Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước thềm Năm mới : Trung Quốc, Nga triệt hạ những người tranh đấu cho tự do

Báo chí Pháp ngày 30/12/2021 quan tâm đến việc Nga triệt hạ tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Memorial, Trung Quốc đàn áp những phần còn lại của quyền tự do báo chí ở Hồng Kông. Pháp tiếp tục chính sách giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp và gia đình, các kịch bản diễn biến đại dịch Covid-19 theo Viện Pasteur là một số chủ đề nổi bật khác trên báo chí Pháp hôm nay. Tác phẩm mới "Anéantir" của nhà văn Houellebecq vừa chính thức ra mắt, đồng loạt được nhiều báo giới thiệu.

nga1

Biểu tượng của tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga nổi tiếng Memorial, vừa bị tư pháp Nga giải thể cuối tháng 12/2021. © twitter.com/hrc_memorial

Bắc Kinh và Moskva tiếp tục triệt hạ nhân nhân quyền trong những ngày cuối năm 2021, đó là nhan đề của xã luận của La Croix, với tựa đề "Các quyền tự do bị đàn áp". Nhật báo công giáo nhấn mạnh là "hai chế độ Trung, Nga đã dồn toàn lực để đè bẹp những người tranh đấu cho tự do". Ngày 29/12, cảnh sát Hồng Kông tiến hành đợt bố ráp lớn chấm dứt các hoạt động của phương tiện truyền thông độc lập quan trọng cuối cùng, Stand News. Đây là một diễn biến mới của chính sách chung của chính quyền Trung Quốc gạt sang bên lề những người tranh đấu vì dân chủ tại cựu thuộc địa Anh Quốc. Hôm trước đó, Tóa án Tối cao Nga đã ra lệnh giải tán tổ chức phi chính phủ Memorial International, một trong những tổ chức xã hội dân sự được tôn trọng nhất đất nước, do nhà tranh đấu Andrei Sakharov, người được trao giải Nobel Hóa bình năm 1975, sáng lập.

Lo sợ của Bắc Kinh, Moskva : Khát vọng tư duy độc lập lan tỏa trong xã hội

La Croix ghi nhận là trong "cả hai trường hợp", chính quyền Nga và Trung Quốc đều nêu ra các lý do "an ninh quốc gia". Các cáo buộc thật là "nực cười", theo La Croix. Và "điều này đặc biệt phản ánh việc các chế độ độc tài này đang trở nên cứng rắn hơn, không chấp nhận bất cứ hình thức đối lập nào". Các nhà độc tài Tập Cận Bình và Vladimir Putin đều thống nhất trong việc khẳng định "người dân không quan tâm mấy đến tự do, mà điều quan trọng là an ninh và thịnh vượng". La Croix bác bỏ luận điệu tuyên truyền này, khi khẳng định "các đàn áp tàn khốc mà chính quyền tiến hành cho thấy điều ngược lại. Nhiều người này đang bị trấn áp chính vì họ bày tỏ khát vọng suy nghĩ độc lập, hành động độc lập, phản đối độc lập. Chính bởi vì những khát vọng của họ đang lan tỏa mà họ bị chính quyền buộc phải câm lặng".

Giải thể Memorial, bước ngoặt lớn của "giai đoạn hậu Xô Viết"

Nhật báo Le Monde dành hồ sơ chính trang nhất và xã luận cho chủ đề hiệp hội nhân quyền Memorial bị chính quyền Nga đàn áp. "Memorial, sự kết liễu của một biểu tượng dân chủ Nga" là tựa trang nhất. Theo Le Monde, quyết định triệt hạ tổ chức Memorial cho thấy chính quyền Putin "cương quyết viết lại lịch sử, và kiểm soát chặt xã hội dân sự". Bài xã luận của Le Monde mang tựa đề "Memorial bị giải thể, ký ức bị phong tỏa" (Memorial cũng có nghĩa là "hồi ức").

Theo xã luận Le Monde, "hành trình của tổ chức bảo vệ nhân quyền Memorial, từ hy vọng dân chủ cho đến chỗ bị loại bỏ, cho thấy những biến đổi chính trị của nước Nga trong ba thập niên qua". Memorial được thành lập vào cuối những năm 1980 trong giai đoạn mở cửa do Gorbachev thúc đẩy vào thời điểm đó, có sứ mạng đưa ra ánh sáng các đàn áp chính trị dưới thời Liên Xô và cổ vũ cho việc phục hồi danh dự cho các nạn nhân. Sau khi Liên Xô giải thể, Memorial chuyển từ một tổ chức ly khai thành một hiệp hội được công nhận. Memorial đã phục hồi tên tuổi của 3 triệu nạn nhân của các trại tập trung Nga ("gouglag").

Le Monde nhấn mạnh là nghiên cứu khoa học mà Memorial tiến hành xung đột trực tiếp với quyết tâm của tổng thống Nga kiểm soát cách thuật lại lịch sử quốc gia. Ông Putin đã tiến hành việc viết lại một cách hệ thống lịch sử nước Nga, ca ngợi công lao của nhà độc tài Stalin trong Thế chiến Hai. Theo Le Monde, "việc giải thể Memorial còn hơn cả là một biểu tượng, mà còn là một bước ngoặt của lịch sử nước Nga thời hậu Xô Viết".

Với nước Nga, năm 2021 mở đầu bằng việc bỏ tù nhà đối lập Navalny, tiếp theo đó là quyết định giải tán phong trào chính trị của nhà đối lập. Và giờ đây, vào dịp cuối năm, đến lượt Memorial. Theo Le Monde, "giai đoạn hậu Liên Xô" dường như đang khép lại, kể từ giờ ký ức của nước Nga đã hoàn toàn bị thao túng bởi một chính quyền bị ám ảnh bởi "những ảo ảnh vĩ đại của quá khứ".

Omicron với nước Pháp : Những kịch bản của Viện Pasteur

Ám ảnh một làn sóng đại dịch với biến thể Omicron lây mạnh hơn gấp bội là chủ đề của hầu hết các báo. Theo bộ trưởng Y tế Olivier Véran, nước Pháp đang đối mặt với các đợt sóng triều ngày càng mạnh hơn. Sau một ngày kỷ lục 180 nghìn ca nhiễm mới, ngày hôm qua lại có thêm 200 nghìn ca. Les Echos có bài giới thiệu về dự báo của Viện Pasteur về các kịch bản trong những tuần tới.

Với biến thể Omicron tình hình đầy bất trắc. Trong báo cáo được công bố chính thức hôm qua, 29/12, được chuyển đến chính phủ trước đó vào ngày thứ Hai 27/12, Viện Pasteur đưa ra nhiều kịch bản bao gồm lên rất nhiều trường hợp khác nhau, từ lạc quan nhất đến nghiêm trọng nhất. Theo Viện Pasteur, xét trung bình biến thể Omicron sẽ lây lan nhanh từ hơn gấp rưỡi đến gần gấp đôi so với biến thể Delta, nhưng mức độ gây bệnh nhẹ hơn rất nhiều.

Viện Pasteur dự báo, trong kịch bản lạc quan, số lượng người nhập viện sẽ là 2.700/ngày, trong bối cảnh không cần thay đổi về chính sách siết chặt phòng dịch. 2.700 nghĩa là ít hơn một chút so với làn sóng thứ hai, tháng 11/2020, với khoảng 2.900 người nhập viện/ngày. Có nghĩa là tình hình sẽ căng thẳng, nhưng tương đối ổn.

Chờ đến ngày 03/01 để quyết định

Kịch bản tồi tệ liên quan đến việc mức độ lây nhiễm cao, gắn liền với mức độ gây bệnh khá nặng, tương tự với biến thể Alpha (tức ít nghiêm trọng hơn 33% so với Delta), số người nhập viện có thể lên đến 7.000, thậm chí 10.000 người/ngày, bất chấp việc giảm khoảng 20% các tiếp xúc. Trong trường hợp này, nước Pháp không tránh khỏi giới nghiêm, và thậm chí phải phong tỏa một lần nữa.

Theo các tác giả viện Pasteur, cần phải chờ đến ngày 03/01, để quyết định các biện pháp mới. Nếu siết chặt quá sớm, thì hậu quả là có nguy cơ chỉ "đẩy lùi đỉnh dịch đến muộn hơn, chứ không giảm đáng kể quy mô của dịch". Chính phủ đợi trong ít ngày nữa để ra quyết định mới, nhưng không thể muộn hơn. Ngày 05/01/2022, Hội đồng cố vấn về dịch tễ sẽ họp lại để xem xét tình hình.

Viện Pasteur cũng chỉ rõ là việc tăng tần suất tiêm chủng sẽ cho phép giảm mạnh quy mô của đợt dịch. Nếu tiêm chủng được 1,2 triệu liều/ngày thì sẽ giảm được đỉnh dịch đến 17%, so với việc chỉ tiêm 800.000 liều. Đây là lý do khiến chính phủ giảm thời hạn tiêm mũi nhắc lại xuống còn 3 tháng thay vì 4 tháng.

Chính phủ Pháp tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp

Chính phủ Pháp tiếp tục chính sách giảm thuế cho các gia đình và doanh nghiệp là hồ sơ trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Thuế doanh nghiệp được giảm xuống mức 25% đưa nước Pháp trở về nhóm trung bình trong số các quốc gia giàu (so với mức thuế 33% vào đầu nhiệm kỳ của ông Macron). Theo Les Echos, giảm thuế doanh nghiệp là một trong các biện pháp thuế chủ yếu của chính phủ trong nhiệm kỳ 5 năm, sẽ kết thúc vào năm tới. Theo văn phòng Arsene Taxand, chính phủ đã giữ lời hứa bất chấp khủng hoảng do đại dịch.

Les Echos cho biết trong năm tới, các tập đoàn lớn của nước Pháp sẽ phải chuẩn bị thực hiện quyết định đánh thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE chủ trì. Quyết định sẽ chính thức của hiệu lực vào năm 2023. Thay đổi này, được sự thống nhất của 130 quốc gia, sẽ dẫn đến hàng loạt các điều chỉnh lớn về quy định đối với từng công ty, tính toán dựa trên thuế nộp tại từng nước, khác hẳn với hiện nay là dựa trên ngành nghề hay sản phẩm.

Chọn ứng viên tổng thống : Cử tri cánh tả bị chia rẽ, nhưng không buông xuôi

Nhật báo thiên tả Libération dành chủ đề lớn trang nhất để thông báo kết quả các thăm dò dư luận về các mong đợi của cử tri cánh tả về cuộc tranh cử tổng thống. Theo Libération, "Cử tri cánh tả : Chia rẽ nhưng không buông xuôi". Nếu như có nhiều bất đồng, và những tổn thương do các tranh cãi mang tính quyền lợi đảng phái, mô tả về lập trường của cử tri cánh tả (của Viện Viavoice), đa số cử tri cánh tả tin tưởng vào khả năng "tái xây dựng một lực lượng chính trị xung quanh các giá trị căn bản - chống bất công, siết chặt đoàn kết – lực lượng chính trị từng thành công trong việc ba lần dành được thắng lợi dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa".

65% cử tri cánh tả trông đợi có một cuộc bỏ phiếu sơ bộ để chọn ra một ứng cử viên cánh tả duy nhất. 52% xem trọng việc ủng hộ các chính trị cánh tả riêng rẽ quan trọng hơn là tìm kiếm sự thống nhất.

Chính trị gia cánh tả nhận được sự ủng hộ nhiều nhất của cử tri là bà Christiane Taubira, với 39%, tiếp theo đó là chính trị gia cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon 38%, 30% chọn bầu cho chính trị gia đảng Xanh Yannick Jadot, có đến 34% ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Macron.

Xã luận Libération nhan đề "Các giá trị" tập trung nhấn mạnh đến cơ hội bà Christiane Taubira trở thành chính trị gia có thể tập hợp được mong đợi của đại đa số cánh tả về các giá trị nền tảng nói trên. Bà Taubira cũng là người ủng hộ ý tưởng tổ chức bỏ phiếu sơ bộ chọn ứng viên tổng thống, tuy chưa quyết định tham gia (khác với lãnh đạo đảng Xanh và chính trị gia Mélenchon). Christiane Taubira có hai tuần để thuyết phục các cử tri cánh tả.

Pháp chủ tịch luân phiên Liên Âu : Cơ hội khôi phục ảnh hưởng

Thách thức với chính phủ Macron trong cương vị chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu là chủ đề trang nhất La Croix. Lần đầu tiên sau 13 năm, nước Pháp trở lại đảm nhiệm chức vụ này trong một bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho việc Paris khẳng định trở lại vai trò hàng đầu tại Châu Âu, trong sự phối hợp với nước Đức.

"Liên Âu, làm thế nào để nước Pháp gây ảnh hưởng trở lại" là hồ sơ chính của La Croix. Tờ báo ghi nhận việc ảnh hưởng của nước Pháp đã suy giảm trong mười lăm năm trở lại đây, nhưng Paris vẫn có khả năng đề xuất các ý tưởng mới, nhờ nhiều thế mạnh, như trọng lượng của nền kinh tế, dân số, cương vị của quốc gia sáng lập Liên Âu, cũng như nền hành chính hùng mạnh. Pháp có thể đảm nhiệm hoàn toàn các hoạt động với cương vị chủ tịch luân phiên, chứ không phải dựa vào Hội Đồng Châu Âu, như một số nước nhỏ khác. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 7% dân Châu Âu cho rằng Pháp là quốc gia có ảnh hưởng nhất, so với tỉ lệ 60% với Đức (theo một thăm dò dư luận tại 11 nước Châu Âu với 11.000 phiếu hỏi).

Ba chủ đề lớn trong nhiệm kỳ 6 tháng chủ tịch Liên Âu của Pháp là xác lập các quy tắc về kỷ luật ngân sách (Pháp và Đức có nhiều mâu thuẫn lớn trong vấn đề này), khẳng định chủ quyền của Liên Âu về quốc phòng và năng lượng, và thúc đẩy hợp tác phát triển với Liên Hiệp Châu Phi, hỗ trợ thanh niên Châu Phi tìm thấy tương lai tại châu lục, để giảm bớt dòng người di cư sang Châu Âu.

Văn sĩ Houellebecq tái xuất với tác phẩm "Anéantir"

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành tựa lớn trang nhất "Houellebecq, tấm gương thực sự của thời đại chúng ta". "Ba năm sau "Sérotonine", nhà văn người Pháp đương đại nổi tiếng nhất thế giới trở lại với "Anéantir" (tạm dịch là "Hủy diệt"), một cuốn tiểu thuyết lớn nói về những cái ác trong xã hội chúng ta". Xã luận Le Figaro nhan đề "Chống lại sự lạnh lùng" tìm cách giải thích vì sao tác phẩm của Houellebecq lại đặc biệt "thu hút".

Theo Le Figaro, đó chính là do cách "mô tả trần trụi tình trạng thảm thương của xã hội con người đương đại, bị kẹt giữa một bên là chủ nghĩa tiêu thụ được khuyến khích mạnh mẽ và bên kia là nỗi u buồn mang tính hiện sinh". Le Figaro nhấn mạnh : các tác phẩm của Houellebecq mang lại một "ánh sáng sống sượng" cho phép xã hội hiện nay hiểu được chính mình. Một mô tả trần trụi đi kèm với phong cách châm biếm chua cay xuyên suốt các tác phẩm.

Văn sĩ Houellebecq "không phải là một triết gia, cũng không phải là một nhà xã hội học, mà là một tiểu thuyết gia". Nhà văn sáng tác trước hết bằng các trực cảm của mình, thông qua các nhân vật bằng xương, bằng thịt. Theo Le Figaro, tác phẩm mới ra mắt ít khốc liệt hơn, các nhân vật trong Anéantir tập trung vào việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, những sợi dây liên hệ hôn nhân, gia đình, ngay cả khi đã bị tan vỡ, hay rơi vào hỗn loạn, cũng mang lại cho họ nhiều trợ giúp. Những người con đồng hành với cha mẹ đến hơi thở cuối cùng, hay một căn bệnh ung thư có thể là dịp để một cặp vợ chồng siết chặt quan hệ… Le Figaro kết luận : "các nhân vật trong tiểu thuyết mới của Houellebecq đánh thức ở độc giả một suy nghĩ. Đó là để chống lại sự lạnh lẽo của thế giới, lối thoát nào đây, nếu không phải là tình yêu ?".

Nhật báo thiên tả Libération cũng một bài dài hai trang để giới thiệu tác phẩm mới của Houellebecq, với tựa đề "Anéantir : Michel Houllebecq ở thời tương lai nội tâm". "Tương lai" bởi cốt truyện dựa vào biến cố cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2027. "Nội tâm" bởi tuy lấy bối cảnh là cuộc bầu cử tổng thống, nhưng mạch chính của truyện là những đường đời rất riêng tư.

Theo Libération, tiêu đề "Anéantir" của tác phẩm "vang lên như một tiếng bom", đúng là gieo vào lòng độc giả một cảm giác trống rỗng, qua nhân vật Paul (cố vấn bộ trưởng Kinh tế, Tài chính, một con người nồng nhiệt và say sưa vì công việc), "nhưng về cơ bản, cuốn tiểu thuyết mà ai đã đọc thì không thể buông được này, để lại những gương mặt tràn đầy hy vọng, những cảnh chiêm nghiệm gần như siêu hình, một cặp đôi hân hoan sống trong một tình yêu của ngày tận thế".

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế