Một ngày sau khi tạm đóng danh khoản của tổng thống Donald Trump trong 12 tiếng, Twitter đã ra thông báo chính thức đóng vĩnh viễn danh khoản này vì đã tiếp tục tái phạm các quy định và chính sách sử dụng của Twitter sau khi được phép hoạt động lại. Twitter viện dẫn lý do là các tin nhắn ẩn chứa "nguy cơ tiếp tục xách động bạo lực" (risk of further incitement of violence) và "những tái phạm nghiêm trọng" (repeated and severe violations).
Twitter đã ra thông báo chính thức đóng vĩnh viễn danh khoản của Tổng thống Donald Trump vì đã tiếp tục tái phạm các quy định và chính sách sử dụng của Twitter sau khi được phép hoạt động lại.
Việc làm này đã gặp phải sự phản đối của những người ủng hộ tổng thống và riêng với một số người Việt, những người bị lẫn lộn về khái niệm "tự do ngôn luận" khi chỉ trích hành động của Twitter.
Như bất cứ người sử dụng nào khác, Donald Trump là một người sử dụng dịch vụ thông thường như hàng trăm triệu thành viên của Twitter trên khắp thế giới. Trên thực tế, danh khoản cá nhân @realDonaldTrump đã được mở ra khi Donald Trump là một công dân thường. Nó hoạt động cho đến khi ông trở thành tổng thống nhưng điều này cũng không mang lại cho ông ta những đặc quyền nào khác trong tư cách người sử dụng cần tuân thủ theo các điều luật và chính sách của Twitter.
Là một hãng tư nhân, mối quan hệ giữa Twitter và người sử dụng là mối quan hệ dân sự và tự nguyện, không liên quan đến quyền tự do ngôn luận được tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ đề ra, mang mục đích bảo vệ các quyền tự do tôn giáo, báo chí, tụ tập cùng quyền tự do ngôn luận nói riêng của người dân mà không bị chính phủ cấm cản hay đàn áp. Twitter, Facebook hay các mạng xã hội khác không có thẩm quyền và khả năng trên, mà đơn giản chỉ ngưng cung cấp dịch vụ nếu người sử dụng vi phạm đến các tiêu chuẩn cộng đồng chung đã được đề ra và được người sử dụng tự nguyện đồng ý khi tham gia.
Trên trang mạng của mình, Twitter đã mở đầu một danh sách chi tiết về các quy định và chính sách của mình bằng câu, "Mục đích của Twitter là phục vụ cuộc đàm luận đại chúng. Bạo lực, sách nhiễu và các hành vi tương tự khác sẽ ngăn cản sự diễn đạt của người khác và làm giảm giá trị cuộc đàm luận đại chúng toàn cầu. Các quy tắc của chúng tôi nhằm bảo đảm tất cả mọi người có thể tham gia vào cuộc đàm luận đại chúng này một cách tự do và an toàn" (theo Twitter Rules and Policies).
Người sử dụng có thể có những định nghĩa và cách hiểu của riêng mình và họ cũng hoàn toàn tự do để chọn lựa việc tìm kiếm các phương tiện xã hội khác để bày tỏ ý kiến của mình, nếu không đồng ý với Twitter. Đó là lý do không thể bảo Twitter đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận của tổng thống Donald Trump hay của chính mình.
Khái niệm tự do ngôn luận được nhắc nhiều nhưng lại thường được diễn dịch hay hiểu thiếu chính xác như đã trình bày bên trên. Thậm chí một số người ủng hộ tổng thống Donald Trump và được xem là hoạt động trong phong trào dân chủ quốc nội, bao gồm một vài luật sư, nhà báo đã từng có dăm bài viết về dân chủ, cũng đã hiểu sai như vậy khi bày tỏ sự thất vọng hay chỉ trích nặng nề hành động của Twitter cùng những người ủng hộ Twitter.
Đây là một quyết định can đảm và không dễ dàng của Twitter, đặc biệt với Donald Trump, là tổng thống đương nhiệm và quyền lực của Hoa Kỳ với hơn 88 triệu người theo, con số cho đến khi bị đóng vào cuối tuần qua. Donald Trump đã nhiều lần hăm dọa Twitter cũng như đòi đóng cửa Twitter hồi tháng Năm năm trước, khi Twitter lần đầu tiên gắn nhãn cảnh báo thông tin sai trái mà ông đã gởi ra. Đó mới chính là manh nha tấn công vào quyền tự do ngôn luận mà Donald Trump đã muốn làm nhưng không thể. Nhưng những áp lực như vậy cũng chẳng khuất phục được Twitter. Cổ phiếu của Twitter đã sụt giảm khoảng 4% sau khi tin đóng danh khoản của Donald Trump được công bố, vì người đầu tư e ngại nó sẽ ảnh hưởng đến số người sử dụng cùng quảng cáo. Đó là điều Twitter có thể đã tiên liệu nhưng vẫn quyết định thực hiện.
Logo tối giản của Twitter về chú chim xanh vươn cổ hót, không chỉ là tiếng chim hót theo ý nghĩa ngôn ngữ của từ "twitter" mà còn hàm chứa giấc mơ tự do, sự vượt thoát và khả năng vô hạn của mỗi cá nhân và của chính Twitter. Việc làm của Twitter đã một lần nữa chứng tỏ những giá trị Mỹ rằng, bất chấp những rủi ro khi đối đầu với quyền lực hay thiệt hại quyền lợi cá nhân, người dân Mỹ luôn sẳn sàng lên tiếng bảo vệ những giá trị mà họ tin tưởng.
Đó là bài học về dân chủ và tự do thật sự mà những ai yêu mến và tranh đấu cho nó cần nhìn đến và học hỏi.
Nhã Duy
(09/01/2021)
Mạng xã hội Twitter đã có thái độ quyết liệt đối với các hành vi loan tin thất thiệt, đặc biệt là của các định chế Nhà nước Trung Quốc. Trong một thông cáo vừa được công bố hôm nay 12/06/2020, mạng xã hội trụ sở tại California (Hoa Kỳ) loan báo quyết định đóng 23.750 tài khoản "gắn với Nhà nước Trung Quốc", cùng với khoảng 150.000 tài khoản khác bị xem là công cụ "khuếch tán" các thông tin thất thiệt hay mang tính chất tuyên truyền Bắc Kinh.
Twitter cho biết mạng lưới tài khoản của Trung Quốc đang đẩy mạnh những lời tường thuật của chế độ Bắc Kinh về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, đại dịch Covid-19 và chỉ trích Đài Loan. AFP/File
Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, đại bộ phận các tài khoản bị xóa đều nằm tại Trung Quốc, nơi mà Twitter bị chế độ Bắc Kinh kiểm duyệt :
"Giới quan sát thời sự Trung Quốc và một phần các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông có lẽ đã mất đi vài người theo dõi (followers) ngày thứ Sáu này. Theo ban giám đốc Twitter trong một thông cáo thì các tài khoản bị đình chỉ "chủ yếu dùng tiếng Hoa và phát đi các bài địa chính trị thuận lợi cho đảng Cộng Sản Trung Quốc, đồng thời tiếp tục phát tán những thông tin sai lệch về động cơ chính trị ở Hồng Kông".
Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội Mỹ phản ứng trước các hành vi tuyên truyền của Trung Quốc. Tháng 08/2019, 936 tài khoản bị tố cáo là phao tin thất thiệt và "gieo rắc lộn xộn" ở Hồng Kông đã bị xóa bỏ.
Việc sử dụng Twitter trong các định chế và doanh nghiệp Nhà nước tại nền kinh tế thứ nhì thế giới đã gia tăng với dịch Covid-19. Mạng lưới vốn bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, đã cho phép chế độ vận động cộng đồng người Hoa về các vấn đề như sự đáp trả của chế độ trước dịch Covid-19 hay luật an ninh ở Hồng Kông.
Theo thông cáo của Twitter, mục tiêu của các tài khoản này là tô vẽ các quan điểm chính thức và đưa ra chia sẻ, cũng như là "tiến hành một loạt hoạt động thao túng và phối hợp".
23.750 tài khoản bị đóng mà Twitter đưa vào kho dữ liệu để nghiên cứu còn được cả một đạo quân hỗ trợ mà giới chuyên gia tin học gọi là "bot", gồm gần 150.000 tài khoản giả mạo, những loại robot sử dụng để khuếch tán các thông tin, và như báo New York Times đã tiết lộ vào đầu tuần, để viết lại lịch sử theo quan điểm của Bắc Kinh.
Quyết định của mạng xã hội đã làm dấy lên phản ứng hoan nghênh, đặc biệt là ở Hồng Kông vào hôm nay, nhưng cũng có những lời chỉ trích.
Một số người cho rằng các đối tác của Twitter trong chiến dịch "dọn dẹp" này, như trung tâm Stanford Internet Observatory (SIO) của Mỹ và Australian Strategic Policy Institute (ASPI) của Úc, không khách quan vì đã nhận tài trợ của Mỹ".
Ngoài Trung Quốc, Twitter cũng xóa bỏ 7.340 tài khoản của Thổ Nhĩ Kỳ và 1.152 tài khoản của Nga, cũng với lý do là họ dính líu đến các chiến dịch tuyên truyền hay loan tin thất thiệt.
Hãng cung cấp dịch vụ video online Zoom chiều ý Trung Quốc
Vào lúc Twitter thẳng tay đóng cửa các tài khoản tuyên truyền cho Trung Quốc, thì Zoom, một công ty Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ kết nối và hội họp qua video trực tuyến đã chiều theo ý của Bắc Kinh, khóa tài khoản của một nhóm các nhà đấu tranh Trung Quốc ở Mỹ, sau khi nhóm này tổ chức hội họp trên Zoom để tưởng niệm vụ đàn áp Thiên An Môn.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, hãng Zoom vào hôm qua, 11/06/2020 đã xác nhận việc họ đã ngăn chận 3 trong số 4 cuộc hội thảo qua mạng video của họ, có sự tham gia của một số người từ Trung Quốc, theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, đồng thời vô hiệu hóa các tài khoản đã tham gia vào các cuộc hội họp này.
Theo Zoom, đã có hai tài khoản ở Mỹ và 1 tài khoản ở Hồng Kông bị khóa. Hành động của Zoom nêu bật vấn đề một số tập đoàn Mỹ sẵn sàng chiều ý Bắc Kinh để kiểm duyệt những ai sử dụng phương tiện của các tập đoàn này, trong đó có hai đại gia Mỹ là Apple và Google.
Trọng Nghĩa
nTrời mùa đông ở Kent, Anh Quốc : Mặt Trời cố thoát khỏi mây và sương mù
Mùa đông Anh năm nay giá lạnh đặc biệt vì gió từ Bắc Cực mà có người đùa là gió Putin thổi về, khiến chim ít đến ăn hạt treo ngoài vườn nhà tôi ở Kent.
Nhưng từ cuối 2016 tôi hay dậy sớm, có khi từ 6 :30 khi trời còn tối thui vì tiếng hót lanh chanh của Đỗ Nam Trăm.
Mấy trang tin tôi đặt chế độ 'breaking news' trên iPhone cứ liên tục reo mỗi khi Tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ hót trên Twitter.
Nhưng ít khi nghe tiếng reo vui mà thường là tin giật mình.
Phải công nhận 'miệng kẻ sang có gang có thép' : chưa lên làm tổng thống mà các cú tweet của ông Donald Trump ở địa chỉ @realdonaldtrump có trên 19 triệu người theo, đã rung chuyển thế giới.
Ông Donald Trump sắp lên làm tổng thống Mỹ nhưng đã cãi vã với bao nhiều người
Thử điểm qua mấy nhát 'búa tạ' thời gian qua.
Về Trung Quốc và Đài Loan :
Qua hai đoạn tweet về cuộc gặp với bà Thái Anh Văn và câu hỏi vì sao Trung Quốc 'cứ kiếm lợi một chiều' từ thương mại với Hoa Kỳ, ông Trump đã xoáy vào ba điểm nóng và cũng là điểm yếu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đó là tỷ giá hối đoái đôla- nhân dân tệ ; là công trình xây cất của Trung Quốc ở Trường Sa và nguyên tắc 'bắt cả thế giới coi Đài Loan chỉ là một tỉnh'.
Có vẻ như tay chơi lão luyện Trump cứ chọc thử một nhát kim khi quả bóng 'strongman' của ông Tập được thổi lên căng phồng trước Đại hội Đảng 19 để xem sao.
Hậu quả thế nào thì có trời mà biết, và đó cũng là 'đúng chất' Đỗ Nam Trăm.
Về Nato và Nga :
Không rõ chiến lược sắp đặt lại thế giới theo thế 'hợp tung Nga Mỹ' để ngăn Trung Quốc có thật là chỉ mới là lời đồn đại, các cú tweet của ông Trump tỏ ra rất ưu ái ông Putin, khiến đồng minh Nato ở châu Âu lo lắng.
Lithuania, Ba Lan và cả Thụy Điển chuẩn bị động viên một lực lượng lớn dân quân tự vệ, phòng chiến tranh mạng và xâm nhập của Nga.
Lo nhất là Estonia. Nước này đã chuẩn bị chuyển hết máy chủ cho mạng Internet nội địa sang nước ngoài : di tản phòng khi mất nước ?
Về vũ khí nguyên tử :
Ngoài ra, còn thêm vài ba câu tweet của ông Trump về nước Nga, ông Putin và kho vũ khí hạt nhân, và chuyện Bắc Triều Tiên sẽ 'không có vũ khí nguyên tử'.
Đoạn nào cũng gây choáng.
Không chỉ có vậy, tweets của ông Trump còn chứng tỏ "chính trị là thống soái".
Về kinh tế :
Chỉ một câu của Tổng thống chưa cầm quyền từ Hoa Kỳ khiến các đại công ty Boeing, General Motors, Toyota mất tiền tỷ.
Đoạn nhắn trên Twitter của ông Trump nói Hoa Kỳ cần tăng cường kho vũ khí nguyên tử 'cho thế giới' biết điều hơn
Một trang báo tài chính ở Mỹ còn lập ra chương trình Trump Trigger nhằm "báo động" cho các doanh nghiệp mỗi khi tweet của ông Trump có thể làm rung động thị trường.
Chua cay mang tính cá nhân
Nhưng ngoài các tweet để 'set scene' - dàn cảnh - cho một nhiệm kỳ tổng thống phá lệ, đảo lộn trật tự thế giới lâu nay, dòng tweet Đỗ Nam Trăm còn bị phê là cay độc, cá nhân.
Ngay khi còn vận động tranh cử ông Trump đã làm nhiều người sững sờ vì các phát biểu phản cảm, hạ thấp phụ nữ, và chối tai.
Sau khi đã đắc cử ông không dừng lại ở đó mà tiếp tục cãi lộn hàng ngày trên Twitter.
Lời ông đáp trả nữ diễn viên Meryl Streep khi bà phê phán cách ông 'diễn kịch' về một người phóng viên tật, Steve Kovaleski khiến nhà văn Stephen King phải lên tiếng.
Câu tweet của Trump là 'trẻ con, thô lỗ và dễ hờn dỗi' (childish, churlish, petulant) cho thấy ông ta "về tâm lý không đủ tiêu chuẩn" để làm tổng thống, theo Stephen King.
Không biết ông Trump có biết dân gian Việt Nam từng bảo "Nói dài nói dai nói dại" ?
Để chuẩn bị lên cầm quyền, ông hẳn có nhu cầu nắn gân dư luận bạn thù bốn phương qua mạng xã hội.
Như kênh BBC4 tường thuật, ông Trump không nghĩ Twitter là trò chơi mà coi nó là thanh kiếm để 'trảm' đối thủ.
Cơn choáng trước dòng tweet của cũng cho thấy vai trò của Hoa Kỳ vẫn là 'number one' trên thế giới.
Nhưng tổng thống của đại cường hàng đầu thế giới mà suốt ngày cãi vã, đôi co, đả kích người này người kia trên mạng xã hội kiểu ăn miếng trả miếng thế thì quả là điều đáng lo ngại.
Có tờ báo hỏi ông định làm Tổng thống Hoa Kỳ hay chỉ làm Vua của Vương quốc Chim hót - Twitter Kingdom ?
Những việc lớn dễ bị gác sang một bên vì ông chỉ nhăm nhe đấu khẩu qua chuyện vặt.
Điều tra dư luận bên Mỹ của Quinnipiac University hơn một tuần trước ngày nhậm chức (20/01) nói ông Donald Trump chỉ còn được 37% người Mỹ ủng hộ.
Người sắp rời ghế, ông Barack Obama đạt 55%.
Nếu lên cầm quyền suôn sẻ Trump sẽ cầm quyền ra sao ?
Các dấu hiệu trước mắt không thật vui.
Tỷ phú Trump
Vụ bê bối với cáo buộc về chuyện ông sang Nga dính vào chuyện chơi bời đang làm rối loạn chính trường Mỹ và chưa dễ xuôi đi.
Rất cần chữ tín
Tôi nhớ hôm trước Giáng Sinh có anh bạn từ Newsroom của BBC than phiền : từ khi Trump 'làm ngoại giao' bằng Twitter, các phóng viên có nguy cơ thất nghiệp.
Bởi khi nguồn tin cũng thành máy phát tin luôn thì thử hỏi ai cần TV, đài báo làm gì nữa ?
Tôi thì lại không quá lo ngại.
Xét cho cùng thì nghề báo, nghề bán rau hay nghề làm tổng thống cũng phải giữ chữ tín mới lâu dài.
Đằng này, ông rất tuỳ hứng và dễ giận giữ.
Mới hôm trước ông nói ông là bạn của ngành tình báo Mỹ, hôm sao lại coi họ là kẻ thù tạo 'tin đểu' để hại ông.
Chưa kể, ông Trump có vẻ bất nhất khi nói về thái độ "phục vụ khách hàng" ở nước ngoài.
Ông hỏi vì sao nước Mỹ bán hàng tỷ vũ khí cho Đài Bắc mà không lại không có quyền nói chuyện với bà Thái Anh Văn, Tổng thống của nước mua hàng.
Nhưng nếu ông cũng coi dư luận là "thượng đế" và thân ái với công chúng hơn thì tôi dám chắc là 'Vương quốc Twitter' của ông sẽ là chốn yên lành.
Và thế giới này vốn đã rất mỏng manh từ một năm qua cũng yên tâm hơn về nước Mỹ những năm tháng tới.
Bài đã được đăng trên trang Facebook cá nhân