Lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Nga phạm ‘tội ác chống nhân loại’
Thu Hằng, RFI, 19/02/2023
Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18/02/2023, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris lên án Nga phạm "các tội ác chống nhân loại". Từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ cáo buộc Nga phạm "các tội ác chống nhân loại".
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 18/02/2023. © Reuters – Wolfgang Rattay
Phó tổng thống Mỹ khẳng định : "Chúng tôi đã nghiên cứu các bằng chứng, chúng tôi nắm rõ các tiêu chuẩn pháp lý và không có nghi ngờ gì nữa : Đó là những tội ác chống nhân loại". Phó tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh : "tất cả những ai phạm các tội ác này, cấp trên của họ hay đồng lõa với họ đều phải trả giá".
Nhiều tội ác của Nga đã được phó tổng thống Kamala Harris, một cựu chưởng lý, liệt kê tại Hội nghị Munich, như chủ ý oanh kích thường dân và những công trình hạ tầng trọng yếu, tra tấn, hãm hiếp, đưa người Ukraine sang Nga, đặc biệt là tách vài nghìn trẻ em với gia đình. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, được AFP trích dẫn, Washington đã nghiên cứu hoặc hoặc lập danh sách hơn 30.600 trường hợp "tội ác chiến tranh" của quân đội Nga kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, được mời dự hội nghị, đã hoan nghênh lập trường của Mỹ, đồng thời một lần nữa cáo buộc chính quyền Matxcơva gây "chiến tranh diệt chủng" ở Ukraine. Ông tỏ ra lo ngại không thể tập hợp đủ bằng chứng để truy tố "những cá nhân đặc biệt" đã phạm "tội ác tàn bạo". Trước đó, chính quyền Kiev kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử các quan chức cấp cao Nga, nhưng thể thức cụ thể của tòa án lại làm dấy lên nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.
Bên lề Hội nghị An ninh Munich, các nhà lãnh đạo ngoại giao của G7 - nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã ra thông cáo chung tái khẳng định sự hỗ trợ "bền vững và lâu dài chừng nào còn cần thiết với Ukraine".
Thu Hằng
Mỹ tuyên bố Nga phạm 'tội ác chống nhân loại' ở Ukraine
Reuters, VOA, 18/02/2023
Chính quyền Biden chính thức kết luận rằng Nga đã phạm "tội ác chống nhân loại" trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết vào ngày thứ Bảy.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức, ngày 18/2/2023.
"Trong trường hợp các hành động của Nga ở Ukraine, chúng tôi đã xem xét bằng chứng, chúng tôi biết các tiêu chuẩn pháp lý và không còn nghi ngờ gì nữa : đây là những tội ác chống nhân loại", bà Harris, người trước đây từng là công tố viên, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.
"Và tôi nói với tất cả những kẻ đã gây ra những tội ác này, và với cấp trên của họ đồng lõa với những tội ác này, các người sẽ phải chịu trách nhiệm".
Sự xác định chính thức, được đưa ra sau khi kết thúc phân tích pháp lý do Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu, không đưa tới hậu quả tức thời nào cho cuộc chiến đang diễn ra.
Nhưng Washington hi vọng rằng nó có thể giúp cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn nữa và thúc đẩy các nỗ lực pháp lý buộc các thành viên trong chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm thông qua các tòa án quốc tế và chế tài.
Bà Harris phát biểu trong bối cảnh các nhà lãnh đạo cao cấp của phương Tây đang hội họp ở Munich để đánh giá cuộc xung đột trầm trọng nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Bà nói Nga giờ đã là một nước "suy yếu" sau khi ông Biden lãnh đạo một liên minh trừng phạt ông Putin về cuộc xâm lược, nhưng Nga lại càng tăng cường tấn công ở miền đông Ukraine hơn nữa. Trong khi đó, Ukraine đang hoạch định một cuộc phản công vào mùa xuân, và họ đang tìm kiếm thêm vũ khí hạng nặng hơn và tầm xa hơn từ các đồng minh phương Tây.
Cuộc chiến kéo dài gần một năm đã giết chết hàng chục ngàn người, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và khiến ông Putin trở thành tội đồ ở phương Tây.
Washington trước đó đã kết luận rằng các lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh, giống như kết luận của một cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc ủy quyền. Nhưng kết luận của chính quyền Biden rằng hành động của Nga là "tội ác chống nhân loại" ngụ ý phân tích về mặt pháp lý cho thấy rằng các hành vi từ giết người đến hãm hiếp là rộng khắp, có hệ thống và có chủ ý nhắm vào thường dân. Trong luật pháp quốc tế, nó được coi là một hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn.
Ủy ban Điều tra về Ukraine do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vẫn chưa kết luận các tội ác chiến tranh mà họ nói họ đã xác định là tội ác chống nhân loại.
Theo chính phủ Mỹ, các tổ chức được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ đã ghi nhận hơn 30.000 vụ phạm tội ác chiến tranh kể từ cuộc xâm lược. Các quan chức Ukraine cho biết họ đang điều tra vụ pháo kích vào thành phố Bakhmut chỉ trong tuần này như là tội ác chiến tranh.
Nga nói họ đang tiến hành một "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine để loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh đối với mình và bảo vệ những người nói tiếng Nga. Nga phủ nhận cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân hoặc phạm tội ác chiến tranh.
Châu Âu bắt đầu tiến trình từng bước để có thể xét xử Nga về tội ác xâm lược Ukraine
Thùy Dương, RFI, 18/02/2023
Ngày 17/02/2023, tổng chưởng lý Ukraine, Andriy Kostin, có chuyến công du Bruxelles. Tổng chưởng lý Ukraine và ủy viên tư pháp Châu Âu, Didier Reynders, đã có buổi họp báo chung. Câu hỏi làm thế nào để xét xử các nhà lãnh đạo Nga đã gây ra cuộc chiến Ukraine lại dấy lên trở lại. Do Tòa Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền trong vụ xử này, Kiev đề nghị mở một tòa án đặc biệt, nhưng một cơ chế để xét xử vụ Nga xâm lược Ukraine đặt ra những câu hỏi pháp lý phức tạp.
Tổng chưởng lý Ukraine, Andriy Kostin (trái) và ủy viên tư pháp Châu Âu, Didier Reynders, trong buổi họp báo tại Bruxelles, ngày 17/02/2023. AFP – Kenzo Tribouillard
Từ Bruxelles, thông tín viên Laure Broulard giải thích :
Tòa Hình sự Quốc tế CPI có thẩm quyền đối với các tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại xảy ra ở Ukraine, nhưng không có thẩm quyền xử lý các tội tấn công xâm lược, bởi vì cả Moskva và Kiev đều chưa phê chuẩn Hiệp ước Roma sửa đổi về những định nghĩa và quy định liên quan đến tội xâm lược. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine muốn các nhà lãnh đạo chính trị của Nga bị xét xử về tội xâm lược lãnh thổ Ukraine, nên đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt về tội ác xâm lược.
Tổng chưởng lý Ukraine, Andriy Kostin, giải thích : "Đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến giới tinh hoa Nga, để cho họ thấy họ sẽ bị trừng phạt. Không chỉ có các quân nhân mới có thể bị Tòa án Hình sự truy tố mà giới tinh hoa chính trị phạm tội ác xâm lược cũng sẽ bị truy tố".
Thế nhưng, việc lập một cơ chế như vậy đặt ra những câu hỏi pháp lý rất phức tạp. Vì thế, Liên Hiệp Châu Âu ưu tiên tiến trình tiến hành từng bước một, và ở chặng đầu thì ủng hộ việc triển khai một kiểu văn phòng công tố đặc trách, được đặt tại La Haye, Hà Lan, và sẽ đi vào hoạt động ngay từ tháng 07/2023, theo ủy viên tư pháp Châu Âu Didier Reynders.
Ông Didier Reynders nói : "Chúng tôi đang bắt đầu tiến trình. Lập ra một tòa án có thể sẽ là chặng hai. Chặng đầu là có khả năng thu thập các dữ liệu về tội ác xâm lược và tổ chức các cuộc thảo luận giữa các chưởng lý. Và chính để phục vụ việc này mà chúng tôi đã đề xuất lập một trung tâm quốc tế khởi kiện Nga xâm lược Ukraine. Rồi sau đó, chúng tôi sẽ có thể xem đâu là các phương tiện tốt nhất để tổ chức chặng thứ hai, tức là tìm ra cơ chế sẽ có khả năng tổ chức phiên tòa".
Giờ đây còn phải chờ xem liệu một tòa án như vậy có thể được thành lập hay không, khi nào, và theo thể thức nào. Trong khi chờ đợi, các nhà điều tra Ukraine đang tiếp tục công việc. Theo tổng chưởng lý Ukraine, họ đã xác định được tới 67.000 tội ác chiến tranh của Nga và tư pháp đã ra 25 bản án.
Thùy Dương