Biển Đông : Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson thao dượt cùng với Hải Quân Nhật (RFI, 13/03/2018)
Theo thông báo của hải quân Mỹ ngày 13/03/2018, được tờ báo Nhật The Japan Times trích dẫn, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson vừa bắt đầu các cuộc thao dượt chung với các chiến hạm của hải quân Nhật Bản ở Biển Đông, trong đó có một trong những chiếc lớn nhất của hạm đội Nhật, chiếc khu trục hạm Ise, chở theo 3 trực thăng.
Ảnh minh họa : Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson (CVN 70) trên đường đi qua vùng Biển Hoa Đông ngày 09/03/2017 cùng với khu trục hạm Nhật JS Samidare (DD 106). AFP/US Navy/MC2 Sean M. Castellano
Hải quân Mỹ thông báo là cuộc thao dượt chung này là nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa hải quân của hai nước đồng minh lâu đời này. Cuộc diễn tập đã bắt đầu từ hôm Chủ nhật, khi chiếc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và chiếc khu trục hạm USS Wayne E. Meyer đi ngang qua vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hai chiến hạm này sẽ ở cùng một nơi trong thời gian thao dượt chung với hải quân Nhật, theo lời của phát ngôn viên cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson. Phát ngôn viên này cho biết là thời gian của cuộc diễn tập sẽ được thông báo sau, nhưng chắc chắn là sẽ kéo dài nhiều ngày.
Hải quân Nhật và hàng không mẫu hạm Carl Vinson đã từng thao dượt chung tại vùng tây Thái Bình Dương vào tháng 4 vừa qua và ở vùng Biển Hoa Đông tháng 3.
Cụm tàu sân bay Carl Vinson mở cuộc thao dượt chung với hải quân Nhật Bản ngay sau khi vừa kết thúc chuyến viếng thăm lịch sử tại Đà Nẵng, Việt Nam vào ngày 09/03. Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ghé thăm một cảng của Việt Nam.
Thanh Phương
**********************
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson diễn tập cùng chiến hạm Nhật Bản trên Biển Đông (RFA, 13/03/2018)
Nhóm tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đã bắt đầu diễn tập chung trên Biển Đông cùng với Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản (MSDF). Hải quân Mỹ công bố tin vừa nêu hôm 13 tháng 3 năm 2018.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018 - AFP
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer diễn tập phối hợp với tàu khu trục chở trực thăng Ise của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa hai đồng minh lâu năm này.
Trước đó, Hải quân Mỹ cũng cho biết, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ thường lệ tại Tây Thái Bình Dương.
Được biết, cuộc diễn tập song phương bắt đầu từ ngày 11 tháng 3 khi nhóm tàu của hai nước đi qua khu vực Biển Đông. Japan Times dẫn lời Thiếu tá Hải quân Tim Hawkins, người phát ngôn của nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson cho hay, điều này không có nghĩa hải quân hai nước sẽ diễn tập tại cùng một khu vực.
Ông Tim Hawkins cũng cho biết sẽ không thảo luận chi tiết hải hành của các tàu vì lý do an ninh.
Người phát ngôn của nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson nhấn mạnh mà chúng tôi xin được trích nguyên văn : "Hợp tác với các đối tác hàng hải ở ngoài khơi là cách chúng ta duy trì an ninh, thịnh vượng và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua. Hồi năm ngoái, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cũng đã diễn tập với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, và năm nay chúng tôi lại tiếp tục việc này".
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vừa hoàn thành chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ quay trở lại Việt Nam kể từ khi cuộc chiến kết thúc.
************************
Tàu sân bay Carl Vinson tập trận với hải quân Nhật trên Biển Đông (VOA, 14/03/2018)
Nhóm tàu tấn công do tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson dẫn đầu đã tiến hành các cuộc tập trận song phương với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản (MSDF) trên Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson
Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu Carl Vinson và tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đang tiến hành các hoạt động kết hợp với tàu khu trục trực thăng Ise của Nhật, tham gia một phần của các cuộc tập trận chung nhằm mục đích tăng cường khả năng tương tác hàng hải giữa hai đồng minh lâu đời.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu Vinson đang tuần tra định kỳ ở khu vực Tây Thái Bình Dương và tiến hành tập trận hôm Chủ nhật 11/3 trên khu vực Biển Đông.
Ông Tim Hawkins, người phát ngôn của nhóm tàu tấn công Vinson, nói với tờ The Japan Times rằng điều này không có nghĩa là hai lực lượng hải quân sẽ ở cùng một vị trí trong suốt thời gian tập trận.
Ông Hawkins cho biết thời gian chính xác của cuộc tập trận sẽ được công bố sau, nhưng nói thêm rằng "cuộc tập trận sẽ kéo dài hơn vài ngày".
Hải quân Hoa Kỳ nói rằng, trong khuôn khổ các cuộc tập trận, bốn nhân viên liên lạc của MSDF đã sang tàu sân bay Vinson để hỗ trợ các hoạt động tập trận kết hợp. Các hoạt động sẽ bao gồm đào tạo vận hành thủy lực, kỹ thuật chống tàu ngầm, phòng không, và tàu khu trục Nhật Ise cũng sẽ tiến hành tiếp liệu trên biển với tàu sân bay Vinson.
Ông Hawkins nói : "Việc hợp tác với các đối tác hàng hải trong các vùng biển mở rộng đã giúp chúng ta duy trì an ninh, thịnh vượng và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua".
Tàu MSDF và tàu Vinson đã tiến hành tập trận chung vào tháng Tư năm ngoái ở tây Thái Bình Dương và hồi tháng 3 năm nay ở Biển Đông.
****************
Pháp tăng cường hiện diện trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (RFI, 13/03/2018)
Trong vòng không đầy một tuần lễ, Paris tung ra liên tiếp hai tín hiệu mạnh nhằm khẳng định vai trò của mình tại cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hiện đang được gộp lại trong khái niệm chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hầu hết các nhà quan sát đều ghi nhận là Paris đang khẳng định vai trò cường quốc hải quân của mình vào lúc Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire (F734) trên đường vào cảng Manila (Philippines) ngày 12/03/2018. Reuters/Romeo Ranoco
Tại New Delhi hôm 10/03/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký với thủ tướng Ấn Narendra Modi một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ Hải Quân của nhau cho đối tác. Sau đó hai ngày, một chiến hạm Pháp ghé cảng Manila ở Phillipines, một nước ven Biển Đông, trong một chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ một thỏa thuận quốc phòng mới giữa hai nước.
Củng cố thành tố Đông Nam Á trong chiến lược Châu Á
Chuyến ghé cảng Philippines ngày 12/03 của hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire đã không thoát khỏi sự chú ý của báo The Diplomat. Trong một bài phân tích ngay trong ngày, tác giả Prashanth Parameswaran đã cho rằng "chuyến thăm thiện chí lại cho phép Pháp củng cố thêm thành tố Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình".
Đối với The Diplomat, nằm trong một chuỗi hoạt động mới đây với nhiều nước Châu Á khác, chuyến ghé cảng Philippines của chiến hạm Pháp đã nêu bật quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa Pháp và Philippines, cũng như vai trò của Pháp trong tư cách một cường quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhận định của tờ báo rất rõ : Pháp hoàn toàn không phải là một tác nhân mới trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và ảnh hưởng của Pháp được thấy rõ từ lâu trong các lãnh vực khác nhau, từ di sản thời thuộc địa, chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại, cho đến các thương vụ bán vũ khí, hay cùng với một số cường quốc khác, đóng góp vào việc bảo tồn trật tự dựa trên luật pháp. Tuy nhiên, với việc khái niệm "Ấn Độ-Thái Bình Dương" nổi lên trong những tháng gần đây, những bước tiến của Pháp vào khu vực đã được chú ý nhiều hơn.
Nếu trong tuần qua, nổi bật nhất là chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng một khía cạnh quan trọng khác của vai trò của Pháp tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là nỗ lực của Paris tiếp tục mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, từ Việt Nam đến Philippines, không kể tới Malaysia. Trước khi ghé Philippines, hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire chẳng hạn, đã ghé Brunei.
Quan hệ Pháp-Philippines tiến sâu vào lãnh vực quốc phòng
Riêng về quan hệ Pháp-Philippines, The Diplomat nhắc lại rằng cả hai nước đều đã có quan hệ lâu đời, và đang tiến sâu vào lĩnh vực quốc phòng trong những năm gần đây.
Đáng ghi nhận hơn cả là thỏa thuận quốc phòng mới, được ký kết tháng 5 năm 2016, sau nhiều năm đàm phán, quy định một khuôn khổ tổng thể để phát triển quan hệ an ninh, trong đó không chỉ có các chuyến thăm và đối thoại, mà còn có đào tạo, xây dựng năng lực, và hợp tác về thiết bị quốc phòng, hậu cần và vũ khí.
Mới đây, một phái đoàn cấp cao của bộ Quốc Phòng Pháp đã đến Manila tham gia cuộc họp của ủy ban hợp tác Pháp-Philippines đầu tiên. Dù phía Pháp không tiết lộ gì cụ thể, nhưng chống khủng bố và an ninh hàng hải là ưu tiên mà hai bên đặt ra trước đây.
Nhân chuyến ghé cảng Manila của chiến hạm Le Vendémiaire, tân đại sứ Pháp tại Philippines Nicolas Galey không ngần ngại coi đó là một phần nỗ lực của Pháp nhằm "đảm nhận đầy đủ vai trò cường quốc Thái Bình Dương" của mình, cũng như thực hiện "cam kết quân sự đối với an ninh khu vực Đông Nam Á".
Mặc dù đại sứ Galey đã không đi sâu vào chi tiết của những gì đã được Paris và Manila đồng ý, và cố gắng tránh đề cập trực tiếp về Biển Đông, nhưng ông lưu ý rằng các "lĩnh vực hợp tác mới rất, rất quan trọng đối với cả hai nước".
Đối với The Diplomat, quan hệ quốc phòng Pháp-Philippines vẫn còn sơ khai, và Pháp cũng chỉ là một trong số nhiều đối tác mà Manila đang mở rộng quan hệ quốc phòng. Thế nhưng, những sự kiện như chuyến thăm Manila của chiếc Vendémiaire cũng rất có ý nghĩa trong toàn cảnh chiến lược Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Kết với New Delhi để mở rộng phạm vi hoạt động ở Ấn Độ Dương
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp được thấy rõ nhất qua sự kiện Pháp và Ấn Độ, hôm 10/03/2018 vừa qua, đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự ở vùng Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng là một cường quốc khu vực.
Theo thỏa thuận được chính thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký kết, Hải Quân Ấn Độ và Pháp từ nay được quyền tiếp cận và sử dụng các căn cứ của cả hai bên ở Ấn Độ Dương. Đối với Ấn Độ, đó là một lợi thế rất lớn vì Pháp có đến ba căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương.
Thỏa thuận Pháp-Ấn dĩ nhiên là một vấn đề song phương. Thế nhưng, giới quan sát đều thấy bóng dáng Trung Quốc trong thỏa thuận này.
Hoạt động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương gây quan ngại
Theo đài truyền hình Pháp France24, trong một bài công bố hôm 10/03, tham vọng biển đảo của Trung Quốc tại Biển Đông đã từng khiến thế giới lo ngại, nay nỗi quan ngại lại tăng thêm với các động thái của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn - trải dài từ Kênh Đào Suez đến eo biển Malacca.
Hai ông Modi và Macron đặc biệt lo lắng trước việc Trung Quốc tăng cường và mở rộng sự hiện diện quân sự tại một căn cứ hải quân ở Djibouti, môt tiểu quốc vùng Đông Phi có vị trí chiến lược.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang xây dựng mạng lưới thương mại - cái gọi là Một Vành Đai, Một Con Đường - kết nối nhiều quốc gia Châu Á và Châu Phi nằm trên Ấn Độ Dương.
Ấn Độ, nước ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng cảng Gwadar ở Pakistan, giành được hợp đồng sử dụng cảng Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm, và mua một số hòn đảo nhỏ ở Maldives. Đối với giới chuyên gia Ấn Độ, Bắc Kinh đã cài "âm binh" vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua các công ty Trung Quốc, vốn đã vung tiền đầu tư vào các tài sản khác nhau, từ sân bay cho đến thị trường chứng khoán Bangladesh.
Theo chuyên gia Abhijit Singh, thuộc trung tâm tham vấn Observer Research Foundation tại New Delhi thì các công ty nói trên "chủ yếu hoạt động theo yêu cầu của nhà nước Trung Quốc và tất cả các khoản đầu tư của họ thực ra không phải là đầu tư thương mại mà là đầu tư chiến lược, nhằm phục vụ mục tiêu địa chính trị". Chính phủ của thủ tướng Modi đã từng bày tỏ thái độ giận dữ khi Sri Lanka cho một tàu ngầm Trung Quốc ghé cảng vào năm 2014…
Ấn Độ gần đây đã tăng cường tuần tra ở vùng eo biển Sunda ở Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư, đồng thời nâng cao năng lực giám sát biển quanh các đảo Andaman và Nicobar ngoài khơi Miến Điện, nơi tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc ngày căng tăng cường hoạt động.
Tương đồng lợi ích chiến lược Paris-New Delhi tại Ấn Độ Dương
Về phía Pháp, Paris cũng có những cơ sở ở Ấn Độ Dương, như vùng đảo Réunion, cũng như những lợi ích quan trọng ở Thái Bình Dương. Trả lời đài truyền hình Ấn Độ hôm 09/03, tổng thống Macron xác định : "Chúng tôi có một sức mạnh hàng hải mạnh mẽ, một lực lượng hải quân hùng hậu với tàu ngầm hạt nhân".
Theo ông Macron, Pháp rất tích cực trong khu vực Ấn Độ Dương để bảo vệ an ninh tập thể và "Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng để bảo vệ ổn định trong toàn khu vực".
Nhìn chung, thỏa thuận đồng sử dụng căn cứ hải quân Ấn Pháp có lợi cho cả hai bên. Ấn Độ thì có thể mở rộng phạm vi tuần tra và kiểm soát của mình ra xa hơn, về tận phía Tây của Ấn Độ Dương, nơi tiếp giáp vùng Trung Đông và Đông Phi. Ngược lại, Pháp cũng có thể tận dụng các cơ sở hậu cần của Ấn Độ để đi xa hơn về phía Đông của Ấn Độ Dương. Hai bên có thể kiểm soát chặt chẽ hơn vùng Ấn Độ Dương, nơi qua lại của hàng hoá Âu-Á.
Dĩ nhiên là Trung Quốc đã phủ nhận mọi ý đồ chính trị tại vùng Ấn Độ Dương, nhất là ý đồ chống lại Ấn Độ. Một số chuyên gia Trung Quốc không ngần ngại cho rằng Ấn Độ đang sử dụng "hiểm họa Trung Quốc" làm cớ tăng cường sức mạnh quân sự của mình.
***************
Chiến hạm Pháp thăm Manila trong nỗ lực tăng cường hiện diện ở Biển Đông (RFI, 12/03/2018)
Sau các cuộc tập trận chung với Hải Quân Mỹ, Nhật và Trung Quốc ngoài khơi Hồng Kông, hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire hôm nay, 12/03/2018, đã ghé cảng Manila (Philippines) trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày. Chiếc Vendémiaire đã được phái đến công tác ba tháng trong vùng biển Châu Á với mục tiêu tăng cường vai trò của Pháp trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên 90% diện tích, bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp.
Hải quân Philippines đón tiếp chiến hạm Pháp Vendémiaire tại cảng Manila ngày 12/03/2018. Romeo Ranoco / Reuters
Theo Marianne Dardard, thông tín viên RFI tại Manila, sự kiện chiến hạm Pháp ghé cảng Philippines nằm trong nỗ lực của Paris nhằm khẳng định sức mạnh hải quân của Pháp ở Thái Bình Dương :
"Về phía Pháp, chuyến thăm Manila lần này của chiếc Vendémiaire là biểu tượng cho tiến trình xích lại gần Philippines hơn, sau khi diễn ra cuộc họp đầu tiên của ủy ban hợp tác quốc phòng hỗn hợp Pháp-Philippines.
Là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai trên thế giới, Pháp là nước Châu Âu duy nhất có sự hiện diện thường trực ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Nicolas Galey, đại sứ Pháp tại Philippines, giải thích : "Pháp hiện triển khai thường trực 8.000 quân nhân trong khu vực, với trách nhiệm bảo vệ và duy trì an ninh trên các vùng lãnh thổ Pháp, kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của Pháp, đồng thời đóng góp cho an ninh toàn cầu, yêu cầu tôn trọng quyền tự do hàng hải và bảo vệ môi trường".
Vào lúc có vẻ như không có gì ngăn cản được sức mạnh của Trung Quốc trên vùng biển khu vực, trong những tháng gần đây nhiều chiến hạm Mỹ và Nhật Bản nối tiếp nhau ghé cảng Manila. Đây là một cách để phô trương uy lực trước Bắc Kinh.
Đối với chuẩn đô đốc Denis Bertrand, tư lệnh lực lượng võ trang Pháp ở Thái Bình Dương, "các chuyến hải hành của chiến hạm Le Vendémiaire trong các vùng biển bao quanh Trung Quốc góp phần khẳng định sự gắn bó của Pháp với nguyên tắc tự do hàng hải vốn mang tính phổ quát". Theo ông Bertrand, hoạt động của Pháp không hề mang tính khiêu khích và không nhắm cụ thể vào một nước nào.
Phía Pháp luôn thận trọng, tránh nêu đích danh Trung Quốc".
Hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire không xa lạ gì với người Việt Nam. tháng 11 năm 2015, chiến hạm này đã từng cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài một tuần lễ.
Trọng Nghĩa
**********************
Mỹ cung cấp cho Philippines hệ thống do thám không người lái đầu tiên (RFA, 13/03/2018)
Mỹ cung cấp cho Philippines một hệ thống thiết bị không người lái trị giá 13,2 triệu đô la Mỹ nhằm do thám các lực lượng nổi dậy Hồi giáo.
Thiết bị do thám không người lái ScanEagle trên bệ phóng trong lễ bàn giao từ Mỹ sang Philippines, 13/3/2018. AFP
Đại sứ Mỹ tại Manila, ông Sung Kim, nói với báo chí rằng thiết bị có tên ScanEagle sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng của quân đội Phi do thám các hoạt động của lực lượng khủng bố.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delffin Lorenzana, cho biết thiết bị không người lái có gắn camera có khả năng bay liên tục trong 24 giờ sẽ giúp ích cho các cuộc hành quân của quân đội chống quân nổi dậy ở miền Nam nước này.
Phi đã hủy bỏ việc cung cấp thiết bị do thám không người lái từ Canada vì nước này chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi trong chiến dịch chống ma túy của ông.
Việc cung cấp thiết bị này cho quân đội Phi chứng tỏ quan hệ Mỹ- Phi nồng ấm trở lại dưới thời Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ, người ca ngợi Tổng thống Rodrigo Duterte vì đã tiến hành cuộc chiến chống ma túy.