Cuộc tranh luận Trump – Biden : Những đòn tấn công chỉ là vô dụng ?
Một chủ đề được các báo Pháp hôm nay quan tâm là cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden.
Tờ báo thiên hữu Le Figaro dành cả bài xã luận "Những đòn tấn công vô dụng" và hồ sơ nhiều trang cho cuộc đấu tay đôi giữa hai đối thủ Trump - Biden.
Đối với tổng thống đương nhiệm Donald Trump, thành công và thất bại cứ nối đuôi nhau theo kiểu "hết mưa lại đến nắng". Sau khi chỉ định thêm một thẩm phán có lập trường bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện, Donald Trump lại dính vào vụ không phải nộp thuế hoặc nộp rất ít vì khai làm ăn thua lỗ, có thể làm hoen ố danh tiếng của ông trong bối cảnh chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ là diễn ra cuộc đối đầu trực diện trên truyền hình giữa Donald Trump với đối thủ Joe Biden. Theo điều tra của New York Times, trong hai năm đầu tiên ở Nhà Trắng, nhân vật quyền lực nhất hành tinh chỉ đóng có 750 đô la thuế/năm, trước đó ông không đóng xu nào trong vòng 10 năm.
Nhóm vận động tranh cử của ứng viên Dân chủ Joe Biden đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ và đưa ra khẩu hiệu mới : "Tôi đóng thuế nhiều hơn cả Donald Trump". Thế nhưng, liệu vụ tai tiếng này có làm lung lay tinh thần của những người ủng hộ vị tổng thống sắp mãn nhiệm hay không ? Tác giả bài xã luận của Le Figaro khẳng định "chắc chắn là không".
Các cuộc khảo sát đã cho thấy không có điều gì trong năm 2020 đầy biến động này, kể cả con số 200.000 người chết vì dịch bệnh Covid-19, phiên tòa luận tội để truất phế ông Trump hay các vụ bạo động chống nạn bạo lực của cảnh sát, làm thay đổi đáng kể ý định bỏ phiếu của cử tri Mỹ. Họ được cho là đã có quyết định ủng hộ hay chống lại Trump, tỉ lệ cử tri chưa có ý định rõ ràng thấp một cách bất thường, chỉ khoảng 6%.
Vì thế, theo Le Figaro, không chắc là những đòn tấn công trực diện của hai "võ sĩ" ngoài 70 tuổi Trump và Biden trên "sàn đấu truyền hình"tối hôm nay có thể tác động nhiều đến kết quả cuộc đua tới đây. Tờ báo thiên hữu kết luận là cho đến nay, không vụ tai tiếng hay thất bại nào làm giảm sự nổi tiếng, được lòng dân của tổng thống Donald Trump, cũng không có thành công nào củng cố thêm sức mạnh cho ông. Donald Trump chỉ cần chứng minh là số người ủng hộ ông chiếm hơn một nửa số cử tri Mỹ !
Covid-19 : Chính phủ nào cũng phạm sai lầm, nhưng ở mức độ khác nhau
Trong khi Le Figaro tập trung vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, thì hồ sơ lớn của báo Le Monde hôm nay dành để nói về đại dịch Covid-19 trong bối cảnh virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên khắp hành tinh, sau khi bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cách nay 10 tháng.
Le Monde giới thiệu bài phỏng vấn sử gia về lĩnh vực y tế, Patrick Zylberman, theo đó điểm khác biệt lớn nhất giữa đại dịch Covid-19 với các đại dịch khác trong quá khứ nằm ở cuộc chiến chống dịch : Lần đầu tiên thế giới chọn sức khỏe trước kinh tế, lần đầu tiên thế giới chấp nhận để nền kinh tế tạm thời ngưng trệ để cứu sức khỏe cộng đồng. Hệ quả của đại dịch đối với nền kinh tế là rất quan trọng, khiến GDP và các chỉ số kinh tế khác suy giảm, nhưng cũng tạo ra những thay đổi bước ngoặt, đặc biệt là về phương thức làm việc từ xa.
Covid-19 cũng giúp Mỹ và Tây Âu ngưng ảo tưởng theo đó các nước giàu đã thoát khỏi các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm. Cùng với dịch SARS 2003, đại dịch Covid-19 cho thấy tất cả các nước, bất kể giàu nghèo, đều có thể bị dịch bệnh tác động, kể cả những dịch bệnh quy mô lớn.
Đối với sử gia Patrick Zylberman, mặc dù chính phủ các nước đều mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong cách đối phó với dịch bệnh, nhưng chất lượng quản lý khủng hoảng cũng thay đổi từ nước này sang nước khác.
Về vac-xin phòng bệnh, sử gia cho rằng cuộc đua toàn cầu về điều chế vac-xin ngừa virus corona một lần nữa chứng tỏ vai trò của vac-xin trong bối cảnh sự nghi ngờ về mức độ an toàn và hiệu quả của vac-xin đang dần ăn sâu bám rễ ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng ở Pháp. Và chính quyền các nước phải hết sức lưu ý giải quyết vấn đề này, không để xảy ra thảm họa.
OMS : Muốn bảo vệ bệnh nhân, phải bảo vệ nhân viên y tế
Nói đến cuộc chiến chống dịch Covid thì không thể không nói đến đội ngũ nhân viên y tế, những người trên tuyến đầu và cũng là những người chịu nhiều rủi ro nhất. Le Monde nhắc lại là trong một báo cáo hồi đầu tháng 09, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có khoảng 7.000 nhân viên y tế, bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên dọn dẹp vệ sinh… đã thiệt mạng vì virus corona.
Theo thống kê của WHO, đội ngũ nhân viên y tế chỉ chiếm 3% dân số thế giới (2% ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình), nhưng tỉ lệ lây nhiễm bệnh lên đến 14%, thậm chí là 35% ở một số quốc gia. Đó là chưa nói đến chuyện các số liệu này thường thấp hơn thực tế do một số nước không đủ khả năng hay không muốn thống kê đầy đủ.
Không chỉ đối phó với nguy cơ lây nhiễm, nhân viên y tế còn chịu áp lực từ nhịp độ công việc quá cao, sức ép từ giới lãnh đạo, nỗi sợ làm lây virus cho bệnh nhân hoặc gia đình. Có nhiều người khủng hoảng tâm lý đến mức tự tìm đến cái chết để được giải thoát. Vì thế, WHO lưu ý muốn bảo vệ sự an toàn của người bệnh thì phải bảo vệ lực lượng nhân viên y tế, kêu gọi chính phủ các nước giảm tải công việc cho đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ họ về tâm lý.
Trong khi đó, tổ chức nhân quyền Amnesty International nói đến tình trạng thay vì được tăng cường bảo vệ, nhiều nhân viên y tế lại bị buộc phải giữ yên lặng, thậm chí bị tấn công, cho thôi việc, bị bỏ tù vì cáo buộc "tuyên truyền thông tin sai lệch" về dịch bệnh, hay chỉ đơn giản vì họ dám phê phán điều kiện lao động và việc thiếu thiết bị bảo hộ y tế…
Pháp : Ngân sách 2021 cao kỷ lục để đối phó với khủng hoảng Covid-19
Về thời sự nước Pháp, nổi trội nhất trên báo kinh tế Les Echos là hồ sơ ngân sách Nhà nước 2021. Les Echos gọi đó là "ngân sách ngoại hạng để đối phó với khủng hoảng", "ngân sách của mọi kỷ lục".
Dự thảo tài chính cho năm 2021 đã được bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và bộ trưởng đặc trách Ngân sách công Olivier Dussopt giới thiệu trước Hội đồng Bộ trưởng vào hôm qua 28/09, theo đó, cả thâm hụt ngân sách (-6,7%) và nợ công (16,2% GDP) đều ở mức cao kỷ lục do tác động của cuộc khủng hoảng còn kéo dài. Để tránh tăng thuế, chính phủ Pháp quyết định vẫn tiếp tục bám vào chính sách kiểm soát chi tiêu công : 58,3% GDP so với tỉ lệ 62,5% của năm 2020.
Di dân : Cơn ác mộng Lesbos
Về hồ sơ di dân, đặc phái viên báo công giáo La Croix đưa độc giả đến với nỗi thống khổ của di dân trại tị nạn Kara Tepe trên đảo Lesbos, Hy Lạp, qua bài phóng sự "Cơn ác mộng Lesbos".
Sau khi trại tị nạn Moria bị hỏa hoạn thiêu rụi, trại tị nạn Kara Tepe được dựng khẩn cấp với khoảng 1.100 căn lều cho 10.000 di dân. Nơi đây từng là một trường bắn quân sự, thời tiết khắc nghiệt, không loài cỏ cây nào mọc nổi. Kara Tepe không có hệ thống cấp nước, hiếm khi có điện, không có sân chơi cho trẻ em, một chút không gian trống giữa các lán trại cũng không có…
Có ba nhóm người chính sống trên đảo : cư dân địa phương, di dân và nhân viên các tổ chức phi chính phủ. Không khí tại Lesbos hiện đang rất căng thẳng, với những mâu thuẫn giữa cư dân địa phương và di dân. Người dân nơi đây liên tiếp đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp, rồi đến khủng hoảng di dân quốc tế và nay là khủng hoảng Covid-19. Tình tương thân thương ái với di dân không còn, nhất là khi trên đảo bắt đầu xảy ra nạn trộm cắp, thêm vào đó nỗi sợ di dân mang mầm bệnh đến còn khiến người dân địa phương có thái độ thù hằn với di dân.
Ngoài ra, còn phải kể đến những căng thẳng giữa dân địa phương và nhân viên các tổ chức phi chính phủ, giữa các tổ chức phi chính phủ và chính quyền Hy Lạp…
Covid-19 : Bệnh nhân mất khứu giác kéo dài
Về lĩnh vực khoa học, sức khỏe, Le Figaro quan tâm đến chứng mất khứu giác kéo dài ở nhiều bệnh nhân Covid-19. Theo một nghiên cứu ở Châu Âu, khoảng 70% bệnh nhân Covid-19 mất khứu giác cho dù không phải là các ca bệnh nặng. Khoảng 50% bệnh nhân lấy lại được khứu giác sau nửa tháng, 80-90% bệnh nhân hồi phục khứu giác sau 2 tháng. 10-20% phải mất nhiều tháng mới lấy lại khứu giác.
Một bác sĩ cho biết khi so sánh kết quả chụp cộng hưởng từ não bộ của những bệnh nhân Covid-19 không bị mất khứu giác và nhóm bệnh nhân bị mất khứu giác, các bác sĩ ghi nhận những điểm khác biệt ở hành khứu giác, điều đó có nghĩa là virus corona đã tác động đến trung khu thần kinh và hành khứu giác.
Để khứu giác được hồi phục, các bệnh nhân có thể tự tập luyện bằng cách ngửi 5 mùi : giấm, quế, vanille, húng tây/cỏ xạ hương, và đinh hương, 2 lần mỗi ngày, buổi sáng trước khi ăn và buổi tối. Các nhà khoa học hiện giờ vẫn chưa biết chứng mất khứu giác vì Covid-19 sẽ kéo dài bao nhiêu lâu nhưng có một điều chắc chắn là càng để lâu, chứng mất khứu giác càng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và có thể dẫn đến trầm uất.
Thùy Dương