Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp Nga : Đối lập bất đồng về cách phản đối (RFI, 25/06/2020)

Chính quyền Nga tổ chức trưng cầu dân ý về dự án cải tổ Hiến pháp hôm nay, 25/06/2020. Dự án cải tổ Hiến pháp, nếu được thông qua, sẽ cho phép tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, có nghĩa là đến năm 2036. Đối lập Nga lên án một "cú đảo chính Hiến pháp". 

putin1

Bỏ phiếu trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến pháp Nga. Ảnh chụp tại một đơn vị bỏ phiếu ở Vladivostok, ngày 25/06/2020. Reuters/Yuri Maltsev

Tuy nhiên, phản đối bằng cách nào : tẩy chay hay bỏ phiếu chống ? Hiện tại, nội bộ đối lập đang bị chia rẽ cao độ trong vấn đề này. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moskva : 

"Không có cơ hội tham gia trên truyền hình, cũng không thể tổ chức mít tinh do dịch Covid-19, các thủ lĩnh đối lập buộc phải tranh luận trên mạng internet. Đối với người nổi tiếng nhất trong số họ, luật sư, blogger Alexei Navalny, sẽ không có chuyện tham gia vào cuộc bỏ phiếu được coi là một trò hề này. Ông nói : 

"Tôi ủng hộ việc tham gia vào các cuộc bầu cử, trong 99% trường hợp. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này là hoàn toàn bất hợp pháp, như vậy không thể tham gia. Bên cạnh đó, còn có các nguy cơ liên quan đến dịch virus corona. Theo tôi, sẽ là vô đạo đức khi kêu gọi những người ủng hộ tham gia trong những điều kiện như vậy". 

Đối với những người ủng hộ việc tẩy chay bỏ phiếu, tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý là một cách thừa nhận cải tổ Hiến pháp là hợp pháp. Biện pháp duy nhất để gây áp lực, theo quan điểm của họ, là giảm đến mức tối đa tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu. 

Ngược lại, theo cựu thành viên đảng Iabloko, Maxime Katz, cần phải đi bỏ phiếu, và phản đối dự án cải tổ của tổng thống Nga bằng chính lá phiếu của mình. Ông nói : 

"Kể từ cuộc bầu cử năm 2018, tỉ lệ được lòng dân của Putin đã tụt dốc thê thảm. Trên đường phố, tất cả mọi người đều nói rằng họ muốn phản đối cuộc cải tổ Hiến pháp. Trong xã hội, có một sự phẫn nộ ghê gớm, mọi người muốn đi bỏ phiếu chống". 

Tuy nhiên, bất luận đối lập chọn chiến lược nào thì cải cách Hiến pháp, mà ông Putin muốn có, gần như chắc chắn sẽ được thông qua vào ngày 01/07 tới. Tổng thống Nga sẽ có quyền tại vị thêm hai nhiệm kỳ nữa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình cách đây ít hôm, ông Putin lần đầu tiên nêu khả năng sẽ ra ứng cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024"

Theo thăm dò dư luận của Viện Levada, có quan điểm độc lập, tỉ lệ ủng hộ với ông Putin giảm mạnh, từ 79% xuống còn 59%, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2020. Để tránh gây phản cảm, chiến dịch quảng bá cho dự án cải tổ Hiến pháp trên đường phố không hề nhắc đến việc cải tổ sẽ cho phép ông Putin cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa. Các áp phích tuyên truyền tập trung cổ vũ cho việc "đức tin vào Chúa Trời" sẽ được ghi vào Hiến pháp, hay việc không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Đảng cầm quyền tin tưởng việc cổ vũ cho các giá trị bảo thủ như trên sẽ giúp thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Nga. Bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong một tuần lễ. 

Trọng Thành

*********************

Nga tổ chức diễn binh mừng 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã (RFI, 24/06/2020)

Tổng thống Vladimir Putin ngày 24/06/2020 chủ trì buổi lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức. Đây là dịp để điện Kremlin nhắc nhở với thế giới về những "hy sinh" của Liên Xô và món nợ tinh thần của thế giới đối với chính quyền Moskva. 

putin2

Tên lửa Pantsir-SA trong lễ diễn binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức của Nga trên quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 24/06/2020. Reuters - MAXIM SHEMETOV

Buổi lễ trọng đại này lẽ ra đã được tổ chức ngày 09/05/2020, nhưng đã bị hoãn lại đến hôm nay vì tình hình dịch bệnh. Điều thất vọng đối với tổng thống Nga là sự vắng mặt của các nguyên thủ trên thế giới, từ Mỹ đến Trung Quốc.

Trong buổi lễ hôm nay, tổng thống Putin nhắc lại "quân đội Liên Xô đã giải phóng Châu Âu khỏi ách đô hộ, chấm dứt thảm họa Holocauste nhắm vào người Do Thái, cứu nước Đức ra khỏi móng vuốt của quân phát xít". Đồng thời nguyên thủ Nga không quên kêu gọi quốc tế "đoàn kết", "đối thoại, hợp tác" trên các hồ sơ nóng của thế giới.

14.000 lính Nga tham gia lễ diễu binh trên Quảng Trường Đỏ. Quân đội phô trương từ xe tăng đến các giàn tên lửa, chiến đấu cơ ... Thông tín viên Daniel Vallot từ thủ đô Moskva tường trình : 

Lễ diễu binh bắt đầu trước tượng đài Lênin và khán đài danh dự nơi có mặt tổng thống Putin và nhiều quan khách. Sự kiện này diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt do tình hình dịch Covid-19. Mỗi ngày nước Nga vẫn có thêm nhiều ngàn bệnh nhân và trên nguyên tắc thì các cuộc tụ tập vẫn bị cấm.

Đô trưởng Moskva kêu gọi người dân xem lễ diễu binh qua truyền hình.

Trên khán đài, số quan khách giảm hẳn so với bình thường, nhất là khi tổng thống Vladimir Putin đã muốn mời rất nhiều các nguyên thủ, thủ tướng quốc tế đến dự. Ông từng hy vọng mời được từ tổng thống Mỹ Donald Trump đến nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng rốt cuộc trên khán đài danh dự chủ yếu chỉ có các lãnh đạo trong khu vực và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Lễ diễu binh lần này nhằm đề cao sức mạnh của Nga, và đây là chủ đề chính trong buổi lễ. Tổng thống Putin liên tục nhắc đến quá khứ, đến vai trò của Liên Xô trong Thế Chiến Thứ Hai, cũng như trong giai đoạn chiến tranh lạnh.

Ông cho rằng đã phần nào khôi phục lại hào quang của đất nước qua các cuộc can thiệp vào Ukraine hay Syria. Điều này lại càng quan trọng hơn nữa đối với Vladimir Putin trong bối cảnh tuần tới nước Nga tổ chức trưng cầu dân ý, sửa đổi Hiến pháp cho phép ông tại chức cho đến năm 2036.

Bắt buộc Moskva phải sang trang khủng hoảng y tế. Lễ diễu binh lần này phải được duy trì và phải là biểu tượng của một nước Nga giai đoạn hậu Covid-19 đã trở lại với cuộc sống bình thường.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author RFI tổng hợp
Published in Quốc tế