Tranh luận Trump - Biden : Truyền thông thế giới phản ứng thế nào ?
BBC, 01/10/2020
Các cử tri Hoa Kỳ đã phải chịu đựng cuộc đầu tiên trong ba cuộc tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và Joe Biden. Sự kiện hỗn loạn này cũng đã gây ra phản ứng rất lớn từ khán giả thế giới.
Người thua cuộc rõ ràng nhất từ cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden là nước Mỹ
Báo chí và các nhà bình luận trên khắp thế giới đã chỉ trích giọng điệu và chiến thuật của cuộc tranh luận.
Như tờ The Times ở Anh viết, "Người thua cuộc rõ ràng nhất từ cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden là nước Mỹ".
Vương quốc Anh
Bài báo còn đi xa hơn, nói rằng sự kiện này "không phải là một cuộc tranh luận theo bất kỳ nghĩa nào" mà là "một cuộc tranh cãi ác ý và đôi khi không thể hiểu nổi giữa hai ông già tức giận và tỏ ra không ưa nhau".
The Guardian mô tả đây là một "sỉ nhục quốc gia".
"Phần còn lại của thế giới - và các nhà sử học trong tương lai - có lẽ sẽ nhìn vào cuộc tranh luận này mà khóc ròng", tờ báo viết và nói thêm rằng ông Biden là người duy nhất nhìn ''còn có vẻ tổng thống'' trên sân khấu và nói nếu ông Trump được tái cử vào tháng 11, "giấc mơ đen tối, kinh hoàng, đầy ám ảnh này sẽ là dòng đầu tiên trong cáo phó của nước Mỹ".
Tờ Financial Times nhấn mạnh cách tổng thống nói dối về hành vi gian lận cử tri và kêu gọi những người ủng hộ ông cẩn thận theo dõi các điểm bỏ phiếu. "Phát tín hiệu cho nhóm mình muốn nhắm tới' là cách nói của giới chính trị đối với kiểu ngôn ngữ như vậy, nhưng thường với ngụ ý rất khéo. Ông Trump thật trắng trợn", bài báo viết.
Tờ báo cũng lưu ý rằng các cuộc thăm dò nhanh sau sự kiện cho biết ông Biden dẫn đầu. "Nhưng không ai quan tâm đến nền dân chủ Mỹ có thể cảm thấy bất cứ điều gì khác ngoài cảm giác buồn nôn".
"Hỗn loạn, trẻ con, mệt mỏi" - đó là cách tờ báo Pháp Libération mô tả cuộc tranh luận hôm thứ Ba. Le Monde đồng ý, gọi đây là một "cơn bão khủng khiếp", và nói rằng tổng thống đã tìm cách "làm đối phương mất tự chủ" với những lần ngắt lời liên tục và chế nhạo câu trả lời của ông Biden.
Le Figaro nói ông Biden đã "từ chối chơi trò chơi của đối thủ một cách có hệ thống". Trong khi ông Trump cố gắng đối mặt trực tiếp với người thách thức mình, chỉ vào ông ta và nói thẳng với ông ta, thì ứng cử viên Đảng Dân chủ nói nhiều hơn với người xem và nhìn thẳng vào máy quay phim.
"Mặc dù Trump có màn trình diễn không thuyết phục, các cử tri của Trump dường như không có bất kỳ nghi ngờ nào về ứng cử viên của họ. Mặt khác, người ủng hộ Biden xác nhận rằng Đảng Dân chủ có thể đánh bại đối thủ đáng gờm của mình, và thậm chí còn đặt ông ta vào thế phòng thủ ", tờ báo viết.
Bài phân tích của Der Spiegel về cuộc tranh luận được đặt tựa "Cuộc đấu tay đôi trên truyền hình giống một tai nạn xe hơi".
Trong một bài viết có tiêu đề "vừa đấu, vừa diễn", Süddeutsche Zeitung bình luận :
"Cả Trump và Biden đều có thể về nhà, cảm thấy hài lòng, vì xét về màn trình diễn sân khấu, cả hai đều đã làm đúng công việc của mình. Donald Trump đóng vai Donald Trump, Joe Biden đã đóng vai Joe Biden, và người hâm mộ lẽ ra phải thích nó. "
Die Welt nói cuộc tranh luận đã tiết lộ rất ít về chính sách. "Quan trọng nhất, nó cho thấy rằng nước Mỹ có một tổng thống có hành vi đáng kinh ngạc và thiếu tự chủ - nhưng đó không hẳn là thông tin", Die Welt viết.
Ngược lại, ông Biden không phải là một ứng cử viên tạo hứng thú nhưng "ít nhất là một người có cảm nhận bình thường và tính cách ổn định", người sẽ "mang thứ gì đó giống như bình thường trở lại Nhà Trắng".
"Chưa bao giờ nền chính trị Mỹ lại xuống cấp như vậy", phóng viên tại Mỹ của La Repubblica viết, mô tả cuộc tranh luận là "hỗn loạn, ồn ào và dựa trên sự khinh thường lẫn nhau".
Il Corriere della Sera trong khi đó nói việc Tổng thống Trump từ chối lên án chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là "một thông điệp dành cho người Mỹ da màu".
Một đài truyền hình Nga mô tả đây là một "cuộc trao đổi những lời lăng mạ kéo dài một tiếng rưỡi", trong khi một đài khác nói rằng "không có cuộc đối thoại mang tính xây dựng nào".
"Các đối thủ liên tục ngắt lời nhau và thay vì một cuộc thảo luận cân bằng, họ chọn con đường lăng mạ lẫn nhau", đài truyền hình ủng hộ Điện Kremlin NTV cho biết.
Việc ông Biden mô tả Tổng thống Trump là "con chó con của Putin" cũng tạo gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội Nga. Một người dùng Twitter cho biết : "Hai ông già đang tìm xem ai trong số họ xứng đáng hơn để trở thành tổng thống Hoa Kỳ, nhưng không có Putin, bạn không thể tăng xếp hạng của mình".
Các trang web truyền thông chính thức của Trung Quốc đa số phớt lờ cuộc tranh luận của Mỹ mặc dù một số đã viết về cách cả hai ứng cử viên đã sử dụng Trung Quốc để tấn công đối thủ của mình.
Hoàn cầu Thời báo gọi đây là "cuộc tranh luận tổng thống hỗn loạn nhất từ trước đến nay" và lưu ý rằng ông Trump đã "nhắm vào Trung Quốc bằng cách đổ lỗi cho [nước này] về nạn dịch Covid-19 đang hoành hành và thảm họa kinh tế của Mỹ".
Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến viết trên Twitter rằng cuộc tranh luận phản ánh "sự chia rẽ, lo lắng của xã hội Mỹ và sự mất dần lợi thế của hệ thống chính trị Mỹ".
Kênh tin tức tiếng Hindi AajTak cho rằng rằng cả hai ứng cử viên đã "thóa mạ và cáo buộc nhau", trong khi phát thanh viên của Times Now nói rằng cuộc tranh luận "đã bị hủy hoại bởi sự thóa mạ cá nhân và những lời châm chọc chính trị".
Nhưng bài bình luận mạnh mẽ nhất đến từ The Times of India, tờ báo tiếng Anh bán chạy nhất của Ấn Độ, so sánh cuộc tranh luận với "đấu vật trong bùn".
"Mỹ đã tự làm xấu mình trước thế giới trong 100 phút", bài báo viết.
*******************
Bầu cử Mỹ 2020 : Ủy ban tranh luận sẽ thay đổi thể thức tranh luận để giữ trật tự
VOA, 02/10/2020
Ủy ban tranh luận nói sắp tới đây ủy ban sẽ thay đổi thể thức tranh luận để tránh tái diễn tình trạng mất trật tự trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng Thống Donald Trump và đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, Joe Biden.
Hôm thứ Tư, ủy ban nói rằng cuộc tranh luận rõ rệt phải có thêm cấu trúc để bảo đảm một cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng có trật tự hơn hầu có thể bàn về những vấn đề quan trọng.
Một giải pháp đang được thảo luận là cho phép người điều hành buổi tranh luận được tắt micro của một người tham gia trong khi đối thủ của ông đang phát biểu, một người biết về các cuộc thảo luận cho biết.
Cuộc tranh luận tiếp theo dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 15/10 ở thành phố Miami theo dạng một cuộc thảo luận có sự tham dự của cộng đồng.
Công ty Nielsen cho biết 73,1 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận trên đài truyền hình, trên 16 kênh khác nhau, nhiều hơn bất cứ sự kiện truyền hình nào kể từ Giải Super Bowl, mặc dù ít hơn con số 84 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Hillary Clinton vào năm 2016.
Cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống được nhiều người theo dõi nhất trong lịch sử.
Ông Chris Wallace, người điều khiển chương trình, đã chật vật tìm cách kiểm soát cuộc tranh luận vì các ứng cử viên ngắt lời đối thủ quá thường xuyên, chủ yếu là ông Trump.
Theo báo Washington Post, các ứng cử viên ngắt lời người điều khiển cuộc tranh luận tới 90 lần trong 90 phút của cuộc tranh luận, trong đó ông Trump ngắt lời ông Wallace tới 71 lần.
Ông Wallace của đài truyền hình Fox kêu gọi một cuộc tranh luận có trật tự hơn, và có lúc đã nhìn thẳng vào Tổng Thống Trump, nói rằng "đất nước sẽ được phục vụ tốt hơn nếu hai ứng cử viên bớt ngắt lời nhau. Tôi kêu gọi Tổng thống hãy làm điều đó".
Ông Trump trả lời : "Ông yêu cầu cả ông ấy nữa".
"Thành thực mà nói, ông ngắt lời ông ấy thường xuyên hơn nhiều", ông Wallace nói.
Ông Biden hôm thứ Tư mô tả cuộc tranh luận là "một sự hổ thẹn quốc gia". Nhưng bất chấp có đề nghị nên hủy hai cuộc tranh luận cuối cùng, chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Tổng thống đều nói ứng cử viên của họ sẽ tham dự.
Theo AP
********************
Ủy ban bầu cử Mỹ muốn bổ sung các quy định sau cuộc tranh luận "hỗn loạn" giữa Trump và Biden
RFI, 01/10/2020
Công luận Mỹ đã bị sốc sau cuộc tranh luận đầu tiên vào tối thứ Ba 29/09/2020, giữa Donald Trump và Joe Biden diễn ra trong hỗn loạn, với đầy những sỉ vả, mạt sát nhau. Hôm qua, 30/09, Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ (Commission on Presidential Debates – CPD) cho biết muốn xem xét lại, bổ sung các quy định đối với các cuộc tranh luận sắp tới.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm thông tin :
Đối với ủy ban phụ trách tổ chức các cuộc tranh luận liên quan đến bầu cử tổng thống từ năm 1987, thì không thể để tái diễn tình trạng hỗn loạn như tối hôm thứ Ba. Chủ tịch ủy ban lưỡng đảng này thông báo là cần phải có những thay đổi để tổ chức một cách bài bản, chặt chẽ các cuộc tranh luận sắp tới. Mục đích là có được những trao đổi, tranh luận mạch lạc về những chủ đề được nêu ra mà không bị cắt ngang, đứt đoạn liên tục.
Chưa rõ những quy định mới này như thế nào, nhưng một số nhà bình luận gợi ý là nên để cho người dẫn dắt điều khiển cuộc tranh luận có khả năng đóng micro của ứng viên không tôn trọng cuộc tranh luận.
Trong mọi trường hợp, Donald Trump cho rằng đã đánh bại Joe Biden trong cuộc tranh luận tối thứ Ba. Và khi các nhà báo hỏi vì sao ông không lên án một cách rõ ràng các nhóm cực hữu, tổng thống mãn nhiệm trả lời : Tôi không biết Proud Boys là ai. Điều duy nhất tôi có thể nói là họ phải rút đi và để cho cảnh sát làm việc.
Về phần mình, Joe Biden đi vận động tranh cử ở bang Ohio và Pennsylvania, những vùng công nghiệp và gặp gỡ các công đoàn cũng như người lao động. Ông tố cáo tổng thống – xin trích – là một sự hổ thẹn cho đất nước. Ông nói : Tối thứ Ba, tôi đã nhìn thấy tất cả về ông ta. Ông ta không nói tới các vị hoặc nhắc đến những mối quan tâm của các vị. Donald Trump đã không thực hiện lời hứa. Trước đây, ông ta tự nhận là ứng viên của những người Mỹ bị lãng quên, nhưng ngay khi đắc cử, ông ta đã quên các vị.
Các cuộc thăm dò dư luận mới cho thấy Joe Biden dường như giành thắng lợi, hơn Donald Trump một chút trong cuộc tranh luận. Hai ứng viên lại đối mặt tranh luận với nhau vào các ngày 15 và 22 tháng 10 tới.
Nguồn : RFI, 01/10/2020