cử Quốc hội, như "quản lý khủng hoảng, các vấn đề y tế, dịch tễ, chính quyền địa phương, các dịch vụ công, xu thế biến đổi sâu sắc của việc làm, tái phân bổ các nguồn lợi…". Tuy nhiên, rút cục, tất cả đã gần như không được thảo luận, và thay vào đó là một số chuyến đi chớp nhoáng của tổng thống đến một số cơ sở liên quan.

Tương tự như Le Figaro, chuyên gia Olivier Rouquan lo ngại "một không khí thờ ơ mạnh, tỉ lệ vắng mặt ắt hẳn cao, những cam kết của chính quyền ít được làm sáng tỏ về nguyên tắc sẽ làm suy yếu độ tin cậy của các chính sách công sẽ được quyết định, bởi chúng không cung cấp thông tin, cũng không huy động được sự hưởng ứng (của cử tri) trước đó".

Cho dù không mấy tin tưởng, nhà chính trị học Olivier Rouquan cũng không loại trừ xác suất lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon trở thành thủ tướng. Điểm yếu của liên minh đối lập NUPES, mà chuyên gia nói trên muốn chỉ rõ là, "tính chất ngẫu hứng của cương lĩnh của liên đảng NUPES (vừa thành hình từ đầu tháng 5/2022), và uy tín thấp của nhân sự NUPES", và "như vậy, về mặt lý thuyết, độ tin cậy của liên minh này trong khả năng điều hành chính quyền rõ ràng là thấp hơn liên đảng Phục Sinh (Renaissance) của tổng thống".

Sáng kiến "Hội đồng Cải tổ đất nước" của Macron

Cũng liên quan đến cuộc tranh cử Quốc hội Pháp, báo chí nói khá nhiều đến sáng kiến Hội đồng Cải tổ Đất nước (Conseil National de Refondation – CNR), được tổng thống đề xuất hôm 03/06. Theo Le Figaro, tổng thống Macron đã có chủ ý khi sử dụng CNR  để xác định cương lĩnh hành động của nhiệm kỳ mới. CNR cũng là tên viết tắt của Hội đồng Kháng chiến Dân tộc, thành lập năm 1944, trong thời kỳ chống phát xít. Hội đồng dựa trên sự đồng thuận của tất cả các đảng phái chính trị, "nhằm tái thiết một đất nước bị chiến tranh hủy diệt cả về vật chất, cũng như về chính trị".

Chính tổng thống Macron, trong một cuộc trả lời báo giới địa phương, cũng nhấn mạnh đến "sự tương đồng" giữa thời điểm hiện tại với giai đoạn chiến tranh chống phát xít. Le Figaro ghi nhận điểm khác biệt giữa cương lĩnh của Hội đồng Kháng chiến Dân tộc năm 1944 với Hội đồng Cải tổ Đất nước theo sáng kiến của tổng thống Macron : Hội đồng CNR năm 1944 chỉ liên quan đến các đảng phái chính trị, trong lúc Hội đồng CNR năm 2022 liên quan đến toàn dân, nhằm tập hợp tất cả các thành phần gọi là lực lượng những người "tỉnh táo" chống lại những kẻ "cực đoan", bao gồm những người đi theo lãnh đạo cực tả Mélenchon, và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, "với tổng số gần một phần hai cử tri của nước Pháp".  

Báo kinh tế Les Echos cũng có bài xã luận về Hội đồng Cải tổ Đất nước, theo đề xuất của tổng thống Macron. Trong hiện tại, theo Les Echos, chưa thể đánh giá được ý nghĩa của sáng kiến này. Theo Les Echos, "lịch sử sắp tới sẽ nói với chúng ta là thời điểm được lựa chọn hiện nay là có phù hợp hay không", để thông báo thành lập một Hội đồng Cải tổ Đất nước, một định chế có trách nhiệm thúc đẩy các cải cách lớn của nhiệm kỳ 5 năm mới, với việc đoàn kết tất cả các lực lượng xã hội của nước Pháp, bao gồm cả sự tham gia trực tiếp của công dân theo hình thức bốc thăm". Tuy nhiên, Les Echos cũng cảnh báo về các kết cục của hai nỗ lực trước đó theo hướng này của tổng thống Pháp : "Cuộc Thảo luận lớn toàn quốc" tiếp theo khủng hoảng "Áo Vàng" và "Hội nghị công dân vì Khí hậu" (CCC), thì một đã gần như không mang lại kết quả nào, còn một thì gây nhiều thất vọng vì nhiều cam kết không được thực hiện.

"Trực giác" của Macron : Cải cách lớn cần đông đảo công dân tham gia

Tuy nhiên, Les Echos cũng bênh vực dự án cải tổ của tổng thống, khi khẳng định dự án này đáng được nhìn nhận nghiêm túc. Cho dù không ít người la ó phản đối, ít nhất tổng thống Macron "đã có trực giác khi nhận ra tính cần thiết phải có sự tham gia sâu rộng của người Pháp vào các cuộc cải cách lớn", bởi nếu không thì các cuộc cải cách như vậy sẽ chỉ gây ra những sự bất mãn, thất vọng, phẫn nộ. Và kết quả của điều này là mở đường cho "các thế lực mị dân lên nắm quyền". Nước Pháp đang ở trong "trạng thái đầy nghịch lý", theo Les Echos. Quốc gia đứng đầu về mức độ tái phân bổ nguồn lực trong nhóm các quốc gia OCDE, trong lúc người Pháp tự coi đất nước mình là "nơi bất bình đẳng nhất, bất hạnh nhất".  Chính quyền Macron đang đứng trước "thách thức lớn lao", Les Echos kết luận.

Y tế, Giáo dục, Tư pháp : nhiều lĩnh vực công bên bờ kiệt sức

Khủng hoảng đồng loạt của nhiều lĩnh vực công cũng là chủ đề chính của La Croix hôm nay. Nhật báo Công Giáo chạy tựa trang nhất: "Các dịch vụ công bên bờ kiệt sức", trên nền hình ảnh một nhân viên y tế đang tựa đầu vào tay, như trong một khoảnh khắc nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa những giờ làm việc căng thẳng. La Croix cho biết "tại bệnh viện, nhiều cuộc bãi công dự kiến hôm nay", và tình hình cũng tương tự trong ngành giáo dục hay ngành tư pháp.  

Xã luận La Croix nhan đề "Dấn thân" nhấn mạnh trước hết đến việc các lĩnh vực đang lâm vào khủng hoảng là "những nghề nghiệp đòi hỏi lòng đam mê". Trong hiện tại, theo La Croix, các hậu quả của khủng hoảng chỉ ở mức "giới hạn", nhưng điều đáng lo ngại là từ nhiều năm nay, đã có cùng một thách thức đặt ra. Đó là việc thiếu hụt ngày càng nhiều người trẻ muốn dấn thân vào các nghề nghiệp mang tính phụng sự này.

Lý tưởng "Dấn thân" suy giảm

Không thiếu các ví dụ về nhiều bác sĩ trẻ sẵn sàng làm việc cho tư nhân, hay làm theo hợp đồng ngắn hạn, hơn là làm việc lâu dài trong ngành y công cộng. Một lãnh đạo trường học đang vất vả trong việc tuyển mộ thầy cô giáo… Theo La Croix, tình hình hiện nay bắt nguồn sâu xa từ sự suy giảm "ý nghĩa của việc làm", bởi việc làm không chỉ duy nhất có mục tiêu để "thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của một con người". Và nếu không thể tìm thấy ý nghĩa trong hoạt động nghề nghiệp, chắc chắn người ta sẽ tìm kiếm ở nơi khác.

Theo La Croix, lý tưởng "Dấn thân" trong các ngành nghề y tế, giáo dục, hay tư pháp, vốn từ lâu nay được coi là động lực khiến nhiều thế hệ những người trí thức đầu tư lâu dài cho các hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ công, đòi hòi sự xả thân vì nghề. Giờ đây, lý tưởng này ngày càng trở nên suy giảm, trong bối cảnh mà nhân danh "tính hiệu quả", người ta đang có xu hướng hy sinh sự chú ý dành cho "quan hệ với con người, với người bệnh, với học sinh, với những người tham gia tố tụng".

Lạm phát tăng vọt : Trả giá cho nhiều thập niên tăng trưởng "dễ dãi"

Những hậu quả của xu thế phi toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới là chủ đề trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos, với tựa đề chính "Lạm phát, toàn cầu hóa: Cục diện mới". Les Echos có bài phỏng vấn tân kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI), Pierre-Olivier Gourinchas, nhấn mạnh đến "cuộc chiến tranh tại Ukraine và chính sách phong tỏa tại Trung Quốc đang gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, trên nền của xu thế "phi toàn cầu hóa", và giá thành sản xuất ngày một gia tăng.

Nhật báo kinh tế báo động tình hình khan hiếm nhân công tại Mỹ khiến lạm phát năm nay có thể tăng đến 10%. Les Echos cũng giới thiệu các phân tích của nhà báo kinh tế Jean-Marc Vittori về các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng lạm phát tăng vọt và hứa hẹn sẽ kéo dài. Jean-Marc Vittori nhấn mạnh đến nhiều gốc rễ sâu xa của tình trạng lạm phát đang bước vào giai đoạn khởi đầu của sự phi mã hiện nay. Đặc biệt phải kể đến tình trạng tăng trưởng dễ dãi. Tỉ lệ "tăng trưởng trao đổi hàng hóa toàn cầu tăng gấp đôi so với tăng trưởng sản xuất". Các chuỗi cung ứng hàng hóa "ngày một mở rộng, hàng hóa ngày một rẻ", đặc biệt với vai trò đầu tầu của Trung Quốc, khiến mục tiêu "tái bố trí chuỗi sản xuất tại khu vực, tại địa phương" liên tục bị đẩy lùi, khiến "lạm phát" cũng liên tục bị đẩy lui về tương lai, trong nhiều thập niên vừa qua. Và giờ đây là thời điểm "gây ông đập lưng ông".

Một cội rễ sâu xa khác, được nhà báo kinh tế nhấn mạnh là công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh – không thể tránh khỏi - đã bắt đầu. Công cuộc này đòi hỏi nhiều đầu tư lớn, vốn cũng bị trì hoãn trong một thời gian dài.

Trọng Thành

Published in Quốc tế