Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Tây Ban Nha ra lệnh giải thể chính quyền Catalunya (RFI, 21/10/2017)

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm nay 21/10/2017 loan báo giải thể chính quyền vùng Catalunya, theo điều 155 Hiến pháp. Bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt. Phe đòi độc lập cho vùng Catalunya kêu gọi xuống đường phản đối.

catalane1

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trong cuộc họp báo tại Madrid ngày 21/10/2017. Reuters/Juan Medina

Phát biểu sau cuộc họp khẩn của nội các sáng nay, ông Rajoy nhấn mạnh rằng thái độ của phe ly khai Catalunya đã buộc ông phải vận dụng đến điều khoản vốn chưa bao giờ được áp dụng, của Hiến Pháp năm 1978.

Ông Mariano Rajoy khẳng định "không rút lại quyền tự trị của Catalunya", quy mọi trách nhiệm cho ban lãnh đạo vùng. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại Tây Ban Nha kể từ sau âm mưu đảo chính quân sự tháng 2/1981.

Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết sẽ yêu cầu Thượng Viện thông qua việc cách chức chủ tịch vùng Catalunya là ông Carles Puigdemont, cũng như phó chủ tịch và các thành viên khác của chính quyền vùng này. Các đặc quyền của Nghị viện Catalunya sẽ bị siết lại, và quyền lực của chính quyền Catalunya được chuyển sang chính quyền trung ương.

Đến lượt Thượng Viện Tây Ban Nha sẽ quyết định có áp dụng các biện pháp vô tiền khoáng hậu này hay không. Dự kiến Thượng Viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 27/10 tới.

Thủ tướng Rajoy, vốn hy vọng nhận được tối đa ý kiến đồng thuận, tối qua đã có được sự hỗ trợ của quốc vương Felipe VI, cho rằng "Catalunya đang và sẽ là một thành phần cốt yếu" của Tây Ban Nha. Ông Rajoy cũng được sự ủng hộ của đảng xã hội PSOE và đảng cánh trung Ciudadanos. Nhắc nhở rằng đã có trên 1.000 công ty dời hội sở ra khỏi Catalunya, thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh, việc vùng này độc lập sẽ gây tác động tai hại cho nền kinh tế.

Hai tổ chức chủ trương độc lập là Nghị viện Catalunya (ANC) và Omnium kêu gọi xuống đường từ 17 giờ chiều nay (15 giờ GMT) tại Barcelona. Chủ tịch vùng Carles Puigdemont sẽ phát biểu vào lúc 21 giờ.

Cuộc đối đầu giữa Madrid và Catalunya đã kéo dài nhiều tuần lễ qua. Trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 1/10 tại Catalunya, bị cho là vi hiến, có đến 90,18% đồng ý ly khai. Số người tham gia bỏ phiếu gần 2,3 triệu, chiếm 43% số cử tri đăng ký.

Thụy My

******************

Catalunya : Madrid và Barcelona đối đầu trực diện, EU từ chối can thiệp (RFI, 20/10/2017)

Hôm 20/10/2017, một ngày trước khi chính phủ Tây Ban Nha họp khẩn để quyết định về việc rút lại quyền tự trị của Catalunya, cả Madrid và Barcelona đều tỏ ra không khoan nhượng, trong khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói rõ là không muốn đóng vai trò trọng tài.

catalane2

Người dân tập họp tại quảng trường Plaza Catalunya, Barcelona xem thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trên đài truyền hình. Ảnh ngày 1/10/2017. Cesar Manso/AFP

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk trong cuộc họp thượng đỉnh EU hôm qua tại Bruxelles nhìn nhận là tình hình đáng lo ngại, nhưng tỏ rõ sự ủng hộ Madrid. Ông tuyên bố : "Không có chỗ cho việc hòa giải, một sáng kiến nào đó hoặc một sự can thiệp quốc tế. Mỗi chúng ta đều có nỗi xúc động và sự đánh giá riêng, nhưng quan điểm chính thức là EU không can thiệp vào".

Trước đó thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định : "Chúng tôi ủng hộ chủ trương của chính phủ Tây Ban Nha, và hy vọng sẽ tìm được giải pháp trên cơ sở Hiến pháp". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, các lãnh đạo Châu Âu sẽ gởi đi thông điệp đoàn kết xung quanh Tây Ban Nha. Ngay cả thủ tướng Bỉ Charles Michel vốn đã từng chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của Madrid, cũng thanh minh là không hề có "sự cố ngoại giao" với Tây Ban Nha.

Trong khi đó chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdemont vẫn chưa trả lời tối hậu thư của chính quyền Tây Ban Nha, hạn định đến hôm qua phải làm rõ có tuyên bố độc lập hay không. Ông Puigdemont cũng không hề làm theo yêu cầu của Madrid là phải "tái lập trật tự hợp hiến". Trong lá thư gởi cho thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, ông chỉ viết : "Nếu chính quyền nhất định ngăn trở đối thoại và tiếp tục đàn áp, Nghị viện Catalunya có thể bỏ phiếu về việc chính thức tuyên bố độc lập".

Madrid coi lá thư này là một sự đe dọa, cho biết sẽ kích hoạt điều 155 Hiến pháp để ngưng toàn bộ hay một phần quyền tự trị của Catalunya. Ngày mai nội các sẽ họp khẩn để quyết định, sau đó chuyển sang Thượng Viện để được thông qua vào cuối tháng 10.

Theo các nhà quan sát, thủ tục mất nhiều thời gian này sẽ giúp các bên có thể tiến tới thương lượng. Đây cũng là phép thử của chính quyền Madrid, với hy vọng phe ly khai sẽ bị chia rẽ. CUP, liên minh cực tả của ông Puigdemont kêu gọi xuống đường đòi độc lập, còn giới kinh doanh muốn nhượng bộ : trên 900 công ty đã dời trụ sở chính ra khỏi Catalunya, và số lượng du khách sụt giảm.

Thụy My

********************

Catalunya : Tổng thống Nga chỉ trích thái độ "lá mặt lá trái" của Châu Âu (RFI, 20/10/2017)

Cuộc khủng hoảng Catalunya tiếp tục là vấn đề thời sự hàng đầu được thảo luận tại các hội nghị quốc tế. Hôm qua 19/10/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng coi đây là "công việc nội bộ" của Tây Ban Nha, đồng thời, ông cũng chỉ trích chính sách "lá mặt lá trái" của Liên Hiệp Châu Âu trước những ý định giành độc lập của các dân tộc.

catalane3

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại diễn đàn Câu lạc bộ Valdai, Sotchi, ngày 19/10/2017. Reuters

Phát biểu này của người đứng đầu điện Kremlin được đưa ra bên lề một hội nghị được tổ chức tại Sotchi, trong khuôn khổ diễn đàn thường niên của Câu lạc bộ Valdai, nơi quy tụ các học giả Nga và quốc tế nhằm mục đích thảo luận về sự phát triển, cũng như tiếng nói và tầm ảnh hưởng chính trị của siêu cường này trong một thế giới đa cực.

Tổng thống Putin đã nhắc lại thái độ trung lập của chính quyền Moskva đối với vấn đề đòi độc lập của vùng Catalunya. Song, ông chỉ trích mạnh mẽ cách ứng xử thiếu công bằng - "nhất bên trọng nhất bên khinh" - của các nước Châu Âu trước các cuộc đấu tranh đòi độc lập cho các vùng tự trị.

Nguyên thủ Nga nói :

"Trong trường hợp Catalunya, Liên Hiệp Châu Âu và một số nước khác đã lên án không khoan nhượng những người ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, với trường hợp Kosovo, những quốc gia này lại quyết định ủng hộ vô điều kiện cho vùng này được độc lập, nhằm làm vừa lòng người anh cả Hoa Kỳ của họ - và quyết định này đã tạo ra một tiền lệ tại những vùng đất khác ở Châu Âu cũng như trên thế giới.

Ngược lại, khi bán đảo Crimée chọn lựa nền độc lập thông qua trưng cầu dân ý, sau đó là xin sát nhập vào Nga, điều này không làm họ hài lòng … Có lẽ trong mắt của một số đối tác của chúng ta, có những người ủng hộ độc lập và tự do "chính đáng", và có những "kẻ đòi ly khai" không được phép tự vệ, thậm chí là thông qua các cơ chế dân chủ. Chính sách "nhất bên trọng nhất bên khinh" này rất nguy hiểm cho sự phát triển và ổn định của Châu Âu cũng như của các Châu lục khác".

Duy Anh

*****************

Khủng hoảng Tây Ban Nha : Catalunya từ chối hủy tuyên bố độc lập (RFI, 19/10/2017)

Ngày 19/10/2017, lãnh đạo vùng tự trị Cataluny đòi độc lập yêu cầu có 2 tháng để đối thoại với Madrid. Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo họp khẩn, tiếp tục tiến trình đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalunya.

catalane4

Các cổ động viên lợi dụng trận đấu của đội bóng FC Barcelona hôm 18/10 để kêu gọi độc lập cho Catalunya. Reuters/Albert Gea

Khủng hoảng giữa Madrid và Barcelona gia tăng : trên nguyên tắc, 10 giờ sáng nay là hạn chót để chính quyền Catalunya ra thông báo rõ ràng về tuyên bố độc lập. Thế nhưng lãnh đạo cấp vùng, Carles Puigdemont, vẫn không chùn bước và úp mở tuyên bố : Catalunya không tuyên bố độc lập, nhưng có khả năng sẽ làm điều ấy, nếu Madrid "gia tăng áp lực".

Lập tức chính quyền Tây Ban Nha của thủ tướng Mariano Rajoy thông báo : sẽ họp khẩn vào ngày Thứ Bảy tới đây, để thông qua thủ tục "đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalunya". Thủ tục này sau đó sẽ được trình lên Thượng Viện.

Từ 8 ngày qua, Madrid liên tục đe dọa sử dụng điều khoản 155 trong Hiến pháp để rút lại quy chế tự trị của vùng Catalunya. Một khi quyết định được chính thức thông qua, chính quyền trung ương Tây Ban Nha sẽ từng bước thâu tóm lại các quyền tự trị, tiếp thu từng bộ đang thuộc quyền hạn của chính quyền cấp vùng Catalunya.

Theo giới phân tích, giải pháp đối đầu này bất lợi cho cả đôi bên. Phe đòi ly khai đang đẩy Catalunya vào một vùng bất định : kinh tế bị suy yếu, công luận bị chia rẽ giữa hai giải pháp, ra đi hay ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha.

Về phía Madrid, việc rút lại quyền tự trị của Catalunya là một bài toán chính trị đầy rủi ro. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên từ khi chế độ dân chủ được tái lập, Madrid sử dụng điều khoản 155 trong Hiến pháp hiện hành từ năm 1978. Việc này chắc chắn sẽ càng khơi dậy những hiềm khích và nghi kỵ của người dân Catalunya, vốn có từ thời chế độ độc tài Franco. Một số nhà quan sát lo ngại Catalunya và Tây Ban Nha khó tránh khỏi bạo động.

Thanh Hà

Published in Quốc tế