Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc tức tối khi Mỹ-Nhật-Úc giành mất tuyến cáp Thái Bình Dương

Les Echoshôm 15/12/2021 nhận định "Trước một Trung Quốc hung hăng, Washington hứa sẽ gắn bó nhiều hơn với Đông Nam Á". Cuộc đối đầu Mỹ-Trung còn diễn ra dưới đáy biển, qua việc tranh nắm quyền kiểm soát mạng cáp ngầm ở Thái Bình Dương.

cap1

Phi cơ chở ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị đáp xuống phi trường Pohnpei của Liên bang Micronesia ngày 05/08/2019.  AP - Jonathan Ernst

Bắc Kinh vuột mất dự án cáp quang chiến lược

Mỹ-Nhật-Úc hôm thứ Hai 13/12 loan báo việc xây dựng đường cáp mới nhằm cải thiện lưu thông internet giữa Kiribati, Nauru và Liên bang Micronesia, trong khi từ lâu Trung Quốc vẫn mong kiểm soát được dự án chiến lược này. Bắc Kinh vô cùng tức tối : trong bài xã luận hôm qua, Hoàn cầu Thời báo cáo buộc đây là sự "ép buộc về kinh tế do Mỹ tổ chức".

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc hy vọng công ty HMN Technologies, trước đây mang tên Huawei Marine Networks giành được dự án. Nhưng khả năng chiến thắng của tập đoàn thân cận với chính quyền Bắc Kinh khiến nhiều nhà tài chính quốc tế liên quan lo sợ, thúc đẩy Hoa Kỳ phải can dự qua liên kết với đồng minh Úc, Nhật Bản. Ba nước đối tác cho biết với nguồn vay của các ngân hàng công, sẽ xây dựng tuyến cáp giúp chuyển dữ liệu phục vụ 100.000 dân của ba tiểu quốc Thái Bình Dương chưa được kết nối internet để hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Thông cáo chung của ba chính phủ không nêu ra chi phí của dự án đặc biệt. Đối với Tokyo, Canberra và Washington, sự kết hợp này nhằm chặn bước tiến của Bắc Kinh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Để khống chế khu vực, Trung Quốc bên cạnh việc "hào phóng" tài trợ cơ sở hạ tầng, còn khởi động "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" bằng cách thúc đẩy các công ty công nghệ giành lấy những dự án hiện đại hóa mạng lưới viễn thông và đặt cáp ngầm dưới biển. Những mạng cáp quang trung chuyển 95% dữ liệu của hành tinh là cơ sở hạ tầng thiết yếu cần cho các hoạt động thường nhật, đời sống kinh tế và cả liên lạc quân sự, việc kiểm soát chúng mang tầm chiến lược trong trường hợp xung đột.

Những tháng gần đây, chính quyền Úc đã nhiều lần ngáng chân các tập đoàn Trung Quốc. Hồi tháng 10, hãng Úc Telstra thông báo mua lại Digicel Pacific, công ty đang kiểm soát các mạng điện thoại di động ở Papua New Guinea, Vanuatu, Samoa, Nauru. Lo ngại China Mobile sẽ nắm được Digicel Pacific, chính phủ Úc chấp nhận chi ra 1,3 tỉ đô la để tài trợ cho thương vụ trị giá 1,6 tỉ đô la này.

Mỹ trấn an Đông Nam Á trước Trung Quốc hiếu chiến

Từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, sau khi liên tục tổ chức các cuộc họp qua video với đa số quốc gia Đông Nam Á, ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua 14/12 đã bắt đầu vòng công du chính thức trong khu vực. Nhân dịp này ông tái khẳng định sự cam kết của Mỹ tại một vùng đất phải đối mặt với những hành động ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh.

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ghi nhận, trong bài diễn văn đầu tiên tại Jakarta, truớc khi sang Malaysia và Thái Lan, ngoại trưởng Mỹ cố gắng tìm kiếm sự cân bằng, giữa chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Washington và sự nhạy cảm của các nước trong vùng - không muốn ảnh hưởng đến đối tác thương mại lớn là Bắc Kinh. Cách đây 30 năm, thương mại giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc khoảng 8 tỉ đô la, còn riêng trong năm ngoái lên đến 685 tỉ đô la !

Ông Blinken khẳng định không buộc ai phải chọn phe, hứa sẽ giúp đỡ về quân sự, chính trị và kinh tế để có thể duy trì chính sách riêng của mình trước một Trung Quốc muốn áp đặt trật tự địa chính trị. Ngoại trưởng Mỹ tố cáo những hành động hung hăng của Bắc Kinh, từ khu vực sông Mêkông đến những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, trên Biển Đông và ở eo biển Đài Loan. Cụ thể, những vùng biển rộng mở bị Bắc Kinh nói rằng nay thuộc về mình, gian lận thị trường bằng các doanh nghiệp nhà nước, hủy nhập khẩu, đánh cá bất hợp pháp…

Dù có thái độ cứng rắn như thời Donald Trump, nhưng ngoại trưởng Mỹ không đưa ra những cam kết cụ thể để giúp các nước bị Bắc Kinh hà hiếp. Ông chỉ nhắc đến việc Mỹ viện trợ vac-xin chống Covid, hàng tỉ đô la tài trợ cơ sở hạ tầng cho khu vực cùng với đồng minh Nhật, Úc ; và theo Les Echos, chưa đủ để làm an tâm các nước muốn Washington đặt ra cơ sở cho một liên minh kinh tế lâu dài với Hoa Kỳ, phương tiện duy nhất để chống chọi với áp lực Trung Quốc.

Vì lý do chính trị nội bộ, Antony Blinken cũng không thể nêu ra vấn đề tham gia CPTPP - tiền thân là TPP - mà ông Trump đã rút ra trong khi hiệp định này được soạn thảo nhằm giúp ảnh hưởng Washington bắt rễ lâu dài tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bắc Kinh quyết soán ngôi Hollywood

Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde nhận thấy "Bắc Kinh tấn công vào vị trí tối thượng của Hollywood". Điện ảnh, nơi tập trung "quyền lực mềm" của Mỹ, liệu có còn tương lai nơi Trung Quốc ? Năm 2020, đại dịch làm các rạp chiếu phim đóng cửa hàng loạt trên thế giới, khiến lần đầu tiên các phim "bom tấn" Mỹ có doanh thu đứng sau Trung Quốc. Tại Hoa lục, Bắc Kinh quyết tâm siết lại số lượng phim Hollywood và củng cố kỹ nghệ điện ảnh. Mỗi năm chỉ có 34 phim ngoại quốc được phép chiếu tại Trung Quốc, và phim Mỹ thường chiếm đa số, nhưng năm nay phim "Fast & Furious 9" (Huyền thoại tốc độ) chỉ đứng thứ năm về doanh thu.

Kế hoạch 5 năm của Tập Cận Bình 2021-2025 nhắm đến việc biến Trung Quốc thành đại cường điện ảnh vào năm 2035. Không chỉ góp mặt ở các Liên hoan phim danh giá, mà trong 5 năm tới còn phải có được 50 phim thu nhiều lợi nhuận, trong đó 10 phim "bom tấn". Để đạt được tham vọng này, Nhà nước quyết định tăng số rạp từ 77.000 lên 100.000.

Đặc biệt nội dung rất quan trọng, kế hoạch quy định các bộ phim phải "ca ngợi Đảng, tổ quốc, nhân dân, anh hùng", cho dù các doanh nghiệp có lẽ phải xuất quỹ mua vé cho nhân viên đi coi loại phim này. Cơ quan tuyên truyền còn muốn điện ảnh phải giới thiệu hình ảnh một Trung Quốc "tự tin, đáng yêu và được tôn trọng ở nước ngoài". Đối với nhiều nhà quan sát, điều này không thực tế : đa số các phim Trung Quốc có doanh thu nhiều nhất là những phim dân tộc chủ nghĩa hay tình cảm lâm ly.

Libérationchơi chữ "Tại Trung Quốc, những phòng chiếu phim ngày càng tối tăm". Bộ phim dân tộc chủ nghĩa "Trường Tân Hồ" (Cuộc chiến ở hồ Trường Tân) ca ngợi lính Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên đã thành công rực rỡ, vượt qua cả "Chiến lang 2" - Rambo kiểu Trung Quốc. Nhưng một nhà báo, ông La Xương Bình (Luo Changping) đã bị tống giam vì phê phán phim này và có nguy cơ bị lãnh án đến ba năm tù.

Tỉ phú Elon Musk, nhà đối lập hàng đầu với Joe Biden

Tại Mỹ, trong bài "Elon Musk, đối lập số một với Joe Biden" trên Le Monde, tác giả Arnaud Leparmentier cho rằng Twitter trở nên nhạt nhẽo từ khi ông Donald Trump bị loại khỏi các mạng xã hội. May thay đã có Elon Musk, người giàu nhất thế giới. Ông chủ của Tesla và SpaceX đã trở thành đối lập hàng đầu với Biden, và nay tấn công vào tuổi tác của tổng thống thuộc đảng Dân Chủ.

Chính vị tổng thống 80 tuổi đã khiêu chiến : hồi tháng Tám, Biden mời các nhà sản xuất xe hơi truyền thống của Mỹ (General Motors-GM, Ford, Chrysler) họp tại Nhà Trắng về xe chạy điện, nhưng không mời Tesla - hãng đã xúc tiến thị trường xe điện trong khi tất cả những hãng khác đã bỏ rơi - chỉ vì công ty của Musk không có nghiệp đoàn. Nhà tỉ phú lấy làm lạ : "Biden không hề nói đến Tesla dù chỉ một lần, và hoan nghênh GM đã dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện, có hơi thiên vị chăng ?" khi Tesla bán ra đến 2/3 số xe điện tại Hoa Kỳ.

Joe Biden còn ca ngợi bà chủ tập đoàn GM, Mary Barra "đã thay đổi hẳn lịch sử". Lần này đến lượt bà mẹ của Elon Musk lên tuyến đầu, bà viết trên Twitter : "Diễn văn của Biden được viết cách đây 20 năm, ngay trước khi GM giết chết xe điện. Người soạn ra bài nói chuyện này đã tải nhầm tập tin".

Đảng cộng sản Pháp muốn tái khẳng định trên chính trường

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lo đối phó với đối thủ cánh hữu Valérie Pécresse trong cuộc bầu cử sắp tới, biến thể Omicron đe dọa Châu Âu, vấn đề tiêm chủng Covid cho trẻ em, tăng trưởng Pháp dự báo vẫn cao trong năm 2022 là những chủ đề được báo chí Paris hôm nay đề cập nhiều nhất.

Le Monde nhận thấy trong lúc đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo muốn gây áp lực với cánh tả để có một ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, bí thư Đảng cộng sản Pháp (PCF) Fabien Roussel quyết không muốn đóng một vai trò mờ nhạt.

Sau 14 năm vắng bóng trong các cuộc bầu cử tổng thống, đảng cộng sản tái xuất, khiến ứng cử viên đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) bị mất đi nhiều người ủng hộ và chữ ký của thị trưởng các thành phố "đỏ". Ông Jean-Luc Mélenchon chỉ mới đạt được khoảng 300 chữ ký giới thiệu, còn Fabien Roussel đã có hơn 500. Khác với ứng viên cực tả, ông Roussel đả kích "một nền kinh tế hoàn toàn quốc doanh", tình trạng sống nhờ trợ cấp, nhiều lần kêu gọi người dân đi chích ngừa Covid.

Về căn bản, phe cộng sản có nhiều quan điểm chung với LFI, nhưng họ muốn giương cao ngọn cờ đỏ và có vai vế trong cuộc bầu cử Quốc hội. Chưa kể đến sự xích mích hồi năm 2017, khi ông Mélenchon gởi tin nhắn cho bí thư lúc đó là Pierre Laurent, nói rằng "Các vị là cái chết và là con số không", khiến đảng cộng sản muốn chứng minh ngược lại.

Thỏa thuận nguyên tử Iran : Liệu có quá trễ ?

Nhìn sang Trung Đông, cuộc đàm phán giữa các đại cường với Tehran đã được tái lập từ ngày 29/11 tại Vienna. La Croixđặt câu hỏi "Liệu đã quá trễ cho một thỏa thuận nguyên tử với Iran ?".

Nhà nghiên cứu Héloïse Fayet của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng đã quá muộn để quay lại với hiệp ước năm 2015, giới hạn làm giàu uranium ở mức 3,67%. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), Tehran đã tăng trữ lượng uranium làm giàu lên 60%, rút ngắn thời gian cần thiết để sản xuất số lượng uranium đủ cho một quả bom nguyên tử, từ một năm chỉ còn một đến sáu tháng ; và sau đó chỉ cần hai năm nữa để chế tạo. Iran còn ngăn trở các thanh tra AIEA, đồng thời phát triển các máy ly tâm mới.

Trong trường hợp bị bế tắc, hồ sơ Iran sẽ được gởi đến Hội đồng các nhà quản trị AIEA và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tại đây, mọi dự thảo nghị quyết nhằm tái áp đặt trừng phạt có nguy cơ bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Về phía Israel có thể lại tấn công tin học vào các cơ sở hạt nhân Iran. Tuy vậy, theo chuyên gia Fayet, vẫn phải tiếp tục đàm phán, nếu không về lâu về dài các nước khác như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể theo chân Iran.

Đối với chuyên gia Clément Therme, Viện nghiên cứu quốc tế về Iran (Rasanah), chế độ Tehran muốn thương lượng đồng thời gia tăng năng lực nguyên tử nhằm đặt mình vào trung tâm trò chơi ngoại giao, chứng tỏ chính phủ của tân tổng thống cực kỳ bảo thủ Ebrahim Raïssi có thể xử lý các hồ sơ quan trọng như người tiền nhiệm ôn hòa. Nhưng ngày nay, các yêu cầu quá đáng của Tehran khó thể được chấp nhận. Và đối với xã hội dân sự cũng như đa số người dân Iran, chế độ thần quyền thường xuyên tạo ra khủng hoảng với bên ngoài để che giấu sự bất tài trong việc quản lý đất nước.

Thụy My

Published in Quốc tế